NHỚ TỚI ĐÊM ĐẦY ÁNH SÁNG
●Francis Assisi Lê Đình Bảng.
“Nhớ tới đêm đầy ánh sáng
Hương trong gió tràn mênh mang
Giây phút như ngừng thôi rơi, tiếng kinh muôn lời
Dáng xinh bao tiên kiều
Quỳ dâng thánh kinh ban chiều
Trong giáo đường, đêm Noel ấy
Ngàn đời tôi mến yêu...”
Trên đây là trích đoạn lời ca trong tình khúc Giáo Đường Im Bóng, tác phẩm đầu đời của người nhạc sĩ trẻ tuổi, hào hoa Nguyễn Thiện Tơ.(1) Tân nhạc Việt Nam, được biết, ở những năm tháng khởi đầu 1930-1940, còn phôi thai, nhạt nhoà lắm. Ấy thế mà đã sớm xuất hiện một ca khúc gắn liền với một chuyện tình mang đậm màu sắc Giáng Sinh rất nhà thờ nhà thánh của người Công giáo. Đó là một ngạc nhiên đến kỳ thú. Không những đối với công chúng cảm thụ nghệ thuật của âm thanh, mà còn đối với bản thân những con người dệt nên những âm thanh ấy, tức các nhạc sĩ sáng tác. Người ta cứ ngỡ rằng, Công giáo vốn là một thế giới riêng lẻ, chẳng ăn nhập bao nhiêu đến nguồn cảm hứng để sáng tác văn học nghệ thuật. Hơn nữa, Công giáo ở Việt Nam buổi ấy, không hơn một cộng đồng thiểu số, một quần đảo còn thưa vắng bóng người, chưa có tác động bao nhiêu đến nhịp đời đang chớm chộn rộn ở xung quanh. Hèn chi, ta đọc thấy cái cảm giác như là bồi hồi, có pha trộn chút gì nửa ngờ vực, nửa xác tín của ông Hoài Thanh khi đưa ra nhận định về thơ Công giáo của Hàn Mạc Tử: “Hình như, trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo không có gì giống như vậy. Hàn Mạc Tử đã dựng riêng cho mình một ngôi đền để thờ Chúa. Thiếu lòng tin, tôi chỉ là một du khách bỡ ngỡ, không thể cùng quỳ lạy với thi nhân. Nhưng lòng tôi có dửng dưng, trí tôi làm sao không ngợp vì cái vẻ huy hoàng trang trọng, lung linh huyền ảo của lâu đài kia? Có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng... Điều ấy chứng tỏ rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể...”(2). Chuyện của thi ca là thế. Còn âm nhạc thì sao? Câu trả lời, trước sau, cũng chưa dám khẳng định, chưa vượt qua cái ranh giới của một nghi vấn. Có chăng, điều ấy chỉ xảy ra cho giới văn nghệ sĩ phương Tây. Cho nên, không lạ gì, cả đến những cây đa cây đề, có công khai phá nền tân nhạc (nhạc cải cách) của nước ta, như Nguyễn Văn Tuyên (1909-2009), Nguyễn Xuân Khoát (1910-1993) và Lê Thương (1914-1996), ta cũng chỉ thấy họ viết về những đề tài chung chung, rất muôn thuở, là cảnh vật phong hoa tuyết nguyệt của thiên nhiên, là mùa màng, thời vụ của con người, của trời đất: Kiếp Hoa, Bình Minh, Bản Đàn Xuân...(3) Có nghĩa là, cái tôi bản ngã của riêng mỗi người chưa thấy phát tiết, chưa dám hé mở, phơi bày ra. Huống chi, cái tôi ấy lại là “cái tôi trữ tình”, là chuyện tình, tình yêu của trai gái, lứa đôi, giữa người ngoại đạo với con chiên của Chúa. Trường hợp của thánh ca Công giáo, lại là một chuyện khác, ở một cõi khác. Vừa thánh thiêng, lại vừa phức tạp, nhiêu khê hơn, nếu không muốn nói là kinh điển, thậm chí nhạy cảm và xa lạ nữa. Ở đây và lúc này, tôi muốn nhấn mạnh đến góc độ lịch sử cùng hoàn cảnh đặc thù của dòng ca nhạc mang màu sắc Công giáo. Nên nhớ, vào đúng thời điểm ấy, cả đến thánh ca của người Công giáo Việt Nam - xét cả về mặt cung bậc, lẫn ngôn từ - trong sinh hoạt lễ lạy, kinh hạt, phụng vụ thường ngày, vẫn còn sử dụng gần như toàn văn La Tinh hoặc chuyển dịch từ tiếng Pháp, được trích chọn từ các thủ bản chính thống của Giáo hội, như Cantus Pro Festis Solemnioribus, như Cantiques de la Jeunesse...
Mãi cho đến những năm 1940-1945 và về sau này thì đời sống thánh nhạc thánh ca Việt Nam mới thực sự khởi động, vận hành, với hàng loạt sự kiện: Những tuyển tập ca hát của Cha già Vượng ở Nam Định (1940); dòng nhạc thánh ca đẫm mùi kinh kệ Huế của JMT Nguyễn Văn Thích (1891-1978); của linh mục Giacôbê Nguyễn Linh Kinh (1893-1955); của các nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh của Hà Nội; Sao Mai của Bùi Chu; Ca Thánh của Phát Diệm; Thiên Cung của Hải Phòng; Tiếng Chuông Nam của Thanh Hoá; Minh Nhạc của Bắc Ninh; Phan Văn Minh của Sài gòn và Liên Đoàn Nhạc sĩ Công giáo của Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ v.v... Hỏi chứ, giữa một kho báu vô vàn những bài thánh ca bất hủ của các bậc tài danh đã có lịch sử lâu bền từ thuở nào từ Roma, Áo, Pháp, Đức, Tây Ban Nha v.v... khi không sao lại đề cập tới Giáo Đường Im Bóng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ? Con người ấy và sự kiện ấy xem ra chẳng mấy gần gặn và liên hệ gì tới người Công giáo mình, cho dù có ít nhiều bóng dáng và hơi hướm Giáng Sinh? Như thế, phải chăng, Nguyễn Thiện Tơ và Giáo Đường Im Bóng xứng đáng là một “sự kiện văn hoá” có ấn tượng để chúng ta vinh danh? Phải xét đến cái thế “một mình một cõi, một mình chủ động” khi đặt bút viết nên Giáo Đường Im Bóng, lấy cảm hứng, đề tài, khung cảnh, chất liệu Công giáo: Đêm Noel, giáo đường, tiếng kinh, quỳ dâng, đêm đầy ánh sáng... Ngần ấy thứ và ngần ấy chi tiết thôi, không lẫn vào đâu được, phải là từ giáo đường, của nhà thờ, của đêm Noel. Chính trong khoảnh khắc thánh thiêng ấy, “đêm Noel đầy ánh sáng ấy, tiếng kinh muôn lời ấy, phút giây như ngừng thôi rơi ấy... và... tôi mến yêu” ấy là những chuỗi giai điệu và ngôn từ của thông điệp tình yêu mà tác giả muốn trao gửi một người, một người con gái đẹp bên đạo, nàng Vũ Hà Tiên. Có lẽ, không một tác phẩm văn học nghệ thuật nào mà không khởi đi từ một sự kiện, một biến cố, một tình tiết, một câu chuyện có thật ở ngoài đời. Giáo Đường Im Bóng của Nguyễn Thiện Tơ, còn lớp lang, đàng hoàng và rành rẽ hơn nhiều.
Chuyện kể rằng... “Khi ấy, tôi còn là một học sinh trường Thăng Long, Hà Nội. Một lần về Nam Định, để đàn hát, làm từ thiện, tôi quen biết nàng. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã cảm thấy mình yêu người con gái ấy...” Nhưng tình duyên trắc trở, vì gia đình Vũ Hà Tiên theo đạo gốc đạo dòng, mà Nguyễn Thiện Tơ lại là người ngoại đạo. Hồi ấy ,chuyện hôn nhân khác đạo vẫn còn là một rào cản, chưa thể vượt qua. Trong cơn đau khổ và tuyệt vọng, Nguyễn Thiện Tơ đã gửi tâm sự xót xa, mong mỏi, đợi chờ của mình vào tình khúc Giáo Đường Im Bóng... “Đây là bài hát đầu tay của tôi,khi đó,mới là phần nhạc.Lời ca do Phi Tâm Yến cứ nương theo dòng chảy của âm nhạc mà dệt vào.”(4)
“Nơi giáo đường im bóng
Tôi thầm mong ngóng..
Lá êm êm rơi trên gương hồ
Hình như mối tơ duyên xa mờ
Tôi mơ mắt huyền những trông bao phút vui thần tiên qua
Thấy đâu bây giờ?”
Cuối cùng, ước mơ cùng lời nguyện cầu của đôi uyên ương ấy đã được đền đáp. Hai người đã vượt qua mọi trở ngại để nên duyên nợ một đời với nhau. Chính tác giả đã bộc bạch nỗi lòng: “Chắc hẳn, Chúa Trời cũng chiều lòng chúng tôi, đã cho chúng tôi một kết thúc đẹp, một tình yêu có hậu.”
Những năm 1990-1996 và 1999-2004, nhiều lần ra Bắc về quê. Ghé Tràng An, Ninh Bình. Về Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh. Chúng tôi - nhạc sĩ nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên và kẻ viết bài này - có hân hạnh được tiếp cận và ghi chép được khá nhiều khám phá thú vị về văn hoá và đức tin, bổ trợ cho những thiếu vắng của mình sau biến cố di cư 1954 và tình trạng đất nước qua phân đôi bờ sông Bến Hải. Chẳng hạn, những địa danh Sở Kiện, Hà Nam, Phủ Lý; những cơ sở in ấn, phát hành sách báo Công giáo như Ninh Phú, Phú Nhai Đường; con phố mang tên Nhà Chung; toà Giám mục Hà Nội, nơi đặt ngai toà Phêrô của nhị vị Giám mục - Hồng Y cùng mang họ Trịnh; toà soạn Trung Hoà nhật báo; địa danh Thái Hà Ấp và báo Đức Bà Hằng Cứu Giúp của “người giữ đền không ngủ” là cha già Giuse Vũ Ngọc Bích (1914-2004); địa chỉ Cứu Thế Tùng Thư của các cha DCCT; thân thế và sự nghiệp của nhà báo Antoine Đông Bích; nhạc sĩ Tâm Bảo, một trong những thành viên đồng sáng lập nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh (tác giả bài thánh ca Sao Biển rất phổ biến/ Lạy Mẹ là ngôi sao sáng), người duy nhất trong nhóm, ở lại Hà Nội); linh mục nhạc sĩ JBS Nguyễn Văn Vinh (1912-1971) với chuỗi nhà tù khắc nghiệt chết người, từ Hoả Lò, Chợ Ngọc đến Yên Bái và Cổng Trời, sau “sự kiện lễ Giáng Sinh năm 1958 ở cuối nhà thờ chính toà Hà Nội”. Cả đến chút dấu vết rất đỗi váng vất mơ hồ về chỗ dựng bức tượng giáo sĩ Alexandre de Rhodes năm 1943 bên cạnh Hồ Tây. Ngoài ra, còn có những thông tin xa gần của một số văn nghệ sĩ mình đem lòng mến mộ từ lâu: Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh, Hoàng Cầm, Văn Cao, Phùng Quán, Đoàn Chuẩn, Dzoãn Mẫn, Nguyễn Thiện Tơ... Vâng, vẫn biết chỉ là cuộc nhàn du, thăm thú rất điền dã và lăng ba vi bộ, nhưng anh em chúng tôi cũng đã gặt hái, học hỏi, tiếp thu được nhiều bổ ích, soi sáng cho những góc tối và làm giàu cho những nghiên cứu của mình, cần thiết, rất thực tế, khi về Nam. Riêng tôi, trong điều kiện và hoàn cảnh giới hạn của một gã thương hồ với cơm đường cháo chợ, chỉ biết chắp tay tạ ơn Chúa. Ngàn năm một thuở. Nhờ những chuyến hành hương đầy ngẫu hứng này mà tôi ngộ ra biết bao uẩn khúc, bao nhiêu khuất tất, hệ luỵ, cơ man nào những tấm gương ngoan cường, bền đỗ và sáng ngời trong những trùng trùng duyên khởi của thế sự và lòng người những năm tháng dằng dặc khốn khó, để sống còn. Chợt nhớ, có lần, mấy trăm năm trước, nữ sĩ Thanh Quan đã dừng chân và thở dài:
“Lối xưa, xe ngựa, hồn thu thảo
Nền cũ, lâu đài, bóng tịch dương...
Cảnh đấy, người đây, luống đoạn trường.”
Nói về Vũ Hà Tiên, người con gái của nhà thờ Nam Định và Hà Nội đã đi vào tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ thế nào thì hình ảnh người con gái bên đạo ấy vẫn cứ là những bản sao truyền thần trong thơ của Hồ Dzếnh, của Kiên Giang, của Nhất Tuấn...
“Em ạ, quê ta tháp giáo đường
Sáng chiều vẫn vọng những hồi chuông
Ai đi xem lễ, tôi đi với
Gió đạo, lời kinh toả vấn vương...
Con gái nhà chung xinh đẹp lạ
Đẹp hơn con gái phố phường bên...
Chủ nhật tự nhiên thành buổi hẹn...
Đêm Giáng Sinh này, em ở đâu ?”(5)
Mãi về sau, những thập niên 1955-1975, ở miền Nam, ở Sài gòn, người yêu thơ nhạc, vẫn dễ dàng bắt gặp đâu đó, bóng dáng yêu kiều của các nàng. Từ trong sách báo, truyền thanh, truyền hình; từ xóm làng, khu phố đến giảng đường, trường học; từ thời trang đến thị trường mua sắm. Đặc biệt, phải nói đến cái thế giới bao la nhạc tình Giáng Sinh của bao nhiêu tên tuổi một thuở một thời. Rõ ràng, đã hình thành một không gian và một thời gian đầy ắp sắc màu Giáng Sinh của Sài gòn. Dường như, tôi có cảm tưởng, Giáng Sinh hiện ra lung linh đâu đó, trên hè phố thênh thang Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, tạt ngang vào thương xá Tax, hành lang Eden. Đâu đâu, cũng dập dìu từng cặp, líu lo, quấn quýt, dùng dằng. Họ vừa tan lễ đêm ở Vương Cung thánh đường ra, chụp hình trước chân tượng Đức Mẹ Hoà Bình. Rồi, chẳng ai bảo ai, ghé vào dãy kiosque kè theo mặt tiền Bưu Điện, mua vội ổ bánh mì kẹp thịt còn nóng hổi, đèo nhau trên yên xe Honda rảo khắp thị thành sáng trưng. Trong khi ấy thì từ các quán xá, nhà hàng, ngõ xóm dân cư, vọng ra rộn ràng những bài thánh ca: Silent Night, We Wish you a Merry Christmas, Jingle bells, Drummer Boys, Feliz Navidad... Ấy là chưa chạm đến những tình khúc Giáng Sinh để đời của Sài gòn. Sẽ là chuyện dài nhiều tập, liên chi hồ điệp. Nào, Phạm Duy phổ thơ Giáng Sinh của Nhất Tuấn, Nguyễn Tất Nhiên và Vũ Hữu Định, Phạm Văn Bình. Nào Nguyễn Văn Đông với Đêm Thánh Huy Hoàng, Mùa Sao Sáng, Bóng Nhỏ Giáo Đường. Nào, Lá Thư Trần Thế của Hoài Linh; Hai Mùa Noel của Đài Phương Trang và “hiện tượng Bài Thánh Ca Buồn” của Nguyễn Vũ.(6) Chỉ dẫn ra đây một thí dụ điển hình. Có ai ngờ, đã 45 năm qua, kể từ tháng 4.1975, cái hôm mà lần đầu tiên, ở giữa trùng khơi sóng bạc, ở lưng chừng khoảng không của trời xanh kia hoặc đang vật vờ, xác xơ, mòn mỏi trong núi cao rừng thẳm, ở một đảo hoang tỵ nạn nào đó, ta chợt nghe những ai kia, như là Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Sơn Ca, Phương Dung, Thanh Tuyền, Mai Hương, Giao Linh...; như là Anh Ngọc, Sỹ Phú, Duy Trác... Và như là ban nhạc Wham hát bài Last Christmas, vào đúng cái giây phút nghiệt ngã định mệnh của một “nửa đường đút gánh”. Vâng, chỉ cần nhắc lại một tí ti quá khứ thôi. Đó là “sự kiện nhạc tình Giáng Sinh bolero” đã đi vào bất tử. Gần nửa đời người, ở bờ bên này đại dương, ta vẫn nghe Hà Nội, Huế, Sài gòn không mệt mỏi hát mãi tình ca bolero. Như một níu kéo thời gian đã mất. Bolero vẫn còn đó, vẫn dấy lên nhiều tranh cãi, phân định lơ mơ thế nào là lề phải, lề trái, cái gì đi qua, cái gì để lại và cái gì đã bị đào sâu chôn chặt mà vẫn sống lại, hiển linh? Chưa hoặc không có gì thay thế nó được. Cuộc chiến đi qua đã lâu, nhưng những cơn đau giằng xé và những vết thương vẫn còn mưng mủ, chưa liền da, âm ỉ hoài hoài. Giáng Sinh ở Sài gòn, có khi chóng vánh, vội vàng của một lần về phép. Có cả gặp gỡ và chia ly. Giục giã với cồn cào, nhớ nhung, giữa ì ầm đạn pháo từ đâu dội về. Và Sài gòn Giáng Sinh, Chúa ôi, những ga tàu về muộn. Vẫn nghe tiếng máy bay trực thăng quân sự đánh vòng trên các nóc nhà thành phố ngày đêm... đêm hưu chiến mong manh, dễ vỡ như pha lê.
Trở lại với Giáo Đường Im Bóng và Nguyễn Thiện Tơ. Đến đây thì hẳn là bạn đọc đã hiểu vì sao tôi chọn nhạc phẩm và tác giả này rồi chứ? Con người và sự kiện văn hoá độc đáo ấy, không chỉ tồn tại bằng giá trị nghệ thuật, mà còn mang ý nghĩa, làm sáng lên vẻ đẹp của một mối tình xuyên thế kỷ. Họ, sau đám cưới năm 1944 ở một nhà thờ nhỏ có tên là Mỹ Dục, ngoại ô thành phố Vinh, rồi về sống với nhau đầm ấm, yên ả tại căn nhà số 22 phố Mai Hắc Đế (Charron cũ), cùng nhau đi lễ ở nhà thờ Hàm Long, Hà Nội...
Hằng năm, cứ vào những ngày buồn tàn Thu và chớm Đông này, thời tiết, khí hậu và cảnh vật chuyển mùa, bỗng rét mướt chi lạ. Nó gợi cho ta nhớ đến Mùa Vọng - Mùa Giáng Sinh và nhất là hồi tưởng về những Mùa Giáng Sinh trước đây ở Sài gòn, của một thời chở nặng bao nhiêu kỷ niệm khó phai mờ. Chẳng ai còn đặt ra câu hỏi về xuất xứ và ý nghĩa của ngày Lễ Giáng Sinh nữa. Thực tế là, Giáng Sinh đã trở thành ngày lễ, thậm chí một ngày lễ nghỉ/ Holiday thường niên trong niềm mong đợi của mọi người trên toàn thế giới. Đến nỗi, hễ nói đến hang đá, máng cỏ, giáo đường, tiếng chuông, thánh ca, đàn hát, đi lễ, nguyện cầu, hẹn hò, gặp gỡ, thắp nến, cây thông, tiệc tùng, Chúa Hài Đồng, Ơn Cứu Rỗi, Đức Mẹ, Thiên Thần, mục đồng, chúc mừng bình an... là ta đã bước hẳn vào Đêm Noel Đầy Ánh Sáng rồi đấy. Giáo Đường Im Bóng, vì thế, đã trở thành một trong những tình khúc không thể thiếu vắng trong những Mùa Giáng Sinh của những đôi lứa yêu nhau. Nếu Silent Night hoặc Hang Bê Lem, Cao Cung Lên và Trời Cao là những bản thánh ca bất hủ đã vang xa ra khỏi cung thánh của giáo đường, hội nhập vào đời sống văn hoá dân gian thì Giáo Đường Im Bóng, một bản tình ca Giáng Sinh ở ngoài đời cũng đã thấp thoáng đâu đó ở ngay những vòm cửa rộng mở của giáo đường vậy. Bởi, ta đang “Nhớ Tới Đêm Đầy Ánh Sáng”.
Chú thích:
- Nguyễn Thiện Tơ sinh năm 1921 tại Thanh Oai, Hà Đông (nay là Hà Nội). Năm 1938, mới 17 tuổi, viết Giáo Đường Im Bóng, cùng thời điểm với những ca khúc đầu tiên của Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát và Lê Thương. Gia tài âm nhạc của ông không nhiều. Ngoài Giáo Đường Im Bóng, còn có: Cung Đàn Xưa, Đêm Trăng Xưa, Nắng Xuân, Nhắn Gió Chiều, Mộng Giang Hồ, Khúc Nhạc Canh Tàn, Giấc Mơ Xưa, Nhạc Đồng Quê, Chiều Tà, Trên Đường Về, Qua Bến Năm Xưa, Nhớ Trăng Huyền Xưa.
Bà Vũ Hà Tiên mãn phần ngày 4.10.2013, đại thọ 92 tuổi. Thì ra, cả hai người cùng một năm sinh, 1921. Riêng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đã bước vào ngưỡng đại thượng thọ 100 tuổi, năm 2021.
Ông là thầy dạy đàn cho các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Dzoãn Mẫn, Nguyễn Văn Quỳ.
- Hoài Thanh - Hoài Chân. Thi Nhân Việt Nam, nxb Văn Học, Hà Nội, 1988.
- Tên những ca khúc đầu tiên của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát và Lê Thương, những người được coi như “anh cả”, có công khai sáng âm nhạc cải cách (tân nhạc) Việt Nam những năm 1930-1940.
- Nhà thơ Phi Tâm Yến, tên thật là Trần Văn Phụng, bạn thân với Nguyễn Thiện Tơ ngay từ 10 tuổi.
- Hồ Dzếnh ,tên thật là Paul Therese Hà Triệu Anh (1916-1991), nhà văn, nhà thơ mang hai dòng máu Việt Hoa. Tương tự trường hợp nhạc sĩ La Hối, tác giả ca khúc khá nổi tiếng Xuân Và Tuổi Trẻ (lời của nhà thơ Thế Lữ). Tác phẩm: Chân Trời Cũ (tập truyện ngắn, 1942); Quê Ngoại (thơ, 1943); Hoa Xuân Đất Việt (thơ,1946)... Hồ Dzếnh còn có bút danh là Lưu Thị Hạnh, một thành viên chủ lực của nhóm nhà văn Công giáo - gồm linh mục Thanh Hải, Phạm Đình Khiêm, Phạm Đình Tân, Nguyễn Duy Diễn. Năm 1943, tại toà soạn báo Thanh Niên, nhóm ra mắt Tập Tác Phẩm Đầu Xuân, như một tuyên ngôn về đường lối sáng tác thơ văn riêng, để tiếp bước với Tự Lực Văn Đoàn (1932-1945) và đối trọng với nhóm Xuân Thu Nhã Tập (1942) gồm có: Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đỗ Cung.
- Nguyễn Vũ sáng tác tình khúc Bài Thánh Ca Buồn vào đúng năm 1972, mùa Hè đỏ lửa. Bài ca Giáng Sinh rất trữ tình này thực sự đã trở thành một “hiện tượng” trong đời sống ca nhạc trước và sau 1975, ở Sài gòn, ở miền Nam, lan toả ra các thị thành phía Bắc và cả ở hải ngoại. Có lẽ, người nhạc sĩ trong màu áo hoa biển này đã gửi gắm trọn vẹn những gì là “tình tứ” nhất, là “lãng mạn” nhất và “trẻ trung” nhất, đánh trúng vào tử huyệt của những người đang yêu? Nó sống mãi, trẻ mãi, không già.