CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 29/08/2020 10:22
Chúa nhật 22 thường niên trở về, phụng vụ Lời Chúa mời chúng ta trở lại với chính con người của mình, để thấy được sự cao cả tuyệt vời của bản thân, đồng thời, cũng thấy được sự khốn nạn, sự yếu đuối của kiếp người, lắm lúc đã trở thành cớ vấp phạm cho bao người, đã làm cho cuộc sống thêm nhiều thăng trầm.
CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 16, 21-27)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".

Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm".

 

Suy niệm

Con người là một tạo vật cao cả và đặc biệt nhất trong chương trình tạo dựng của Tạo Hóa. Trước hết, con người mang họa ảnh của Thượng Đế, thứ đến, trong con người có hơi thở là sự sống của Thượng Đế, bên cạnh đó, con người có sở hữu một khối óc rất thông minh gồm lý trí và ý chí. Nhờ lý trí và ý chí đó, con người có thể tự mình biết mình và tự mình thay đổi được mình. Chúa nhật 22 thường niên trở về, phụng vụ Lời Chúa mời chúng ta trở lại với chính con người của mình, để thấy được sự cao cả tuyệt vời của bản thân, đồng thời, cũng thấy được sự khốn nạn, sự yếu đuối của kiếp người, lắm lúc đã trở thành cớ vấp phạm cho bao người, đã làm cho cuộc sống thêm nhiều thăng trầm.

Khởi đầu phụng vụ Lời Chúa, chúng ta được nghe lời tự thuật của tiên tri Gieremia, một đại ngôn sứ, ông đã được Giavê chọn và trao cho sứ mạng loan báo những lời giáo huấn của Ngài cho dân Do thái, đồng thời, qua cuộc đời tiên tri của ông, Giavê cũng gởi đến cho nhân loại thấy thảm kịch cuộc đời của con người như thế nào, vậy mà Giavê vẫn yêu thương, vẫn chấp nhận và vẫn chăm sóc từng ngày. Dù được chăm sóc và yêu thương, nhưng trong tâm trí của Gieremia vẫn có những phút giây nổi loạn, chống lại sự can thiệp của Giavê lên cuộc đời của ông: “Tôi sẽ không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người mà nói nữa, thì lúc đó trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa”. Đã bao lần Giavê đã chinh phục ông, đã ở bên cạnh ông trong những hoàn cảnh đặc biệt, những lúc như thế, ông đã thực hiện những gì Ngài mong muốn, Ngài đã dẫn ông đi theo những lối nẻo của Ngài, bởi vậy, ông cảm thấy như bị dụ dỗ, bị dẫn đi trên những con đường xa lạ ông không mong đợi: “Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã khuyến dụ được tôi. Chúa đã hùng mạnh hơn tôi và thắng được tôi: suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi. Mỗi lần tôi nói, tôi phải la lớn và loan báo sự hung bạo và điêu tàn, cho nên lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày”. Dù cuộc đời có như thế nào, Gieremia vẫn luôn thấy nơi Giavê có một hấp lực đặc biệt, chính hấp lực đó đã lôi kéo ông trở về với sứ mạng, với co người chứng nhân của Giavê trong hoàn cảnh lịch sử hiện tại. Con người là thế, dù được cộng tác với Giavê, nhưng vẫn nổi loạn, vẫn chống trả, thế nhưng, trong những phút giây đó, họ lại bị giằng co phải làm sao trở về với phận vụ của mình đang được giao phó.

Đứng trước những chọn lựa của cuộc sống, không thiếu những lúc con người đã chọn những lợi ích, những hạnh phúc hiện tại, và vô tình đánh mất những giá trị, những lợi ích và hạnh phúc vĩnh cửu. Thấy được thực trạng đó đang ẩn hiện giữa cộng đoàn giáo hội tại thành phố Roma, thánh Phaolo đã nhắn gởi họ, hãy thực thi những gì Thiên Chúa muốn, để họ được yêu thương, được chăm sóc, không chỉ hôm nay nhưng là mai sau trong cõi sống đời đời: “Anh em thân mến, tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm. Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo”. Hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống hiện tại luôn là một nguyên cớ tác động trực tiếp vào cuộc sống các tín hữu Kito. Bởi thế, lời nhắc của thánh tông đồ dân ngoại là một lời mời, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh những ai sống lý tưởng kito theo kiểu trần thế, ắt họ sẽ không xứng đáng được Thiên Chúa yêu thương và chúc lành.

Sau khi Đức Giesu hỏi các môn đệ có biết gì về dư luận khi Ngài xuất hiện, các môn đệ đã thưa với Ngài về tất cả những nhận định của dân chúng, sau đó, Ngài hỏi các ông có nhận xét gì khi Ngài hiện diện bên cạnh các ông, thánh Phero đã thay mặt anh em trả lời. Câu trả lời đó như là một lời mạc khải của Chúa Cha cho các ông biết về thân thế, con người của Thầy Chí Thánh, người đang sống bên cạnh các ông hàng ngày đó. Lời tuyên xưng đó là khởi đầu cho việt thiết lập Giáo hội. Đức Giesu đã đặt ông Phero làm đầu Giáo hội và trao trọn quyền cho ông. Có thể nói đó là giây phút vinh quang nhất, thánh thiêng nhất và hạnh phúc nhất của con người, mà đại diện là Phero, được cộng tác với Đức Giesu trong chương trình cứu độ của Chúa Cha. Phút giây được nâng lên như tới trời cao đó, làm cho Phero sung sướng, hạnh phúc vô cùng. Tiếp sau đó là lời tiên báo của Thầy về những chặng đường tương lai, phải trải qua những đau khổ, án tù, đánh đập và giết chết. Làm sao Thầy là một Đấng đầy vinh quang lại chịu những đau khổ làm vậy, Thầy là Đức Giesu, Con Thiên Chúa, sao phải đi con người khác thường như thế để về trời. các môn đệ không thể nào hiểu nỗi nên đã can ngăn Ngài đi vào con đường như thế: "Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu". Đức Giesu không chấp nhận lời can ngăn đó, hơn nữa, Ngài còn trách mắng các ông: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người". trong một khoảng thời gia ngắn ngủi, Phero được nâng lên tận trời cao, rồi sau đó lại bị tống vào hỏa ngục vì không hiểu gì kế hoạch của Thiên Chúa. Có thể nói nơi con người Phero vừa có thiên đàng, vừa có hỏa ngục, hay nói cách khác là trong con người của ông ta vừa là Thiên Thần, vừa là Ma quỷ. Sự nghịch lý đó đã xảy ra nơi mỗi con người. Có những lúc suy nghĩ của con người thật thánh thiện, hành động của con người thật ý nghĩa, nhân văn, rồi đồng thời cũng trong con người đó, những suy nghĩ tiêu cực, thù ghét, căm giận và cả những trả thù vụn vặt nữa đã xuất hiện, cùng một con người, một tâm hồn, một suy nghĩ, nhưng có lúc là thánh thiện nhưng cũng có lúc là tội lỗi, là điên rồ. cảm nhận đó cũng đã được thánh Phaolo trong lá thư gởi giáo đoàn Roma, thánh nhân đã nói: “sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm”. Trong con người, suy nghĩ của chúng ta mỗi ngày là thế, có những lúc chán nản, thất vọng trong mọi công việc, thì xuất hiện một động lực vô hình như muốn lôi kéo chúng ta ra khỏi tình trạng đó, hoàn cảnh đó, và giúp chúng ta thay đổi suy nghĩ, hành động của mình, cũng có những lúc mình đang hăng say làm việc, đang tận tụy phục vụ, chúng ta lại gặp những bất trắc, những hiểu lầm, làm chúng ta nhụt chí, tìm cách thoái thác, hay trốn tránh trách nhiệm. điều này cũng không lạ lẫm gì bởi trong cuộc đời của các thánh cũng có những phút giây là thế.

Trong mỗi ơn gọi sống chúng ta cũng có những phút giây đối diện với thực tế đó. Có những lúc chúng ta tưởng như đang ôm trọn trong vòng tay mình gia đình, những người thân yêu, và cả tha nhân nữa, để yêu thương, để chăm sóc và để phục vụ, sẵn sàng hy sinh tất cả cho mọi người, rồi ngay sau đó, một luồng tư tưởng xuất hiện, tôi làm như thế để làm gì và bản thân sẽ được gì đây, thế là mọi chuyện lại đi vào vết xe đổ là bế tắc, là xa rời nhau, và có thể là hiểu lầm, chia rẽ và khinh miệt nhau. Trong cùng một con người chưa thể tìm được sự nhất thống, thì làm sao khi cộng tác với Chúa Thánh Thần, khi phục vụ, mỗi người có thể toàn tâm toàn ý để làm việc, để phục vụ, để hy sinh cách đúng nghĩa và vẹn toàn như lòng Chúa mong ước.

Để ra khỏi tình trạng đó, cần có những phút giây phản tỉnh chính mình. Mỗi người có thể đi vào sa mạc ngay trong cuộc sống, hay tìm những giây phút tĩnh lặng của linh thao, để truy tìm lại con người thật của mình, truy tìm những phút giây nào trong cuộc sống mà tôi là ác quỷ, đã gây bao đau khổ và thách đố cho tha nhân, đồng thời cũng tìm lại những phút giây mà tôi là một thiên thần thánh thiện, để có động lực mới giúp cân bằng đời sống tinh thần, đặc biệt là đời sống tâm linh, từ đây chất xúc tác của đời phục vụ sẽ được nhen nhóm trở lại với một tinh thần mới, một trái tim mới và một hành trình mới. Chỉ có nơi con người mới làm được điều đó, vì con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể của công việc truy tìm những phút giây nào là ác quỷ và lúc nào là thiên thần. Từ đó, sự cố gắng của bản thân cùng với ơn Chúa giúp trong từng công việc và mỗi hoàn cảnh, chúng ta thống nhất được con người của mình, để cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc chăm sóc vườn nho của Chúa Cha ngày càng thêm nhiều hoa thơm trái ngọt của tình yêu.

 

Lạy Chúa Giesu, Ngài đã làm người, đã sống kiếp con người như chúng con, Ngài đã thấu hiểu những bất toàn của con người, xin Ngài giúp chúng con biết lấy thánh ý Chúa Cha làm kim chỉ nam cho cuộc đời, để thống nhất con người và niềm tin của chúng con. Chúa đã có những phút giây giằng co giữa thánh ý Chúa Cha và mong muốn của con người, những trăn trở đó lắm lúc làm xa dần thánh ý Chúa Cha, xin cho mỗi người luôn biết cố gắng vượt qua những cám dỗ, những hấp lực của thế gian, để sống ơn gọi của mình cách vẹn toàn mỗi ngày. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây