Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 3, 16-18)
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa".
Suy niệm
Khi nói về mầu nhiệm Thiên Chúa, đặc biệt mầu nhiệm một Thiên Chúa có Ba Ngôi, con người thấy mình nhỏ bé, đặc biệt là lúng túng không biết sẽ nói ra sao và nói như thế nào về mầu nhiệm đó, hầu có thể giúp anh chị em, đặc biệt là những anh chị em không cùng tôn giáo, biết về Đấng mà mình tin, mình tuyên xưng và mình đang sống, bởi tất cả là mầu nhiệm, dù biết vậy, con người vẫn mơ ước được biết và được hiểu tường tận về các mầu nhiệm.
Trở lại với phụng vụ Lời Chúa trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta nghe tác giả sách Xuất hành kể lại lời động viên của Moisen, vị thủ lãnh của dân tộc Do thái, ông đã gợi nhắc cho cộng đoàn về một Thiên Chúa từ nhân, Đấng ngày đêm luôn ghé mắt nhìn đến họ, chăm sóc, bảo vệ và giữ gìn họ như con cái yêu quý của Ngài, Đấng ấy đã dùng chính ngôn ngữ của con người để nói về mình, về tình thương của Ngài dành cho con người: “Chúa đi qua trước mặt ông và hô: "Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành". Lời Đức Chúa thật ấm áp, dễ gần và đầy yêu thương, và đó cũng là bản tính của Thiên Chúa, một Thiên Chúa đầy tình thương và lòng nhân ái.
Bước sang bài đọc 2, thánh Phaolo tông đồ, trong thư gởi giáo đoàn Corintho, một lần nữa nhắc nhở cho cộng đoàn rằng, Thiên Chúa vẫn trung thành trong lời hứa, vẫn một mực yêu thương dân riêng của Ngài, vẫn ngày đêm để mắt đến đoàn con của Ngài. Khi con người sống với nhau bằng tình thương, bằng sự trân trọng, là lúc họ đang họa lại hình ảnh của Đấng có tên gọi là Kito, và cũng là tên gọi của họ, họ sẽ được Thiên Chúa chúc lành: “Anh em thân mến, anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em”. Không chỉ chúc lành, Thiên Chúa còn ở lại với anh chị em, còn đồng hành với anh chị em và giữ gìn anh chị em trong vòng tay của Ngài. Nếu Ngài không yêu thương, nếu Ngài không chúc lành và nếu Ngài không ban bình an cho con người thì đó không phải là Thiên Chúa, bởi bản chất của Thiên Chúa tình yêu. Lời thánh Gioan Tông đồ đã khẳng định như thế.
Trở lại với bài tin mừng trong ngày lễ mừng kính Chúa Ba Ngôi, chúng ta thấy Mẹ Giáo hội không giới thiệu cho chúng ta về một Thiên Chúa có những ngôi vị như thế này, bản tính như thế kia, nhưng Mẹ Giáo hội giới thiệu cho chúng ta về một Thiên Chúa rất gần gũi nhưng đầy tình yêu thương trong sự trân trọng mà Thiên Chúa dành cho con người: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Nếu con người muốn mượn những phạm trù này, những yếu tính kia để mong hiểu hơn về các mầu nhiệm trong đạo, đặc biệt là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì quả thực con người chưa hiểu biết gì về Thiên Chúa, lại càng chưa hiểu gì về một Thiên Chúa đã hy sinh ngay cả người Con duy nhất của mình để cứu độ nhân loại, cứu độ con người, rồi còn đưa con người trở về với nguồn cội ban đầu của mình là ngôi nhà Thiên Chúa. Các bản văn tin mừng ghi lại những lần Chúa Giesu giới thiệu về Cha của Ngài cho chúng ta: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”. Trước khi Đức Giesu rời khỏi thế gian, Ngài còn giới thiệu cho các Tông đồ và thế giới biết về một Đấng khác mà Ngài gọi là Thần Chân Lý, là Đấng Bảo Trợ của con người, đó là Chúa Thánh Thần: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con”. Có thể nói rằng, con người biết được phần nào về Thiên Chúa trong các ngôi vị là nhờ những mạc khải của Đức Giesu khi Ngài hiện diện trong thế giới này, rồi từ đó, Chúa Thánh Thần sẽ gợi mở thêm về sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong thế giới này, tất cả như là dấu chỉ của một tình yêu tuyệt hảo, một tình yêu chỉ nghĩ đến người mình yêu và chỉ sống cho, sống cùng và sống với người mình yêu. Quả là một tình yêu trọn hảo.
Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu đó được tỏ lộ cho con người qua mầu nhiệm thập giá, nơi đó, tình yêu của Chúa Cha là tình yêu đóng đinh, tình yêu của Chúa Con là tình yêu bị đóng đinh và tình yêu của Chúa Thánh Thần là sức mạnh của tình yêu. Do bởi tình yêu đó mà con người khám phá ra giá trị của chính mình, giá trị của một tạo vật được Thiên Chúa tác tạo, được mang hơi thở của Thiên Chúa và sự sống của Thiên Chúa mỗi ngày vẫn chảy dài trong thân thể. Giá trị của con người còn được nâng lên một tầm cao mới khi con người họa lại khuôn mặt của Đấng tạo dựng nên mình, đó là sống với nhau bằng tình yêu, đối xử với nhau bằng tình yêu và phục vụ lẫn nhau bằng tình yêu. Thiên Chúa đã yêu con người đến nỗi đã ban Con Một cho con người, để ai tin vào Con Một của Ngài thì được sống đời đời, đó là một lời hứa của Thiên Chúa dành cho con người, và Thiên Chúa cũng muốn từ lời hứa đó mà con người hãy sống với nhau tử tế hơn, trân trọng nhau hơn và quảng đại với nhau hơn, khắc nghiệt thay, con người đã đồng hóa giá trị của con người với những yếu tố của thế giới như là tri thức, như là vật chất. Giá trị của con người được đánh giá dựa vào tri thức khi họ so tài nhau bằng khối óc, bằng khả năng nhận thức và việc học hành, vô tình một lúc nào đó, giá trị con người được đánh giá dựa trên bằng cấp và học vị chứ không còn dựa trên giá trị của tình yêu nữa. Rồi có những lúc giá trị con người còn được đánh giá dựa trên vật chất, khi ai đó sở hữu nhiều tài sản, nhiều của cải và biết trải nghiệm mọi phương tiện cuộc sống. nếu như giá trị con người được minh định dựa trên vật chất như thế, thì con người bị hạ xuống ngang hàng với các sinh vật và các đồ vật rồi, đâu còn hương vị của tình yêu trong bản chất người nữa. Dù biết thế, nhưng con người cứ nại vào lý do này, lý do khác để biện minh cho cách lượng giá về giá trị con người như thế, và nếu là như thế, tương quan giữa con người và Thiên Chúa đâu còn là một tương quan của tình yêu, và tình yêu Thiên Chúa đâu còn là sợi dây vô hình nối kết con người với Thiên Chúa và giữa con người với con người.
Mỗi ơn gọi là một sợi dây đặc biệt kết nối giữa Thiên Chúa và con người. đời sống hôn nhân là một bức tranh họa lại tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, một tình yêu trao ban, một tình yêu tự hiến và một tình yêu hoàn thiện. Trong mỗi gia đình, tình yêu vợ chồng nếu có những tố chất đó, ắt sẽ là một bức tranh hoàn thiện phóng chiếu tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa đang hiển lộ trong thế giới này. Sống đời tận hiến là biến cuộc đời mình trở thành chiếc máng, trở thành nhịp cầu ngoại biên để chuyển thông tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa cho tha nhân, cho những người bất hạnh, cho những ai đau khổ. Ai cũng muốn mình là một hạt muối mặn ướp cho đời, là ngọn lửa sáng chiếu soi cho thế giới, chứ không ai muốn mình là hạt sạn trong sân lúa, và cũng không ai tự biến mình thành ngọn đuốc thiêu hủy nhà cửa và mọi thứ chung quanh, tiếc thay, tình trạng thiếu hụt sự thánh thiện công chính nguyên thủy luôn là mầm mống làm cho con người, dù sống ơn gọi nào, dễ bị vong thân và hiểu sai lệch về ơn gọi, về công việc và giá trị của tình yêu phục vụ, tình yêu tự hiến và tình yêu trao ban, do đó, họ thiếu vắng Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời và trong tâm hồn nữa, và như thế là thiếu vắng tình yêu Thiên Chúa trong hành trình cuộc đời tín hữu của mình.
Lạy Chúa Giesu, Chúa đã mở bức màn mầu nhiệm để con người thấy được một góc nhỏ của tình yêu Thiên Chúa, xin cho chúng con luôn đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để đón nhận được nhiều ân sủng từ tình yêu trao ban của Chúa Cha, để được thông phần vào tình yêu tự hiến của Chúa Con, và được đồng hành với Chúa Thánh Thần trong sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa. Amen.
Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn