Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. Lc 15, 1-32
Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng".
Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy, Tôi bảo các ông: "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
"Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: 'Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất'. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Người lại phán rằng: "Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: 'Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con'. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha'. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa'. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: 'Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ'. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: 'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó'.
"Nhưng người cha bảo: 'Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'".
Suy niệm
Đi dọc chiều dài lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, con người không thể thấy Ngài hiện diện bên cạnh, nhưng dấu vết của Ngài vẫn đi cùng năm tháng với con cái của Ngài. Đó là một sự hiện diện cúi xuống, một sự hiện diện đợi chờ và một sự hiện diện tha thứ. Dù chỉ là một tạo vật, con người mang trong mình một tham vọng vô biên, có những lúc họ muốn ngang bằng với Thiên Chúa về quyền bính, về vinh quang, có những lúc, họ loại trừ Ngài ra khỏi dòng chảy của lịch sử con người, đỉnh cao của tham vọng con người là kết án tử người Con duy nhất của Thiên Chúa, khi người con ấy đi vào lịch sử của nhân loại qua mầu nhiệm nhập thể. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 24 thường niên, mời người nghe trở về với thuở ban đầu của một dân tộc, đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng. Họ đã phản bội Ngài. Ai nhận ra thân phận của mình và đợi chờ ơn cứu độ, sẽ được Thiên Chúa giải thoát và giúp họ trở nên người tự do. Bàn tay vô hình của Thiên Chúa vẫn đâu đó trong dòng chảy của lịch sử nhân loại. Hình bóng người Cha nhân lành vẫn đợi chờ con cái từng ngày, khi chúng rời bỏ mái ấm gia đình, tung hoành bốn phương trong thân phận tội nhân. Thiên Chúa vẫn đợi chờ và sẵn sàng quên mọi lầm lỗi của con người, hãy sám hối, hãy trở về và hãy cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa, con người sẽ nhận được sự bình an trong phút giây hiện tại.
Rời khỏi mảnh đất Ai-cập mà tổ tiên dân Do thái đã sống kiếp nô lệ, dân Do thái tiến về miền đất hứa, trong hành trình đó, bàn tay yêu thương của Thiên Chúa qua đám mây ban ngày và ngọn lửa sáng chói ban đêm, Thiên Chúa luôn bên cạnh họ để bảo vệ. Tới chân núi Si-nai, Ngài đã ký kết với họ một giao ước, đại diện con người là Môi-sen. Còn niềm vui nào cho bằng được gọi Thiên Chúa là Cha, thế mà họ đã phản bội, đã đúc một con bò vàng, coi nó như vị thần luôn bảo vệ họ. Thiên Chúa đã nổi giận, muốn xóa sổ đám dân mong manh đó, ông Môi-sen đã quỳ xuống, cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa, Ngài đã chấp nhận và tha thứ cho tội phản bội đó: “Chúa phán cùng Môsê: "Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại". Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: "Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: "Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời”. Nổi giận đó, rồi tha thứ đó, chỉ có Thiên Chúa, Đấng nhân lành mới có thể hành động như thế. Ngài tha thứ cho họ, tiếp tục dẫn họ tiến về đất hứa, dù không dưới một lần, họ đã kêu trách Ngài.
Trong lá thư gởi cho người học trò của mình là Ti-mô-thêu, thánh Phaolo đã đặt mình vào trong thân phận một tội nhân được Thiên Chúa tha thứ và đón nhận, đồng thời cho ngài trở nên một tông đồ, tất cả do tình thương của Thiên Chúa chứ không đến từ công trạng của con người, ơn tha thứ thánh nhân có được, như một món quà tặng, dành cho người biết sám hối, biết trở về trong sự khiêm tốn và chân thành: “Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất. Vì thế, cha được hưởng nhờ ơn thương xót, là Ðức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết, để nêu gương cho những ai sẽ tin vào Người hầu được sống đời đời”. Từ một kẻ bắt bớ môn đệ của Thiên Chúa, thánh Phaolo như được tái sinh trong giếng nước tình yêu của Thiên Chúa, Ngài đã tái tạo cuộc đời và trái tim của thánh nhân, từ đây, cuộc đời của thánh nhân như chiếc máng, làm tuôn chảy dòng nước thanh tẩy mọi trái tim khô cứng, rửa sạch mọi lầm lỗi và yếu đuối của con người. Trở nên khí cụ của tình yêu Thiên Chúa, là một niềm hạnh phúc lớn lao của thánh Phaolo, cũng như bất cứ ai chọn con đường mang tên Giesu, để sống, để hoạt động và loan tin mừng cứu độ con người.
Đức Giesu đã dùng ba dụ ngôn để diễn đạt sự phong phú và hào phóng của tình yêu Thiên Chúa. Một trăm con chiên, bị lạc mất một con, người chủ bỏ lại sau lưng chín mươi chín con, để đi tìm một con bị lạc. Xem ra ông chủ này không biết tính toán hơn thiệt, về giá trị của đoàn chiên, chỉ biết mất là phải tìm kiếm, thất lạc là phải đưa về: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao?”. Người phụ nữ có mười đồng bạc, thất lạc một đồng, bỏ công tìm kiếm khắp nơi, tìm được còn mời bạn hữu tới chia sẻ niềm vui đó, cái tốn kém của việc tiếp đón khách còn hơn cả đồng tiền bị mất, nhưng bà ta không quan tâm, chỉ biết hôm nay bà có một niềm vui lớn, tìm lại được đồng bạc bị mất: “Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: 'Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất”. Đợi chờ đứa con từng ngày ở cổng nhà, là một nỗi niềm của người cha, dầu biết rằng nó đã bỏ nhà ra đi. Buồn bã, chán chường và khổ đau là tâm trạng của người cha mất con, tiền bạc ông không quan tâm, của cải, ông không lấy làm trọng, chỉ biết mất một đứa con, là cuộc đời như vô nghĩa, mất một đứa con là cái mất lớn nhất trong đời, đặc biệt trong trách vụ của một người cha: “Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa'. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.
Thiên Chúa đã cúi xuống với con người, khi con người gặp đau khổ, gặp bất trắc giữa dòng đời. Ngài cúi xuống khi đã nghe được tiếng than ai oán của con người, khi đã thấy nỗi nhục nhã của một kẻ nô lệ, khi đã chứng kiến nỗi bất công và khổ đau của con người. Tội lỗi và sự chết đã chia cắt mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người bằng những lời dụ dỗ đường mật. Chúng đưa con người vào một thế giới bất công, mất tự do, mất sự bình đẳng, mất phẩm giá của một con người, vậy mà chúng đã mê hoặc con người bằng những lời đường mật, bằng những lời hứa suông. Vì thế, con người, vì tham lam, vì tự mãn, đã rơi vào cạm bẩy của chúng. Thiên Chúa đã dùng sức mạnh của tình yêu, trao người con duy nhất cho con người, để giải thoát và phục hồi quyền làm người, quyền được sống và được tự do cho con người. Chuyên chăm tìm kiếm câu trả lời cho khái niệm tình yêu, con người mới hiểu được phần nào, mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, một mầu nhiệm phát xuất từ tình yêu.
Trước giá trị siêu việt của tình yêu tự hiến đó, con người thay vì đáp trả, thay vì tri ân, họ đã quay lưng lại với Thiên Chúa, đặt Thiên Chúa ngang hàng với các thần linh của thế gian là một hành vi phụ bạc tình yêu của Ngài. Coi trọng những giá trị của thế gian hơn những giá trị thánh thiêng của Thiên Chúa, như là một lời khước từ ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Chà đạp quyền làm người, khinh bỉ người nghèo trong xã hội, là một hành vi coi thường chính bản thân mình, nếu không có sự cúi xuống của Thiên Chúa, làm sao tôi có thể đứng thẳng nhìn về trời và gọi Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, tại sao con người lại khinh người này, trọng người kia, đó có phải là một hành động phủ nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, trước những lầm lỗi của con người. Thiên Chúa mong muốn con người hiểu được chiều sâu của tình yêu tự hiến, một tình yêu vô vị lợi, để con người đừng khinh dễ tha nhân, đừng tôn thờ vật chất và thế gian nữa, hãy biết sám hối, trở về với một Thiên Chúa, người Cha nhân lành, đang đợi chờ con người từng ngày trước cổng ngôi nhà tình yêu.
Lạy Chúa Giesu, những câu chuyện, nhứng dụ ngôn Chúa dùng dạy dỗ con người, tất cả là để cho con người phần nào hiểu được chiều sâu của tình yêu trời cao, để con người đừng làm Thiên Chúa đau buồn, xin cho chúng con hiểu được lời dạy dỗ của Chúa, để từng ngày, đổi thay cuộc đời, đổi thay suy nghĩ và đổi thay tương quan tình người trong cuộc sống. Chúa đã yêu chúng con đến cùng bằng cái chết trên thập giá, xin cho chúng con hiểu rằng Chúa đã chết để cứu chúng con khỏi chết, để từng ngày, chúng con đáp đền tình yêu đó với một lòng mến chân thành hơn. Amen.
Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn