CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 22/07/2022 21:07
phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 17 thường niên, mời gọi người tín hữu Kito hãy tìm nơi thanh vắng, hãy đi vào sa mạc giữa cuộc sống, để thưa chuyện với Thiên Chúa, để lắng nghe Ngài chỉ dạy cách sống những phút giây hiện tại, đồng thời, để cho tâm hồn được tái sinh trong nguồn dưỡng chất của tình Trời, để giúp tái tạo cho bản thân một không gian về cả tinh thần lẫn cuộc sống. Đó là những phút giây cầu nguyện bên Chúa và trong Chúa.
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 11, 1-13)

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". Người nói với các ông: "Khi các con cầu nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'".

Và Người còn bảo các ông rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: 'Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy'. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: 'Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được'. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.

"Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. "Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".



Suy niệm

Khi cuộc sống quá ồn ào, người ta tìm đến những nơi thanh tĩnh để được thư giãn tâm hồn, khi bầu khí bị ô nhiễm quá nặng, người ta tìm đến những vùng đất xa phố thị, xa nhà máy, để tận hưởng một bầu không khí trong lành, mát mẻ, khi phải chạy đua với muôn vàn yếu tố khác của cuộc sống, người ta thích có những ngày cuối tuần ở một nơi bình yên, để cả gia đình được sum vầy bên nhau trong tình người.  Sống giữa một thế giới như thế, chắc chắn đời sống tôn giáo cũng ảnh hưởng không ít những đám mây ồn ào, thực dụng và toan tính hơn thiệt, vì thế, phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 17 thường niên, mời gọi người tín hữu Kito hãy tìm nơi thanh vắng, hãy đi vào sa mạc giữa cuộc sống, để thưa chuyện với Thiên Chúa, để lắng nghe Ngài chỉ dạy cách sống những phút giây hiện tại, đồng thời, để cho tâm hồn được tái sinh trong nguồn dưỡng chất của tình Trời, để giúp tái tạo cho bản thân một không gian về cả tinh thần lẫn cuộc sống. Đó là những phút giây cầu nguyện bên Chúa và trong Chúa.

Theo dõi cuộc trò chuyện giữa tổ phụ Abraham với các Thiên Sứ của Thiên Chúa, hay nói cách khác, đó là một cuộc mặc cả về số phận những con người tội lỗi, đang bị Thiên Chúa nghiêm phạt, chúng ta thấy sức mạnh và sự kiên nhẫn trong lời cầu nguyện, có thể đem lại những giá trị thiêng liêng, những niềm vui cho bao tội nhân. Tất cả được tác giả sách Sáng Thế Ký đã trình bày cho chúng ta trong bài đọc 1 hôm nay: “Các vị ấy bỏ nơi đó, đi về hướng thành Sôđôma. Nhưng Abraham vẫn còn đứng trước mặt Chúa. Ông tiến lại gần Người và thưa: "Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu". Trước bản án nghiêm khắc của Thiên Chúa dành cho các tội nhân, tổ phụ Abraham đã cúi mình cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa, ông đã nại vào lòng nhân từ của một người Cha, để xin tha tội cho anh chị em trong các thành phố đã xúc phạm đến Ngài. Thiên Chúa không thua lòng quảng đại của con người, Ngài sẵn lòng tha thứ khi chỉ cần một ít người biết sám hối, biết quay trở về với Thiên Chúa. Tha thứ là bản chất của tình yêu, một tình yêu cho đi, một tình yêu không cần đáp đền.

Trước những sai phạm của con người, Thiên Chúa có thể loại trừ khỏi gia đình của Ngài, thế nhưng, thay vì trừng phạt, Thiên Chúa đã sai người Con duy nhất của Ngài xuống cứu độ con người. Cái chết trên thập giá của người Con Thiên Chúa, lời cầu nguyện với đôi tay dang rộng của người Con đó, đã đem lại cho con người sự sống, ơn tha thứ và phúc bình an của trời cao: “Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá”. Lời cầu xin của Đức Giesu trên thập giá, là một lời cầu nguyện đầy đủ ý nghĩa, đem lại cho nhân loại một niềm vui lớn lao, đó là được Thiên Chúa Cha tha thứ tội lỗi, không phải mang án tử, hơn nữa, còn được phục hồi địa vị làm con của Thiên Chúa, được trở về ngôi nhà tình yêu là Nước Trời.

Được mời gọi để trở thành người gieo giống của Thiên Chúa Cha, các môn đệ chưa thể lãnh hội những gì Thầy muốn nơi họ, vì thế, họ đã xin Đức Giesu hướng dẫn họ cách thưa chuyện với Chúa Cha, để biết được phần nào ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc đời, sứ mạng của mỗi người. từ đó, Đức Giesu đã dạy họ cầu nguyện, dạy họ sống tình liên đới cộng đoàn. Chính trong lời cầu nguyện đúng nghĩa, người môn đệ của Đức Giesu trở nên một con người sống cho mọi người, sống cùng mọi người và sống với mọi người: “"Khi các con cầu nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'". Dù chỉ là một lời hướng dẫn đơn sơ, nhưng gói trọn tình Trời và tình người thật bao la. Đức Giesu muốn người môn đệ của Ngài hãy cộng góp tinh thần và khả năng, để xây dựng một Nước Trời đúng nghĩa ở trần gian, từ đây, Ngài hướng các  môn đệ tới trách vụ thứ hai là xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn, biết chia sẻ cho nhau, biết cảm thông và nâng đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Cơm áo gạo tiền không phải là cứu cánh của con người, tất cả chỉ là phương tiện, chỉ là nhu cầu tối thiểu, đừng biến thành điểm đến của con người.

Để hiểu đúng nghĩa của lời cầu nguyện đã là một khó khăn, để cầu nguyện cho phải đạo, càng khó khăn hơn nữa, bởi người tín hữu có thói quen chỉ cầu xin cho những nhu cầu hàng ngày, cho những hoài bão tương lai của bản thân, của gia đình. Lời cầu xin chỉ xướng lên những khó khăn về bệnh tật, những khó khăn về kinh tế, những khó khăn về cuộc sống hôn nhân, gia đình, tất cả được xướng lên để mong thoát khỏi những khổ đau, những vất vả và những dằn vặt lương tâm của phút giây hiện tại. Lời cầu nguyện thực sự không phải là liệt kê, không phải là van xin, nhưng là lời chúc tụng, là những lời nguyện cầu cho tha nhân, cho Nước Trời, cho những giá trị của Tin mừng được tôn trọng từ nơi gia đình, cho đến cộng đoàn, đến mọi sinh hoạt xã hội. Lời cầu nguyện còn mang dấu ấn của tâm tình tạ ơn. Được tha thứ tội lỗi, được cứu độ và được sống trong gia đình của Thiên Chúa, có phải là một ân phúc lớn lao mỗi người được đón nhận từ Thiên Chúa tình yêu, vì thế, tạ ơn sẽ là một lẽ thường tình của những người biết sống, biết nhìn xa và biết nhìn vào chính mình. Lời cầu nguyện còn là ước mong được hòa mình vào trong dòng chảy của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu không sống cho mình, một tình yêu dành cho tha nhân, một tình yêu đem lại hòa bình cho thế giới.

Có phải người tín hữu hôm nay đang sống trong một thế giới thực dụng, nên lời cầu nguyện mỗi ngày của họ thiếu đi một chút chia sẻ, tất cả chỉ biết trình bày và ước mong cho những nhu cầu hàng ngày được sung túc, được trọn vẹn và được bình an. Lời cầu nguyện hàng ngày của họ cũng chỉ dừng lại nơi những nhu cầu cá nhân, mà quên đi rằng, bản thân mình là một chi thể trong thân thể mầu nhiệm thiêng liêng, có đầu là Đức Giesu Kito. Thiếu vắng tình người, thiếu vắng sự chia sẻ, người tín hữu đang dần đánh mất tình liên đới cộng đoàn trong các xứ đạo cũng như chính trong gia đình của họ. Lời cầu nguyện của người tín hữu không chỉ là sợi dây nối kết giữa những người đang sống, nhưng còn nối kết với những người đã qua đời, tất cả tạo nên mối hiệp thông trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Vì thế, khi nói đến việc cầu nguyện, người tín hữu cần ý thức việc làm thiêng liêng này, bởi đây là một sự kết nối bản thân mình với tất cả mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt là được đi vào quỹ đạo của mầu nhiệm cứu độ đến từ Thiên Chúa. Từ quỹ đạo tình yêu cứu độ này, bao tâm hồn khô khan nguội lạnh sẽ được Thiên Chúa biến đổi, bao con người lầm lạc, sẽ được soi chiếu để tìm về với đoàn chiên, với chủ chiên của mình. Đức Giesu, dù là Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn luôn cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa Cha, Ngài cũng hướng dẫn các môn đệ ngày xưa và chúng ta hôm nay, hãy cầu nguyện để tâm hồn có thêm dưỡng chất thiêng liêng, hãy cầu nguyện để được thông chia sự sống của Thiên Chúa trong tình hiệp thông, hãy cầu nguyện để anh chị em đó đây được thừa hưởng nguồn ơn thánh đến từ tình yêu Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giesu, mỗi sáng tinh sương hàng ngày, Chúa tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện, để tìm thánh ý Chúa Cha và gắn bó với Ngài trong chương trình cứu độ con người, xin giúp chúng con biết siêng năng cầu nguyện, để được gia tăng nguồn dưỡng chất tình yêu cho hành trình đức tin và đời sống đạo. Chúa muốn các môn đệ hãy cầu nguyện để nâng đỡ nhau khi gặp khó khăn và đau khổ, xin giúp chúng con cố gắng cầu nguyện để khi gặp đau khổ, luôn biết nương tựa vào tình yêu thương của Chúa, biết phó thác mọi thất bại và yếu đuối, để được Chúa đem lên thập giá, đóng chặt vào đó, hầu mỗi ngày chúng con lại được phục sinh trong tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nhân từ. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây