KÍNH NHỚ TỔ TIÊN : TRI ÂN NGUỒN CÔI

Thứ bảy - 17/02/2018 21:34
LTS : BBT xin trích đăng Bài giảng của Cha Savio Nguyễn Chí Chức, OFM, đang mục vụ tại Giáo xứ Thanh Hải, Giáo phận Nha Trang, trong dịp về sum họp Tết với Gia đình tại Xứ Châu, Ngài chia sẻ vào Buổi chiều Thứ Bảy, ngày 17.02.2018, tức Chiều Mồng 2 Tết Mậu Tuất, trong Thánh Lễ kính nhớ Ông bà Tổ tiên tại Đất thánh Giáo xứ. BBT xin cám ơn Cha Savio và trân trọng giới thiệu cùng Bạn đọc.
Cha Savio Nguyễn Chí Chức, OFM
Cha Savio Nguyễn Chí Chức, OFM

Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi cha ông của chúng ta qua các thế hệ…Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con ( Hc 44,1.11)


BÀI GIẢNG
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN
(Huấn ca 44,1.10–15; Ép 6,1–4,18-23; Mt 15,1–6.)

 

Hôm nay, ngày mồng Hai ngày kính nhớ ông bà tổ tiên. Dĩ nhiên,không phải chỉ có ngày hôm nay, chúng ta mới kính nhớ. Nhưng ngày hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày đoàn tụ gia đình, và chúng ta không muốn ông bà tổ tiên chúng ta vắng mặt.

Không phải là có mặt bằng thể lý, nhưng có mặt trong tâm hồn chúng ta, trong gia đình chúng ta. Lời Chúa có nhắc nhỡ chúng ta về điều này không ?

Hoa Mai 15

Bài đọc 1 đã nhắc lại điều này. Và tục ngữ chúng ta cũng có câu "cây có cội, nước có nguồn". Bài đoc 1 nhắc nhở chúng ta ca tụng các bậc tổ tiên. Theo sách Huấn ca, thì vì các ngài sống mãi trong dòng dõi các ngài. Gia tài quí báu các ngài để lại là 'lũ cháu đàn con'.

Theo cái nhìn đó, thử hỏi: chúng ta có phải là gia tài của các bậc tổ tiên chúng ta không ? Mỗi người hãy thử trả lời cho mình. Dĩ nhiên nếu cuộc sống chúng ngay thẳng, chính đáng, thì chúng ta đang bảo tồn gia sản cao quí của các ngài. Ngược lại, nếu cuộc sống chúng ta bê bối, thì gia tài đó đang dần dà tiêu tan. Và có khi tiêu tan nhanh chóng. Trong trường hợp đó, thì con cháu làm nhục cho ông bà tổ tiên. Thế nào là hiếu thảo với ông bà tổ tiên ?

Xin kể cho anh chị em 1 câu chuyện tựa đề là: HOA CHO MẸ

Một ngày nọ, một ngôi mộ đơn sơ gần mộ cha mẹ tôi làm tôi chú ý. Ngôi mộ ấy phủ đầy hoa thường xuân. Vật trang trí đáng kể chỉ là 1 thánh giá gỗ đẽo bằng tay, trên đó khắc tên người và số tuổi: 22 tuổi. Mỗi lần đến đây, tôi đều thấy ngôi mộ được chăm sóc cẩn thận. Trí tưởng tượng của tôi thêu dệt đủ chuyện về con người yểu mệnh nằm dưới lòng đất kia.

Lần kia, tôi nhìn thấy một người đàn ông đang bước xa ngôi mộ. Từ xa, trông ông ấy có vẻ già. Tôi đoán chắc ông ấy vừa đến thăm mộ của vợ mình.

Cách đây 2 năm, trong khi tôi dọn sạch mộ cho cha mẹ tôi, tôi nhìn thấy ông cúi gập người xuống mộ của vợ ông. Chúng tôi chào nhau rồi tiếp tục việc ai nấy làm.

Thỉnh thoảng tôi lại nhìn trộm ông. Thấy ông không có dụng cụ gì để làm, tôi đề nghị cho ông mượn đồ của tôi. Ông nhận lời với lòng biết ơn. Sau đó, chúng tôi nói chuyện với nhau thoai mái. Và tôi hỏi: đó là mộ ai ? Ông trả lời:

Đây là mộ mẹ tôi. Mẹ chết trẻ, mất năm 1912, do bệnh sưng phổi. Lúc ấy, tôi mới một tuổi rưỡi. Và thực sự chưa biết mẹ mình. Chính tôi đã làm cây thánh giá này cho mẹ tôi. Tôi là người duy nhất đến thăm mẹ, vì không có con cái nào khác. Cha tôi lấy vợ khác, và bà mẹ kế chỉ quan tâm đến các em cùng cha khác mẹ của tôi. Do đó, tôi có thói quen đến đây trò chuyện với mẹ, cả chuyện vui lẫn chuyện buồn. Sau đó, cuộc sống đưa tôi đi. Nhưng tôi không hề quên mộ mẹ. Với tôi ngôi mộ chính là ngôi nhà thân thương như của những người khác. Khi tôi đến đây, tôi nghĩ như mình trở về nhà mình. Giờ đây, tôi càng lúc càng khó đi lai. Nhưng bao lâu đôi chân tôi còn đi lại được, tôi vẫn đến thăm mẹ ít nhất là 2 lần 1 năm. Tôi đã 80 tuổi, ai biết tôi còn đến đây được mấy làn nữa ?

Hoa 15Tôi im lặng lắng nghe, sửng sốt. Nước mắt tôi tự nhiên chảy tràn. Lần đầu tiên, tôi gặp một tình yêu như thế. Tôi may mắn hơn, vì còn nhớ bao nhiêu kỷ niệm vui buồn về cha mẹ mình. Nhưng ông già dễ thương này có giữ được kỷ niệm nào về mẹ mình đâu. Có chăng là một tấm ảnh chụp đã ố vàng của người mà người ta bảo đó là mẹ ông. Có thế thôi... .Chúng tôi chào nhau, tôi thực sự xúc động vì biết cuộc đời vừa trao cho tôi một món quà tuyệt vời. Nó cho tôi nhận biết tình cảm chân thành của một con người bình thường và cao thượng đối với mẹ mình...

Thế nào là hiếu thảo ? Người con già nua đó là một tấm gương không phải ngày nào ta cũng thấy. Những điều trên đây có vẻ như là: lòng hiếu thảo chỉ qui về người quá cố. Lời Chúa hôm nay nhắc nhỡ chúng ta về những người còn sống.

Thánh Phaolo trong Bài đọc 2 nhắn nhủ những kẻ làm con "phải vâng lời cha mẹ". Tổ tiên cha ông chúng ta cũng căn dặn: "cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng lời cha mẹ, trăm đường con hư".

Nhưng trong gia đình, không phải chỉ có con cái mới cần được căn dặn. Bậc cha mẹ cũng cần được nhắc nhủ như thế: "Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hay giáo dục chúng bằng cách khuyên răn và sửa dạy thay mặt Chúa."

Vậy trong ngày kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ, chúng ta ý thức về mối liên hệ sâu xa giữa chúng ta và các bậc tiền bối. Chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn, lòng hiếu thảo mà dâng lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, và ra sức sống đời đạo hạnh để được xứng đáng với các ngài. Amen.

 

 

Tác giả bài viết: Cha Savio Nguyễn Chí Chức, OFM

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây