BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT THỨ XXIII THƯỜNG NIÊN - NĂM C
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 14, 25-33)
Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.
"Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: 'Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi'.
"Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".
Suy niệm
Là một con người, ai cũng có những hoài bão, những ước mơ, có những hoài bão giúp con người trưởng thành và có một tương lai bình an, hạnh phúc, cũng có những hoài bão như là ảo tưởng, làm cho con người quên đi chổ đứng của mình, đồng thời đánh mất phẩm giá của bản thân khi cố gắng thực hiện hoài bão đó. Cũng có những con người mang theo bên mình vào đời những ước mơ rất đơn sơ, chân thành, nhưng cũng có những con người sống với những ước mơ thật lớn lao, nhiều lúc còn quá mông lung, vì thế, cuộc đời của họ luôn ngập tràn những kế hoạch ảo tưởng, quên mất phút giây hiện tại của mình. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 23 thường niên, gợi nhắc cho các Kito hữu hãy ý thức về ước mơ và hoài bão được làm con Thiên Chúa. Làm con Thiên Chúa không dừng lại nơi những nghi thức, những lễ hội, những truyền thống rước xách và kinh kệ lâu giờ, nhưng làm con Chúa hôm nay, hãy tập quên dần những cá tính bản thân, để sống và phục vụ cho tha nhân, hãy tập quên đi cái tôi của mình, để sống và làm việc trong cánh đồng truyền giáo của Thiên Chúa.
Thiên Chúa vẫn mãi là một đấng siêu hình, thiêng liêng, nhưng rất gần gũi với con người, nhiều lúc con người như gần được đụng chạm vào Ngài, nhưng cũng có những lúc, Ngài như biến mất trong cuộc đời của con người. Tác giả sách Khôn Ngoan trong bài đọc 1 đã khuyên bảo những ai chấp nhận vai trò là con Thiên Chúa, thì hãy mở lòng, sống khiêm tốn, bởi con người sao có thể biết và hiểu được ý định cũng như kế hoạch của Thiên Chúa, chỉ còn một con đường duy nhất là tỉnh thức, để nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa và đâu là kế hoạch của con người: “Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn. Vì xác hay hư nát làm cho linh hồn ra nặng nề, và nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề”. Không thiếu những biến cố, những câu chuyện cuộc đời, con người đã gán ghép cho là thánh ý Chúa, là thiên tai, nhưng kỳ thực, đó là nhân tai, là kế hoạch tham vọng của nhân loại. Dầu vậy, Thiên Chúa vẫn im lặng, vẫn lắng nghe và vẫn luôn cúi xuống, luôn đợi chờ và mong được tha thứ cho con người.
Giáo hội là một cộng đoàn gồm những người tội lỗi, cùng giúp nhau, cùng nâng đỡ nhau từng ngày để nên thánh. Vì thế, đón nhận nhau như anh em trong một gia đình, là một thách đố lớn của người tín hữu, bởi họ chỉ là người xa lạ, nay phải chấp nhận đó là anh chị em của mình. Thánh Phaolo rất tế nhị khi gởi gắm một người học trò cho người môn đệ của mình là Phi-le-mon, thánh nhân không cầu khẩn, không van nài, nhưng thánh nhân tin rằng người môn đệ của mình hiểu được giá trị của việc từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy Chí Thánh là Đức Giesu, do đó, tâm tình của bài đọc 2 là một lời mời trân trọng của thánh Phaolo dành cho Phi-le-mon, hãy đón nhận người anh em của mình: “Con thân mến, Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, cha nài xin con cho Ô-nê-si-mô, đứa con cha đã sinh ra trong xiềng xích. Cha trao nó lại cho con. Phần con, con hãy đón nhận nó như ruột thịt của cha. Cha cũng muốn giữ nó lại để thay con mà giúp đỡ cha trong lúc cha bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc”. Cuộc sống đang yên lành, nay có thêm thành viên mới, có thể đảo lộn mọi thứ, vì thế, thánh Phaolo đã khuyên bảo học trò mình, hãy vì những giá trị của Tin mừng, đón nhận người anh em mới với sự trân trọng và yêu thương. Đón nhận một điều gì mình không thích, hay không phù hợp, là một thách đố lớn với con người trong thời đại đề cao chủ nghĩa cá nhân. Bất cứ ơn gọi nào cũng đang đối diện với xu hướng xã hội này, vì thế, Mẹ Giáo hội không thiếu những lần đã nuốt nước mắt vào trong chỉ vì tham vọng, quyền bính và địa vị mà chính anh em trong gia đình chỉ trích, khích bác lẫn nhau và tìm cách hạ bệ nhau.
Đọc lại đoạn tin mừng của tuần lễ thứ 23 thường niên này, chắc nhiều người không khỏi trăn trở, bởi lời dạy của Thiên Chúa hoàn toàn trái nghịch với xu hướng của thế gian hiện tại. Chạy tìm địa vị, luồn lách để đạt được tham vọng, dẫm đạp lên tha nhân để tiến thân, là những câu chuyện đang diễn ra thường ngày, thậm chí trong cả tôn giáo. Vậy thì làm sao để từ bỏ mình, làm sao để vác thập giá cuộc đời mình được, nếu không can đảm loại trừ chủ nghĩa cá nhân và toan tính thế gian ra khỏi đời phục vụ của người môn đệ Đức Giesu. Lời dạy của Ngài vẫn còn đó, giáo huấn của Ngài vẫn song hành với Giáo hội đó, thực tế con cái Giáo hội đã và đang sống như thế nào: “Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta”. Nhiều môn đệ theo Chúa, nhiều môn đệ xưng danh là học trò của Đức Giesu, nhưng bước vào thế giới, họ đã và đang sống như là một Kito hữu vô thần. Chắc không xa lạ lắm với những quan niệm thế tục của người tín hữu hôm nay, bởi để sống giữa đám sình lầy mà không nghe mùi bùn thì quả là một thách đố lớn, một cố gắng không mệt mỏi trong từng ngày.
Đi ngược chiều trên một con đường trong cuộc sống là một điều bất thường, sống ngược lại với những xu hướng của xã hội hôm nay lại càng bất thường hơn. Vậy mà Thiên Chúa lại đòi buộc người môn đệ Ngài phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mỗi ngày, quả thực là một đòi hỏi không đơn giản, nào là thế giới đang đề cao chủ nghĩa cá nhân, nào là xã hội đang tìm đủ mọi phương cách để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cuộc sống của mỗi người. Tất cả đều cho nhu cầu con người, vậy thì làm thế nào để từ bỏ chính mình được, làm thế nào để vác trên vai thập giá trách nhiệm của bản thân được, khi mà tinh thần trách nhiệm không còn được trân trọng và được đón nhận như là một giá trị của con người. Thách đố từ xã hội ảnh hưởng rất lớn tới ơn gọi Kito của người tín hữu hôm nay. Nếu không có cố gắng nhiều từ bản thân, nếu không có niềm tin sâu đậm, nếu không có đời sống cầu nguyện, người tín hữu khó có thể đón nhận những lời mời của Con Thiên Chúa làm người.
Tới nhà thờ tham dự Thánh lễ, cùng cộng đoàn cử hành các bí tích, người tín hữu nhiều lúc đã rơi vào trạng thái dửng dưng, bởi khi tham dự Thánh lễ mà không có niềm tin và lòng mến, chắc sẽ khó gặp gỡ một Thiên Chúa thánh thiêng nơi Thánh Thể, nếu không có lòng mến và khát vọng nên thánh, chắc sẽ khó nhận ra những đặc sủng từ các bí tích họ được lãnh nhận. Những vướng bận đó sẽ là những cạm bẩy đưa người tín hữu rơi vào tình trạng không chấp nhận thập giá trách nhiệm và bổn phận của chính mình, họ sẽ tham dự với một tâm thái bất an và dửng dưng. Cùng với những khó khăn về tinh thần, người tín hữu còn đối diện với bao nỗi khó khăn về việc mưu sinh. Nhiều áp lực từ công ăn việc làm, tạo nên một sự mệt mỏi tinh thần, một thể xác thiếu sức sống, một ý chí đang bị bào mòn vì gánh nặng cuộc sống, làm sao họ có thể đến với Chúa với một trái tim bằng thịt, với một lòng mến sâu đậm và một tinh thần quảng đại được. Thiên Chúa chắc sẽ không thua lòng quảng đại và sự hy sinh của con người, Ngài đọc được tất cả từ đôi mắt của một người yêu, Ngài đợi chờ một chút cố gắng từ con người. Hãy cố gắng lên, Thiên Chúa đang đợi chờ chúng ta phía trước, để ban ơn, để chia sẻ và để ủi an.
Lạy Chúa Giesu, phận người lắm khổ đau, nhiều gian truân, Chúa đã biết, xin giúp chúng con cố gắng mỗi ngày một chút, để cùng với ơn của Ngài, chúng con đón nhận thập giá trách nhiệm và ơn gọi của mình, để thực hiện những gì Chúa muốn. Chúa đã mời chúng con từ bỏ chính mình, là từ bỏ những toan tính theo kiểu thế gian, để tất cả dành cho Chúa hướng dẫn, xin giúp chúng con mở rộng tâm hồn, sống tinh thần phó thác, để Chúa lớn lên trong mọi công việc, mọi bổn phận và mọi hoàn cảnh cuộc đời chúng con. Amen.