Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 10, 1-10)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ". Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".
Suy niệm
Hàng năm, khi ngày Chúa nhật thứ tư mùa phục sinh trở về, Mẹ Giáo hội mời gọi con cái dành riêng ngày này để cầu nguyện cho các vị mục tử trong Giáo hội, cho những người mục tử trong các gia đình, cho những ai đang âm thầm cộng tác trong việc chăm sóc đoàn chiên của Chúa, đoàn chiên nơi gia đình.
Hình ảnh đoàn chiên với sự hướng dẫn của người mục tử đi trong cánh đồng xanh tươi là một hình ảnh rất gần gũi với người Do thái. Và hình ảnh đó được ví von như là tương quan giữa Thiên Chúa và con người, khi Ngài luôn chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ từng người trong gia đình, trong đoàn chiên của Ngài. Trong bài giảng đầu tiên của thánh Phero, ngài kêu gọi tất cả mọi người hãy ý thức mình là một tội nhân đã được Con Thiên Chúa là Đức Giesu Kito cứu chuộc bằng máu của Ngài, nhờ máu đó, tất cả được kêu gọi trở thành con cái Thiên Chúa. Đó là một ân huệ lớn lao, một món quà vô giá Thiên Chúa tặng ban cho con người, hơn nữa, Ngài còn thông chia cho con người sự sống đời đời của Ngài nhờ máu châu báu của Đức Giesu. Thánh nhân đã lên tiếng: “Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em nhận lãnh ơn Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em, và mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến”. những ai đón nhận lời mời của Con Thiên Chúa, chấp nhận sám hối, sẽ được Ngài đưa về trong mái ấm gia đình của Ngài, được Ngài chăm sóc bằng lương thực thần linh, được Ngài bảo vệ bằng quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Đó là hình ảnh của một đoàn chiên đi theo sau người mục tử, đoàn chiên đó được dẫn tới đồng cỏ sự sống, được dẫn tới nguồn nước tình yêu và hạnh phúc. Tất cả luôn được Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc từng ngày.
Từ những bài giảng đầu tiên, thánh Phero còn nhắc nhở các cộng đoàn Giáo hội sơ khai hãy ý thức hơn về trách nhiệm của mình, của mỗi con chiên trong đoàn, hãy lắng nghe sự hướng dẫn của người mục tử, dù có phải chịu thiệt thòi, dù có phải chịu những thua kém, nhưng đi trong sự hướng dẫn của người mục tử đó, sẽ không bao giờ gặp hiểm nguy: “Anh em thân mến, khi làm việc lành, nếu anh em phải nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là ân phúc trước mặt Thiên Chúa. Anh em được gọi làm việc đó, vì Ðức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá”. Để bảo vệ đoàn chiên, người mục tử phải chấp nhận nhiều khổ đau, chấp nhận hy sinh cả sự sống, để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Do đó, thánh nhân đã căn dặn mỗi một thành viên trong đoàn chiên là: “Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em”. Lời nhắc đó hướng đến sự hiệp thông, hướng đến tình yêu của người mục tử dành cho đoàn chiên và mỗi con chiên luôn đi trong ánh sáng của tình yêu nơi trái tim người mục tử nhân lành.
Mỗi đoàn chiên được chăm sóc cẩn thận, được bảo vệ mọi lúc mọi nơi trên mọi nẻo đường, ngay cả trong đêm tối hay những lúc thời tiết khắc nghiệt. Cánh cửa của chuồng chiên chỉ được mở ra bởi tay người mục tử đích thực chứ không do bàn tay của người chăn thuê. Người mục tử sẽ biết lúc nào an toàn cho đoàn chiên của mình, lúc nào cần thiết để dẫn đoàn chiên ra khỏi chuồng, tới đồng cỏ, tới dòng nước và tới những bóng mát để nghỉ ngơi. Còn người chăn thuê chỉ làm hết việc nhưng không hết tâm, chỉ làm hết giờ nhưng không hết tình, chỉ làm hết bổn phận chứ không hết lòng, do đó, khi gặp những hiểm nguy, người chăn thuê sẽ tìm cách lánh nạn, để lại đoàn chiên bơ vơ, sẽ tìm cách ra đi an toàn cho bản thân, để lại đoàn chiên bị tấn công, bị xâu xé. Hình ảnh cửa chuồng chiên được Đức Giesu ví von về cuộc đời của Ngài, Ngài đến để canh giữ, để chăm sóc và để bảo vệ đoàn chiên của mình: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra”. Để làm ấm lòng mỗi con chiên trong đoàn chiên đó, Đức Giesu đã hơn một lần khẳng định chính Ngài là cửa chuồng chiên đích thực và cũng là người mục tử đúng nghĩa: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra”. Hình ảnh chiếc cửa chuồng chiên, hay hình ảnh người mục tử nhân lành được quy gán về Đức Giesu sẽ được hiển lộ vẹn tròn nếu đặt dưới ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh của Ngài. Chính mầu nhiệm phục sinh của Đức Giesu, Ngài trở thành nguồn sống đích thực, Ngài trở thành đấng cứu độ trung gian duy nhất cho nhân loại. Nhờ mầu nhiệm phục sinh đó, những ai tin vào Ngài, sẽ được thanh tẩy, được tái sinh trong nước và Thánh Thần, được gia nhập vào dân mới, Dân Thiên Chúa, do đó, chỉ những ai chấp nhận mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giesu Kito, thì mới được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa Cha qua trung gian là Đức Giesu Kito, từ đây, chúng ta sẽ thấy hình ảnh cửa chuồng chiên là Ngài, Ngài sẽ đem những con chiên trong đoàn đi vào đồng cỏ sự sống trong vương quốc của Thiên Chúa, Ngài sẽ cho mỗi con chiên tắm mát trong dòng suối của lòng thương xót đến từ Chúa Cha, Ngài sẽ luôn bảo vệ mỗi con chiên bằng quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa, sự sống đến từ các bí tích sẽ là nguồn sống không bao giờ cạn kiệt cho mỗi con chiên trong đoàn chiên của Thiên Chúa: “Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.
Mỗi câu chuyện, mỗi hình ảnh, mỗi dụ ngôn được Đức Giesu dùng để dạy dỗ dân chúng ngày xưa và chúng ta hôm nay, nếu tất cả được đặt dưới ánh sáng của mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giesu Kito, chúng ta sẽ thấy niềm tin của chúng ta còn khiêm tốn nếu không nói là còn quá mong manh. Hình ảnh hạt cải nhỏ bé được Ngài dùng để nói về niềm tin của con người hướng về Thiên Chúa là một dẫn chứng. hạt cải nhỏ bé lắm luôn, thế mà Ngài bảo nếu đức tin của chúng con bằng hạt cải thôi, chúng con có thể làm được nhiều điều kỳ lạ trong cuộc sống, thế nhưng, đức tin của con người chưa thể bằng hạt cải, thậm chí còn mong manh hơn hạt bụi giữa khoảng không cuộc đời. Nếu hình ảnh cửa chuồng chiên được Đức Giesu ví von về sứ mạng và công việc Ngài phải thực hiện, thì ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh sẽ đưa chúng ta đi vào trong viễn cảnh mới, viễn cảnh của niềm tin, viễn cảnh của tình yêu Thiên Chúa. Chỉ có một con đường duy nhất dẫn con người đến với Thiên Chúa là niềm tin vào một Đức Giesu Kito, Đấng đã chết và đã sống lại, nay đang ngự bên hữu Chúa Cha, chỉ có một Đấng trung gian duy nhất dưới bầu trời này đem lại sự sống thiêng liêng cho con người là Đức Giesu Kito, Người đã sống ở làng quê Nazareth. Ngài là cánh cửa sẽ đóng lại không để kẻ trộm là ma quỷ tấn công các linh hồn, chia rẽ cộng đoàn gia đình của Thiên Chúa, Ngài cũng là người mục tử đích thực, luôn tìm những đồng cỏ xanh tươi cho đoàn chiên được ăn no nê, luôn tìm những dòng nước trong lành, cho đoàn chiên được thoả cơn khát cuộc đời, luôn tìm những điều kiện tốt nhất cho đoàn chiên được nghỉ ngơi và sống dồi dào. Đó, hình ảnh người mục tử nhân lành là thế, hình ảnh cánh cửa mở ra hay khép lại là thế. Hạnh phúc cho con người khi được Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc mỗi ngày.
Trở lại với các gia đình, người cha, người mẹ, luôn là hình ảnh người mục tử nhân lành, luôn sống hết tình, hết mình, hết trái tim vì đoàn con của mình. Người mục tử đó sẵn sàng hy sinh tất cả cho đoàn con được sống và sống dồi dào. Đó là những gì Thiên Chúa mời gọi và mong đợi mỗi ngày, thế nhưng, trong một thế giới đề cao chủ nghĩa cá nhân và thực dụng, hình ảnh người mục tử như thế có còn thực sự hiện diện trong các tổ ấm gia đình nữa không ? mỗi gia đình luôn cần có những người mục tử sống hết mình vì đoàn chiên, vậy nếu người mục tử đó để cho bao hấp lực của xã hội cuốn vào, đánh mất ý thức về vai trò mục tử của mình, thì đoàn chiên đó còn được yêu thương, còn được bảo vệ, còn được chăm sóc và hướng dẫn ngày một lớn lên trong tình yêu và tình người nữa không ? từ hình ảnh người mục tử nơi các gia đình, từ hình ảnh người cha, người mẹ nơi các gia đình là cánh cửa ngăn chặn những gì ảnh hưởng đến đoàn chiên của mình, những cánh cửa chuồng chiên đó, hôm nay không còn giữ được những căn tính đích thực của nó. Mục tử chỉ làm việc vì tiền, vì quyền, vì thanh danh, vì sĩ diện, cánh cửa chuồng chiên hôm nay được mở ra cách tuỳ tiện vì lợi ích nhóm, vì lợi ích cá nhân hay vì những lý do chủ quan khác, để rồi đoàn chiên bơ vơ, đoàn chiên bị biến chất, không còn là chiên mà chỉ là chú dê xa lạ. Ước mong của Thiên Chúa là cần có những người mục tử sẵn sàng hy sinh như là cánh cửa chuồng chiên để bảo vệ, để che chở đoàn chiên, nhưng yếu tố trần thế và sự khiếm khuyết của phận người đã làm hoen ố ước mong của Thiên Chúa. Trọng trách của người mục tử không chỉ làm hết giờ dù chưa hết việc, không chỉ làm hết việc nhưng chưa hết tình, luôn là người mục tử mẫu mực, tiếc thay, người mục tử hôm nay phần nào bị tục hoá theo xu hướng trần thế. Trước những thảm cảnh đó, sự hoang mang của đoàn chiên, sự chia rẽ của các thành viên trong chuồng chiên, các mục tử có cần được củng cố, có cần được tái sinh và cần thay đổi tất cả, từ nhận thức trách nhiệm cho đến trăn trở trong đời phục vụ, để cho đoàn chiên của mình được sống và sống dồi dào hơn không ? chắc phải nhờ đến sự trợ giúp đắc lực từ Chúa Thánh Thần, Đấng đã dẫn các Tông Đồ ngày xưa trên mọi nẻo đường truyền giáo, thì hôm nay cũng nhờ Ngài dẫn đưa những người mục tử trở về với căn tính của mình, trở lại với những trách nhiệm và bổn phận của mỗi người như đã lãnh nhận, để chăm sóc đoàn chiên của mình ngày một lớn lên trong tình hiệp thông và trong tình yêu thương. Chúa Thánh Thần vẫn ở đó, giữa lòng thế giới, trong lòng Giáo hội, chúng ta có đủ can đảm để cho Ngài thay đổi ý thức hệ, thay đổi não trạng và cả những quan niệm sống không còn phù hợp nữa, để đoàn chiên của Thiên Chúa ngày một lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi ?
Lạy Chúa Giesu phục sinh, Ngài đã ở lại bên cạnh các môn đệ trong những lúc các ông hoang mang vì thiếu bóng dáng Thầy bên cạnh, xin Ngài ở lại với chúng con trong cuộc đời của các mục tử nơi các gia đình, trong các cộng đoàn, để chúng con được ngụp lặn trong tình thương bao la của Thiên Chúa. Ngài đã hy sinh tất cả cho đoàn chiên của mình, kể cả sự sống, xin cho các mục tử của Chúa hôm nay cũng vì đoàn chiên, sẵn sàng biến cuộc đời mình như cánh cửa để che chở và bảo vệ đoàn chiên, như mục tử sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên khi gặp hoạn nạn và hiểm nguy. Amen.
Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn