CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Thứ sáu - 21/10/2022 09:16
Khi nhắc đến việc truyền giáo, bất cứ người tín hữu Kito nào cũng thấy bổn phận của mình còn dang dở, chưa thực sự quan tâm và thao thức.Việc truyền giáo không chỉ là trách vụ của một số người nhưng là bổn phận của những ai được gọi là Kito hữu, bổn phận của những ai đã được rửa tội trong nước và Thánh Thần.
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Bài kết thúc tin mừng Đức Giesu Kito theo Thánh Marcô. (Mc 16, 15-20)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

 

Suy niệm

 

Khi nhắc đến việc truyền giáo, bất cứ người tín hữu Kito nào cũng thấy bổn phận của mình còn dang dở, chưa thực sự quan tâm và thao thức. Và hôm nay, Mẹ Giáo hội lại gợi nhắc cho mỗi người về bổn phận đó trong thánh lễ Chúa nhật thứ 30 thường niên, đồng thời, mời gọi toàn thể giáo hội cầu xin với chủ ruộng, sai thợ gặp đi gặt lúa của Ngài trên mọi cánh đồng truyền giáo. Từ đây, mỗi người được nghe lại những bài đọc trong phụng vụ Lời Chúa, được nghe nhắc lại lời sai đi của chính mình, lời sai đi loan báo tin mừng cứu độ cho muôn dân, cho mọi loài thụ tạo trên thế giới. Việc truyền giáo không chỉ là trách vụ của một số người nhưng là bổn phận của những ai được gọi là Kito hữu, bổn phận của những ai đã được rửa tội trong nước và Thánh Thần.

 

Trước một viễn cảnh không mấy vui tươi của một dân tộc được gọi là dân riêng của Thiên Chúa, tiên tri Isaia đã khắc họa những nét tươi vui của niềm hy vọng, một niềm vui dành cho những ai nhận biết và tin vào một Thiên Chúa độc nhất, đang hiện diện và chăm sóc cũng như bảo vệ họ mỗi ngày: “Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi.  Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi”. Đã đến lúc Thiên Chúa ghé thăm dân Người, đem niềm vui cứu độ và tình yêu tha thứ cho mọi người. Để có thể nhận ra niềm vui và hy vọng đó, đòi hỏi phải có niềm tin, phải biết chọn lựa, đồng thời phải biết nhận ra những dấu chỉ của tình yêu qua các biến cố, để rồi biết cộng tác, biết chia sẻ và biết đồng hành với nhau trong sự hướng dẫn của Thiên Chúa tình yêu.

 

Thánh Phaolo đã mạnh dạn thay đổi chính con người của mình để được nhận lãnh ơn cứu độ và tình yêu từ Đấng phục sinh. Với kinh nghiệm của một người đã được yêu và đang được yêu, thánh nhân khuyên bảo người học trò của mình, hãy biết gạn đục khơi trong giữa cuộc sống, để thấy được đâu là giá trị của một con người đã được Con Thiên Chúa làm người, là Đức Giesu Kito, chết thay và đền tội cho, thánh nhân còn đề nghị với người học trò hãy nói cho mọi người biết tình yêu đó là một hồng ân, một món quà Thiên Chúa tặng ban cho con người, vì thế, con người hãy vững niềm tin vào Ngài: “Vì chỉ có một Thiên Chúa và cũng chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại: một người, là Ðức Yêsu, Ðấng đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người; chứng đã tuyên ra vào chính thời chính buổi, mà tôi đã được đặt làm lệnh sứ, làm tông đồ — và tôi nói thật, chứ không nói dối — làm tấn sĩ dân ngoại, trong đức tin, trong sự thật”. Con người là một tạo vật, một tội nhân, thánh Phaolo đã chân nhận điều đó từ chính bản thân ngài, nếu không có tình yêu của Thiên Chúa, làm sao thánh nhân được gọi là môn đệ của Đấng phục sinh. Vì thế, thánh nhân khuyên bảo mọi người hãy khám phá tình yêu đó khởi đi từ niềm tin, để rồi kể lại cho mọi người biết rằng, có một Thiên Chúa đã cúi xuống với con người, đã yêu con người và đã chết cho con người.

 

Chỉ hiện diện ở thế gian trong một thời gian ngắn ngủi, Đức Giesu đã chứng kiến những nỗi đau của con người khi phải làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết, Ngài đã phá bỏ mọi ranh giới của lề luật, của truyền thống, để đưa con người tới tình trạng tự do. Sứ mạng của Ngài là cứu độ tất cả mọi người, vì thế, trước khi về trời, Ngài mời con người tiếp tục sứ mạng của Ngài là đem tin mừng cứu độ cho thế giới qua mọi thời. Ngài không muốn bất cứ ai phải chết, bất cứ ai phải xa rời tình yêu Thiên Chúa: “Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội. Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta, chúng sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng, Chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng; chúng sẽ đặt tay cho kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe. Được trao trọng trách lớn lao cùng với những dấu lạ đi kèm, con người tiếp tục công cuộc loan báo tin vui cứu độ đó bằng khả năng, điều kiện và tùy vào hoàn cảnh của mỗi người. Mỗi người tín hữu Kito, phải luôn ý thức trọng trách đó, hãy biết dành ưu tiên cho Tin mừng, cho ơn cứu độ của Thiên Chúa được nối dài, đừng thờ ơ, đừng vô cảm và cũng đừng khước từ cộng tác, bởi đó là chương trình của Thiên Chúa, Ngài sẽ thưởng công cho những ai biết khiêm tốn đáp lời cộng tác, Ngài sẽ hướng dẫn cho những ai thành tâm thiện chí vì phần rỗi các linh hồn, Ngài sẽ đồng hành với những ai biết yêu mến tha nhân và phần rỗi của họ.

 

Trước hết, để việc truyền giáo được thuận lợi và thu lượm nhiều hoa trái, cần có những lời cầu nguyện chân thành từ những người tin vào Thiên Chúa. Đồng lúa của Thiên Chúa Cha đang chín vàng, Ngài tuyển chọn ai làm thợ gặt, Ngài tuyển chọn ai làm người quản lý kho thóc và Ngài tuyển chọn ai cộng tác với Ngài sắp xếp công việc thu gom lúa về. Tất cả đều do Ngài, vì thế, Đức Giesu đã hướng dẫn Giáo hội hãy cầu xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa của Ngài. Cầu nguyện còn là nguồn dưỡng chất, giúp cho những người thợ gặt sống quảng đại hơn với những ơn gọi đặc biệt được lãnh nhận, cầu nguyện cho công việc gặt lúa được thuận lợi hơn và cầu nguyện cho mùa màng bội thu. Cầu nguyện còn giúp cho những người anh chị em chưa nhận biết Thiên Chúa, sẽ nhận ra khuôn mặt của Ngài nơi Giáo hội, nơi các Kito hữu và nơi các cộng đoàn xứ đạo. Chính gương sáng nơi các môn đệ Đức Kito, góp phần lớn vào việc truyền giáo của Giáo hội hôm nay.

 

Thứ đến, chắc phải tái truyền giáo cho các tín hữu Kito trong hoàn cảnh hiện tại. Người tín hữu hôm nay rất thiếu kiến thức về Kinh thánh, về Giáo lý, vì thế, họ thấy ngại ngùng khi giới thiệu về một Thiên Chúa, về ơn cứu độ của Ngài cho tha nhân. Bản thân họ rất lúng túng khi đối diện với những thắc mắc về Kinh thánh, về giáo lý của Giáo hội, mỗi khi các anh em tôn giáo bạn có những vấn nạn về tôn giáo, về luân lý, về Kinh thánh muốn được giải đáp và chia sẻ. Chính vì những yếu kém đó, người tín hữu dễ bị mua chuộc, dễ bị dụ dỗ để trở thành những giáo phái chống lại Kito giáo. Họ đã lợi dụng sức mạnh của vật chất, của tình người, tình huynh đệ cộng đoàn, để lôi kéo những người môn đệ của Đức Giesu về phía họ. Bởi thế, việc học hỏi Kinh thánh, trau dồi giáo lý của Giáo hội cho các tín hữu Kito, là một công việc khẩn thiết khởi đầu cho việc truyền giáo. Nếu người tín hữu không biết Kinh thánh, không học hỏi giáo lý, họ sẽ khó giữ được linh hồn, giữ được sự sống đời đời của bản thân, chứ chưa nói đến việc truyền giáo hay chia sẻ với những anh em không cùng niềm tin.

 

Tiếp theo là đời sống cộng đoàn, đời sống tại các xứ đạo. Đức tin của người tín hữu được nuôi dưỡng, được lớn lên và trưởng thành, phần lớn từ nhờ cộng đoàn xứ đạo. Từ một cậu thiếu nhi, các em được dạy dỗ giáo lý, được tham gia mọi sinh hoạt tôn giáo, được hướng dẫn trong đời sống thờ phượng và thực hành niềm tin, từng ngày các em lớn dần về niềm tin, xác tín về cách sống đạo của mình. Sự bổ trợ giữa các thành phần trong cộng đoàn xứ đạo góp phần nâng đỡ niềm tin và tinh thần tôn giáo cho nhau. Gặp những biến cố, những thất bại, người tín hữu được giúp đỡ, được chia sẻ và ủi an trong sự ấm áp của tình người, tình cộng đoàn. Có những niềm vui của gia đình hay bản thân, họ được cộng đoàn cùng chúc mừng và chia vui. Cũng từ nơi cộng đoàn xứ đạo, họ được tham gia nhiều sinh hoạt tôn giáo khác nhau, tất cả tạo nên một vườn hoa sống đạo phong phú và nhiều sắc màu. Tất cả những sinh hoạt, những công việc đó, hun đúc cho niềm tin mỗi cá nhân vững bền hơn, xác tín hơn, để rồi khi đối diện với những cám dỗ, những lời dụ dỗ và cả những nghịch cảnh, người tín hữu không dễ dàng buông xuôi hay rời bỏ Giáo hội, đi theo những lời dụ dỗ từ các giáo phái khác.

 

Truyền giáo vẫn mãi là một ơn gọi và cũng là một bổn phận đối với mọi thành phần dân Chúa. Trong một xã hội nhiễu nhương như hôm nay, việc truyền giáo lại còn gặp nhiều thách đố từ xã hội, từ quyền con người, từ những xu hướng của thời đại và cả những quan niệm về nhân sinh quan mới lạ, vì thế, nếu không có những lời cầu nguyện liên lỉ trong niềm tin, việc truyền giáo có thể tiếp tục và có nhiều niềm vui được chăng ? nếu người tín hữu Kito không chịu khó trau dồi Kinh thánh, học hỏi Giáo lý của Giáo hội, liệu họ có đủ năng lượng thiêng liêng để bảo vệ Giáo hội và giới thiệu Thiên Chúa cho thế giới nữa không ? sống trong các cộng đoàn xứ đạo, người tín hữu có nên tham gia cách tích cực mọi sinh hoạt, có nên cộng tác với Giáo hội địa phương, để giáo dục cho các thế hệ trẻ, để nâng đỡ người trưởng thành và để chia sẻ với những người đau khổ, bất hạnh, để tất cả đều được yêu thương và được cứu độ không ?

 

Lạy Chúa Giesu, thao thức của Chúa trước khi về trời là muốn mọi người được cứu độ, xin cho chúng con luôn cộng tác với Chúa Thánh Thần, để tiếp tục công việc loan báo tin mừng cứu độ cho mọi người. Chúa dạy chúng con hãy cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi và trong mọi công việc, xin cho chúng con biết cầu nguyện thật nhiều cho việc truyền giáo của bản thân và của Giáo hội, để ơn cứu độ được lan tỏa tới mọi nhà, mọi người. Xin Chúa mở trái tim và khối óc của chúng con, để mỗi người cố gắng học hỏi Lời Chúa, học hỏi giáo lý, làm hành trang cho việc truyền giáo nên hữu hiệu hơn mỗi ngày trong sự hướng dẫn của Thiên Chúa Ngôi Ba. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây