CHÂU SƠN NÚI CHÚA KITÔ VUA

Thứ hai - 19/11/2018 09:17
Để chuẩn bị mừng Lễ Chúa Kitô Vua, Trang tin điện tử Giáo xứ Châu Sơn xin được giới thiệu đôi nét hình thành, phát triển và sinh hoạt núi Chúa. Núi Chúa là nơi nuôi dưỡng những giá trị tâm linh, nơi gợi cảm hứng cho những suy tư về nhân sinh cao quý.
NÚI CHÚA : TƯỢNG ĐÀI CHÚA KITÔ VUA
NÚI CHÚA : TƯỢNG ĐÀI CHÚA KITÔ VUA

Ai về xứ đạo Châu Sơn,
ghé thăm Núi Chúa xin ơn an lành.
Chúa thương lời nguyện chân thành,
biết tìm ý Chúa đồng hành với nhau.
Cuộc đời kẻ trước người sau,
điểm tô Nước Chúa một màu yêu thương.
Đường trần bao nỗi vấn vương,
tìm về Núi Chúa tựa nương bên Ngài.

Dải đất cong cong hình chữ S, phong cảnh núi đồi thường là nơi suy tư, là nơi thờ tự, là điểm hành hương và cầu nguyện… Vẻ đẹp của núi tất nhiên là thiên nhiên hùng vĩ. Trong đó, có dáng đứng đức tin trên đỉnh cao Núi Ngọc là một quà tặng vô giá mà Thiên Chúa đã ân ban cho Giáo xứ Châu Sơn chúng ta, với tượng Chúa Ki-tô Vua màu trắng hiện diện trên núi xanh, về mặt đức tin là một địa chỉ tầm vóc trong những điểm hành hương của Giáo phận Banmêthuột. Nơi gợi cảm hứng cho những nhân sinh cao quý, rất sâu, rất huyền nhiệm
Nhân dịp mừng 55 Chúa Kitô Vua hiện diện trên đỉnh núi cao, xin được mạo muội xuôi dòng ân sủng. Vào năm 1963 đến 2018 con số 55 năm điểm nhịp của thời gian. Có lẽ thời điểm này nhiều người đang thao thức miên man quay ngược về quá khứ. Như cố lần tìm về hoài niệm của bao thế hệ cha ông đã ghi dấu trên đỉnh núi cao hùng vĩ năm xưa.
Năm nay mừng kỷ niệm Núi Chúa 55 tuổi, nắng mưa quanh năm giặt bạc màu ký ức. Để trở về ngày ấy năm xưa, như những ca từ trong bài hát “Huyền thoại Mẹ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa”, đã đánh thức những kỷ niệm trong tôi. Bởi kỷ niệm là gạch nối – một lối đi về trong không gian xa cách. Và hôm nay khi nhìn về Núi Chúa, để rồi những kỷ niệm xưa lại ùa về và trong lòng trào dâng bao suy nghĩ.
Năm Phụng vụ sắp kết thúc vào Chúa Nhật XXXIV thường niên. Đỉnh cao của năm phụng vụ là Lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ.
Để chuẩn bị mừng Lễ Chúa Kitô Vua, Trang tin điện tử Giáo xứ Châu Sơn xin được giới thiệu đôi nét hình thành, phát triển và sinh hoạt núi Chúa. Núi Chúa là nơi nuôi dưỡng những giá trị tâm linh, nơi gợi cảm hứng cho những suy tư về nhân sinh cao quý.

Hành hương lên núi Chúa
Mùa trẩy hội hồng ân
Mừng Đức Vua Vũ trụ
Đời nở hoa bình an.
( Thơ Ngọc Hạnh)

Trước khi ngược dòng thời gian, Giáo xứ Châu Sơn chúng con xin tri ân Đức cố Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực, người đã đặt nền móng và khai sinh Núi Chúa Châu Sơn, trong thời gian là linh mục quản xứ. Với cái nhìn xa trông rộng, nhờ ngài mà Giáo xứ có được nơi tôn nghiêm thờ tự. Mảnh đất linh thiêng 55 năm (1963) từ trên đỉnh núi cao Chúa Kitô luôn giang rộng vòng tay che chở và đón đợi những tâm hồn khao khát xin ơn an lành, nơi mà sóng gió cuộc đời, bao gian nan thử thách của mỗi gia đình được Ngài nâng đỡ, xoa dịu cả tinh thần lẫn thể xác. Là điểm hành hương quy tụ giáo dân Châu Sơn nói chung và cách riêng khách hành hương khắp nơi tìm về. Nơi Tin yêu và Hy vọng, nơi mỗi người sẽ gặp được địa chỉ như lòng mong ước.
Hôm nay gợi nhớ về qua khứ, Giáo xứ chúng con thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ Đức cha Giuse kính yêu đã về với Chúa hơn 7 năm.
HÌNH THÀNH
Ngày ấy năm xưa cách đây hơn nửa thế kỷ, khi núi rừng Châu Sơn còn hoang vu, mịt mùng trùng điệp, chỉ có những dấu chân của thú hoang. Có những đỉnh cao chưa ai lên tới, nhiều lũng thấp chưa in dấu chân người. Thế là một ngày đẹp trời mùa hè năm 1963, được sự cho phép của chính quyền tỉnh lúc bấy giờ. Cha quản xứ Giuse Trịnh Chính Trực và bà con giáo dân Châu Sơn xẻ núi băng rừng vượt đèo leo dốc. Nhng thế hệ cha ông lúc đó đã vận dụng khả năng bằng sức người, gồng gánh đưa tượng Chúa lên đến đỉnh cao bằng lối mòn chật hẹp. Những trẻ em thời đó đang là mùa hè, nên háo hức góp công sức nhỏ bằng những lon cát, bình đông nước, ký xi măng làm nên chất kết dính kể từ đó tượng Chúa uy nghi. “Thi gan cùng tuế nguyệt”, trên đỉnh núi cao nhất trong dãy núi phía tây Giáo xứ cách nhà thờ Châu Sơn khoảng 2,5km, với độ cao 559m so với mặt nước biển.
Và khi đất nước bước sang trang sử mới. Biến cố 1975 thì mọi khó khăn từ tinh thần lẫn vật chất đều phải khép lại, tuy nhiên vẫn có một số anh em thiện chí âm thầm thăm viếng. Hằng năm phát dọn đường xá tu sửa tượng Chúa, vệ sinh xung quanh khu vực tượng đài để chuẩn bị cho ngày Chúa Nhật cuối năm phụng vụ là ngày Lễ Chúa Kitô Vua đi vào truyền thống.
PHÁT TRIỂN.
Bước vào đầu thập niên 90 của Thế kỷ trước Cha nguyên quản xứ Đaminh Vũ Đức Hậu, kiện toàn lại Đoàn Tráng Niên. Nhờ bàn tay quan phòng của Chúa dẫn đường chỉ lối, mọi công việc được diễn tiến tốt đẹp. Thời kỳ này anh em Tráng Niên bắt đầu tôn tạo Núi Chúa và trồng cây gây rừng, tăng thêm vẻ đẹp và tạo bóng mát trên đỉnh Núi Chúa. (Cộng đoàn Giáo xứ tưởng nhớ và tri ân cha cố Đaminh đã về nhà Chúa gần 1 năm)
Năm 1997 Cha Antôn Vũ Thanh Lịch đảm nhận trách nhiệm quản xứ, một con người năng nổ đầy nhiệt huyết. Với cái nhìn tổng quát và kiến trúc hơn, nên Núi Chúa dần thay da đổi thịt. Trong thời kỳ này tất cả các hạng mục công trình lần lượt ra đời, xứng với nơi thờ tự là chốn linh thiêng mà khách hành hương tìm về. Ngài cũng rất quan tâm đến bảo vệ môi trường. Vì thế, hôm nay một màu xanh trải dài từ dưới chân lên tận đỉnh núi. Một màu xanh yêu thương của những người biết yêu quý thiên nhiên. Trong đó phần lớn là bà con giáo dân Châu Sơn bảo quản và chăm sóc, hằng tuần vào Chúa nhật luân phiên có một toán trực núi dọn dẹp vệ sinh
Thánh ý Chúa niềm vui và bình an.
Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ là ngày hành hương. Khắp nơi xa gần người người như trở về với cội nguồn dâng tâm tình tạ ơn với Chúa. Phụng vụ năm nay được cử hành vào lúc 10h30 ngày 25-11-2018, sau đó đi đàng thánh giá trọng thể để tưởng niệm những chặng đường thương khó mà Chúa Giêsu đã chịu nhục hình vì tội lỗi loài người chúng ta.
Tâm điểm của ngày hành hương truyền thống Giáo xứ, thật là một ngày nhộn nhịp, đáng nhớ và hạnh phúc. Khi ông mặt trời vừa gõ cửa ngày mới, tiếng trẻ con nô nức gọi nhau i ới như đã hẹn trước. Cụ ông, cụ bà thì nao nao, mong sao cho con cháu đến sớm để kịp với đoàn người rồng rắn lên Núi Chúa mà dâng lời tạ ơn. Từ trên núi cao lời kinh cầu vang vọng, khắp lũng sâu chung niềm hoan ca. Công đoàn sốt sắng tham dự thánh lễ, sau lời chúc ra đi bình an mọi người hân hoan chia sẻ niềm vui thân mật qua ly rượu nồng và những bài ca sinh hoạt. Âu đó cũng là nét đẹp đi vào truyền thống của anh em Tráng niên.
Xin tri ân những giọt mồ hôi trộn với nước mắt của các bậc tiền nhân, đã để lại gia tài trên đỉnh cao Núi Ngọc, là dấu ấn đức tin để con cháu muôn đời sau ca tụng lượng hải hà Thiên Chúa.
Kính chúc quý khách và cộng đoàn một ngày hành hương An Bình Thánh Đức. Nguyện xin Chúa Kitô Vua, luôn làm Vua ngự trị trong lòng mỗi người.

(Hiện nay tính từ lễ đài lên đến tượng cao 4m. Tượng Chúa cao 2,25m. từ dưới chân núi lên đến bậc cấp đầu tiên 1.500m, với 103 bậc cấp là đến Linh Đài Vua Vũ Trụ, hai bên bậc cấp là thổ cư sinh hoạt của 19 toán Tráng niên.)

A 2

A 3

Tác giả bài viết: Thanh Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây