VĂN NGHỆ XUÂN XƯA

Thứ bảy - 30/01/2021 16:02
(Để thành kính tưởng nhớ tới các diễn viên ngày xưa của giáo xứ Châu sơn nay đã về với Chúa và ôn kỷ niệm với các nghệ sĩ già của một thời vang bóng miền Núi Ngọc hiện đang sống ở giáo xứ , trong nước và hải ngoại)
VĂN NGHỆ XUÂN XƯA

Lại chuyện ngày xưa nữa các bạn đọc ạ!  người ta cho rằng, mấy người đến độ tuổi: “gió heo may đã về” thường hay hoài niệm, lùi ngược thời gian ôn lại những kỷ niệm vui buồn của một thời niên thiếu, thanh xuân, chẳng trách gì, thế hệ cha ông chúng ta đã thường hay nhắc lại những năm tháng sống ở đất Bắc khi đã vào Nam lập nghiệp. Nay chúng tôi mời các bạn đọc cùng với chúng tôi nhớ lại những đêm văn nghệ mùa xuân xưa của giáo xứ Châu sơn mà người viết bài này còn nhớ ít nhiều từ thập niên 1965 – 1975.

     Tết xưa, bọn trẻ chúng tôi, ngoài niềm vui thích được cha mẹ mua cho quần áo mới, ngồi nhìn ông bà, cha mẹ gói bánh tét, bánh chưng, đùa nghịch với pháo, đánh đáo, chơi hội chợ, chúng tôi rất háo hức được xem các đêm văn nghệ đêm xuân.
 

5

    
ác đêm văn nghệ thường đươc các thầy cô, học sinh sinh viên, các quân nhân công chức về phép ăn Tết hay các chủng sinh, đệ tử nhà dòng, đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, Con cái Đức Mẹ, Thanh tráng niên phụ trách v.v với sự động viên và giúp đỡ của cha quản xứ và ban hành giáo. Thời đó nổi bật nhất trong việc dàn dựng và đạo diễn là thầy Nguyễn Thái Hoàn và thầy Ngô Đức Diệm, thầy Hoàn biết sử dụng nhiều nhạc cụ như violon, accordeon, mandoline v.v.., thầy còn tập hát và múa rất hay, chính kẻ viết bài này đã được thầy đưa lên sân khấu đầu tiên khi đang học lớp nhì (lớp bốn ngày nay), nhưng khổ một cái là khán giả không biết mặt mũi con cái nhà ai cả, vì phải chui vào cái  con chim làm bằng giấy, chỉ trừ 2 con mắt trong bài múa Đàn chim Việt (Bến Xuân), nóng nực hết sức, nhưng cu nhỏ khoái lắm, thầy Diệm thì làm đạo diễn và đóng các vai kịch rất ấn tượng, còn đóng vai giả gái thì bọn trẻ chúng tôi thích nhất là anh Bùi Văn Tuyên, đẹp lắm, chẳng thua gì Hoài Linh bây giờ đâu. Ngoài ra còn có sự đóng góp rất to lớn về kịch bản cũng như vào vai diễn của các anh Nguyễn Huy, Ngô Đại Thành, Đoàn Trung Chính, Nguyễn Xuân Tĩnh, Trần Ngọc Hạnh, Nguyễn Thanh Hải, Bùi Văn Tiến, Trần Đức Huyên, Phạm Văn Liên 
và nhiều người nữa mà tôi không thể nào nhớ hết được mà kể ra, thành thật xin lỗi.

1
tam ca AVT

    Thời đó, vì có nhiều tài liệu văn nghệ đời và đạo, nên các anh phụ trách đạo diễn dàn dựng những bi kịch, hài kịch, điệu múa, tiểu phẩm, hợp ca, đơn ca v.v.. rất có ý nghĩa và sống động, chúng tôi nhớ mãi ông Thuận vai anh nông dân trong tiểu phẩm Cái trứng gà có ước mơ mua được cả chiếc máy bay hay các vai tấu hài, đọc thơ của ông Hiệp, màn AVT  bài Tam nghiệp v.v….các bi kịch nói lên hoàn cảnh đất nước, hạnh các Thánh tử đạo, kịch dã sử như Ngày về nương bóng Chúa, Chén cháo đêm giao thừa, Mai hoa công chúa v.v… làm bọn trẻ chúng tôi hồi hộp, nín thở theo dõi, có mấy đứa con gái khóc nữa kìa, rồi màn tốp ca Đường về Sài thành của anhTáo (ô Hùng), anh Đoài , anh Nguyễn Hồng v.v…  , các điệu múa Trai hùng Nam quốc, Bạch đằng giang, Dòng An Giang, Khúc hát ân tình, Tiếng sáo thiên thai, v.v ….( thường do thầy Hoàn, cô Đình và nhiều thầy cô khác tập cho lớp thanh thiếu niên nam, nữ )
 

2

  
Bắt đầu từ năm 1969 – 1975, với sự lớn mạnh của Liên đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, các chủng sinh và đệ tử nhà dòng có số lượng đông về nhà ăn Tết, nên các đêm văn nghệ Xuân được tổ chức hoành tráng, chất lượng hơn cả phần kịch bản và nghệ thuật. Các huynh trưởng và đoàn viên HTDC đã để lại nơi lòng khán giả nhiều  màn văn nghệ khó phai như bi kịch Những ngón tay trần, hoạt cảnh Lý đò đưa, Qua cầu gió bay, hợp ca Ly rượu mừng, Xuân ca, Thênh thang thuyền về, tam ca AVT Em tập Vespa, Ba bà mẹ chồng, các hài kịch Lang băm, Thầy Đồ v.v… . Đặc biệt là nhóm diễn viên chủng sinh và đệ tử các dòng đã đem lại những nét khởi sắc nghệ thuật về kịch bản và lối diễn xuất thu hút khán giả như bi kịch Người tử tù số 49, nói về ấn tòa cáo giải, các điệu múa rất sống động như The longest day, các điệu nhảy Passodoble, xử dụng nhạc phim Viễn Tây có tiếng súng bắn với các vũ công nam mặc đồ cowboy oai lắm. Còn các nữ đệ tử  nhà dòng thì thể hiện các điệu múa quạt thật lả lướt, mềm mại. Hóa trang vào thấy chị nào cũng xinh xắn!.

 

3

    
Kể cũng lạ, thời xa xưa đó, làm gì mà có các thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại như bây giờ, hệ thống âm-pli thì dùng âm-pli gỗ, các mạch dẫn bằng các con sò, loa thì dùng loa sắt. Còn ánh sáng thì lấy giấy kiếng đủ màu bọc các bóng điện để tạo nên màu sắc cho sân khấu, nhạc cụ thì chỉ có accordeon, ghita và mandoline, còn bộ gõ thì độ chế từ nồi niêu xoong chảo, ly thìa v.v… , thế mà  âm thanh vẫn rõ ràng, sân khấu linh động làm cho các màn diễn thêm phần thành công.

   Thời đó, việc tập dượt cho các đêm diễn văn nghệ Xuân mau lắm, nếu tôi nhớ không sai, thì Tết Canh Tuất (1970), các Trưởng Hùng Tâm Dũng Chí phụ trách diễn văn nghệ Xuân, chương trình chỉ diễn đêm mồng 2 tết thôi, nhưng sau đêm diễn thấy khán giả thích quá, trưởng và các diễn viên nghỉ vui Tết ngày mồng 3 để tập dượt cho đêm diễn mồng 3 luôn, dĩ nhiên là đã có ít nhiều màn dự trữ rồi, điều đó nói lên tinh thần của mọi người rất cao.
 

4
k
một tiết mục văn nghệ xuân

    Sau năm 1975, mất đi khoảng 10 năm không có những đêm văn nghệ Tết được tổ chức tương đối bài  bản nữa, phải bắt đầu từ Xuân Giáp tý (1984) đến nay, Giáo xứ mới có điều kiện tổ chức văn nghệ xuân được, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn cho dầu có đầy đủ phương tiện kỹ thuật và nhân lực.

   Quả thật, để tổ chức một đêm văn nghệ Tết, đòi hỏi rất nhiều công phu của nhiều người, nhưng hiệu quả tài chánh qua sổ vàng thì không được bao nhiêu, nhưng mục đích của các đêm văn nghệ Xuân là đem niềm vui xuân đến với mọi người và là sân chơi lành mạnh cho các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ phải xa nhà để đi học và làm việc ở phương xa, các bạn có dịp để cống hiến cho mọi người thân yêu của giáo xứ những điều mà các bạn đã được học hỏi, tiếp nhận trong cuộc sống. 

  Kính chúc mọi người được hưởng một Mùa xuân mới an lành , hạnh phúc .

 XUÂN TÂN SỬU 2021.

 Người viết  TIẾNG XƯA.
 
Picture 074
Picture 024

Tác giả bài viết: Tiếng Xưa; hình ảnh tư liệu BBT trang tin

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây