CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 23/09/2021 23:52
các bài đọc tuần lễ thứ 26 thường niên, là những lời mời của Thiên Chúa gởi đến cho con cái, đừng ngồi đó mà kêu trách bóng tối, hãy cố gắng thăp lên một đóm lửa để có hơi ấm trong tình người, tình Trời và để có ánh sáng trong hành trình đức tin của mỗi tín hữu Kito.
CN 26 B 2018
CN 26 B 2018

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 9,37-42.44.46-47)

 

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y". Nhưng Chúa Giêsu phán: "Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

"Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt".

 

Suy niệm

 

Các con hãy cố gắng hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện. Đó là một lời mời của Đức Giesu gởi tới các môn đệ, các Tông đồ và chúng ta hôm nay. Lời mời rất nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi người môn đệ phải thay đổi cuộc sống của bản thân, từ ý thức, suy nghĩ, đến niềm tin và thái độ sống đức tin mỗi ngày. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giesu và các môn đệ được thánh Mac-cô ghi lại trong bài tin mừng, cũng như các bài đọc trong tuần lễ thứ 26 thường niên, là những lời mời của Thiên Chúa gởi đến cho con cái, đừng ngồi đó mà kêu trách bóng tối, hãy cố gắng thăp lên một đóm lửa để có hơi ấm trong tình người, tình Trời và để có ánh sáng trong hành trình đức tin của mỗi tín hữu Kito.

 

Trong hành trình về đất hứa, dân Do thái được Môi-sen, người thay mặt Gia-vê, chỉ dạy cách thực hiện những giới răn của Thiên Chúa. Đây là một quãng thời gian hình thành một dân tộc thánh, dân riêng của Thiên Chúa, do đó, Ngài đã chọn rất nhiều người cộng tác với Môi-sen để dẫn dắt cộng đoàn. Với cách suy nghĩ rất đời thường, lời ra tiếng vào ganh tị giữa người này với người kia, người được chọn, kẻ thì không. Những vết nứt của sự chia rẽ xuất hiện: “Gio-suê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng: "Hỡi ông Mô-sê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi". Ông Mô-sê đáp lại rằng: "Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ". dù biết rằng bản thân mình và cộng đoàn là dân riêng của Thiên Chúa, nhưng trong tâm hồn họ chưa loại trừ được những toan tính ganh tị, ghen tuông. Họ đi theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa nhưng họ chưa thể chấp nhận giáo huấn và tâm tình mong muốn của Thiên Chúa qua thái độ cúi xuống của Ngài, từ bỏ những tính toán cá nhân để vun đắp lợi ích cho cộng đoàn.

 

Dù đã thực sự trở nên một dân tộc thánh, được Thiên Chúa cúi xuống yêu thương, chăm sóc và bảo vệ, thế nhưng con người vẫn không thể loại bỏ tính kiêu căng, ganh tị và hiềm khích giữa cộng đoàn, tạo ra những vết thương lòng cho anh chị em khi họ phục vụ, khi họ chia sẻ cuộc sống với tha nhân, đặc biệt là khi họ cố gắng từng ngày nên thánh. Thái độ miệt thị đó không phải giết chết tha nhân, nhưng giết chết chính mình trong hố sâu tội lỗi. Thánh Gia-cô-bê rất đau buồn trước thái độ sống của con cái Giáo hội, ngài đã chỉ cho họ thấy những hố sâu giết chết tình người, giết chết tình cộng đoàn và đánh mất phần phúc vĩnh cửu: “Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi”. Thiên Chúa là Đấng Thánh và dân riêng của Ngài phải là một dân thánh, thế nhưng, con người chỉ đón nhận danh xưng, còn tâm hồn, cuộc sống và thái độ niềm tin của họ chưa thể ra khỏi vòng kìm tỏa của thế gian, sự cố gắng để nên thánh chưa thực sự là mục đích tối hậu của cuộc đời.

 

Bao nhiêu ngày tháng đi theo Thầy Gie-su, các môn đệ vẫn chưa thể thay đổi cách suy nghĩ, chưa thể thay đổi thái độ sống, và tương quan giữa con người với con người như Thầy hướng dẫn. sự ganh tị, thái độ so kè với nhau, tính toán hơn thiệt vẫn đâu đó giữa nhóm môn đệ. Đức Giesu mong muốn rằng, bắt đầu từ nhóm học trò, họ phải cố gắng mặc lấy một con người mới, một thái độ sống mới và một tâm tình tôn giáo mới. Có sự cố gắng mỗi ngày, họ mới nên thánh trong ơn gọi, nên thánh trong tương quan và nên thánh trong hành trình đức tin của mình, tuy nhiên, chất người vẫn là một thách đố và họ chưa thể lãnh hội đầy đủ những gì Thầy mình dạy dỗ: “Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y". Chắc không thiếu những lần trong cuộc đời chúng ta cũng đã nói với Chúa khi có người bên cạnh sống khác suy nghĩ của mình, và chúng ta đã phản ứng. Với Đức Giesu, Ngài không dạy con người tìm địa vị, quyền lực hay những phương tiện của thế gian như vật chất, Ngài dạy con người hãy hủy bỏ cái tôi của mình, sống mầu nhiệm tự hủy, có như thế, hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương con người, cúi xuống với con người và chấp nhận chết cho con người mới thực sự nổi bật nơi các môn đệ của Ngài trong mọi thời và mọi nơi.

 

Ước muốn của Con Thiên Chúa là con người từng ngày cố gắng thay đổi chính mình, từ suy nghĩ, ý chí, cho đến thái độ sống niềm tin. Mục đích tối hậu của người tín hữu Kito là Nước Trời, do đó, trở thành công dân Nước Trời là từ bỏ chính mình, vác thập giá mình, đi theo con đường mang tên Giesu. Thế nhưng, con người dù có được ở bên cạnh Con Thiên Chúa, vẫn chưa thoát khỏi những tính toán hơn thiệt của thế gian, hơn nữa còn ganh tị, chia rẽ và gieo vào trong cộng đoàn những suy nghĩ làm tổn hại tính hiệp nhất huynh đệ trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kito.

 

Đức Giesu đòi hỏi người môn đệ phải có thái độ từ bỏ dứt khoát, những gì gây nên dịp tội phải loại trừ ngay dù đó là bàn tay hay đôi chân, dù đó là cặp mắt hay cái miệng, một đòi hỏi rất khắt khe để xây dựng tình hiệp thông trong đức tin. Đức Giesu đã trở nên nhỏ bé, cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, đã chấp nhận cái chết trong mầu nhiệm tự hủy, tất cả để đưa con người tới chỗ hoàn thiện như Cha trên trời. Vì thế, Ngài đã được Chúa Cha tôn vinh trên trời. Trên trời cao, Ngài muốn con cái của Ngài mai sau cũng được ở bên cạnh trong Nước Trời, do đó, mỗi ngày, Ngài đòi hỏi người môn đệ phải từ bỏ, phải hy sinh cái tôi, phải chấp nhận thiệt thòi của người môn đệ để nên thánh trong mỗi ơn gọi và mỗi hoàn cảnh.

 

Phận con người, lo sợ hỏa ngục có thể như một nỗi ám ảnh, vì thế, họ thu mình lại vì sợ chết, nếu như nhìn về trời cao để thấy một phần thưởng cho người dám hy sinh, con người sẽ tự tin, sẽ mạnh dạn và dám từ bỏ chính mình hơn để trở nên người môn đệ thực sự. Cùng với những tác động của xã hội, đề cao cái tôi và chủ nghĩa cá nhân luôn được tôn vinh, đã chen vào mỗi bước chân trong hành trình đức tin, tác động đến suy nghĩ, cùng với đó là niềm vui tin mừng chưa được trân trọng và quan tâm đúng mực. Cũng có những lúc con người như đóng kín cánh cửa lòng, không nhìn nhận mầu nhiệm tự hủy của Thầy Chí Thánh, tìm lối nẻo khác để tránh bớt trách nhiệm, biện minh cho bản thân dựa trên những khó khăn của xã hội và hoàn cảnh.

 

Nếu như Đức Giesu cũng có những cách suy nghĩ và thái độ sống như vậy, làm sao hôm nay tôi và bạn được gọi là Kito hữu, và chúng ta đâu có niềm vui nước trời như điểm đến cho cuộc đời. Mong ước của Thiên Chúa vẫn là niềm hạnh phúc của con người, Thiên Chúa đã thực hiện những gì cần cho nỗ lực nên thánh, phần con người hãy cố gắng làm những gì Thiên Chúa hướng dẫn, họ sẽ nên thánh như Cha trên trời. Thiên Chúa không đóng tất cả mọi cánh cửa vào trời và để cho con người phải sống vô vọng, Ngài luôn mở ra những lối nẻo về trời phù hợp với khả năng, điều kiện và ơn gọi. Ngài còn ban đủ ơn cho con người nữa, thôi, hãy chỗi dậy, tôi sẽ trở về nhà và thưa với cha tôi: Thưa Cha, con là kẻ có tội, con không xứng đáng được gọi là con Cha, xin Cha tha thứ.

 

Lạy Chúa Giesu, Chúa đã cúi xuống tự hạ mình cho đến chết vì yêu thương con người, xin cho chúng con biết nhận ra chiều sâu của tình yêu tự hiến đó, để chúng con cố gắng loại trừ mọi tính hư tật xấu trong cuộc đời của mình, hầu mai sau được Chúa đưa vào nơi cõi sống đời đời. Chúa đã từ bỏ phận con người khi đi vào lịch sử nhân loại, để trở nên một người đầy tớ phục vụ cho tha nhân, chết cho người mình yêu, xin cho chúng con trong mỗi ơn gọi của mình, dám cúi xuống phục vụ tha nhân theo mỗi ơn gọi, dám chết đi trong cái tôi ích kỷ của bản thân, để mai sau được nhận lãnh vòng nguyệt quế của người chiến thắng, xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng con. Amen.

 

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây