CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Thứ sáu - 12/11/2021 09:09
Hiệp thông với các Thánh Tử đạo trên thiên quốc, con cháu các ngài nguyện cầu Thiên Chúa ban bình an cho đất nước, cho quê hương, cho các phẩm trật trong Giáo hội Việt nam, cho các nhà lãnh đạo chính quyền biết yêu dân như con, biết lo lắng chăm sóc cho dân, để đất nước được thái bình, mọi người được an cư lạc nghiệp.
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 10, 17-22)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".

 

Suy niệm

 

Khi nhắc đến các thánh tử đạo Việt nam, bất cứ người tín hữu nào trên quê hương đều cảm thấy tự hào, cảm thấy một niềm hạnh phúc ngập tràn tâm hồn, bởi nhờ sự can đảm làm chứng tin mừng, nhờ sự hy sinh tất cả, trong đó có sự sống của các ngài, để rồi hôm nay, Giáo hội trên quê hương Việt nam ngày càng lớn mạnh, con cháu các ngài ngày càng cố gắng sống ơn gọi Kito hữu, không hổ thẹn với danh xưng con cháu các thánh tử đạo. Mừng lễ tôn kính các ngài, cũng là cơ hội để cùng các ngài tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho đất nước, cho quê hương nhiều ân phúc cứu độ, nhiều ân phúc tình trời, nhờ đó bao nhiêu người đã được gọi là con Thiên Chúa, là anh chị em với nhau trong gia đình đức tin Công giáo. Từ đây, hiệp thông với các Thánh Tử đạo trên thiên quốc, con cháu các ngài nguyện cầu Thiên Chúa ban bình an cho đất nước, cho quê hương, cho các phẩm trật trong Giáo hội Việt nam, cho các nhà lãnh đạo chính quyền biết yêu dân như con, biết lo lắng chăm sóc cho dân, để đất nước được thái bình, mọi người được an cư lạc nghiệp.

 

Khởi đi từ ánh sáng Lời Chúa, chúng ta hãy nhìn những biến cố trong lịch sử đất nước, đặc biệt là những tấm gương của các Thánh Tử đạo, chúng ta sẽ thấy được phần nào chương trình cứu độ của Thiên Chúa kỳ diệu biết bao, hơn nữa không giống như suy nghĩ và tính toán của con người. Tác giả sách Khôn Ngoan đã viết như sau: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”. Cái chết của các thánh tử đạo là nỗi ô nhục đối với người đời, nhưng với Thiên Chúa, đó chỉ là một thử thách để các ngài xứng đáng hơn với vinh dự của người chiến thắng, sự hy sinh đó được coi là một của lễ toàn thiêu để đền bù những lầm lỗi của các ngài và của mọi người. Thiên Chúa đã chấp nhận sự hy sinh của các ngài, để hôm nay Giáo hội Việt nam có thêm nhiều tín hữu Kito, có thêm nhiều chứng nhân của tin mừng tình yêu cứu độ.

 

Sau khi thành lập cộng đoàn giáo hội tại thành Co-rin-tho, thánh Phaolo đã hướng dẫn cho các tín hữu tâm tình giữ đạo, tâm tình sống đạo cách tích cực hơn, bởi nhờ sự cố gắng của mỗi người, niềm tin sẽ lớn dần, lòng mến Thiên Chúa sẽ sâu đậm hơn. Ngài biết niềm tin và lòng mến của họ đang nông cạn, có thể bị mai một, bởi tất cả những bài giáo lý về Thiên Chúa không giống như cách suy nghĩ của họ cũng như của thế gian. Bởi khi tin vào một Thiên Chúa tử nạn và phục sinh, người môn đệ phải từ bỏ mình, vác thập giá, hy sinh tất cả mới có thể chiếm đoạt được Nước Trời: “Anh em thân mến, Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Đức Kitô ra hư không. Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: "Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng”. Chấp nhận một nghịch lý cho cuộc đời, chấp nhận một sự dấn thân và từ bỏ tất cả, không phải là một quyết định dễ dàng, nhưng là một cuộc chiến nội tâm gay gắt, các tín hữu phải chọn lựa và sẵn sàng hy sinh những giá trị hiện tại, mới mong được lãnh nhận phần thưởng ngày sau.

 

Khi giới thiệu cho các môn đệ về Nước Trời, Đức Giesu không quên cho các môn đệ biết hệ quả của những ai chấp nhận làm công dân đất nước đó. Ngoài sự bắt bớ, nghi kỵ, xa lánh, thêm vào đó là những khổ đau về tinh thần như bị khinh dễ, bị đàn áp về tinh thần, xa hơn nữa là bị loại trừ khỏi cộng đoàn. Tất cả những khổ đau đó Đức Giesu không muốn các đồ đệ phải ngỡ ngàng, nhưng biết sẵn sàng để đón nhận: “Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì”. Không chỉ báo trước về những khổ đau nhưng Đức Giesu còn cho các ông biết Chúa Thánh Thần sẽ ở bên cạnh, sẽ soi sáng cho biết phải làm gì, phải nói gì và sống như thế nào giữa những oán thù của kẻ thù Thiên Chúa. Người môn đệ của Thiên Chúa không phải sợ hãi bất cứ điều gì trước các thế lực của Satan, bởi họ là con người nhưng không thuộc về thế gian, họ sống giữa thế gian nhưng làm việc cho Thiên Chúa, bởi họ là công dân Nước Trời, vì thế, Thiên Chúa luôn hướng dẫn, đồng hành và bảo vệ họ trong mọi hoàn cảnh. Thiên Chúa chỉ đòi hỏi nơi họ sự trung thành trong khiêm tốn, hết mình vì tình yêu và phục vụ tha nhân vì Thiên Chúa đang hiện diện trong họ.

 

Mừng lễ các Thánh Tử đạo Việt nam nói riêng và các Thánh Tử đạo của Giáo hội Công giáo, chúng ta không khỏi tự vấn, tại sao các ngài lại can đảm chấp nhận bắt bớ, chấp nhận tù đày, chấp nhận bị loại trừ, hơn nữa là chấp nhận hy sinh mạng sống, có phải vì bất lực, bất tài hay vì lý do nào khác. Chắc hẳn các ngài không bất lực, bất tài, các ngài chấp nhận tất cả những thương đau đó vì tình yêu, một tình yêu không đến từ con người thế gian nhưng đến từ Đấng là cội nguồn tình yêu, là Thiên Chúa quyền năng. Chính vì yêu, các Thánh Tử đạo dám từ bỏ gia đình, cha mẹ, vợ con và cả sự sống, quả là một sự từ bỏ điên rồ theo lăng kính của thế gian nhưng đầy phúc trọng đối với Thiên Chúa. Khi chọn Thiên Chúa là đấng chủ tể muôn loài và sự sống con người làm đấng tình quân của mình, các Thánh Tử đạo đã chọn con đường Đức Giesu, Thầy Chí Thánh của các ngài, để lên đường, để đi vào thế giới, để phục vụ, để hy sinh, bởi con đường Thầy mình đã đi ngang qua thập giá, ngang qua khổ đau, rồi mới bước tới đỉnh cao là sự phục sinh vinh quang.

 

Sống trong một thế giới thiên về chủ nghĩa cá nhân, người tín hữu Kito được mời gọi tử đạo trong tư tưởng, trong ý thức, trong việc giữ đạo hàng ngày, trong tương quan với tha nhân. Xem ra những đòi hỏi đó đơn giản nhưng khi bước vào thực tế, đó là những đòi hỏi từ bỏ rất nhiều và có những chọn lựa được mất đầy khó khăn. Dù sống trong ơn gọi nào, người tín hữu Kito vẫn là một con người, có những mong muốn đầy chất người, chính những mong muốn đó giúp họ khẳng định sự hiện hữu của bản thân giữa xã hội cũng như giữa cộng đoàn. Vì thế, người tín hữu vô tình để cho yếu tố trần thế điều khiển ý thức và tâm tình tôn giáo của chính mình, từ đây, sẽ nảy sinh tình trạng sống đạo hình thức, dùng tôn giáo để phục vụ cho cái tôi của mình. Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, đó là những gì Kinh thánh đã nói về thưở ban đầu, còn hôm nay, con người đang cố gắng tạo ra một Thiên Chúa có suy nghĩ thực dụng để phục vụ con người. Chính vì thế, chủ đề tử đạo luôn được coi là một chủ đề xa vời với cuộc sống hôm nay trong hoàn cảnh xã hội đề cao cuộc sống hưởng thụ và tiêu thụ, đề cao cái tôi mỗi người quá lớn.

 

Đức Giesu, Người Con duy nhất của Chúa Cha, đã yêu mến Cha hết lòng, đã vâng lời Cha hết mình và đã thi hành ước muốn của Cha hết tình. Ngài đi vào thế gian, sống với con người, yêu con người đang bị tội lỗi và sự chết hành hạ, Ngài đã chấp nhận hy sinh, chấp nhận chết trần trụi trên thập giá, tất cả để cứu con người, tất cả vì yêu con người. Và hôm nay, Ngài muốn người môn đệ hãy họa lại bức tranh tình yêu của Thầy mình qua cuộc sống trong mỗi ơn gọi của bản thân. Phục vụ tha nhân, tha thứ cho kẻ thù, giúp đỡ mọi người trong hoạn nạn, tôn trọng giá trị con người, giá trị sự sống, là những mong muốn của Thiên Chúa, vượt qua những giới hạn của thế gian và những xu hướng của xã hội để đồng hành với Đức Giesu trong thế giới này, là một hình thức tử đạo mới đang mời gọi người tín hữu Kito dấn thân và lên đường.

 

Lạy Chúa Giesu, vì yêu thương con người, Chúa đã bước vào trần gian để làm người, sống với con người, chết cho con người, xin giúp chúng con biết yêu Chúa nơi tha nhân, để can đảm chấp nhận sự khác biệt nơi tha nhân rồi tha thứ, rồi yêu thương, rồi phục vụ và hy sinh. Chúa đã vượt qua những nỗi sợ hãi của phận người, chấp nhận cái chết để cứu sống muôn người, trong đó có chúng con, xin giúp chúng con, dám hy sinh những gì tạo ra sự an toàn cho bản thân, tạo ra vinh quang hiện tại và tương lai cho chính mình, để trở nên một con người trần trụi, trở nên một con người sống cho tha nhân và dám chết cho tha nhân mỗi ngày. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây