CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 17/09/2021 19:50
Phụng vụ Chúa nhật 25 thường niên, đưa chúng ta tới một yếu tố khác xem ra nghịch lý với những xu thế trên, đó là hãy phục vụ để trở nên lớn hơn, hãy yêu thương hết mọi người để trở nên vĩ đại hơn.
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 9, 29-36)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

 

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy".

 

Suy niệm

 

Để có thể tồn tại và phát triển toàn diện cuộc sống, con người phải trải qua nhiều bước thăng trầm, trong đó có những ngày tháng chiến đấu với bản thân, với thiên nhiên, với môi trường và với xã hội mà mình đang hiện hữu trong đó. Những cuộc chiến đó một phần giúp cho con người tồn tại, một phần giúp cho con người ngày càng vĩ đại hơn và sống đúng với con người hơn. Vì thế, chiến đấu chống lại cái ác, chống lại điều dữ luôn đòi hỏi mỗi người phải làm việc và làm việc nhiều hơn. Phụng vụ Chúa nhật 25 thường niên, đưa chúng ta tới một yếu tố khác xem ra nghịch lý với những xu thế trên, đó là hãy phục vụ để trở nên lớn hơn, hãy yêu thương hết mọi người để trở nên vĩ đại hơn. Đức Giesu đã hướng dẫn cho con người khi Ngài bước vào lịch sử của con người, Ngài muốn con người trong mỗi ngày sống, phải trở nên vĩ đại hơn và sống có ý nghĩa hơn, có mục đích hơn. Có được như thế, mỗi người mới hoàn thiện ơn gọi là môn đệ của Đức Giesu Kito, người đầy tớ đã hạ mình xuống, đã vâng lời cho đến chết và chấp nhận chết trên thập giá, tất cả để cứu độ con người.

 

Thiên Chúa hay có tên gọi khác là Tạo Hóa, Ngài là Đấng Chân – Thiện  - Mỹ , đấng sẽ dạy dỗ con cái sống sự thật, làm việc trong ý thức lành dữ và đối xử với nhau bằng tình yêu chứ không bằng những tính toán vụn vặt. Còn Sa-tan, thần dữ đầy tối tăm và mưu lược, nơi đó sẽ không bóng dáng của sự thiện và tình yêu. Vì thế, tác giả sách Khôn ngoan đã có những phút giây suy tư về con người, nếu họ thuộc về Thiên Chúa, Ngài sẽ che chở và bênh vực họ, sẽ giúp họ sống theo những giá trị của Thiên Chúa, còn ai không đón nhận Ngài ắt sẽ bị loại trừ, sẽ đi trong sự hận thù, ghen ghét và khổ đau: “(Những kẻ gian ác nói rằng:) "Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó”. Cùng đích cuộc đời của con người là tìm về với Thiên Chúa hay Satan, tất cả tùy thuộc vào chọn lựa của mỗi người. Cũng không thể khoác chiếc áo của con cái Thiên Chúa, để rồi sống theo những tính toán của con cái thế gian và Satan.

 

Con người mang trong mình lý trí và ý chí. Chính những yếu tố này giúp con người biện phân lành dữ, tốt xấu cũng như đâu là hạnh phúc, đâu là bình an. Nhưng con người lại tồn tại trong một xã hội, vì thế, trong mỗi con người có một cuộc chiến nội tâm, một sự giằng co từng ngày và trong từng công việc. Thánh Gia-cô-bê đã có kinh nghiệm đó và ngài đã khai sáng cho con cái Giáo hội, để họ biết mình là ai, cùng đích cuộc đời là đâu và mỗi khi đứng trước chọn lựa, cần phải làm gì: “Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ”. Nếu con người biết sử dụng lý trí và ý chí để có những chọn lựa đúng đắn và ý nghĩa, chính là lúc con người đặt mình vào chổ đứng của con cái Thiên Chúa, bởi khi con người có sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn, họ sẽ thực hiện những gì là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa: “sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.

 

Quyền lực và sức mạnh của nó luôn là yếu tố giúp con người trở nên vĩ đại hơn, nhiều uy quyền hơn. Chính những yếu tố đó giúp con người trong bất cứ thời đại nào, có thể sai khiến đồng loại, có thể điều khiển mọi thứ, thậm chí cả sự sống còn của đồng loại. Hiểu được sức mạnh của quyền lực, con người tìm đủ mọi cách để sở hữu dù đó là lĩnh vực nào của xã hội. mang ý tưởng sở hữu quyền lực, nên bao cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, dân lành chết oan uổng, bệnh tật hoành  hành khắp nơi, tất cả chỉ vì quyền lực, vì địa vị trong xã hội của một con người. Đức Giesu hiểu được điều đó trong mỗi người môn đệ, mỗi người học trò của mình, vì thế, khi họ tranh luận về quyền lực, địa vị giữa anh em với nhau, Ngài đã lên tiếng: “Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". trong suy nghĩ của các môn đệ, Thầy mình là Con Thiên Chúa, có trong tay đầy quyền năng, sức mạnh và biết bao điều lạ lùng khác. Cách suy nghĩ đó vô tình đưa Thầy vào chổ đứng cao nhất trong thế gian. Thầy chúng ta là người có quyền lực, có địa vị, có sức mạnh vô song. Chúng ta là học trò, ắt sẽ được Thầy đặt để vào những chiếc ghế quyền lực khác ngồi quanh Thầy. Quả là những suy nghĩ rất con người, rất đời thường và rất khác suy nghĩ của Thiên Chúa.

 

Thiên Chúa là tình yêu, hay nói cách khác bản tính của Ngài là tình yêu, rồi có những lúc chúng ta tuyên xưng: Thiên Chúa là Đấng quyền năng, sức mạnh và là chủ tể muôn loài. Vậy thử hỏi bản tính của Thiên Chúa đích thực là gì, còn tình yêu, quyền năng, sức mạnh và thống trị muôn loài như thế là những yếu tố tùy thuộc của Ngài hay là bản tính, bởi Thiên Chúa không đi tìm cho mình những quyền lực cần thiết, không đi tìm cho mình vinh quang nơi thế gian và cũng không đi tìm cho mình sức mạnh trên mọi thứ. Có thể nói rằng Thiên Chúa là tình yêu quyền năng, là tình yêu sức mạnh và là tình yêu chủ tể mọi loài, bởi khi Ngài dùng sức mạnh của tình yêu, Ngài cảm hóa được tất cả, Ngài dùng quyền năng của tình yêu, Ngài đưa tất cả về cùng một mái ấm gia đình, và khi Ngài dùng tình yêu trao ban, Ngài đón nhận tất cả mọi người trên thế giới vào trong vòng tay yêu thương của Ngài.

 

Thiên Chúa là vậy, là tình yêu. Đức Giesu đã họa lại khuôn mặt tình yêu của Chúa Cha khi Ngài đi vào lịch sử nhân loại. Chấp nhận sinh ra trong nghèo hèn, chấp nhận một gia đình nghèo hèn, chấp nhận một dân tộc, một đất nước nghèo hèn, và kết thúc cuộc đời, chấp nhận một cái chết nghèo hèn, trần trụi. Có chấp nhận như thế, Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các đồ đệ của mình, cúi xuống để tha thứ cho các tội nhân và cúi xuống để đón nhận con cái Thiên Chúa trở về.

 

Thiên Chúa là thế, còn con người hôm nay đang sống thế nào. Tồn tại trong thế giới này, ai cũng cố gắng tìm cho mình một chổ đứng an toàn với quyền lực, địa vị và sức mạnh thế gian. Những cố gắng đó đang là nguyên nhân của chiến tranh, của sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn giữa cộng đồng. Người tín hữu Kito không đứng ngoài quỹ đạo của vòng xoáy đó, sự tác động từ xã hội đưa người tín hữu đi đến một chọn lựa vô cùng khó khăn, đi theo Thầy Giesu, tất sẽ chọn thập giá, chọn hy sinh, chọn phục vụ, đi theo thế gian, tất sẽ chọn quyền lực thế gian, địa vị cuộc sống và sức mạnh thế gian nữa. Một sự giằng co quyết liệt đến với mỗi người ngay từ lúc mở mắt đón chào ngày mới và từng ngày nối tiếp như thế. Tin tưởng, phó thác và chấp nhận ở lại trong vòng tay của Thiên Chúa là một sự đánh đổi rất lớn cho hôm nay.

 

Bên cạnh là những trào lưu, những xu hướng thời đại, tác động lên những suy nghĩ trong lý trí và ý chí, gây ra bao dằn vặt trong tận sâu thẳm tâm hồn. Chấp nhận đứng lên, dứt bỏ mọi sự đi theo Thầy hay chấp nhận xin thay đổi lộ trình cuộc đời, để những ngày sống hiện tại có đủ quyền lực, có địa vị cao sang, có mọi thứ nhu cầu khác được thỏa mãn, và có luôn cả sức mạnh để thống trị tha nhân và thế giới. Một chọn lựa cần có câu trả lời thật xác tín và thật trưởng thành.

 

Lạy Chúa Giesu, Chúa đi vào lịch sử nhân loại bằng con đường từ bỏ, nghèo hèn, để nói lên giá trị thực của tình yêu, và trên mỗi nẻo đường Ngài đi qua, Ngài mong ước mong những hạt giống đó mọc lên và sinh nhiều hoa trái tình yêu, xin cho chúng con biết chọn lựa đâu là cùng đích cuộc đời của mình trong niềm vui, bình an và hạnh phúc, đâu là cùng đích cuộc đời trong bế tắc và buồn tủi của phận người. Chúa đã giới thiệu những con đường về trời bằng sức mạnh của tình yêu, xin giúp chúng con tiếp tục con đường đó của Chúa bằng việc giới thiệu tin mừng tình yêu qua cuộc sống bản thân. Một lời nguyện cầu cho tình yêu Thiên Chúa luôn sưởi ấm những tâm hồn giá lạnh nơi các bệnh nhân của đại dịch, nơi những người âm thầm phục vụ và nhất là nơi những trái tim của các Bác sĩ, các nhân viên y tế và những ai đang giúp đỡ mọi người vượt qua dịch bệnh. Amen.

 

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây