TÂM TÌNH TUẦN THÁNH

Chủ nhật - 14/04/2019 08:52
Có thể nói rằng mẫu tự T liên quan nhiều tới cuộc đời của con người. Ai cũng biết rằng cuộc sống cần có Tiền, nhưng Tiền (bạc) lại có thể sinh ra lòng Tham (tham lam) – loại đứng đầu trong “tam độc” Tham–Sân–Si, bởi vì Tham mà sinh ra Thù (thù hận), và bởi vì Thù mà mất Tình (tình nghĩa). Những chữ T có liên quan lẫn nhau thật kỳ lạ!
SỐNG TÂM TÌNH TUẦN THÁNH
SỐNG TÂM TÌNH TUẦN THÁNH

Đối với các Kitô hữu, Tuần Thánh khiến người ta chú ý nhiều tới Thập Tự – biểu tượng của Cuộc Khổ Nạn mà Chúa Giêsu phải chịu vì máu ThamSânSi của con người. Đó là điều minh nhiên. Nhưng có một nhân vật “nổi cộm” chính là ông Giuđa Iscariot. Ở đây không dám có ý xét đoán hoặc chê trách ông, mà chỉ muốn nói tới chữ Tiền và chữ Tham.

A 1


Là con người thì luôn yếu đuối, và chắc hẳn ai cũng đã từng ThamSânSi. Ông Giuđa đã chết vì “tam độc” đó. Chuyện của ông còn được người ta nhắc lại mãi mãi cho tới tận thế, nhất là mỗi dịp Tuần Thánh, và mỗi khi đề cập chuyện tiền bạc hoặc chuyện phản bội. Tên của ông đã trở nên “điển tích” về những điều xấu xa và khuất tất.
Ông Giuđa thấy tiền thì tham, vì tham như thế mà ông rắp tâm tìm mưu kế nộp Thầy để có tiền. Có tiền trong tay rồi, ông lại không thấy vui vì biết mình đã phạm tội: phản bội Thầy. Lòng không bình an, ông đâm lo sợ, sợ quá hóa hoảng, hoảng quá nên bí thế, bí thế vì cùng đường, cùng đường rồi lại không nhờ người khác hỗ trợ hoặc tư vấn, đó là tính tự kiêu. Vì tự kiêu mà lạc hướng, càng lạc hướng càng hoảng sợ, vì hoảng sợ mà mất niềm tin vào lòng nhân từ của Thầy, thế nên ông đã “tự giải thoát” bằng sợi dây: treo cổ tự tử.

A 2


Ông Giuđa đã bước ra khỏi trang Kinh Thánh và bước vào cuộc đời này, thế nên máu của ông đã thấm vào mỗi chúng ta. Bóng dáng của ông vẫn xuất hiện đây đó ngay trên cõi đời tạm này. Vì thế, chúng ta phải cố gắng thoát khỏi máu di truyền đó. Bằng cách nào? Chỉ có diệu kế duy nhất mà Thầy Chí Thánh Giêsu đã mách bảo là “vác thập giá hằng ngày” mà theo Ngài (Mt 10:38; Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23; Lc 14:27) – tức là chịu đau khổ, đồng thời vững lòng tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta lên tới đỉnh Can-vê với Ngài thì chúng ta mới khả dĩ thoát “nợ trần” và lúc đó chúng ta mới thực sự được nghỉ ngơi.

A 3


Khi rong ruổi trên đường trần, Chúa Giêsu đã dạy “đừng mang theo tiền bạc” (Lc 9:3), đó không phải là Ngài bảo chúng ta cứ “liều mạng”, sống bất cần đời, mà Ngài muốn chúng ta đừng để lòng “dính líu” tới tiền bạc kẻo hư thân và có thể mất cả linh hồn, bởi vì “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6:10a), hậu quả tất yếu là sẽ bị “lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6:10b). Cụ thể là những người Pharisêu, họ là các “chuyên gia” xúi quẩy, có lối sống giả hình, chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng, luôn liếc xéo và dò xét người khác, bày đủ mưu thâm kế độc, ưa rình mò để lọc lừa và tìm cách gài bẫy người khác. Tại sao họ như vậy? Bởi vì họ “vốn ham hố tiền bạc” (Lc 16:14). Rất rõ ràng, rất rạch ròi!
Người Việt nói: “Tham thì thâm”. Ba mẫu tự T có thể tóm tắt trình tự TiềnTộiTử. Vì tham tiền mà thành tội, vì tội mà phải tù, có khi phải chịu án tử – gọi là tử tội, có kẻ sợ quá mà tự tử. Tóm lại, tham tiền thì tiêu tùng. Thế thôi!
Có những mẫu tự T xấu – như một số đã đề cập trên đây, hoặc Thất tín, Tinh ranh, Thực dụng, Thủ đoạn,... Và tất nhiên cũng có những mẫu tự T tốt: Tha thứ, Thương xót, Thương yêu, Thân thiện, Trao tặng, Tín trung, Tín thác, Thành tâm, Thánh đức,… Quả thật, cuộc đời phàm nhân liên quan nhiều tới những chữ T lắm!

A 4


Lạy Thiên Chúa Cha, Đấng là tình yêu và giàu lòng thương xót, xin giúp con can đảm chấp nhận sự yếu hèn của con để con có thể tín thác vào lòng thương xót của Ngài, mặc dù con hoàn toàn bất xứng mà thôi. Lạy Thầy Giêsu, Người Tôi Trung Đau Khổ của Thiên Chúa, Ngài bị người ta giương lên cao, xin Ngài cũng kéo con lên theo cùng.
Amen.

Tác giả bài viết: Trầm Thiên Thu – Khởi đầu Tuần Thánh 2017

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây