ĐƯA XA XƯA... VỀ SUM HỌP
Cảm nhận
Dòng thời gian lặng lẽ trôi theo bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông cứ nối tiếp nhau xoay vần, khi đất trời bước vào mùa thu, mùa rơi vào khoảng lặng, xào xạc đám lá khô, gợi về trong ký ức (tiếng kẻng) trống trường rộn rã và khắc khoải nỗi nhớ về một thời mà ai trong chúng ta cũng từng trải, đó là tuổi học trò.
Tháng 9 là mùa tựu trường khắp nơi trên mọi miền đất nước. Vì thế, mỗi khi đi ngang qua hay bất cứ lúc nào bước chân vào mảnh đất trước đây là ngôi trường làng Trung Tiểu Học Tiến Đức Châu Sơn đã đánh thức nơi tôi những kỷ niệm ngày xưa của một thời còn đi học sống dậy. Biết bao hình ảnh thân thương ùa về trong tâm trí.
Nhân dịp kỷ niệm ngôi trường làng Trung Tiểu Học Tiến Đức Châu Sơn hơn 50 tuổi, bao thế hệ học sinh trưởng thành, nay kẻ mất người còn. Nhưng tất cả đều là dấu ấn kỷ niệm, hôm nay phủi bụi thời gian nhằm ôn lại quá khứ. Trong dịp này, không ít người hồi tưởng về ngôi trường làng dấu yêu một thời, nay chỉ còn trong trí nhớ. Cho dẫu, ngôi trường làng Tiến Đức chưa có bề dày lịch sử và thành tích, nhưng mỗi chúng ta cũng hiểu rằng: Bởi hoàn cảnh đất nước..., nhưng dẫu sao cũng hun đúc lên được vài thế hệ tên tuổi đã và đang đóng vai trò quan trọng trong Giáo xứ, Giáo họ, đoàn thể, ban ngành cũng có những vị sống đời tận hiến phục vụ tha nhân. Đó cũng là nét son của ngôi trường làng mà trong suy nghĩ của tôi, về một nền giáo dục có định hướng. Với châm ngôn "Tiên học lễ, hậu học văn", trước là học lễ phần trang bị đạo đức, nhân cách để biết làm người có tấm lòng (tâm), sau là học văn phần trang bị kiến thức để đào tạo cái tài, mà cụ Nguyễn Du bảo rằng: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Trong quan niệm truyền thống ông bà ta xưa, cái đức thắng cái tài. Có lẽ, chính vì ý hướng đó mà khi thành lập ngôi trường, các ngài đã chọn cái tên Tiến Đức là mong muốn cho con em được thăng tiến, đạo đức con người được nhân lên. Bởi thăng tiến con người và đạo đức xã hội rất cần cho mọi thời đại, một vài cảm nhận của tôi về ngôi trường làng bước vào tuổi ngũ thập. Đó cũng là niềm tự hào của "thế hệ vàng" học sinh Châu Sơn, nay đang bước vào tuổi U 60 -70. Một nền giáo dục có hoạch định từ gốc tới ngọn.
LẶNG LẼ GỌI TÊN.
Hòa vào dòng chảy 50 năm của ngôi trường làng mang tên Tiến Đức Châu Sơn. Giờ đây, phần tôi tuy không được tiếp thu kiến thức nơi ngôi trường làng trọn vẹn, nhưng cũng may mắn được mài đụng quần nơi ghế nhà trường một vài năm ở bậc Tiểu học. Vì vậy, xin được làm chiếc bè nhỏ lặng lẽ chở bao kỷ niệm sang sông, hy vọng làm chiếc cầu nối xa về gần. thì dòng sông kỷ yếu chính là cây cầu đưa xa xưa về sum họp đầy kỷ niệm thân thương một thời, cũng như thắp lên ngọn lửa truyền hơi ấm cho nhau sau bao năm vui nhịp cấy cày.
Thế hệ chúng tôi lớn lên với biến cố 1975, đất nước bước sang trang sử mới, với nhiều thay đổi, để lại nhiều mất mát. Trong đó có ngôi trường làng không còn mang tên thân yêu ấy nữa, nhưng thế hệ chúng tôi vẫn lặng lẽ sống và học hành trên mảnh đất mà cha anh đã đặt nền móng. Tuổi thơ chúng tôi ngày một buổi cắp sách đến trường, một buổi rong ruỗi trên lưng bò, những trò chơi dân gian... mang đậm chất thông minh và sáng tạo. Có lẽ kỷ niệm khó quên nhất là những cây phượng, thế hệ học sinh nào cũng quấn quýt, leo trèo ôm lấy nó. Vào mùa hoa phượng nở một màu đỏ rực cả sân trường, nhưng man mác nỗi buồn khi phải chia tay năm học; vì hè đã đến, những cánh phượng hồng được ép vào trang giấy học trò mỗi khi mở ra sực nức mùi thương nhớ. Bon con trai chúng tôi còn nghịch ngợm dùng cồi, nụ hoa làm đạn bắn nhau những giờ ra chơi, có những bạn gái không tội tình gì mà vẫn bị hỏi thăm sức khỏe với nét mặt nhăn nhó vì đau.
Tháng 9 là mùa tựu trường, cũng là lúc những trái phượng hấp dẫn chào mời những thực khách nhí bởi các hột bên trong, thế là các sĩ tử một lần nữa phải ôm lấy cây, cũng không ít bạn phải trả giá bằng u đầu mẻ trán hoặc gãy chân gãy tay bởi những bữa trèo cao té ngã. Với sự phát triển của xã hội, những cây phượng ngày ấy, nay đã nhường chỗ cho những công trình mang tính phục vụ cộng đồng, tất cả những hình ảnh đó giờ chỉ còn trong kỷ niệm dấu yêu của thời học trò. Con đường học vấn ngày ấy của chúng tôi không mấy suôn sẻ, dòng chảy lúc nào cũng lắm gập gềnh khúc khủy không êm ả chút nào. Theo dòng thời gian, bước vào thập niên 80 của thế kỷ trước với chế độ bao cấp không còn "nhất sĩ nhì nông" nữa, mà hết gạo chạy rông "nhất nông nhì sĩ". với những chính sách cô lập ngôi trường bằng những giao thông hào vây quanh... những đợt công tác lao động trên địa bàn tỉnh lại điều đến học sinh, oái ăm thay, những học sinh nào không tham gia công tác đều bị đuổi học, trong số đó có tôi và không ít học sinh phải nghỉ học vì lý do trên, rồi biết bao nhiêu việc ở đâu đâu cũng trút lên đầu học sinh, cũng trong thời điểm đó, trước hoặc sau một số bạn đành đánh đổi con chữ bằng những đường cày, lát cuốc để mưu sinh, với cái vòng luẩn quẩn chống giặc dốt, thì giặc đói tấn công và ngược lại chống giặc đói thì giặc dốt tấn công. Nhưng rồi cuối cùng, cả hai giặc đều vây lấy thế hệ chúng tôi như hình với bóng, có thực mới vực được đạo, thế là đành "giã từ vũ khí" gác bút thư sinh khi việc học đang dang dở, may mắn lắm có một số học xong cấp 2, thế là hành trang vào đời bằng những kiến thức nhà nông, do cha ông truyền lại, không kiến thức trường lớp mà kiến thức trường đời nuôi lớn. Một nắng hai sương bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Vì vậy, ở lứa tuổi chúng tôi tìm cho ra những cô tú cậu tú không phải dễ, có thể đếm được trên đầu ngón tay, mà nếu đem ra so sánh với thế hệ đàn anh thì chúng tôi không có vận may, so với thế hệ hôm nay thì chúng tôi quá thiệt thòi. Nhưng đời người ai cũng có số, số phận của mỗi người đều được an bài trong vòng tay quan phòng của thượng đế. Dẫu biết rằng đời người là thế, nhưng cũng phải kể để đưa xa xôi về với hiện tại.
Dòng thời gian tích tắc, tích tắc trôi hết giờ này sang giờ khác, ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác và cột mốc đáng nhớ vào khoảng cuối thập niên 80 đầu 90 thời kỳ đất nước mở cửa, có nhiều chuyển biến tích cực hơn, chính lúc đó, thế hệ chúng tôi cũng giã từ tuổi thơ vào đời mang theo cánh buồm mơ ước từ từ xuôi gió ra khơi, lần lượt kẻ trước người sau ra trường (đại học xây dựng gia đình). Nhận bằng trên tay với hai chữ "kết hôn" chúng tôi trở thành những ông bố bà mẹ trẻ, tự do tung hoành bốn vùng "chiến thuật" tìm kế sinh nhai, đem về biết bao là sản phẩm nông nghiệp: lúa, mì, bắp, đậu, mía, lạc là sản phẩm chủ yếu để làm bàn đạp cũng như chỗ dựa để phát triển kinh tế sau này.
CÙNG CHUNG BƯỚC
Từ ngày thành lập cho đến khi ngôi trường không còn mang tên Tiến Đức. Nhưng dòng đời vẫn cuộn chảy, những bậc tiền nhân đã dày công vun đắp ngôi trường làng với bao nhiêu mồ hôi nước mắt, nhằm chăm lo cho mầm non của Giáo xứ có một tương lai tươi sáng. Với niềm hy vọng ấy, xin được mạo muội nói lên suy nghĩ của tôi về ngôi trường Tiến Đức năm xưa được coi là cái nôi hình thành nhân cách, để rồi từ đó những mầm non ăn sâu bén rễ vào lòng đất đâm chồi nảy lộc, cành lá cứ xanh và vươn dài ra che nắng che mưa tỏa bóng mát cho đời bằng cuộc sống sẻ chia niềm vui phục vụ hôm nay.
Những thế hệ vàng học sinh Châu Sơn ngày ấy ơi!!! Quý anh là những người "dặm trường sương gió" hấp thụ hai nền văn hóa (Tư bản - CNXH). Chính quý anh là phù sa làm màu mỡ cho mảnh đất Núi Ngọc này. Ước mong rằng: chúng ta là những chiếc cầu nối đôi bờ yêu thương, bằng những tinh hoa mà quý anh đã lĩnh hội được nơi môi trường ưu việt, cộng với sức trẻ hôm nay và lòng nhiệt thành, tính hăng say năng nỗ, hầu mang lại chút gì sáng hơn, tươi hơn, trẻ hơn và tràn đầy hy vọng nơi cái nôi đào tạo đầu tiên đang âm vang mang tên Tiến Đức.
Với những lời tâm sự mộc mạc trên muốn làm sống dậy chút bâng khuâng gợi nhớ gợi thương, cùng bước đi an vui. Cuối cùng xin cám ơn quý anh đã dành tâm huyết cho mảnh đất 50 năm ra đời, hơn hai phần ba chặng đường chỉ lặng lẽ gọi tên. Nay sống lại trong tâm trí bằng những bông hoa khoe sắc nơi mảnh vườn kỷ yếu, để mỗi khi có dịp lần giở từng trang là bắt gặp được những hình ảnh thân quen ngày nào. Đó cũng là ký ức khơi dậy cơ hội để các thế hệ học sinh Châu Sơn không phân biệt thời kỳ nào, cũng góp phần làm giàu truyền thống hiếu học, nhằm nâng cao ý thức và ý chí cho các thế hệ trẻ cũng như tạo khả năng cho mọi người ngày càng thăng tiến xứng với tên gọi Tiến Đức thửa nào.
MÙA TỰU TRƯỜNG 2010
Tác giả bài viết: Thanh Hải
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn