CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 08/08/2020 17:25
Tuần lễ thứ 19 thường niên mời mỗi người suy xét lại đức tin của mình, liệu rằng đức tin đó đang trưởng thành khi mỗi người dám đối diện với thử thách trong cuộc sống, dám song hành với Thiên Chúa trước những sự thật của thế giới, hay chỉ đi tìm sự an phận, an toàn cho cuộc sống, và chỉ tìm đến Thiên Chúa khi cần thiết, khi thế giới này không thể đáp ứng cho tôi mọi nhu cầu, mọi mong ước.
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 14, 22-33)

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa!", và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến!" Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con!" Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa".

Suy niệm

Đức tin là một món quà Thiên Chúa tặng ban cho con người cách nhưng không. Đón nhận đức tin là chấp nhận đặt cuộc đời của mình vào một hành trình đầy phiêu lưu, mạo hiểm. Trong hành trình đó, đức tin của bản thân sẽ lớn lên, sẽ trưởng thành trong mọi biến cố, khi dám chấp nhận, dám dấn thân. Đây cũng là lúc xóa đi những quan niệm về một đức tin ủy mị, một đức tin dựa dẫm vào một Thiên Chúa quyền năng. Tuần lễ thứ 19 thường niên mời mỗi người suy xét lại đức tin của mình, liệu rằng đức tin đó đang trưởng thành khi mỗi người dám đối diện với thử thách trong cuộc sống, dám song hành với Thiên Chúa trước những sự thật của thế giới, hay chỉ đi tìm sự an phận, an toàn cho cuộc sống, và chỉ tìm đến Thiên Chúa khi cần thiết, khi thế giới này không thể đáp ứng cho tôi mọi nhu cầu, mọi mong ước.

Phụng vụ lời Chúa trong bài đọc 1 được trích từ sách các Vua quyển thứ nhất, tác giả kể lại câu chuyện ngôn sứ Êlia trong biến cố đối diện với tôn giáo được hoàng cung bảo bọc, trong đó có vô cùng đông đảo những người được coi là thầy dạy tôn giáo. Nếu ngôn sứ chọn con đường an phận, an toàn, chấp nhận một niềm tin đa thần, sẵn sàng loại trừ Giave ra khỏi niềm tin của mình, chắc chắn ông sẽ được bảo bọc, được tôn trọng, được đặt vào chỗ nhất, ngược lại, nếu ông khước từ tôn giáo đó, một mực trung thành với Giave, ông sẽ gặp không ít khó khăn, thậm chí nguy hại đến tính mạng. Thế nhưng, ngôn sứ Elia đã chọn con đường riêng cho mình, là đi theo sự hướng dẫn của Giave, bởi vậy, ông đã bị truy nã trên từng nẻo đường, phải trốn chạy, ẩn thân trong hốc núi. Tuy là đau khổ, nhưng Giave vẫn ở bên cạnh ông. Ngài gọi tên ông, trò chuyện với ông và khích lệ ông hãy can đảm, hãy mạnh dạn lên đường, Ngài luôn bên ông: “Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang... Có lời Chúa phán cùng ông rằng: "Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa". Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang”.

Khi Đức Giesu nhập thể, Ngài đã tái xây dựng tương quan giữa Thiên Chúa và con người, mỗi ngày, trong sứ điệp của Ngài, Ngài mời gọi con người góp phần của mình, để mối tương quan đó ngày càng bền chặt, thăng tiến và đem lại nhiều hoa trái. Đọc được những ưu tư của Thầy Chí Thánh, thánh Phaolo trong lá thư gởi các tín hữu thành Roma, đã lặp lại ưu tư đó và mong sao cộng đoàn giáo hội tại đó cố gắng giữ chặt mối tình muôn thưở giữa Thiên Chúa và con người, cho dù chính thánh nhân có phải lìa xa Thiên Chúa thì ngài cũng an lòng, chỉ làm sao cho cộng đoàn được sống và sống dồi dào trong ân sủng của Thiên Chúa: “Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác”. Mối bận tâm lớn lao như thế giúp chúng ta hiểu được phần nào những trăn trở của thánh nhân và các tông đồ dành cho các cộng đoàn giáo hội sơ khai. Các ngài chấp nhận tất cả, dù đó là bắt bớ, tù đày, dù đó là đói khát hay thiếu thốn, ngay cả bị loại ra khỏi Đức Kito, tất cả cho phần rỗi các linh hồn.

Sau khi chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, các môn đệ hòa chung vào niềm vui của đám đông khi họ được ăn no nê. Thấy uy quyền của Đức Giesu, họ muốn tôn vinh Ngài làm vua, để chăm sóc và hướng dẫn họ. Đó là điều dễ hiểu, chứng kiến niềm vui đó, các tông đồ cũng có ước muốn tương tự, nếu Thầy mình được làm vua, thì bản thân cũng là quan chức, cũng có chút địa vị và quyền bính. Tìm đâu được điều đó trong xã hội, bởi vậy, họ đang nhen nhóm ý định đó thì Thầy biết và tách họ ra khỏi đám đông, yêu cầu họ xuống thuyền sang bờ bên kia: “Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình”. Đức Giesu không để cho các môn đồ của mình sống trong những suy nghĩ theo đám đông, nhưng Ngài muốn họ bước ra khỏi những suy nghĩ đó, đi vào trong đêm tối cuộc đời như lênh đênh trên biển, để các ông thấy bản thân mình lúc đó có chấp nhận một Thiên Chúa đang hiện diện bên cạnh không ? Trong đêm tối lênh đênh đó, mọi thứ đã thay đổi, niềm tin bắt đầu hoang mang, nỗi lo sợ xâm chiếm mọi suy nghĩ, chắc chắn một điều hình ảnh Thiên Chúa, hình ảnh Thầy Chí Thánh của mình chắc không còn trong tâm trí họ nữa vì quá sợ. Thiên Chúa không vứt các ông vào trong đêm đen cuộc đời, lênh đênh trên biển cả trong tình trạng bỏ rơi, nhưng Thiên Chúa vẫn có cách của Ngài là đi xa xa để nâng đỡ họ, bảo vệ họ và hơn nữa giúp họ không đi vào ngõ cụt giữa cuộc đời: “Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa!", và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến!" Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu”.

Xu hướng chạy theo những trào lưu của xã hội là một trong những khía cạnh con người hôm nay luôn quan tâm. Xã hội nghĩ về tôi thế nào, trong hoàn cảnh đó, tôi sẽ được ở vị trí nào, tôi được ngồi vào chỗ nào trong những dịp quan trọng của xã hội cũng như gia đình ? và bao mối quan tâm khác, hiểu được tham vọng của con người mọi thời, Đức Giesu huấn luyện cho các môn đệ của mình đừng có những cách suy nghĩ, tính toán và tham vọng như thế gian, Ngài muốn họ buông bỏ tất cả những yếu tố lắm lúc làm cho họ mù quáng dẫn tới coi đó là cứu cánh cuộc đời của mình, từ đó họ sẽ xa dần Thiên Chúa, thậm chí loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, ra khỏi thế gian. Có thể đó là cách suy nghĩ của con người hôm nay khi họ được khoa học và kỹ thuật phục vụ mọi nhu cầu, mọi khía cạnh cuộc sống. Và khi con người thấy mọi thứ quá đầy đủ, quá tiện nghi, liệu rằng tất cả những yếu tố đó có chiếm hết chỗ đứng của Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi người không ? liệu rằng những phương tiện phục vụ cuộc sống con người trong mọi lĩnh vực có đưa con người đến chỗ đẩy Thiên Chúa ra khỏi thế giới hiện tại không ? tất cả những suy nghĩ đó đang dần hiện thực khi con người đang đối diện với chủ nghĩa thực dụng và thiên về vật chất. Lời nhắc của Đức Giesu qua câu chuyện Ngài đề nghị các môn đệ ra khỏi cuộc vui đó, xuống thuyền để thấy con người mãi mãi là một tạo vật được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc và hướng dẫn sống đúng với giá trị của mình. Ngài yêu cầu họ xuống thuyền vượt biển dù đó là đêm tối. trong bóng đêm của biển khơi là dấu chỉ về thế gian, các môn đệ còn cảm giác sợ hãi không, còn nhận ra được sự mong manh của con người nếu không có sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, các ông đã đối diện với sự thật cuộc đời. còn Thiên Chúa, Ngài không vứt con cái của Ngài giữa biển khơi muôn trùng hiểm nguy, Ngài vẫn ở đó với họ cách này cách khác. Ngài còn ở với họ ngay cả những lúc hiểm nguy, đau khổ và thất bại trong cuộc đời nữa. Với các môn đệ, sự hiện diện của Thiên Chúa có phải là một sự thật không hay chỉ là bóng ma của đêm tối, sự hiện diện của Thiên Chúa có giúp gì cho họ trong lúc hoạn nạn không, hay chỉ là một nỗi ám ảnh kinh hoàng như ma quỷ. Từ đây, mỗi tín hữu Kito, trong ơn gọi của bản thân, ai cũng có những lúc đối diện với sự thật là chìm ngập trong ảo tưởng của thế gian, những ảo tưởng đó đẩy xa dần sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới và trong tâm hồn mỗi người. Sống đời hôn nhân cũng có những đêm tối đức tin, bóng hình Thiên Chúa có vẻ như xa vời vì không giúp gì cho họ để có được một tổ ấm, một gia đình thực sự, sống đời dâng hiến cũng không thiếu những khoảng lặng chênh vênh, những khoảng lặng đó làm xuất hiện những suy nghĩ về ơn gọi của mình là một sai lầm, một quyết định thiếu chính xác. Trong mọi hoàn cảnh đó, người tín hữu Kito suy nghĩ như thế nào về Thiên Chúa, về sự hiện diện của Ngài, về sự quan phòng của Ngài dành cho mình. Niềm tin sẽ vững mạnh hay sẽ bị lung lay khởi đi từ những biến cố không lớn giữa cuộc đời mỗi người.

 

Lạy Chúa Giesu, Chúa không muốn các môn đệ chìm đắm trong ảo tưởng của quyền bính và tham vọng tương lai, do đó, Chúa đề nghị họ xuống thuyền đi về bên kia, xin Chúa nhắc chúng con biết buông bỏ những gì làm nguy hại niềm tin và lòng mến của chúng con dành cho Thiên Chúa. Chúa đã đồng hành với các môn đệ, dù đó là bình minh cuộc đời hay hoàng hôn của niềm tin, xin Chúa luôn đồng hành với chúng con, bao thử thách và cạm bẩy vẫn ẩn hiện trong hành trình đức tin chúng con, xin Chúa giúp con dám bước xuống mặt biển và lướt qua mọi hiểm nguy, để trung thành với Chúa đến cùng và yêu mến Chúa mỗi ngày trong cuộc đời. amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây