BIẾT GÌ MÀ NÓI !

Thứ bảy - 08/01/2022 21:10
BIẾT GÌ MÀ NÓI !



BIẾT GÌ MÀ NÓI !

Ở nhà, ông anh Hai khi nghe những chuyện không xác tín thì thường hay nói : "Biết gì mà nói !".

Câu nói của anh Hai làm cho đàn em và ngay cả bản thân tôi giật mình và cẩn thận trước khi mình nói và nhất là những chuyện mà mình không hề biết. Nặng nề hơn nữa đó là những chuyện chả dính dáng gì đến mình hay có khi mình chỉ nghe từ một phía hay nghe một cách mơ hồ.

Ngày mỗi ngày, trong xã hội có quá nhiều vấn đề và phải nói rằng với thời đại thông tin đại chúng này thì có quá nhiều tin tức được đưa lên các trang mạng xã hội. Thế nhưng rồi sự thật thật của sự việc, của thông tin xem chừng đúng được bao nhiêu phần trăm và đó có phải là sự thật hay không dù tin người ta đưa xem chừng quá thật.

Có những trang mạng câu view và câu like để rồi phóng đại sự việc dù sự việc đó quá nhỏ bé. Tiếc thay là người ta thích vào xem cũng như vui vẻ gõ bàn phím để bình luận và bênh vực những điều mà người ta hoàn toàn không biết.

Giữa làn sóng của tin tức và bùng nổ của truyền thông làm cho ta lại nhớ lại lời của Thánh Giacôbê tông đồ : "Anh em hãy mau nghe đừng vội nói".

Lời Thánh Kinh tuyệt mỹ ấy văng vẳng bao ngàn năm qua và đến nay vẫn còn đúng nhưng tiếc thay con người không xem đó như là kinh nghiệm của cuộc đời.

Câu chuyện từ xưa lắm của Khổng Tử về nồi cơm phải chăng là kinh nghiệm để đời cho mỗi chúng ta. Trước mắt Khổng Tử là một Nhan Hồi tham ăn tham uống đã ăn trước khi cơm được dọn ra và cúng. Chỉ khi nghe Nhan Hồi phân trần thì chính Khổng Tử còn cảm thấy hỡi ôi vì lẽ chỉ một chốc lát thôi thì Khổng Tử đã mất đi người học trò trung tín và khôn ngoan.

Còn nhớ câu chuyện của thiền sư Hakuin. Thiền sư Hakuin Ekaku sinh năm 1684 ở thời kỳ Edo Nhật bản, xuất gia từ năm 8 tuổi, là một vị thiền sư quan trọng nhất của dòng thiền Lâm Tế, người đã có công phục hưng lại thiền phái vốn đã bị tàn lụi trước đó nhiều thế kỷ. Chính vì thế, người ta gọi ông là thiền sư vĩ đại “500 năm mới có một người” của nước Nhật.

Một ngày kia, có một người con gái trẻ đẹp nhà gần chùa của thiền sư bỗng bị chửa hoang. Người ta không biết cha đứa bé là ai. Bố mẹ cô gái vô cùng tức giận và xấu hổ nên đánh đập tra khảo con gái để biết về lai lịch tình nhân. Ban đầu cô con gái không chịu nói gì cả, nhưng sau cùng vì bị đánh đập dữ dội, cô tiết lộ đó là thiền sư Hakuin.

Một vị sư được người người kính trọng lại làm chuyện như vậy nên câu chuyện lan ra khắp xóm làng, dân chúng dị nghị, nghi ngờ, xầm xì, khinh thường, cho rằng ông ấy mà tu hành gì, đồ đạo đức giả…

Đệ tử của thiền sư dần dần bỏ đi gần hết. Không chỉ có vậy, gia đình cô gái vô cùng tức giận, chờ đứa con được sinh ra rồi mang tới dúi cho thiền sư. Họ nói: “Đấy, con của ông đấy, ông giữ mà nuôi lấy, đồ đạo đức giả!”. Thiền sư không nói gì, bình thản nhận lấy đứa bé. Vì không có sữa cho đứa bé, bị đệ tử xa lánh, nên chính thiền sư phải bồng đứa bé ngày ngày đi xin sữa, bị người đời chê bai, dè bỉu.

Sau một thời gian dài, vì lương tâm cắn rứt và giày vò khôn nguôi nên cô gái quyết tâm nói ra sự thật để giải thoát cho bản thân mình. Cô khai đứa bé đó là con của cô và chàng bán cá tanh hôi ở chợ. Cha mẹ cô nghe xong liền hoảng hốt, cảm thấy tội lỗi vô cùng nên tức tốc dẫn con gái tới chùa dập đầu sám hối với thiền sư và xin cháu về.

Thiền sư nghe xong, bình thản nói: “Thế à!”.

Sự tình được truyền đi, dân chúng ngưỡng mộ, các đệ tử cảm phục đức nhẫn nhục và tâm lượng thản nhiên của thiền sư nên lần lượt kéo về. Danh tiếng thiền sư nay lại hơn xưa. Đọc câu chuyện trên ai ai cũng nhận thấy ở thiền sư Hakuin chữ “Nhẫn” và “Thiện” vô cùng to lớn.

Hay là có khi chúng ta ở trong đám đông ngày hôm đó đòi ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang là phạm tội ngoại tình trong khi đó chúng ta lại là người phạm tội ngoại tình trong tư tưởng hay như là phạm tội ngoại tình mà chưa bị bắt gặp. Chúng ta là ai mà ta lại cứ hô hào mạnh tay ném đá giết chết người phụ nữ ngoại tình đó trong khi ta mới là người thực sự đáng chết.

Có chăng trong cuộc sống người ta khéo che đậy cái sự thật về cuộc đời của người ta thôi. Có người đã từng chia sẻ là họ hối hận vô cùng vì những tội lỗi mà họ gây ra nhưng không ai biết.

Bởi thế, trong cuộc sống, có những chuyện chúng ta hoàn toàn không biết hay chỉ nghe mù mờ từ người này người kia nói mà chúng ta lại loan đi như là tin thật và như là chúng ta hoàn toàn biết chuyện đó. Thực tế chúng ta không phải là người trong cuộc để chúng ta không biết gì hết nhưng chỉ nghe người khác nói và chúng ta nói lại như là chúng ta là người biết.

Những ngày qua, có những người hỏi tôi về chuyện này chuyện kia, về người này người nọ nhưng rồi với nguyên tắc chung và tôn trọng sự thật nên tôi nói tôi không biết. Mà thật sự là thế, có những chuyện mình không biết sự thật thì nên nói thật là không biết để tránh làm tổn thương cho anh chị em đồng loại.

Lời nói gió bay ! Hay là lời nói mà ta nói đi để nhất là làm tổn thương người khác rất khó để ta lấy lại. Chính vì vậy, bài học cẩn ngôn muôn đời vẫn có giá trị trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

Lm. Anmai, CSsR

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây