CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 16/07/2021 19:34
Chúa nhật thứ 16 thường niên mời mỗi người biện phân lại niềm tin của bản thân, bởi có những lúc chúng ta bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt, chúng ta lạc lối mà cứ nghĩ tưởng là nẻo chính đường ngay.
V 2018 CN16TN DiscipleRept Mc6 30 34 subpict
V 2018 CN16TN DiscipleRept Mc6 30 34 subpict

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 6, 30-34)

 

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

 

Suy niệm

 

Để lên đường khám phá một nơi nào thú vị trong cuộc sống, người trong cuộc luôn tìm hiểu về điểm đến và hành trình tới đó có những gì đặc biệt cần phải tránh, và chuẩn bị những phương tiện gì thích hợp cho hành trình đó. Trong hành trình đức tin của người tín hữu Kito cũng có những khoảng khắc như thế, bởi đây là một hành trình về tinh thần, không có không gian và thời gian nhất định. Do đó, lạc lối hay sai đường sẽ là câu chuyện dễ hiểu và dễ tha thứ, để từ đây, có thể sửa lại những gì sai sót hiện tại và tiến về tương lai trong niềm vui và bình an. Chúa nhật thứ 16 thường niên mời mỗi người biện phân lại niềm tin của bản thân, bởi có những lúc chúng ta bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt, chúng ta lạc lối mà cứ nghĩ tưởng là nẻo chính đường ngay.

 

Cuộc đời của các tiên tri, những con người được chọn và được trao những sứ vụ đặc biệt, là một câu chuyện minh họa cho chúng ta về trách vụ được trao phó quan trọng thế nào. Các ngài được sai đi tới một cộng đoàn nhỏ hay lớn tùy theo giai đoạn lịch sử, để hướng dẫn họ đi vào hành trình Thiên Chúa mong muốn, cũng có những lúc cộng đoàn đi sai đường lạc lối, họ được gởi tới để dẫn dắt cộng đoàn trở lại với nẻo chính đường ngay, vì thế, vai trò của người dẫn đường vô cùng quan trọng. Trước lúc sai họ đi, Thiên Chúa đã nói với các tiên tri như sau: “Chúa phán: "Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: "Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta". Chúa lại phán: "Vậy Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số”. Đây là một hành trình tìm về cội nguồn của con người, tìm về ngôi nhà hạnh phúc là Nước Trời chứ không phải là một chuyến thám hiểm, hay một cuộc săn tìm tài nguyên, do đó, người dẫn đường cần có nhiều kinh nghiệm từ bản thân, người chứng nhân cần có thái độ trung thành và sự năng động trong từng biến cố, từng hoàn cảnh cuộc đời của mình và cộng đoàn.

 

Sống trong một thế giới đầy biến động, đặc biệt là cuộc chay đua về vật chất và chủ nghĩa thực dụng, con người trở thành một cỗ máy và cũng có những lúc là công cụ của xã hội, do đó, giá trị con người bị đảo lộn, mọi sinh hoạt tinh thần nhường chỗ cho lễ hội và sự tôn vinh vật chất. Một lúc nào đó, con người mất định hướng cho cuộc đời, mất sự biện phân phải trái và lành dữ trong mọi va vấp của cuộc đời. Sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế như một vì sao sáng, đưa con người ra khỏi vòng luẩn quẩn đó, giúp họ nhận ra nhau là anh chị em của mình, có một mái nhà chung, có một người Cha nhân lành là Thiên Chúa tình yêu. Đó là tâm tình thánh Phaolo đã chia sẻ với cộng đoàn Ê-phê-sô trong bài đọc 2 chúng ta cùng nghe: “Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa”. Ngài còn dạy dỗ con người nhiều điều cần thiết để đưa con người trở lại với vị thế ban đầu của một tạo vật, mang họa ảnh của Thiên Chúa tình yêu.

 

Chuyến thực tập truyền giáo đầu tiên của các Tông đồ xem ra có nhiều niềm vui, bởi sứ mạng của Đức Giesu trao cho họ là nhắc nhở mọi người sám hối, là trở về. Sám hối và trở về có nghĩa là họ đang ở trong tình trạng lầm lạc, trong tình trạng bế tắc hoặc không có định hướng. Bởi thế, khi các Tông đồ lên tiếng, họ tìm đến với các ông để phản tỉnh lại cuộc đời của họ, tìm ra một con đường rất riêng cho mình. Xa hơn một chút, chuyến đi này đã cho một cái nhìn mới về quan niệm sống của con người hiện tại, họ đang thiếu một người dẫn đường đúng nghĩa, họ chưa được khai trí để thấy điểm đến cuộc đời như thế nào: “Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống”. Vì thế, họ bơ vơ giữa dòng đời, lạc lỏng giữa thế giới ồn ào. Đức Giesu đã giúp họ tìm thấy niềm vui ở cuối đường hầm cuộc đời như thế nào: “Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều”. Một giáo lý mới, một phương pháp mới đã giúp cộng đoàn nhận ra nhiều điều trong cuộc sống. ngay cả niềm tin của mình chắc còn nhiều điều phải cân bằng lại và hoàn thiện mỗi ngày, hình ảnh Thiên Chúa trong niềm tin chắc còn thiếu những mảnh sáng của tình thương, chỉ tô đậm những gam màu u ám của nghiêm phạt và ghen tuông. Đức Giesu đã khai sáng cho họ về niềm tin và hình ảnh Thiên Chúa. Từ nay, họ mới thực sự là con người chính danh.

 

Người Do thái ngày xưa luôn tự hào là dân riêng của Thiên Chúa, có lề luật dẫn đường cho họ, giúp họ gặp gỡ Thiên Chúa và sống trách vụ vẹn toàn mỗi ngày. Thế nhưng, niềm tin đó có thực sự sống động và năng động trong từng hoàn cảnh sống của mỗi cá nhân và của lịch sử dân tộc không, đó mới là điều đáng quan tâm. Đức Giesu chạnh lòng thương vì thấy họ bơ vơ như đoàn chiên không người chăn dắt là thế. Và con người hôm nay, họ tự hào về những thành tựu của khoa học và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống, do đó, họ luôn mặc định niềm tin của mình luôn năng động và phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. quan niệm là thế, nhưng hiện tại không là vậy, bởi những giá trị của Tin mừng khác hoàn toàn với những giá trị của thế gian. Chính sự khác biệt đó, tạo ra những hình thức sống đạo theo bề ngoài, theo nghi lễ và nghi thức, chứ chưa thực sự có chiều sâu nội tâm và chưa có khát vọng sâu xa đến từ trái tim. Tất cả những yếu tố đó tạo nên một đời sống đức tin ảo, thiếu sự quan sát dành cho các bảng chỉ đường trong hành trình đức tin. Đức Giesu quan ngại cho niềm tin mù quáng và thiếu định hướng đó, Ngài thấy họ bơ vơ giữa biển đời, nên Ngài đã dạy dỗ họ nhiều điều.

 

Trong đời sống của mỗi ơn gọi, nhiều lúc người tín hữu Kito cho rằng bản thân đã hoàn thiện ơn gọi của mình bằng những công trạng này kia, hay bằng những việc làm mà giá trị ngược lại với giá trị tin mừng. Có những lúc, người tín hữu trong các ơn gọi đó đang vô tình đi ngược lại với những giá trị thiêng liêng đến từ các linh đạo của ơn gọi, nhưng họ vô ý không biết. Đức Giesu đã dùng nhiều phương cách để khai sáng cho con người. Từ ánh sáng Lời Chúa, đến những giáo huấn của Giáo hội, từ những chuyển biến của thời cuộc đến những tang thương của dịch bệnh, con người có đọc được ngôn ngữ của Thiên Chúa muốn nói với họ là gì, để thay đổi quan niệm sống, thay đổi cách sống đạo và thay đổi luôn hệ ý thức tôn giáo của mình. Đó là một cuộc cách mạng tâm linh, một cuộc hoán đổi nội tâm, tất cả đến từ sự cố gắng của con người cộng với ơn Chúa đủ cho mỗi người, mỗi ơn gọi và mỗi hoàn cảnh. Con người sẽ cộng tác để đổi thay chính mình hay chấp nhận sống chung với hiện tại, đó là chọn lựa của con người, phần Thiên Chúa, đấng là cội nguồn của tình yêu, luôn tìm mọi phương thế để giúp con người phát triển những giá trị nhân linh nơi họ, và cũng đang giúp họ từng ngày hoàn thiện bậc sống họ được mời, để mai sau được hưởng hạnh phúc trong Nước Trời.

 

Lạy Chúa Giesu, Chúa đã nhập thể làm người, cảm thông với những khiếm khuyết của con người, xin Chúa giúp chúng con biết định hướng cuộc đời và niềm tin của mình, để luôn được sống trong sự tự do của Thiên Chúa và của Tin mừng. Chúa đã dạy dỗ dân chúng ngày xưa nhiều điều về cuộc đời, về niềm tin, xin Chúa hãy dạy dỗ chúng con, sửa phạt khi chúng con sai phạm, để cuộc đời chúng con là một bài ca cảm tạ tình yêu Thiên Chúa. Xin Chúa dạy con biết mến yêu và phụng sự Chúa giữa cuộc đời, trong mỗi người. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây