Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 20, 1-16a)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.
Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai thuê chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta".
Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết." Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.
Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao"? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?" Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết".
Suy niệm
Tình yêu thương vẫn là một động lực rất cần thiết, giúp con người có thêm nghị lực sống, giúp con người có thêm sức mạnh để làm việc, giúp con người có thêm lòng bao dung để tha thứ, để đón nhận và hơn nữa là để hy sinh cho nhau và vì nhau. Tuần lễ 25 thường niên trở về, Lời Chúa mời con cái hãy sống với nhau bằng một tình yêu thương thực sự, một tình yêu thương được phóng chiếu từ Thiên Chúa, qua nguồn suối bí tích của Mẹ Giáo hội, và qua nhịp cầu cuộc đời của mỗi người môn đệ Đức Giesu, Đấng đã chịu chết vì yêu và đã sống lại, để đưa tất cả mọi người đi vào quỹ đạo tình yêu của Chúa Cha.
Trong cuộc đời ngôn sứ của mình, tiên tri Isaia đã không ít lần băn khoăn về hiện trạng sống đạo của dân chúng, ông trăn trở không biết vì sao Gia vê không giúp họ vượt thoát khỏi những hố sâu tội lỗi, rồi có những lúc, ông thấy Gia vê đã dẫn họ đi theo một lối nẻo khác mà ông không bao giờ nghĩ tới. Trước những kế hoạch cứu độ của Gia vê như thế, tiên tri Isaia đành nhận chịu sự thất bại, trong hành trình đức tin u ám như thế, Gia vê đã lên tiếng với ông: “Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy”. Làm sao con người hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa, làm sao con người có thể hiểu được ý định của Ngài trong chương trình cứu độ thế giới. Vì là một tạo vật, con người chưa dám chấp nhận sự thật là thế, chỉ biết đòi hỏi sự công bằng, đòi hỏi sự ưu ái đến từ Gia vê, trong khi họ sống với nhau thiếu sự công bằng chứ chưa nói đến tình yêu thương, thì làm sao hiểu được Thiên Chúa đang thi thố tình yêu của Ngài trên từng bước đi của dân riêng Ngài chọn và giúp họ sống hoàn thiện mỗi ngày. Trước bao sự việc Thiên Chúa đã và đang làm, tiên tri Isaia chỉ biết khuyên bảo dân chúng rằng: “Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ”.
Suốt hành trình truyền giáo của mình, thánh Phaolo đã thiết lập và hướng dẫn rất nhiều cộng đoàn giáo hội, mỗi cộng đoàn, thánh nhân hiểu rõ những khó khăn, những vướng mắc và cả những tật xấu của họ thường mắc phải trong đời sống cộng đoàn, để giúp nhau sống đức tin, do đó, trong lá thư gởi cộng đoàn Philliphe, ngài đã nói lên niềm xác tín của ngài dành cho Thiên Chúa, đặc biệt cho đấng đã chết và sống lại vì ngài, lời bộc bạch đó như được lấy từ trái tim tan nát đã được chữa lành của ngài: “Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em”. Lời trần tình đó như là niềm xác tín và cũng là sức mạnh giúp thánh nhân phục vụ anh chị em trong tình yêu thương nhau như Thầy Chí Thánh đã dạy, chứ không dừng lại nơi những suy nghĩ và kế hoạch của thế gian. Sự hiện diện của người mục tử giữa đoàn chiên là sự hiện diện của tình thương chứ không là sự hiện diện của hình thức. thánh nhân đã ao ước được chết với Đức Giesu phục sinh, nhưng tình yêu thương của người mục tử qua việc phục vụ, đòi hỏi nhiều hơn sự hy sinh đó, nên ngài đã cố gắng hiện diện với các cộng đoàn khi có thể, chứ không phải là một sự hiện diện theo chiếu lệ hay theo sự công bằng của thế gian.
Phục vụ tha nhân là việc làm đến từ tình yêu thương. Để có thể phục vụ đúng nghĩa, không chỉ dựa trên sự công bằng, bởi tột đỉnh của công bằng là một sự bất công, do đó, tinh thần phục vụ khởi đi từ sự công bằng nhưng tình yêu thương mới là kim chỉ nam cho người sống tinh thần đó. Dụ ngôn ông chủ thuê người làm vườn nho vào những khắc giờ khác nhau trong ngày, để rồi, cuối ngày, ông trả tiền công cho họ theo như ông đã thỏa thuận ngay từ ban đầu. trong suy nghĩ của những người làm công, ai đến làm trước sẽ được lãnh tiền công nhiều hơn, và ai đến làm sau sẽ được nhận phần ít hơn. Đó là sự công bằng, thế nhưng, khi người quản lý trả tiền công cho họ, ông chủ đã đề nghị anh ta trả tiền theo lòng nhân từ của ông: “Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết." Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao"? suy nghĩ của những người thợ làm công từ giờ thứ nhất không sai, bởi đó là sự công bằng, họ xứng đáng được vậy, nhưng họ đã thỏa thuận với ông chủ trước khi vào làm công, nên khi họ nhận được chừng đó tiền công là điều hiển nhiên, còn những người đến làm việc sau cùng, họ được lãnh bao nhiêu còn tùy thuộc vào lòng nhân từ của ông chủ, ông có quyền cho họ nhiều hay ít là quyền của ông. Ông đã thực hiện việc trả tiền công cho những người giúp việc không chỉ dựa trên sự công bằng nhưng là dựa trên tình thương, chính tình thương đó thể hiện lòng bao dung của người chủ vườn nho: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?" Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?”.
Ước mơ được giàu sang, được sung sướng, được đầy đủ tiện nghi trong cuộc sống là những điều ước điều tốt lành đối với con người. Ước mơ được trả công cao hơn những người khác khi làm công cho ông chủ, vẫn là điều bình thường của các công nhân. Những ước mơ và những tính toán của những người công nhân, tất cả đều dừng lại nơi sự công bằng trong cuộc sống. Đức Giesu muốn dùng câu chuyện này để làm hiển lộ tấm lòng bao dung của Thiên Chúa dành cho con người. Nếu như Thiên Chúa thực hiện sự công bằng cho mỗi người trong cung cách sống đạo, trong đời phục vụ trong mỗi ơn gọi, liệu rằng con người có được lãnh đồng tiền công phúc nào nữa không, khi mà sự tính toán hơn thiệt, lòng ganh tị trổi lên khi thấy đồng tiền trước mặt, thái độ trốn tránh trách nhiệm khi được mời cộng tác. Mỗi ngày, Thiên Chúa vẫn trả tiền công cho con người nhưng Ngài không dựa trên sự công bằng mà tất cả dựa trên tình yêu thương. Thiên Chúa là tình yêu, nguồn suối tình yêu đó không bao giờ cạn kiệt, do đó, khi con người cộng tác với Ngài, để cuộc đời mỗi người như nhịp cầu cho dòng chảy tình yêu đó tuôn tràn tới mọi tâm hồn, mọi con người, thì người làm công cho Ngài sẽ nhận được muôn vàn ân huệ của tình yêu, một tình yêu không tính toán, một tình yêu không cần điều kiện.
Mỗi ơn gọi trong gia đình Giáo hội có những đặc sủng riêng biệt và cũng có những nét đặc thù trong đời sống hàng ngày. Bước vào trong mỗi hành trình đó, còn biết bao khó khăn, bao thăng trầm, bao cám dỗ, và bao thất bại. Ước mong lớn nhất của mỗi thành viên trong những ơn gọi ấy là chu toàn trọng trách được giao phó. Bởi thế, đời sống gia đình hôm nay, tính công bằng luôn được đặt làm tiêu chí để thể hiện sự bình đẳng giới. Vì đây là một ơn gọi, chiều kích thiêng liêng luôn là yếu tố cần quan tâm hơn, chứ không chỉ dừng lại tương quan bên ngoài. Để có được một tổ ấm thực sự, để có được một cộng đoàn yêu thương, yếu tố công bằng chưa phải là đủ, mà cần có tình yêu thương lẫn nhau, người cha, người mẹ cần có tình yêu thương gia đình, tình yêu thương con cái, anh chị em cũng vậy, nếu thiếu tình yêu thương, nhiều lúc chỉ sống bằng mặt mà không bằng lòng. Đó đang là vấn nạn ngày càng nhiều nơi các gia đình công giáo. Đời sống dâng hiến cũng vậy, vì giáo hội đang ở giữa lòng thế giới, nên những yếu tố, những xu hướng, những quan niệm thực dụng vẫn len lỏi đi vào các cộng đoàn, các dòng tu. Do đó, tính công bằng luôn được đặt lên bàn cân để phân phát, thiếu đi sự khiêm tốn, thiếu đi tinh thần phục vụ và hy sinh. Sống dâng hiến là sống cho tình yêu, sống với tình yêu và sống vì tình yêu, nếu vậy, đâu cần thiết phải có sự công bằng, nhưng là cần sự khiêm tốn và vâng phục, để xây dựng hội đoàn, xây dựng gia đình hội dòng trở thành một cộng đoàn huynh đệ tình yêu. Có như thế, giá trị của đời sống tu trì luôn được trân trọng, luôn được yêu mến nhiều. Tiếc rằng các thành viên chưa tìm được tiếng nói chung, chưa tìm gặp được Thầy Chí Thánh là Đức Giesu đang hiện diện nơi mỗi thành viên cộng đoàn mình đang sống và đang giúp nhau tu trì.
Lạy Chúa Giesu, Chúa đã khơi thông dòng chảy tình yêu từ Chúa Cha đến cho con người qua mầu nhiệm thập giá khổ đau, từ đó tình yêu chảy tràn tới mỗi tâm hồn, xin cho chúng con học được nơi Chúa bài học của sự khiêm tốn và phục vụ, để dòng chảy tình yêu đó được chảy mãi tới mọi mảnh đất tâm hồn của tha nhân. Chúa đã tha thứ cho chúng con vô điều kiện để chúng con được giao hòa với Chúa Cha, xin cho chúng con biết học nơi Chúa tâm tình tha thứ khởi đi từ trái tim và tình yêu thương, để chúng con biết tha thứ cho nhau, biết sống với nhau, sống cùng nhau, và sống vì nhau trong gia đình của Chúa là Giáo hội. Amen.
Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn