Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 6, 7-13)
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: "Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
Suy niệm
Trước khi Đức Giesu về trời, Ngài luôn trăn trở với sứ mạng của mình là loan báo về Nước Trời, một sứ mạng đang còn dang dở. Vì thế, Đức Giesu đã mời các Tông đồ, là những chứng nhân trực tiếp, hãy lên đường nối tiếp sứ mạng của Ngài, để mọi người dưới bầu trời này được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Bài tin mừng Chúa nhật thứ 15 thường niên đưa chúng ta trở lại với nghi thức đặc biệt là được sai đi. Phận người đầy khiếm khuyết có xứng đáng với sứ mạng đó hay không, cùng với ơn Chúa đủ cho mỗi người, và sự cố gắng của cá nhân, sứ điệp tình yêu cứu độ của Thiên Chúa sẽ đến với mỗi tâm hồn, mỗi gia đình và mọi người dưới bầu trời này.
Đọc lại bài đọc 1, chúng ta nghe tiên tri A-mos kể về ơn gọi của ông là được sai đi như thế nào. Từ một người làm vườn, một kẻ chăn dắt súc vật, ông được Thiên Chúa sai đi nói với dân về tình trạng sa sút trong đời sống tâm linh của họ. Ông đã bị chê cười, bị khinh miệt, bị loại trừ, nhưng tất cả những trở ngại đó không làm ông chùn bước, bởi ông đã xác định ơn gọi của mình không đến từ thế gian, nhưng là lời mời, lời sai đi đến từ Thiên Chúa: “Trong những ngày ấy, A-ma-si-a (vị tư tế ở Bê-thel) nói cùng A-mos rằng: "Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bê-thel, vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc". A-mos trả lời cùng A-ma-si-a rằng: "Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: "Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Is-ra-el của Ta". Sứ mạng của người chứng nhân là một ơn gọi đến từ Thiên Chúa, nếu người chứng nhân hôm nay ý thức rằng đó là lúc con người được cộng tác với Thiên Chúa, chắc họ sẽ cố gắng vượt qua chính mình, vượt qua mọi trở ngại và sẵn sàng cho lý tưởng cao đẹp nhưng không thiếu những thách đố.
Trên hành trình truyền giáo của thánh Phaolo, có những lúc ngài cảm thấy rất hạnh phúc, nhưng cũng không thiếu những phút giây đau khổ và tuyệt vọng, bởi thái độ của con người hôm nay, họ chưa lãnh hội tất cả những giá trị thiêng liêng của mầu nhiệm cứu độ. Lời chia sẻ của thánh nhân trong lá thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô chúng ta nghe trong bài đọc 2 là một nỗi niềm và cũng là niềm tự hào của ngài, người chứng nhân tin mừng phục sinh: “Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài”. Con người được phúc làm con Thiên Chúa nhờ tình thương cứu độ, do đó, con người có trách nhiệm giới thiệu ơn cứu độ tình yêu đó cho mọi người, mọi nhà qua mọi thời đại và trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Đó là một lời mời, một mệnh lệnh, một sứ mạng cao quý và linh thiêng đối với người chứng nhân.
Thái độ cứng lòng của những người cùng quê quán với Đức Giesu đã làm cho Ngài rất ngạc nhiên, còn thái độ của viên đại đội trưởng cũng như người phụ nữ bị bệnh mười hai năm cũng làm cho Ngài ngạc nhiên. Hai thái độ cảm xúc của Đức Giesu cho chúng ta thấy tâm tình của con người hôm nay như thế, hoặc mong đợi ơn cứu độ, hoặc dửng dưng với ơn cứu độ. Dù biết thái độ của con người là thế, nhưng Đức Giesu vẫn sai các học trò của mình lên đường: “Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: "Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". Lời sai đi của Đức Giesu như là một mệnh lệnh và là một thái độ đức tin của người chứng nhân. Mệnh lệnh đó được gởi tới cho bất cứ ai có tên gọi là Kito hữu, là người đã nhận lãnh bí tích Thanh tẩy, trở nên con cái Thiên Chúa trong gia đình Giáo hội. Khi người con đó thực hiện mệnh lệnh này, chính là lúc họ sống mầu nhiệm Giáo hội cách tròn đầy với những đặc tính rất riêng của Giáo hội. Có ý thức được rằng đó là một mệnh lệnh đến từ Thiên Chúa và đó cũng là một thái độ đức tin sống động, người tín hữu mới cố gắng chu toàn trọng trách đó trong niềm tin và lòng mến dành cho Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội của mình.
Chứng kiến những nỗi đau của con người khi bị tội lỗi và sự chết hành hạ, Con Thiên Chúa không nỡ nào để con người chôn chân trong một thế giới bế tắc và cùng cực như thế, Ngài đã đi vào lịch sử nhân loại trong phận người, để giải thoát con người qua mầu nhiệm thập giá. Cái chết của Ngài đem ơn cứu độ đến cho nhân loại, vì thế, để mọi người qua mọi thời và khắp mọi nơi biết và được nhận lãnh ơn cứu độ đó, cần có những chứng nhân, cần có những con người dám lên đường trong sự cam đảm và tự tin. Bất cứ ai tin vào Thiên Chúa đều được mời gọi lên đường loan tin mừng cho thế giới. Công việc đó khởi đi từ những sinh hoạt thường ngày, tôn trọng sự thật, chấp nhận sự công bằng, sống tình liên đới với tha nhân là những lời chứng sống động, thiết thực. Người chứng nhân sẽ thực hiện những hành vi đó cách hãnh diện, can đảm vì được giới thiệu Chúa cho tha nhân, hay thực hiện với thái độ sợ hãi, lẩn tránh và thiếu niềm tin vì bị liên lụy. Người chứng nhân đã vô tình đóng khung Thiên Chúa trong bốn bức tường nhà thờ chứ không cho Ngài rảo bước trên mọi nẻo đường cuộc đời, hay đi vào phố thị, đến với mọi hoàn cảnh nhân loại. Nếu để Ngài đi như thế, người chứng nhân sẽ mất ảnh hưởng, mất uy tín và mất luôn cả tư lợi.
Mỗi lần đọc kinh Tin kính, người tín hữu tuyên xưng những đặc tính của Giáo hội Công giáo: Thánh thiện – Công giáo – Duy nhất – Tông truyền. trong đặc tính Tông truyền, người tín hữu nối tiếp sứ mạng của các Tông đồ, trong đó có sứ mạng loan báo tin mừng. Do đó, thực hiện sứ mạng loan báo tin mừng là lúc người tín hữu sống tình hiệp thông với Giáo hội cách vẹn toàn, sống tình liên đới với con cái Thiên Chúa trong cùng mội gia đình. Các Tông đồ truyền lại cho chúng ta một kho tàng đức tin, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ kho tàng đó, đồng thời, cũng có trách nhiệm giới thiệu cho thế giới về kho tàng vô giá đó, để bất cứ ai tin vào Thiên Chúa, lãnh nhận phép rửa thì được cứu độ, được gọi Thiên Chúa là Cha nhân lành. Sống tình hiệp thông liên đới đó không chỉ những lúc bệnh dịch hay chiến tranh loạn lạc, nhưng là trong mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Cả thế giới nói chung và đất nước đang lâm nguy vì bệnh dịch, vị Cha chung đang đối diện với bệnh tật và tuổi già, vì thế, người tín hữu Kito, lúc này hơn bao giờ hết, hãy sống tình liên đới hiệp thông, hãy thực hiện sứ mạng mà Thầy Chí Thánh đã trao cho trước lúc về trời. Con thuyền Giáo hội đang lênh đênh giữa biển đời với muôn vàn cơn bão tục hóa những giá trị thiêng liêng của Giáo hội, của những giá trị đức tin và Tin mừng. Người tín hữu hôm nay cần phải tỉnh thức và sáng suốt để phân định, để đánh giá và biết chọn lựa những giá trị đúng đắn và chính danh, đừng đánh đồng những giá trị tôn giáo, những giá trị của các bí tích và đặc biệt là Thánh lễ với những giá trị của thế gian và của xã hội thực dụng hôm nay.
Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn