NGUYỄN TRƯỜNG TỘ & TƯ TƯỞNG VƯỢT THỜI ĐẠI*

Thứ tư - 26/06/2019 10:23
Nguyễn Trường Tộ (1828–1871) là một danh sĩ, kiến trúc sư, và là nhà cải cách xã hội Việt Nam ở thế kỷ 19. Ông là một tên tuổi mà có lẽ không người Việt Nam có học nào trong thế kỷ XX và cả ngày nay chưa từng được một lần nghe đến. Trong học đường và trong học giới, người ta biết đến ông như một trí thức tân tiến của thế kỷ XIX, có tư tưởng canh tân, có tấm lòng yêu nước, đã từng dâng lên triều đình vua Tự Đức lúc bấy giờ nhiều đề nghị cải cách để làm cho dân giàu nước mạnh theo con đường văn minh của châu Âu. Song tiếc thay, dân ta lạc hậu, vua ta ngu tối, không nghe theo các “điều trần” đó.
Nguyễn Trường Tộ khởi thảo điều trần. Ảnh tư liệu
Nguyễn Trường Tộ khởi thảo điều trần. Ảnh tư liệu

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
NGƯỜI CÔNG GIÁO YÊU NƯỚC XỨ NGHỆ VỚI TƯ TƯỞNG VƯỢT THỜI ĐẠI

A 1

 

Ông là nhà tư tưởng, nhà cải cách lớn của đất nước ta cuối thế kỷ XIX trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quân sự... Đến nay, nhiều tư tưởng đổi mới của ông vẫn còn nguyên giá trị.
Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828, trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa tại làng Bùi Chu, nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Sinh ra ở làng quê nghèo, là người thông minh từ nhỏ và ông cũng nhận được nền giáo dục tiên tiến từ rất sớm. Nhờ học thông Tứ thư, Ngũ kinh của Nho giáo, năm 27 tuổi, ông được Giám mục Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu, về Xã Đoài nhận nhiệm vụ từ năm 1846) đưa vào Chủng viện Tân Ấp thuộc xứ đạo Xã Đoài để dạy chữ Hán cho Giám mục, đồng thời ông được ngài dạy cho học tiếng Pháp và giúp cho có một số hiểu biết về các môn khoa học thường thức của phương Tây.
Năm 1858, Giám mục Gauthier đưa Nguyễn Trường Tộ sang học tập, nâng cao kiến thức nhiều mặt tại Pháp. Hơn 2 năm ở Paris, chẳng những ông hiểu biết nhiều về khoa học, kỹ thuật, nhất là về kiến trúc, khai mỏ, mà còn đọc rộng về các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, pháp luật… và tìm hiểu được một số thành tựu công nghệ của phương Tây nhất là Pháp.

A 2

 

Trưởng thành trong một gia đình Công giáo đã giúp Nguyễn Trường Tộ có cơ hội được tiếp xúc với giáo dục phương Tây qua những vị Giám mục người Pháp dạy dỗ ông từ nhỏ.
Trên đường đi sang Pháp và trở về nước, Nguyễn Trường Tộ có dịp ghé qua Rome, dừng chân ở Singapore và Hongkong.
Năm 1861, Nguyễn Trường Tộ trở về nước, khi Sài Gòn Gia Định đã bị quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha chiếm đóng. Nguyễn Trường Tộ phiên dịch các công hàm trao đổi giữa triều đình Huế với Soái phủ Pháp ở Gia Định. Không ít lần ông sửa bớt chữ nghĩa trong công hàm của đôi bên nhằm tránh những lời lẽ quá khích, xúc phạm tới triều đình hoặc phương hại cho việc “tạm hòa”. Ông còn tìm cách thông báo cho các sứ thần của triều đình như Nguyễn Bá Nghi, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ một số ý đồ của phía Pháp.
Năm 1863, sau gần 3 năm sống trong lòng địch, bất đắc dĩ phải làm việc với quân Pháp, Nguyễn Trường Tộ tìm cách thoát ra khỏi vùng quân Pháp, liên hệ được với triều đình Huế. Từ đây cho đến lúc mất vào năm 1871, ông viết hàng loạt điều trần, luận văn, tờ bẩm, trình nhiều kiến nghị có tầm chiến lược nhằm canh tân đất nước, tạo thế vươn lên cho dân tộc để giữ nền độc lập một cách khôn khéo mà vững chắc.
Về mặt kinh tế, Nguyễn Trường Tộ quan tâm đến công, nông, thương nghiệp. Ông khuyên triều đình ra sức mở mang nghề nghiệp, mở mang buôn bán trong nước và giao thương với nước ngoài, tránh bế quan tỏa cảng, mời các công ty nước ngoài đến giúp ta khai thác tài lợi, để có thêm của cải và học cho được kỹ thuật cũng như cách làm ăn tiên tiến của họ, sửa đổi thuế khóa, đánh thuế nhà giàu nặng hơn nhà nghèo, đánh mạnh vào xa xỉ phẩm, làm sao cho “nước giàu dân cũng giàu”... Có như vậy mới giữ được độc lập trong tư thế làm chủ đón khách…
Về mặt văn hóa xã hội và giáo dục, Nguyễn Trường Tộ đề xuất cải cách phong tục, chủ trương coi trọng dân, sửa đổi chế độ thi cử mở mang việc học hành, thay đổi nội dung giáo dục. Ông khuyên triều đình tìm mọi cách nâng cao văn hóa đất nước theo hướng coi trọng khoa học, kỹ thuật, nhằm sớm nâng cao đời sống của nhân dân. Nguyễn Trường Tộ phê phán tình trạng kinh đô Huế luộm thuộm, mất vệ sinh, công thự dột nát, lương bổng quan lại quá ít ỏi…
Ông nêu hàng loạt vấn đề quan trọng như: nên sáp nhập các tỉnh để giảm bớt số quan lại và có điều kiện tăng lương cho quan lại nhằm giảm tệ tham nhũng, khuyến khích tính liêm khiết; mặt khác không nên cấm dân dùng đồ đẹp, đồ sang khiến cho văn vật ngày càng kém, áo xiêm ngày càng tồi; đề nghị sửa đổi chế độ thi cử, chú trọng bồi dưỡng nhân tài về nhiều mặt, thành lập các môn học thực dụng, dùng Quốc âm trong công văn thay cho chữ Hán, lập địa đồ quốc gia và các tỉnh, kiểm kê dân số, lập trại tế bần, viện dục anh (nhà trẻ) …

A 3
Tu viện Saint Paul (TP HCM) mang phong cách kiến trúc cổ điển Pháp do kiến trúc sư Nguyễn Trường Tộ thiết kế. Ảnh tư liệu

Về mặt ngoại giao, Nguyễn Trường Tộ phân tích cho triều đình Huế thấy rõ cục diện chính trị trên toàn thế giới lúc bấy giờ, những mâu thuẫn về quyền lợi giữa Pháp với Anh và Tây Ban Nha, khuyên triều đình nên có quan hệ ngoại giao trực tiếp với chính phủ Pháp tìm cách ngăn chặn âm mưu xâm lược của bọn Pháp bên này, khéo léo chọn thời cơ lấy lại 6 tỉnh Nam Kỳ, xác lập “tư thế làm chủ đón khách”....
Về mặt quân sự, Nguyễn Trường Tộ, tuy có tư tưởng “chủ hòa” nhưng không phải “chủ hòa” một cách vô nguyên tắc. Ông khuyên triều đình cải tu võ bị, trọng võ trọng văn, ưu ái người lính, biên soạn binh pháp, đào tạo sĩ quan, mua sắm tàu thuyền vũ khí, xây dựng phòng tuyến cả ở thành thị lẫn nông thôn, đề phòng quân Pháp xâm lược lan ra cả nước...
Đọc những dòng điều trần của Nguyễn Trường Tộ cách đây trên 160 năm cho thấy ông cũng như một số rất ít người đương thời (Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ...) là những người nhận biết thời đại, có tầm nhìn về sự cần thiết đi lên của dân tộc. Tư tưởng duy tân của Nguyễn Trường Tộ như là sự lóe sáng trước thời cuộc. Với nỗi niềm yêu nước thiết tha, muốn đưa tâm lực thực thi kế sách giữ nước, duy tân tự cường.
Tuy nhiên khác với nhiều nước, ở Việt Nam giữa thế kỷ XIX, xã hội Việt Nam chưa có cơ sở để thực hiện, thiếu những nhà lãnh đạo đất nước sáng suốt kiểu Minh Trị (Nhật Bản), Chulalongkorn (Thái Lan)... để thực thi kế sách.
Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ đã đi trước thời đại, nhưng rất tiếc lại thiếu cả các yếu tố “thiên, địa, nhân” và bị triều đình nhà Nguyễn bỏ qua một cách đáng tiếc. Tuy nhiên, nhìn về tư tưởng đi trước thời đại của ông, chúng ta càng tự hào về một người con xứ Nghệ, một giáo dân kính Chúa, yêu nước, luôn đau đáu với sự nghiệp canh tân đất nước.

Tác giả bài viết: PGS.TS Nguyễn Công Khanh, Nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Vinh

Nguồn tin: baonghean 29.05.2019

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây