CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT THỨ XIV THƯỜNG NIÊN - NĂM C

Thứ sáu - 01/07/2022 19:59
Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 14 thường niên mở ra cho chúng ta thấy ngay từ thưở ban đầu, Thiên Chúa đã dành cho con người một sự ưu ái đặc biệt, khi người được mời quảng đại đáp lại tiếng mời gọi của Ngài. Thiên Chúa không hành động một mình trong chương trình cứu độ, Ngài mời con người đi vào quỹ đạo tình yêu đó bằng cách đáp trả từng lời mời, tùy theo mỗi người trong từng hoàn cảnh và ơn gọi khác nhau.
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT THỨ XIV THƯỜNG NIÊN - NĂM C

 CHÚA NHẬT THỨ XIV THƯỜNG NIÊN - NĂM C
 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 10, 1-9)
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: 'Bình an cho nhà này'. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.
"Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: 'Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi'.


Suy niệm
Bước vào ngôi nhà của nhân loại, Con Thiên Chúa làm người trở nên một người bạn của con người, một người anh của một đàn em đông đúc. Thiên Chúa từng ngày làm sống lại tình người trong cộng đoàn, trong gia đình thế giới. Cũng trong ngôi nhà đó, Đức Giesu còn mời gọi con người cộng tác với Ngài, để hoàn tất chương trình của Thiên Chúa Cha đã hứa với con người sau khi nguyên tổ phạm tội. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 14 thường niên mở ra cho chúng ta thấy ngay từ thưở ban đầu, Thiên Chúa đã dành cho con người một sự ưu ái đặc biệt, khi người được mời quảng đại đáp lại tiếng mời gọi của Ngài. Thiên Chúa không hành động một mình trong chương trình cứu độ, Ngài mời con người đi vào quỹ đạo tình yêu đó bằng cách đáp trả từng lời mời, tùy theo mỗi người trong từng hoàn cảnh và ơn gọi khác nhau.

Tác giả sách tiên tri I-sa-i-a đã diễn tả niềm vui của thành Giê-ru-sa-lem là nơi Thiên Chúa ở giữa dân người. Thành Giê-ru-sa-lem là biểu tượng tôn giáo và cũng là biểu tượng tâm hồn mỗi người dân riêng của Thiên Chúa. Ngài rất vui thích hiện diện với con người khi con người mở tâm hồn và vòng tay đón tiếp, dành chỗ nhất cho Ngài: “Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ. Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nẩy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa". Thiên Chúa sẽ chúc phúc, tuôn đổ xuống cho con người gấp bội phần những gì con người mong đợi và cầu xin, bởi khi con người rộng rãi với Thiên Chúa, thì Ngài không bao giờ chấp nhận để thua sự quảng đại của con người. Ai đáp lại tình yêu Thiên Chúa, người ấy sẽ được ở trong nhà của Ngài, được Ngài nâng niu, vỗ về, được Ngài chăm sóc và bảo vệ mỗi ngày.

Trong bài đọc 2, chúng ta nghe những tâm tình của một người môn đệ của Thiên Chúa, người ấy còn có tên gọi khác là vị Tông đồ dân ngoại, đó là thánh Phaolo. Ngài đã trải lòng mình khi được gọi là môn đệ của Đức Giesu: “Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian”. Tự hào về thập giá Đức Giesu là một lời tự sự, từ nay tôi trở thành môn đệ của Ngài, trở thành người đi trên con đường khổ nạn với Thầy, con đường có tên gọi là Giesu. Niềm tự hào người môn đệ nên hướng đến là được chia sẻ với Thầy trong mầu nhiệm khổ nạn, để cùng Thầy sống lại trong niềm vui Thánh Thần. những gì thuộc về lề luật không làm nên một người môn đệ đích thực, chỉ có thập giá của Thầy Chí Thánh, chỉ có những ai can đảm thay đổi chính mình, trở nên một tạo vật mới, người đó mới thực sự là môn đệ của Đức Giesu: “Vì chưng trong Ðức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới. Nguyện chúc bình an và lòng thương xót đối với những ai rập theo quy tắc đó, và cho cả Israel của Thiên Chúa nữa”.

Trở thành môn đệ của Đức Giesu là chấp nhận tái sinh, chấp nhận đóng đinh chính mình vào thập giá của Thầy mình. Người môn đệ sống chết với Thầy như thế, sẽ là những chiếc cầu nối dài ơn cứu độ cho thế giới, cho tha nhân. Đó là tâm tình của những người được Đức Giesu chọn thêm, để cộng tác với Ngài trong việc loan báo triều đại Nước Thiên Chúa: “Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng”. Bước vào trần gian với sứ mạng cứu độ con người, Đức Giesu không hành động một mình, trước hết, Ngài chọn 12 người gọi là Tông đồ, những con người này mang sứ vụ đặc biệt, như là cột trụ của gia đình thiêng liêng sau này. Tiếp đó, Ngài chọn thêm những người khác, họ được gọi là môn đệ, với những sứ vụ, những trọng trách khác các Tông đồ. Các Tông đồ hay các môn đệ này, có những yếu tố chung đó là được chính Đức Giesu chọn gọi, họ đã đi theo Thầy bấy lâu nay, họ đã sống bên cạnh Thầy và được Thầy hướng dẫn cho sứ vụ tương lai. Nay họ được chọn thêm và được sai đi trước để dọn đường cho triều đại Nước Thiên Chúa đến.

Thánh Giám mục Au-gus-ti-no đã nói: “vì anh em, tôi là Giám mục, cùng với anh em, tôi là Kito hữu”. Thiên Chúa chọn gọi mỗi người vào một vị trí khác nhau, vào mỗi công việc khác nhau, nhưng tất cả đều là những người thợ trên cánh đồng truyền giáo của Ngài. Họ được gởi tới những trách vụ khác nhau: người được gọi làm Giám mục, người được gọi làm Linh mục, người được gọi làm Tu sĩ, người được gọi làm một nhà truyền giáo, người được mời gọi làm Cha, làm Mẹ trong các gia đình, tất cả cùng cộng tác, cùng liên đới với nhau để tạo nên một vườn hoa thiêng liêng nhiều sắc màu rực rỡ, để chuẩn bị cho Nước Thiên Chúa ngự trị giữa lòng thế giới.

Được mời, được gọi, được chọn, con người được Thiên Chúa lưu tâm và ưu ái, để rồi con người phải ý thức ơn gọi cao cả của chính mình, bởi ơn gọi đó đến từ Thiên Chúa chứ không phải do con người. Thiên chức Linh mục nhất phẩm hay Linh mục nhị phẩm, đều là những người sát cánh với Thiên Chúa, để chăm sóc, để nuôi dưỡng và hướng dẫn các linh hồn, các con chiên trong đoàn chiên của Thiên Chúa. Sứ vụ là thế, nhưng khi con người thực thi sứ vụ đó cần phải lắng nghe và thấu hiểu sự mong đợi của Thiên Chúa trong sứ vụ đó. Có hiểu được ý nghĩa thánh thiêng của sứ vụ, con người mới đủ can đảm bảo vệ sự thánh thiêng của thiên chức, không thể coi thiên chức này là một tác vụ, bởi sứ vụ đó đến từ Thiên Chúa, chứ không đến từ con người. Ơn gọi Tu sĩ hay một nhà truyền giáo cũng vậy, lời sai đi chỉ đánh dấu khởi đầu cho sứ vụ đó, còn bước vào môi trường, hoàn cảnh được gởi đến, con người sẽ sống sứ vụ như thế nào, sẽ đặt Thiên Chúa vào chỗ nào để phục vụ, để xây dựng cộng đoàn thiêng liêng của Thiên Chúa là Giáo hội.

Còn ơn gọi hôn nhân gia đình chỉ là một quy luật theo tính tự nhiên thôi sao. Nếu tìm hiểu kỹ lưỡng về giáo lý của bí tích hôn phối, hình ảnh của sự thánh thiêng trong ơn gọi này sẽ vô cùng cao quý trước mặt Thiên Chúa. Con người được cộng tác với Thiên Chúa để hoàn tất chương trình tạo dựng và chương trình cứu độ, đó là mục đích của ơn gọi hôn nhân, vì thế, để cùng nhau chu toàn trọng trách lớn lao đó, Thiên Chúa đòi hỏi con người phải chung thủy với nhau, phải là một cuộc hôn nhân bất khả phân ly, là một tổ ấm chỉ có một người nam và một người nữ sống bên cạnh nhau. Thiên Chúa thiết định lề lối cho ơn gọi hôn nhân là thế, nhưng con người đang tục hóa dần những giá trị thánh thiêng đó, bằng những bản hợp đồng hôn nhân. Tiếc thay, con người đang đánh mất ý nghĩa thiêng liêng của ơn gọi hôn nhân, đánh mất ý nghĩa của sứ vụ đặc biệt này.

Thiên Chúa chọn gọi các Tông đồ, trao cho các ông những trách vụ lớn lao, dù họ chỉ là những con người tầm thường. Các ông đã cố gắng vượt qua những trở ngại, vượt qua những rào cản của tình cảm, của sự nghiệp, của tham vọng, để trở thành những con người không có nơi gối đầu, đi tới đâu đều là nhà của mình. Họ đã đi hết hành trình đó trong niềm tin và phó thác. Không dừng lại nơi các Tông đồ, Thiên Chúa còn chọn thêm nhiều môn đệ nữa, để sai các ông đến những nơi Ngài sẽ đến, đó là các gia đình, đó là các dân tộc, đó là mọi tâm hồn. Tất cả mọi người đều được trao cho những sứ vụ khác nhau, tùy theo khả năng, điều kiện và hoàn cảnh. Và hôm nay, lời mời gọi đó vẫn được gởi đến cho từng người, ai sẽ đáp lại và ai sẽ chối từ, Thiên Chúa không thích sự biện minh của con người trước lời mời của Ngài, Ngài chỉ mong nơi con người một tấm lòng, còn tất cả Ngài sẽ định liệu và hướng dẫn. Không biết con người có đủ can đảm để thi thố lòng quảng đại của mình với tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người ra sao, Ngài vẫn đợi chờ con người đáp trả từng ngày.

Lạy Chúa Giesu, vì yêu thương, Thiên Chúa cho con người cộng tác với Ngài cách này cách khác, để đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người, xin cho chúng con hiểu được ý nghĩa thánh thiêng từ lời mời đó, để đáp trả trong sự khiêm tốn, để cộng tác trong niềm hạnh phúc và để dấn thân trong sự cố gắng. Chúa luôn thao thức về những con chiên lạc chưa trở về với đàn chiên của Chúa, xin cho chúng con cố gắng vượt qua những thách đố trong thế giới thực dụng này, để cùng với Chúa Thánh Thần, quy tụ tất cả về cùng một đàn chiên dưới sự hướng dẫn của người mục tử nhân lành là Đức Giesu Kito. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây