MỪNG BỔN MẠNG VÀ MỪNG SINH NHẬT LẦN THỨ NĂM TRANG TIN GIÁO XỨ CHÂU SƠN
LỜI NGỎ CỦA BAN BIÊN TẬP TRANG TIN GIÁO XỨ
Kính thưa Cộng đoàn và quý Bạn đọc gần xa, cứ theo thông lệ vào ngày 24 tháng 01 hằng năm, Lễ kính Thánh Phanxicô Salêsiô, Bổn mạng Giới Ký giả, Đức Thánh Cha đương nhiệm lại gửi đến cho nhân loại Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội.
Khởi đi từ Sắc lệnh Inter Mirifica ( viết tắt là IM – Giữa những điều kỳ diệu ) của Công đồng Vaticanô II, được Đức Phaolô VI công bố ngày 04 tháng 12 năm 1963, được xem là tài liệu đầu tiên trình bày lập trường chính thức của Giáo Hội về các Phương tiện Truyền thông Xã hội. Sắc lệnh đã minh đinh rằng “Giáo Hội Công Giáo nhận thấy mình có bổn phận dùng các phương tiện truyền thông xã hội mà loan báo ơn cứu rỗi” (IM, số 3).
SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG LẦN ĐẦU TIÊN, với CHỦ ĐỀ “GIÁO HỘI VÀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI” được Đức Phaolô VI ban hành, và cũng là NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG LẦN THỨ NHẤT được Giáo Hội Công Giáo cử hành vào ngày 07 tháng 5 năm 1967, và kể từ đó đã trở thành một sự kiện thường kỳ.
Trong 56 năm qua, Giáo Hội Công giáo đã có 57 Sứ điệp về ngày Thế giới Truyền thông được ban hành. Trong đó, 12 Sứ điệp dưới thời Đức Phaolô VI (1967–1978); 27 Sứ điệp dưới thời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1979–2005); 08 Sứ điệp dưới thời Đức Biển Đức XVI (2006–2013) và 10 Sứ điệp của Đức Phanxicô (từ 2014 đến nay).
Giáo Hội chọn Chúa nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống hằng năm làm Ngày Thế giới Truyền thông, nhằm gắn liền với mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19).
Theo thông lệ, Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 sẽ được cử hành vào Chúa nhật Thăng Thiên 21-5-2023. Và trước đó, vào ngày 24-1-2023, toàn bộ sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 đã được công bố để mọi người suy tư và học hỏi.
CHỦ ĐỀ SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI NĂM 2023 LÀ "NÓI CÁCH CHÂN THÀNH. 'THEO SỰ THẬT VÀ TRONG TÌNH BÁC ÁI'" (EP 4,15),
Dưới đây là những ý tưởng giúp đào sâu suy tư và học hỏi kỹ lưỡng hơn về sứ điệp này.
Trước khi công bố sự thật, cần phải nghe thấy nhịp tim của người khác trong chính trái tim của mình…
1.Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 là gì?
Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 là “Nói bằng trái tim - Sự thật trong tình yêu”.
2. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội của ba năm 2021, 2022 và 2023 được liên kết với nhau như thế nào?
Chủ đề của 3 sứ điệp này lần lượt đi theo 3 nhịp của truyền thông: Đến để xem, để lắng nghe, và để nói bằng trái tim. “Bằng trái tim” chính là mối dây liên kết cho 3 nhịp: đến xem, nghe và nói.
3. Để có thể giao tiếp bằng trái tim cách năng động, người ta cần phải thực tập lắng nghe nhau như thế nào?
Để có thể giao tiếp bằng trái tim cách năng động, người ta cần phải thực tập lắng nghe cách kiên nhẫn với con tim trong sáng và không tiên quyết khẳng định quan điểm của mình, nhờ vậy mới có thể nói lên sự thật trong tình yêu và giao tiếp được với nhau bằng trái tim.
4. Có nên sợ hãi khi phải công bố sự thật không?
Đừng sợ phải công bố sự thật, cho dù có khi sự thật không dễ chịu, nhưng hãy sợ rằng chúng ta công bố sự thật mà không có bác ái, không có trái tim. Trước khi công bố sự thật, cần phải nghe thấy nhịp tim của người khác trong chính trái tim của mình, khiến mình nhìn họ với lòng thương cảm, đón nhận những yếu đuối của họ với sự tôn trọng, thay vì phán xét họ qua tin đồn rồi gieo rắc bất hòa chia rẽ cách đáng sợ.
5. Tại sao cần phải thanh tẩy tâm hồn để có thể thông truyền chân lý trong yêu thương?
“Vì trong lòng có đầy, thì miệng mới nói ra” (x. Lc 6,45). Chỉ khi biết lắng nghe và nói bằng một trái tim trong sáng, ta mới có thể biết phân định cách chính xác mà nhìn xa hơn những vẻ bề ngoài, vượt qua những ồn ào hỗn độn của thế giới đầy phức tạp, tránh được những kiểu nói đầy phẫn nộ hoặc thờ ơ phát sinh từ những thông tin sai lệch.
6. Như vậy, giao tiếp bằng trái tim có nghĩa là gì?
Như vậy, giao tiếp bằng trái tim có nghĩa là thông cảm và chia sẻ mọi nỗi niềm vui buồn với những con người của thời đại chúng ta, để cho những người đọc hoặc lắng nghe chúng ta đều hiểu được sự cảm thông này.
Những người nói chuyện theo cách thức ấy sẽ yêu thương tha nhân vì họ quan tâm bảo vệ quyền tự do của người khác, giống như Chúa Giêsu trên đường Emmaus nói chuyện với hai môn đệ bằng trái tim. Ngài đồng hành, tôn trọng, đề nghị chứ không áp đặt. Ngài âu yếm mở trí cho họ hiểu ý nghĩa sâu xa của những gì đã xảy ra, khiến họ vui mừng thấy tâm hồn mình bừng cháy (x. Lc 24,32). Những cuộc trò chuyện thân thiện như thế có thể mở được lối vào trong cả những trái tim cứng cỏi nhất.
7. Thánh Phanxicô Salêsiô đã là mẫu gương “nói bằng trái tim” như thế nào?
Thánh Phanxicô Salêsiô có thái độ hiền lành, nhân bản, kiên nhẫn khi đối thoại và thể hiện lòng thương xót của Chúa với mọi người, đặc biệt với những người bất đồng ý kiến. Ngài cho rằng “cứ yêu thương cho thật tốt đẹp thì sẽ nói hay, nói tốt”, và cứ để cho “trái tim nói với trái tim”, nhờ đó, ngài đã làm cho tiến trình hiệp nhất tinh tế và mạnh mẽ được thực hiện, khiến cho người ta cảm nhận được chính Thiên Chúa qua các cuộc giao tiếp.
8. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mơ ước Hội Thánh có một nền truyền thông như thế nào?
Đức Giáo hoàng mơ ước Hội Thánh có một nền truyền thông biết để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, biết khiêm tốn, chăm chú và cởi mở lắng nghe không thành kiến, biết gần gũi, cảm thông và dịu dàng, vỗ về các tâm hồn, xoa dịu những vết thương và thể hiện tính ngôn sứ để soi sáng hành trình của con người với những cách thức và phương tiện mới cho sứ mạng loan báo Tin Mừng, đặc biệt quan tâm đến những người túng thiếu nhất, và luôn thẳng thắn nói lời chân lý trong tình bác ái.
9. Cần phải thúc đẩy một ngôn ngữ hòa bình như thế nào trong bối cảnh xung đột toàn cầu hiện nay?
Cần phải loại bỏ mọi luận điệu hiếu chiến, cũng như mọi hình thức tuyên truyền xuyên tạc bóp méo sự thật. Cần phải duy trì một hình thức truyền thông không mang tính thù địch, xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau, khởi đi từ những giao tiếp không cố thủ hay khép kín, nhưng táo bạo và sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro hầu tìm ra điểm chung để gặp gỡ. Cần thúc đẩy việc giải trừ quân bị toàn diện, và giải giáp tâm hồn bằng cách thường xuyên hoán cải và sám hối để nuôi dưỡng một nền văn hóa hòa bình ở những nơi có chiến tranh, thù hận.
Ủy ban Truyền thông xã hội / HĐGMVN
Kính thưa quý Bạn đọc gần xa, mừng Lễ Thăng Thiên hôm nay, ngày 21.05.2023, nhân kỷ niệm Sinh nhật lần thứ NĂM của Trang tin, anh em trong BAN BIÊN TẬP xin được tỏ bày lời cám ơn chân thành đến :
– Trước hết, chúng con xin gửi lời trân trọng cám ơn đến Quý Cha Quản xứ, đã luôn lưu ý quan tâm nâng đỡ, động viên cho Trang tin được đón nhận và lan tỏa đến với mọi thành phần trong Cộng đoàn.
– Ban Biên tập xin cám ơn Quý Soeurs Cộng đoàn Thánh gia, Ban Thường vụ HĐGX và quý chức đã cộng tác hỗ trợ tinh thần cũng như vật chất, cùng đồng hành qua mỗi chặng đường non trẻ của Trang tin.
– Xin cám ơn quý Cha đồng hương trong và ngoài Giáo phận & Qúy Cộng tác viên gần xa đã yêu mến tin cậy Trang tin, khi cung cấp những bài viết chia sẻ và những tâm tình, cung cấp hình ảnh sinh hoạt nhằm minh họa sinh động cho các Sự kiện trong Giáo xứ.
– Xin cám ơn quý Bạn Đọc gần xa, đã ngày một thêm yêu mến và nối kết khi thường xuyên đón đọc Trang tin giaoxuchauson.vn; giaoxuchauson.com để lượt truy cập càng ngày càng tăng lên.
Để Bạn đọc nắm bắt từng chuyển động của Trang tin Điện tử Giáo xứ, BBT xin phép khái quát minh họa theo thống kê.
Số lượt người cập nhật theo từng năm.
*Năm 2017 (thử nghiệm) : 182 lượt
*Năm 2018 : 278.657 lượt;
*Năm 2019 : 615.549 lượt;
*Năm 2020 : 942.799 lượt;
*Năm 2021 : 1.165.942 lượt;
*Năm 2022 : 1.524.870 lượt và
*đến 17g00 ngày 17 tháng 5 năm 2023 là 595.840 lượt;
đưa tổng số lượt người truy cập hiện nay là 5.123.836 lượt.
Khi chọn ngày Lễ Chúa Thăng Thiên làm ngày Bổn mạng của Trang tin Điện tử Giáo xứ, Ban Biên tập mong muốn gửi đi một thông điệp là xây dựng Nước Chúa bằng chính sự hiến dâng mình cho cuộc đời hôm nay, qua việc nỗ lực biến những nẻo đường trần thế thành con đường dẫn về trời cao. Bởi nếu không quan tâm biến những nẻo đường trần thế thành con đường dẫn về trời cao, thì người tín hữu Kitô sẽ trở thành kẻ phản bội chính niềm tin của mình, và hơn nữa, phản bội chính lời răn dạy của Đấng Tình Yêu.
Kính chúc Cộng đoàn Dân Chúa và Quý Độc giả được tràn đầy Ơn thánh Chúa, để tiếp thêm sức mạnh xây dựng trái đất này nhằm giúp mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
TRÂN TRỌNG KÍNH CHÀO VÀ CÁM ƠN.
Tác giả bài viết: BBT Trang Tin GXCS
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn