Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 13,24-30)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: "Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?" Ông đáp: "Người thù của ta đã làm như thế". Ðầy tớ nói với chủ: "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ". Chủ nhà đáp: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: "Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta".
Suy niệm
Trong hành trình đức tin của người tín hữu Kito, không thiếu những lúc chúng ta trăn trở, tại sao Thiên Chúa là Đấng tốt lành, thánh thiện, vậy mà Ngài lại để cho tội lỗi, để cho cái ác tồn tại trong thế giới, hơn nữa, còn đe dọa đến sự sống còn của con cái Ngài. Thiên Chúa nghĩ sao về tình trạng đó ? Vấn nạn đó được Đức Giesu trả lời cho chúng ta trong dụ ngôn cỏ lùng, và Mẹ Giáo hội gởi đến cho chúng ta trong tuần lễ thứ 16 thường niên. Tâm tình sống nầy như đòi buộc người tín hữu hãy xác tín lại niềm tin mỗi ngày, xa hơn, hãy xác định lại cứu cánh cuộc đời của mình là nơi Thiên Chúa, hay một điểm đến khác trong thế giới này.
Lời nhắc của tác giả Sách Khôn Ngoan trong bài đọc 1 như mời mỗi người hướng về một Giave Thiên Chúa là Đấng tốt lành, đầy tình thương. Ngài yêu thương con cái của Ngài bằng một tình thương chăm sóc và bảo vệ: “Ngoài Chúa, không có chúa nào khác chăm sóc mọi sự, ngõ hầu minh chứng rằng Chúa không đoán xét bất công. Vì chưng, sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh, và vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người”. Ngài một mực yêu thương tội nhân, luôn mở rộng vòng tay đón nhận những tội nhân trở về bởi nơi Ngài không có bóng dáng của tội lỗi, của hận thù hay của ghét ghen: “Vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung: vì khi Chúa muốn, mọi quyền hành tuân lệnh Người. Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối”. Một vị Thiên Chúa đầy quyền năng nhưng một mực yêu thương con người, đã cúi xuống với con người trong thân phận mong manh, đầy dấu tích của tội lỗi. Ngài chỉ mong con người tin thờ một mình Ngài trong tình yêu và giữ lời răn dạy, để được nên thánh thiện và được ở trong ngôi nhà tình yêu của Thiên Chúa.
Trong phận người mong manh là thế, lắm lúc chúng ta thấy mình không bất xứng với tình yêu Thiên Chúa, hơn nữa, còn thấy mình chẳng là gì để Thiên Chúa phải yêu và phải cúi xuống như thế, suy nghĩ của con người là vậy. Thấu hiểu sự trăn trở của con người, Thiên Chúa đã nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng cho con người biết thưa chuyện với Chúa Cha thế nào cho phải đạo, và Chúa Thánh Thần đã thực hiện ước mong nhỏ bé của con người là giúp họ cầu nguyện: “Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Ðấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa”. Đó là lời bộc bạch của thánh Tông đồ Phaolo với con cái ngài trong thành Roma, để từ đó họ thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách sống và thay đổi nhận thức về tương quan giữa con người với Thiên Chúa tốt lành như thế nào. Kinh nghiệm từ bản thân của thánh nhân, ngài giúp họ luôn vững tin trước mọi thách đố cuộc đời, bởi luôn có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trên mọi nẻo đường cuộc đời, Ngài sẽ soi sáng, hướng dẫn và giúp con người tìm đến sự khôn ngoan, tìm đến chân lý, tìm đến sự thật, để sống đúng với giá trị của một con người đã được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ bằng máu của người Con.
Khi những hạt giống tình yêu của Chúa Cha được gieo vào trong thế giới này, Ngài chỉ mong nó trở mình mục nát đi, để mọc lên và trổ sinh những bông hạt trĩu nặng. quả là một ước mong rất dung dị, thế nhưng, khi những hạt giống đó được gieo vào ruộng, thì kẻ thù của ông chủ lại âm thầm gieo cỏ lùng vào đó, rồi cả hai cùng mọc lên trong một đám ruộng. Dụ ngôn cỏ lùng trong bài tin mừng hôm nay là những câu trả lời cho vấn nạn về sự ác, về tội lỗi và về quyền năng của Thiên Chúa trên thế giới, trong đó có sự ác và tội lỗi nữa: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra”. Thiên Chúa có phải là tác giả của sự ác và tội lỗi không ? đây là một vấn nạn lắm lúc người tín hữu Kito cũng chưa thể trả lời cách mạnh dạn cho mình và cho anh em chung quanh. Đức Giesu đã nói rất rõ trong dụ ngôn: “kẻ thù của ta đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa rồi đi mất”. Vậy sự ác và tội lỗi không đến từ Thiên Chúa mà đến từ kẻ thù của Ngài là ma quỷ, là Satan. Chúng đã gieo cái ác, cái xấu vào trong đám ruộng tốt của ông chủ, cỏ lùng lớn lên bên cạnh những cây lúa làm cho những người giúp việc rất khó chịu, muốn loại trừ chúng, nhưng ông chủ chưa đồng ý, chắc phải có lý do gì đó chăng ? vấn nạn thứ hai là Thiên Chúa có dung túng cho sự ác không, bởi Ngài hiện diện đó nhưng sao Ngài không loại bỏ chúng khỏi ruộng lúa của Ngài ? vậy có phải Thiên Chúa bất lực trước sự ác không ? Thiên Chúa là nguồn gốc sự thiện, tác giả của Kinh Thánh đã cho chúng ta biết điều đó ngay từ khởi đầu hình thành nhân loại, vậy mà khi tội lỗi và sự ác hoành hành trong thế giới, Ngài vẫn im lặng, sự im lặng đó không có nghĩa là thua cuộc. Đức Giesu luôn đấu tranh chống lại sự ác, đỉnh cao cuộc chiến đó là thập giá của Ngài, nơi thập giá, Ngài đã chiến thắng sự ác, chiến thắng tội lỗi. Bên cạnh đó, Thiên Chúa thiết lập Hội Thánh của Ngài trong thế giới này, công trình đó vẫn còn dang dở và đang hoàn thiện từng ngày, mỗi tín hữu Kito được mời đi vào trong gia đình Thiên Chúa. Dù được mời vào đó, nhưng người tín hữu có lúc đã không chọn Thiên Chúa là cứu cánh cuộc đời của mình, mà chọn một cứu cánh khác cho mình, do đó, tương quan giữa con người với Thiên Chúa bị bẻ gãy, kéo theo một hệ quả vô cùng nguy hiểm đó là tương quan giữa con người với con người cũng bị bẻ gãy, tương quan giữa con người với thiên nhiên, với môi trường cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, dẫn đến bệnh tật, thiên tai, hạn hán và đói nghèo xuất hiện. Vậy đâu phải do Thiên Chúa bất lực mà Ngài phải dung túng sự ác, nhưng do con người khi được tôn trọng, đã chọn cứu cánh cuộc đời của mình là một điểm đến ngoài Thiên Chúa. Hậu quả là đánh mất sự thánh thiện của Thiên Chúa ban tặng cho con người.
Thiên Chúa không phải là tác giả của sự ác, cũng không phải là bất lực trước sự ác, dẫn đến dung túng cho sự ác tồn tại trong thế giới này. Điều quan trọng hôm nay là chúng ta được ở trong gia đình Giáo hội, một cộng đoàn đang hoàn thiện, bởi thế, sự ác vẫn tồn tại đó, và Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ ngày cuối cùng sẽ nhổ cỏ lùng khỏi ruộng. Thời gian Thiên Chúa đợi chờ đó, cũng là thời gian quý báu cho con người biết hối cải, biết thay đổi nhận thức, thay đổi cung cách sống hàng ngày, để cuộc đời không trở nên vô dụng như cỏ lùng, nhưng sẽ trổ hoa của tình yêu Thiên Chúa nơi mỗi người. Mỗi người trong ơn gọi và hoàn cảnh sống có thực sự chọn cho mình một cứu cánh đích thực là Thiên Chúa, hay đang âm thầm chọn một cứu cánh khác ngoài Thiên Chúa, bởi khi cứu cánh cuộc đời ở đâu, thì con người luôn hướng cuộc đời về đó, mọi sinh hoạt hàng ngày luôn hướng về cứu cánh. Thiên Chúa đang để cho con người tự do chọn lựa cứu cánh để sống, để hoàn thiện giá trị con người trong một thân thể. Từ đây, nếu con người không chân nhận điều đó, thì không đủ thời gian để trở về với những giá trị đích thực của con người, không có thể tránh được đau khổ khi ngày sau cùng đến, và người ta sẽ vứt vào lửa không hề tắt.
Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đã yêu con người, cúi xuống với con người, trao người Con duy nhất cho con người, người Con đó đã hy sinh mạng sống để cứu độ con người. Mong muốn duy nhất của Thiên Chúa nơi con người là hãy cố gắng sống hoàn thiện từng ngày như Thiên Chúa là đấng hoàn thiện. Một người cha như thế sao để cho sự ác và đau khổ hoành hành con cái được, Ngài cũng không nỡ gỡ bỏ sự ác ra khỏi thế giới này, bởi trong mỗi con người, ai cũng có những bông lúa đẹp bên cạnh những gốc cỏ lùng nguy hiểm. Do đó, Thiên Chúa đã chấp nhận để cả hai cùng mọc lên, đợi ngày thu hoạch mới loại trừ cỏ lùng. Đó cũng là thời gian Thiên Chúa muốn con người tỉnh thức, sám hối, đổi thay nhận thức và cuộc đời, để khỏi chết đời đời. Mỗi ngày, Ngài còn hướng dẫn con người thưa chuyện với Thiên Chúa qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là đấng khôn ngoan và là thần Chân lý. Ngài sẽ giúp con người hoàn thiện bậc sống và ơn gọi làm người Kito hữu của mình. Một khi con người nhận ra được những câu trả lời cho những vấn nạn bấy lâu cứ dày vò tâm trí, ắt con người sẽ cố gắng đổi thay cách nhìn của mình về một Thiên Chúa tình yêu, về tương quan giữa Ngài với con người, để mỗi người cố gắng đừng cắt đứt mối tương quan đó, ắt sẽ kéo theo những hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Đó là sự tự do chọn lựa của con người mà Thiên Chúa tôn trọng.
Lạy Chúa, tất cả chỉ vì yêu, Chúa đã kiên nhẫn đợi chờ con người cải hối cuộc đời để được ở trong nhà Chúa, xin cho mỗi người luôn ý thức sự ưu ái Thiên Chúa dành cho mình, để cố gắng đổi thay cuộc đời, đừng để mình là cỏ lùng trong ruộng lúa tình yêu của Thiên Chúa. Chúa đã chết để cứu con người khỏi tội, xin cho chúng con biết tránh xa tội lỗi, bởi tội sẽ cắt đứt sự kết nối giữa Thiên Chúa với con người, từ đó, khi mùa gặt đến, chúng con không bị thợ gặt nhổ lên và quăng vào lửa không hề tắt là nơi đau khổ đời đời. Amen.
Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn