NHỮNG HÀNH KHÚC LÊN ĐƯỜNG
-(Viết trên báo Phụ Nữ số 71 và Công Giáo & Dân tộc số 1073 tháng 9.1996)
Nhạc sĩ Hùng Lân lặng lẽ qua đời cách nay vừa đúng 10 năm tròn, khi ông mới 64 tuổi, trong căn nhà xinh xắn ở khu phố Đakao. Xem tướng mạo và cách sống của ông thì sự ra đi ấy có vẻ hơi đột ngột, hơi sớm. Nghĩa là chưa chạm được vào cõi thời gian của những người “xưa nay hiếm”. Lúc ấy (17-09-1986) theo lời kể của bà Monique Nguyễn Thị Dung, người bạn đời của nhạc sĩ, trên bàn làm việc của ông còn bề bộn những trang cuối cho một tác phẩm ở dạng “di cảo” khá công phu, mang tên “Nhạc Lý Tân Biên”. Bảo ông “lặng lẽ” là phải. Người trong nhà và cả bạn bè thân quen, còn ai lạ gì cái lối sống thâm trầm, mẫu mực quen thói nhà tu của ông xưa rày? Với lại, ngay cả sau khi không còn sống để “toàn tâm, toàn ý” cho âm nhạc nữa, xuân thu thị kỳ, ông mới được nhắc nhở thoáng qua, rồi thôi. Thậm chí đến nay, sau 10 năm yên ắng, nếu trên trang báo này không có lấy đôi ba dòng khơi gợi tưởng niệm thì coi như tên tuổi cùng sự nghiệp đã cống hiến cho âm nhạc của ông bấy lâu, khác nào một dấu lặng trong bản giao hưởng còn dang dở kia. Không một Album, một tuyển tập, một băng từ, một đêm nhạc hay một buổi giao lưu nào về Hùng Lân. Trong khi ấy thì Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Phong Nhã, Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn, Diệp Minh Tuyền, Trịnh Công Sơn, Lư Nhất Vũ, Hồng Đăng v.v… cứ rộn lên trăm hoa đua nở. Đời và đạo khác nhau đến thế ư?
Với hơn 40 năm hoạt động (1945-1986), nghiên cứu, sáng tác, giảng dạy và trình diễn, với hàng trăm công trình, tác phẩm đủ mọi thể loại, công bằng mà nói, Hùng Lân thật xứng đáng để người đời ghi nhận như là một trong những đóng góp tích cực và trân trọng cho dòng nhạc “cải cách”, cho làng “tân nhạc” Việt Nam lúc khởi đầu vậy. Riêng sự nghiệp Thánh nhạc Thánh ca bằng tiếng Việt của Hùng Lân trong suốt chiều dài 50 năm hình thành phát triển của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh một, “của lễ” đã hiến dâng trong đền thờ xin dành để công chúng nhà đạo cảm thụ và đánh giá. Tôi không dám lạm bàn. Ở đây, chỉ xin nói tới mảng “nhạc đời”, với một số ca khúc có giá trị, mang nội dung và hình thức mới lạ, vui trẻ, khỏe khoắn của ông. Xin tạm gọi là “những hành khúc lên đường”, đã một thời giục giã ngân vang trong lòng người yêu nước, một đóng góp không nhỏ trên mặt trận tuyên truyền văn hóa văn nghệ trước, trong và sau khi nước nhà giành độc lập 1945. Gọi là “những hành khúc lên đường” vì chúng được cưu mang, sinh thành, được thôi thúc bởi tiếng gọi cấp bách của Tổ Quốc, của dân tộc trong một bối cảnh lịch sử bừng bừng sôi sục khí thế cách mạng mùa Thu và toàn quốc kháng chiến. Trong cái ý nghĩa đó, “hành khúc” được hiểu như là “hịch, chiếu, biểu, cáo”, một thể loại văn hùng biện hoặc những bản anh hùng ca có sức cổ vũ, vận động sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Lạ thay và cũng may mắn thay! Nhạc “cải cách” hay “tân nhạc” Việt Nam ở buổi hừng đông ấy, lại nở rộ những riêng lẻ, viễn mơ. Ai đã từng lớn lên ở từng thời điểm ấy, mới thấy thế nào là nỗi khát khao cháy bỏng tự do, độc lập mà ngọn gió lịch sử đã thổi vũ bão vào từng ngôn ngữ, từng phách nhịp, từng giai điệu của những hành khúc. Từ nông thôn đến tỉnh thành. Từ mạn ngược, vùng xuôi tới kẻ chợ, trường học, nhà máy, trại giam. Điệp điệp trùng trùng những hành khúc, tạo thành một làn sóng thác lũ, cuốn hút khối đại đoàn kết dân tộc, lên đường, tập hợp dưới ngọn cờ cách mạng. Tôi muốn nói tới Diệt Phát Xít của Nguyễn Đình Thi; Tiến Quân Ca, Chiến Sĩ Việt Minh, Bắc Sơn, Sông Lô của Văn Cao; Du Kích Sông Thao của Đỗ Nhuận; Phất Cờ Nam Tiến của Hoàng Văn Thái; Ra Đi Vì Nước, Thanh Niên Đừng Chia Rẽ của Nguyễn Văn Giệp; Lãnh Tụ Ca của Minh Tâm; Vệ Quốc Quân, Ánh Sao Đêm của Phan Huỳnh Điểu; Bình Trị Thiên Khói Lửa của Nguyễn Văn Thương; Ta Cùng Đi, Sông Bạch Đằng, Hồn Tử Sĩ, Ải Chi Lăng, Mau Về Nam của Lưu Hữu Phước, v.v… và dĩ nhiên, trong bước đi rầm rập của đoàn quân bách thắng ấy, có Hùng Lân với những hành khúc nổi tiếng như: Việt Nam Minh Châu Trời Đông (giải nhất toàn quốc, 1943), Rạng Đông (giải nhì toàn quốc, 1944), Khỏe Vì Nước, Học Sinh Hành Khúc, Tiếng Gọi Lên Đường, Ca Xuân Hẹn Ước, Hè Về…
Ai cũng biết nhạc sĩ Hùng Lân vốn xuất thân từ môi trường đạo có tiếng tăm, mang tên Puginier ở phố Gambetta, Hà Nội, dĩ nhiên là âm nhạc phương Tây. Thế nhưng, noi gương những người Công giáo tiến bộ lớp trước như thầy Tađêô Đỗ Văn Liu, các linh mục Nguyễn Trường Lưu, Hoàng Mai Rĩnh, Nguyễn Văn Huấn, v.v…, ông đã lựa chọn cho mình một con đường hoạt động, sáng tác, phục vụ riêng: Sử dụng vốn kiến thức và tài năng để làm mới, làm giàu cho kho tàng âm nhạc Việt Nam, đưa tân nhạc Việt Nam vượt thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn “nhạc Tây lời Tây” và “nhạc Tây lời ta”, một phong trào ca hát thời thượng bấy giờ, đặc biệt trong hàng ngũ trí thức tư sản ở thành thị. Ý thức độc lập và tự hào dân tộc ấy càng được thể hiện rõ nét hơn suốt những thập niên 1950, 1960 và đầu 1970 khi ông chủ xướng, biên tập và dẫn dắt phong trào “Tìm hiểu âm nhạc Việt Nam” trong học đường cũng như ngoài xã hội trước nguy cơ bị pha tạp và Mỹ hóa. Có thể là một thiếu sót, nếu chưa kể ra đây chút kỷ niệm riêng tư của bà quả phụ Hùng Lân, cô nữ sinh trường Đồng Khánh ở Hà Nội bấy giờ. Chúng tôi – bà kể, được khuyến khích tổ chức, tham gia một buổi diễn tại nhà hát lớn, gồm 3 tiết mục: Trình diễn trang phục thiếu nữ Việt Nam qua các thời đại, múa ballet (do Parmentier dàn dựng) và diễn trích đoạn trong vở kịch “Les Femmes savantes” của Molière do bà Giám đốc Brachat gợi ý. Chúng tôi phản ứng kịch liệt bằng cách tự chọn và diễn vở Tục Lụy của Khái Hưng (do ông Thế Lữ chuyển thể thành kịch thơ và ông Lưu Hữu Phước soạn nhạc). Tôi đóng vai chính Nhã Tiên, được công chúng tán thưởng nhiệt liệt, trong khi đó thì mấy ông Tây bà đầm hết sức giận dữ, đe dọa sẽ tống cổ chúng tôi ra khỏi trường.
Nhắc lại vài ba điều nho nhỏ trên đây, tôi chỉ muốn khơi gợi sự đồng cảm của công chúng một thời đã biết, đã yêu và hát nhạc Hùng Lân. Và đặc biệt qua “những hành khúc lên đường” của ông, người ta cũng được sống lại những khoảnh khắc thật thiêng liêng, hạnh phúc mà hào hùng của những đầu ngày mùa Thu tháng Tám thời ấy chưa xa.
TIẾNG CHIM HÓT ĐẦU NGÀY
Ngay từ những năm còn bé trong đội Thiếu nhi và Nghĩa binh Thánh thể ở xứ đạo quê nhà, nhiều lần được nghe những bài Thánh ca bằng tiếng Việt, mà sau này tôi mới biết người cưu mang, sinh thành ra chúng là nhạc sĩ Hùng Lân hoặc những nhạc sĩ trong nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh. Dĩ nhiên, chúng chỉ là truyền khẩu và thuộc lòng một cách máy móc thôi. Chứ những tập “Cung Thánh” và những con người làm ra giai điệu kia dễ gì mọc cánh mà bay về chốn đồng chua nước mặn này? Từ đó, những cung bậc lời ca cứ mãi theo tôi vào đời, lớn lên, đến tận hôm nay. Chính tôi cũng chẳng hiểu hết được lòng mình tại sao lúc ấy nôn nao cái cảm giác là lạ, cái cảm nhận kỳ diệu thiêng liêng của một kẻ-lên-đền lễ hương, chiêm bái. Nó khác hẳn cái thế giới sang trọng của bình ca và thứ ngôn ngữ Latinh xa lạ đâu đâu của các bậc nhà thầy nhà tu. Và cũng đã có một thời, khoảng cuối thập niên 1960 gì đó, họa hoằn tôi đi lễ nhà thờ dòng Phanxicô khuất tịch trong khu phố Đakao, vô tình ngang qua con hẻm cụt Tự Đức. Vậy mà, chưa một lần tôi dừng lại, đến gần, xin phép vào căn hộ, tổ ấm của nhạc sĩ Hùng Lân ở đấy. Chẳng phải là mình đã vơi cạn nguồn cảm kích hưng phấn thời trai trẻ xưa. Nhưng vì cứ ngài ngại một sự mất mát nào đó xảy ra ngay trong chính lòng mình, một khi cái mộng mơ hóa thân thành sự thật có thể nắm bắt được. Trong cuộc sống, tôi nghĩ, đôi khi giữ một khoảng cách cần thiết nào đó, lại mang nhiều ý nghĩa hơn là tạo ra một gần gặn, thân quen. Riêng trong cách cảm thụ nghệ thuật, điều ấy, có lẽ càng đúng hơn. Cho nên, với nhạc sĩ Hùng Lân, tôi cứ giữ phép “kính nhi viễn chi” là vậy.
Cho đến môt ngày mưa dầm do bão rớt hồi cuối tháng 8 vừa rồi. Anh em trong Ban Thánh nhạc giáo phận TP.HCM và thân hữu gợi ý, bảo tôi “viết bài giỗ lần thứ 10 nhạc sĩ Hùng Lân”, kẻo để lâu nó nhạt đi, quên đi thì mang tội với người đã khuất. Như thế mới là phải đạo. Không cầm lòng được nữa, tôi đành phải phá bỏ bức tường cách ly vô cảm trên bằng cách đánh liều đến ngôi nhà mà chắc chắn chỉ còn bà quả phụ Hùng Lân – chị Monique Nguyễn Thị Dung cùng với những người con thân yêu, nghe đâu đã thành danh thành phận, yên bề rồi. Xin miễn cho tôi phải làm cái công việc ghi chép thân thế và sự nghiệp của ông, bởi ngần ấy thứ đã đi vào lịch sử và lòng người. Bởi thế, câu chuyện giữa chúng tôi trong không khí gia đình chỉ rặt xoay quanh những kỷ niệm và kỷ niệm. Đúng hơn là một hồi ức sống động về đời thường, về âm nhạc, đặc biệt về nguồn cảm hứng nào đã khiến ông viết nên những bản Thánh ca, để lại dấu ấn sâu đậm, như: Lên Núi Sion, Một Ngày Ghi Nhớ, Tôi Đã Thấy, Nhớ Ngày Năm Xưa? Thì ra, thế giới hoa thơm và mật đắng quanh ta và cõi đời hệ lụy nhọc nhằn này đã trở thành chất liệu phong phú để người nghệ sĩ chuyển hóa, thăng hoa, đưa nó vào thơ vào nhạc, nở trên môi miệng thơm tho lời nguyện cầu. Vâng, Nhạc và Thơ lúc ấy, nói một cách khác, đã thành kinh thành đạo, thành mạch sống ân sủng miên trường. Thật khó phân định ranh giới của một ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ kinh văn khi tiếp cận Thánh vịnh, Thánh thi Đavít, vào Confession của Augustin, vào thơ Charles Péguy, Paul Claudel, Gioan Thánh giá…Và điều đó càng cho phép ta hiểu thêm phần nào cái ngất trí “Maria, linh hồn tôi ớn lạnh” của Hàn Mạc Tử. Như vậy thì “Lời dâng” sau đây của Tagore vừa là tâm sự muốn bày tỏ vừa là kinh nghiệm của tình yêu: “Chúng mình miên man nói mãi, để rồi chìm vào im lặng triền miên. Chúng mình không quờ tay với khoảng không để tìm điều ngoài hy vọng. Thật đủ rồi cái ta cho và cái ta được. Tình yêu đôi ta đơn sơ như một bài ca”.
Hùng Lân và Thánh ca của Hùng Lân như một dòng suối phát nguyên từ nguồn mạch Thánh Kinh, lần đầu tiên xuất hiện giữa một tình hình mà bình ca Latinh đương thịnh mãn. Nhà thờ xứ đạo vẫn sử dụng hoặc sao đi chép lại, coi những Cantiones, Cantus Liturgici (in tại nhà in Nazareth Hồng Kông) hoặc Paroissien Romain, Cantiques de La Jeunesse như là những bộ sách gối đầu giường. Để được các đấng “bản quyền” chấp nhận đã khó. Được in ấn, phát hành và tập tành ca hát trong phụng vụ, lại càng khó hơn. Đấy là sự thật của những năm 1940, 1950. Ấy thế mà chỉ trong ít năm, đã có mười mấy tập Cung Thánh liên tiếp ra đời, quy tụ hàng trăm nhạc sĩ, hàng nghìn ca khúc về đủ các thể tài: Bí tích, Phụng vụ, lễ mùa quanh năm, Đức Mẹ, chư thánh, v.v… Trong cái tập thể tài hoa ấy của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, Hùng Lân vẫn là con chim đầu đàn, xét về bản lĩnh, uy tín lẫn chuyên môn với một phong cách rất riêng, rất tách bạch. Cái vốn về nhạc lý từ ngôi trường Puginier, khung cảnh nghệ sĩ của nhà họ Hoàng và kinh nghiệm thực tế những năm rong ruổi đó đây trong dân gian đã làm nên Hùng Lân vậy. Thế mà những ca khúc của Hùng Lân mãi 6 năm sau mới được phép hát trong Thánh lễ. Số là hôm ấy – theo lời kể của bà quả phụ Hùng Lân “ngày 26-03-1951 tại nhà thờ lớn Hà Nội, lễ cưới của đôi tân hôn Phêrô Hoàng Văn Hương (Hùng Lân) và Monique Nguyễn Thị Dung do cha Nguyễn Văn Vinh (nhạc sĩ) chủ tế, có đông đủ các thành viên chủ lực của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh. Ban hợp xướng – hòa tấu do nhạc sĩ Violon Giuse Nguyễn Văn Giệp (Hội khuyến nhạc Việt Nam) chỉ huy, lần lượt trình diễn bốn bài: Lên Núi Sion, Một Ngày Ghi Nhớ, Tôi Đã Thấy và Nhớ Ngày Năm Xưa của anh Hùng Lân. Tất cả như đã lồng vào lòng thiết tha, toại nguyện, chung thủy tuyệt đối, đã kết hợp hai chúng tôi trong tình thương yêu vô bờ bến của Đấng Tối Cao”. Kỷ niệm thánh thiện và tuyệt vời trên đây của hai người cũng đã được ông Nguyễn Khắc Xuyên – một thành viên trong ban sáng lập nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh –nhắc lại và coi như một phát hiện mới về thánh ca: “… Vào thời kỳ hạnh phúc trước hôn nhân, anh (Hùng Lân) đã cảm hứng và soạn ra. Khi chị ưng thuận làm bạn đời của anh thì anh vô cùng sung sướng thốt ra những lời lẽ này:
“Giờ tôi đã thấy, đã hiểu và đã tin
Tin rằng Thiên Chúa đã nghe lời tôi xin
Đưa đường cho tôi tới chốn này
Thỏa lòng chờ mong ao ước bấy nay
Giờ tôi đã thấy, đã hiểu và đã tin
Tôi quyết tình yêu tha thiết bền lâu
Tôi quyết trung thành trong cả cuộc đời
Dù gian lao, đắng cay, chẳng khi nào dám phai”.
(Tiến trình Thánh nhạc Việt Nam, 1992)
Nhắc lại vài ba câu chuyện nho nhỏ vui vui này, tôi không hề có ý đánh bóng, tô son hoặc thần tượng hóa nhạc sĩ Hùng Lân. Bản chất ông không ưa thích gì. Chỉ biết rằng hàng mấy chục năm qua, không chỉ riêng tôi, mà là đông đảo công chúng nơi những hàng ghế nghiêm trang của giáo đường, vẫn mãi mãi nhớ và cảm ơn Hùng Lân, tiếng chim hót lảnh lót đầu ngày trong khu vườn Thánh nhạc Thánh ca Việt Nam.
“Hôm nay, nai vàng uống suối mật ong
Bên bờ hy vọng, lúa đồng đâm bông
Hôm nay, nho chín đồi cao
Gió Nam trở về với đàn bồ câu”.
-(Trích trong Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo Việt Nam - Miền Thơ Trong Thánh Nhạc Thánh Ca, tác giả Lê Đình Bảng, NXB Phương Đông, 2009) 17/9. Giỗ 35 năm cố nhạc sĩ Hùng Lân.
Francis Assisi Lê Đình Bảng
Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn