Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 14, 12-16. 22-26)
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?" Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: "Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: 'Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?' Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó". Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.
Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta". Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa". Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.
Suy niệm
Mỗi ngày, khi cùng với cộng đoàn tham dự Thánh lễ, chính là lúc chúng ta cùng nhau trở về đồi Can-vê năm xưa, để hiệp cùng Đức Giesu trên thập giá, tiến dâng lên Thiên Chúa Cha của lễ tinh tuyền nhất là chính Người Con của Ngài, cùng với những tâm tình đoàn con dâng lên. Hy lễ đó khởi đi từ bàn tiệc ly, nơi đó Đức Giesu đã cầu nguyện, đọc lời chúc tụng, rồi từ đây, tấm bánh và chén rượu trở thành Mình và Máu Thánh của Ngài, trở thành của ăn thiêng liêng cho cộng đoàn, cho mỗi linh hồn. Chúa nhật thứ 10 thường niên được dành riêng để kính trọng thể bí tích Thánh Thể, là Mình và Máu Thánh Con Thiên Chúa. Từ bàn tiệc thánh này, Con Thiên Chúa đã trao chính thân thể Ngài làm của ăn cho con người trong hành trình nơi dương thế, nếu không có sức mạnh từ bí tích này, con người khó có thể vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.
Trên hành trình về đất hứa của dân Do thái, Thiên Chúa đã nuôi dưỡng họ bằng một thứ lương thực đặc biệt đến từ trời. Lương thực đó đã giúp họ vượt qua chặng đường dài để tới đất hứa. Trong các nghi thức phụng tự của cộng đoàn, Thiên Chúa đã chấp nhận máu của các con vật được hiến tế, có thể tẩy sạch mọi tội lỗi của con người và thanh tẩy mọi đồ vật dùng vào việc hiến tế. Câu chuyện trong bài đọc 1 từ sách Xuất hành tường thuật lại nghi lễ thanh tẩy cộng đoàn bằng chính máu bò tơ dâng trên bàn thánh: “Và sáng sớm, ông chỗi dậy, lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel, ông sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên Chúa những con bò tơ làm hy lễ giao hoà. Môsê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ra đọc cho dân nghe và họ thưa: "Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán". Vậy ông lấy máu rẩy lên dân chúng và nói: "Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó". Máu chiên bò từ các lễ vật con người dâng lên, thế mà Thiên Chúa đón nhận và cho phép con người dùng máu đó để thanh tẩy, để thánh hiến con người và những đồ dùng trong việc phụng tự. Hình ảnh máu chiên bò như báo trước về một hy lễ trọng đại trên đồi Can vê, nơi đó máu Con Thiên Chúa đổ ra đã thanh tẩy tất cả mọi tội lỗi của con người qua mọi thời. Quả mà một bức tranh tình yêu vô cùng đẹp và đầy ý nghĩa.
Được chứng kiến bao câu chuyện tình yêu đầy thánh thiêng, tác giả thư gởi cộng đoàn Do thái đã trình bày ý nghĩa thánh thiêng của việc thanh tẩy từ máu chiên bò, từ câu chuyện này, tác giả mời mọi người hướng về dòng máu đổ ra từ thập giá trên đồi Can vê xưa, dòng máu đó còn cao trọng và đáng trân quý hơn máu chiên bò và đem lại ơn cứu độ cho con người như thế nào: “Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống”. Máu tượng trưng cho sự sống, là hình ảnh của người có dòng máu đó đang hiện diện, Máu của Đức Giesu đổ ra trên thập giá, chính là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người Con, và dòng máu đó đem lại sự sống cho muôn người và mọi người.
Trước khi bước vào chặng đường thập giá, Đức Giesu đã gặp gỡ và trò chuyện với các đồ đệ của Ngài trong một bữa ăn đầy tình huynh đệ. Trong bữa ăn đó, Ngài nói về mầu nhiệm tự hủy mà Ngài đang sống, đặc biệt Ngài cử hành nghi thức bẻ bánh và trao ban cho các ông lương thực trời cao. Tiếp theo là nghi thức nâng chén rượu cùng với lời chúc tụng và cầu xin, Ngài trao cho họ thức uống thiêng liêng, sự sống thần linh. Thánh Mac-cô đã tường thuật lại những nghi thức đượm tình huynh đệ và tự hủy của Con Thiên Chúa trong bữa ăn đó, để từ đây các môn đệ học hỏi và thi hành như lời Ngài dạy: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Đức Giesu đã cử hành các nghi thức theo tinh thần mới của Thiên Chúa: “Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta". Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người”. Từ bữa ăn huynh đệ này, chân trời sự sống thần linh được giới thiệu cho thế giới, mạch suối tình yêu được đong đầy và sẽ chảy vào lịch sử nhân loại qua mọi thời. Tất cả đem lại cho con người một loại hình lương thực giúp họ tồn tại và lớn lên trong gia đình Thiên Chúa, đồng thời, chính mỗi con người tín hữu, sẽ là chiếc máng nối dài sự sống của Thiên Chúa đến từ dòng máu thánh này, hầu giúp con người được sống và sống đời đời.
Trở về với Thánh lễ mỗi ngày, chúng ta được hiệp thông với mầu nhiệm hy tế của Đức Giesu trên thánh giá, khi Ngài dâng mình cho Chúa Cha. Mẹ Giáo hội mời con cái hiện tại hóa mầu nhiệm đó bằng một lời tuyên xưng sau nghi thức truyền phép : đây là mầu nhiệm đức tin. Nếu không có đức tin và nếu đức tin không đủ lớn, đủ sâu, chúng ta chưa thể cảm nghiệm được chiều sâu thiêng liêng của bí tích Thánh Thể. Đức Giesu đã cầu nguyện và bẻ tấm bánh ra, trao cho các đồ đệ của mình. Tấm bánh là lương thực hàng ngày của con người. Tấm bánh đó là dấu chỉ sự hiện diện thiêng liêng của Con Thiên Chúa, Ngài sẵn sàng hủy mình ra trở thành lương thực để nuôi con người mỗi ngày và mọi ngày. Thiên Chúa sẵn sàng chấp nhận trở thành lương thực cho con người dùng, để tồn tại và tăng triển sự sống, cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Một người môn đệ có sự sống thiêng liêng sung mãn, sẽ là món quà Thiên Chúa gởi đến cho tha nhân, để phục vụ, để chia sẻ, để cho đi và để hy sinh. Nếu người môn đệ đó luôn gắn bó với bí tích Thánh Thể, họ sẽ được đón nhận lương thực của Thiên Chúa mỗi ngày. Chén rượu được nâng lên, được Thiên Chúa chúc lành qua lời cầu nguyện của Đức Giesu, từ đây không còn là chén rượu, nhưng là chén máu cứu độ muôn người. Máu là hình ảnh của sự sống, mỗi thân thể tồn tại đều có một dòng máu chảy xuyên suốt và chảy mỗi ngày. Máu của Con Thiên Chúa sẽ chảy vào cuộc đời mỗi chứng nhân tin mừng, khi họ hiệp thông với hy lễ của Ngài trên thập giá qua bàn tiệc Thánh lễ. Họ mang trong mình sự sống của Thiên Chúa, một sự sống viên mãn, và Thiên Chúa muốn người chứng nhân hãy chia sẻ sự sống đó cho mọi người, chia sẻ dòng máu thánh thiêng đó bằng chứng từ cuộc sống, bằng việc họa lại khuôn mặt của Thiên Chúa nơi cuộc đời chính mình.
Tham dự Thánh lễ không phải là một việc làm theo thói quen của người tín hữu Kito, nhưng là một nghi thức thánh trong mầu nhiệm đức tin. Mỗi phút giây trong ngày, có biết bao nhiêu Thánh lễ đang được cử hành. Sống hiệp thông với các Thánh lễ đó là chúng ta đang nên một với thân thể mầu nhiệm của Đức Giesu Kito. Người tín hữu còn có trách nhiệm nối dài Thánh lễ đó vào trong mọi sinh hoạt của mỗi người trong mọi công việc, mọi hoàn cảnh sống và mỗi ơn gọi. Trở nên lương thực cho người khác được sống không phải là một việc làm đơn giản nhưng cần có thái độ từ bỏ và chấp nhận hy sinh, mới có thể giúp tha nhân có lương thực thiêng liêng để sống, và cũng là thông chia dòng máu cứu độ của Thiên Chúa cho họ, khi sẵn sàng biến cuộc đời là chiếc máng của tình yêu và sự sống.
Lạy Chúa Giesu, Chúa đã tự nguyện trở nên tấm bánh làm lương thực cho con người, hầu mọi người được sống trong ơn nghĩa của Chúa, xin cho chúng con biết sống mầu nhiệm tự hủy như Chúa, để trở nên lương thực cho tha nhân trong một thế giới đang đói tình Trời và tình người. Chúa đã chấp nhận trở nên dòng máu sự sống cho con người, để con người đem dòng máu đó chia sẻ cho nhau, xin giúp chúng con biết cố gắng đi lại con đường tự hiến của Chúa, sẵn sàng chia sẻ sự sống thiêng liêng cho mọi người trên những nẻo đường cuộc đời của chúng con. Amen.
Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn