DỊCH BỆNH DƯỚI GÓC NHÌN CỦA KINH THÁNH

Thứ sáu - 07/02/2020 08:35
Những ngày này chúng ta hồi hộp với đại dịch virus corona. Số người tử vong và mắc bệnh tăng lên từng giờ. Đó chưa đến mức thảm họa, nhưng chắc chắn là bầu không khí u ám phủ đầy Trung Quốc, những nước lân cận và cả thế giới. Dĩ nhiên trước con virus này, ai cũng hy vọng các nhà khoa học sớm tìm ra phương thuốc chữa trị!
DỊCH BỆNH DƯỚI GÓC NHÌN CỦA KINH THÁNH
DỊCH BỆNH DƯỚI GÓC NHÌN CỦA KINH THÁNH

Trong lịch sử lúc nào cũng có bệnh tật. Thi thoảng nhân loại phải đương đầu với đại dịch cướp đi sinh mạng của vô số nạn nhân (HIV/AIDS, Đậu mùa, Sởi, Lao, Sốt rét, SARS, Ebola, v.v...). Trong Kinh Thánh, chúng ta cũng có thể đọc được những lần đại dịch bệnh. Qua đó, chúng ta được nhiều bài học từ những lần đại dịch này.

1. Thiên Chúa ở đâu trong các tai ương?

Vào thời cổ đại, người ta chứng kiến hằng loạt tai ương dân Ai Cập phải gánh chịu. Số là vua Pharaô một mực không để cho dân Ít-ra-en xuất hành trở về quê hương. Sau khi Môsê là người lãnh đạo dân, không thể thuyết phục Pharaô, Đức Chúa cho nước biến thành máu[1], nạn ếch nhái đánh phạt toàn thể lãnh thổ Ai Cập; nạn ruồi, muỗi, nhặng hoành hành. Từng đó tai ương vẫn chưa lay động lòng cứng cỏi của Pharaô. Thiên Chúa tiếp tục phái ông Môsê đến nói với Pharaô: “Hãy thả dân Ta ra, để chúng thờ phượng Ta” (Xh 9,1). Ông vẫn cố chấp. Hệ quả tiếp theo là ôn dịch xảy ra giết chết mọi xúc vật của người Ai Cập. Ngoài ra, khắp vùng phải chịu nạn châu chấu, cảnh tối tăm.

Tai họa sau cùng là các con trai đầu lòng Ai Cập đều bị sát hại. Tất cả vì lòng chai dạ đá của nhà vua mà thần dân của ông phải chịu biết bao tai họa. Những tai họa, dịch bệnh vẫn thường xảy ra. Thiên Chúa không tạo ra những tai ương đó! Kinh Thánh vận dụng các yếu tố thiên nhiên để diễn tả rằng: “tất cả ở trong quyền năng của Thiên Chúa.”

Rời Ai Cập, dân Chúa phải lang thang trong sa mạc 40 năm. Nơi đây, chính dân Chúa cũng nhiều lần cứng lòng tin, chối bỏ Thiên Chúa. Họ đòi trở lại Ai Cập, vì trong sa mạc quá hà khắc và tương lai mịt mù. Thiên Chúa đã cho rắn độc đến sát hại nhiều người. Chính Đức Chúa lại cho họ phương thuốc chữa trị khi bị rắn cắn (x. Ds 21,4-9).

Cũng trong thời gian này, người dân Ít-ra-en phải đối diện với nhiều dịch bệnh
[2]. Một trong những cơn đại dịch bệnh mà nó kéo dài cho tới thời đại chúng ta: bệnh phong (x. Ds 12, 10-15 và Đnl 24,8-9). Dĩ nhiên thời đó không có thuốc chữa. Họ cũng chẳng biết đó là con vi khuẩn Mycobacterium leprae (Hansen) tấn công. Tất cả bệnh nhân phong đều phải cách ly tuyệt đối và họ chết dần chết mòn với căn bệnh này.

Dù trong thời nào đi nữa, bệnh dịch luôn là nỗi ám ảnh cho con người. Khi lâm bệnh, con người cảm nghiệm được: Thế nào là sự bất lực, giới hạn và đau khổ của kiếp người! Bệnh tật khiến con người ý thức về cái chết nhiều hơn. Trong nỗi đau đớn đó, nhiều người gào thét lên: “Thiên Chúa ở đâu trong khi con phải chịu căn bệnh này?”

Vâng, Thiên Chúa vẫn có đó, Ngài hiểu được những gì con người phải gánh chịu. Thời Cựu Ước và Tân Ước, người Do Thái nhìn nhận bệnh tật trong tương quan với Thiên Chúa. Khi bệnh dịch xuất hiện, họ than thở với Chúa (x. Tv 38) và xin Ngài cứu chữa. Thực vậy, khi họ trở về nẻo chính đường ngay, Thiên Chúa sẽ ra tay quyền lực để cứu họ. Thiên Chúa không vắng bóng khi dịch bệnh hoành hành.

Vả lại, bệnh tật có khi trở thành con đường hoán cải. Và Thiên Chúa có tha thứ thì bệnh nhân mới được lành (x. Tv 32,5; 107,20; Mc 2,5-12). Nghe có vẻ ngồ ngộ trong thời đại của chúng ta! Tuy vậy, đó là quan niệm rất xa xưa trong dân Do Thái. Không có khoa học, y khoa tân thời, dân Ít-ra-en tin rằng bệnh tật liên quan cách huyền nhiệm với tội lỗi và sự dữ. Do đó, càng trung thành giữ luật Chúa, họ càng tránh xa được dịch bệnh, tật nguyền. Họ tin chính Thiên Chúa ban cho họ sự sống, “vì Ta là Chúa, là Lương Y của ngươi.” (Xh 15,26).


2. Thời Tân Ước với những căn bệnh

Cần lưu ý rằng Cựu Ước cũng như Tân Ước đều khởi đi từ cái nhìn đức tin: Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành và là chủ tể muôn loài muôn vật và lịch sử. Thiên Chúa có thể dùng mọi biến cố, kể cả dịch bệnh để dạy dỗ con người. Thiên Chúa luôn cứu con người khỏi dịch bệnh, khi họ kêu cầu, thống hối.

Trước khổ đau của nhân loại, Đấng Cứu Độ đã xuất hiện: Đức Giêsu Kitô. Ngài không giấu giếm sứ mạng của mình nơi trần gian là: loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. (x. Lc 2,18-19). Chỗ khác, Tin Mừng ghi lại sứ mạng của Đức Giêsu: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” (Mt 11,2-6). Sứ mạng ấy vẫn tiếp diễn trong năm 2020 này, và cho đến muôn đời.

Có thể nói lời rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu thường đi đôi với những phép lạ. Vì Đức Kitô cảm thương người bệnh tật và chữa lành nhiều kẻ yếu đau (x. Mt 7,24), nên Ngài chữa lành họ với quyền năng và lòng thương xót
[3]. Từ những ai bị quỷ ám, câm điếc, bại liệt, kinh phong, cho đến những người đã chết, Chúa Giêsu đã đoái thương họ. Đó là dấu chỉ tỏ tường Thiên Chúa viếng thăm dân người (Lc 7,16) và Nước Trời đã gần kề.

Đừng quên chính Đức Giêsu cũng mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. (x. Mt 8,17; Is 53,4). Nhờ đó, con người được giải thoát khỏi tội lỗi, bệnh tật và cái chết.

Sau khi phục sinh, chính Đức Giêsu sai phái các môn đệ, các tông đồ đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.” (Mc 6,12-13). Thuở Giáo Hội sơ khai, người ta đã chứng kiến nhiều phép lạ xảy ra
[4]. Suốt dòng lịch sử Giáo Hội, phép lạ chữa lành bệnh tật cũng không thiếu. Nhất là những ai có dịp đến những nơi hành hương (Lộ Đức, Fatima hoặc Đức Mẹ La Vang, v.v.) có thể thấy biết bao dấu tích, câu chuyện và lời tạ ơn về sự chữa lành của Thiên Chúa.

Đó là quyền năng và sự lạ lùng của Thiên Chúa. Ngài có tự do để chữa cho người này khỏi bệnh, người kia gặp thầy gặp thuốc. Chắc chắn thân phận con người không thể thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử. Tuy nhiên, khi chúng ta gặp phải bệnh dịch, “Thiên Chúa muốn cứu chữa chúng ta cả xác lẫn hồn, Người mời gọi ta tin nơi Người và nhận ra rằng Nước Chúa đang đến.” (Youcat 241).

Trong dịch bệnh, Thiên Chúa không bỏ con người. Chính Thiên Chúa mời gọi con người nên tin tưởng vào quyền năng Chúa. Dĩ nhiên không ai muốn dịch bệnh, nhưng nó vẫn thường xảy ra.


3. Lời kết

Chắc luôn còn đó những thắc mắc liên quan đến dịch bệnh xảy ra trong đời thường. Trong bản văn Kinh Thánh cũng thế. Một mặt, chúng ta thấy Thiên Chúa có vẻ “trừng phạt” dân (nhất là trong Cựu Ước), vì dân chống lại Thiên Chúa, họ không tin vào Ngài nữa. Mặt khác, khi dịch bệnh bào mòn sức khỏe con người, dân mới nhận ra lỗi lầm của mình, mà trở về với Thiên Chúa. Kết quả là họ được chữa lành và tiếp tục dấn thân.

Chúng ta đang sống trong thời đại của kỹ thuật khoa học, của những phát minh vĩ đại về y khoa. Mọi bệnh tật đều có nguyên nhân. Các nhà khoa học tin rằng mình có thể tìm ra phương pháp chữa trị. Nhiều người hoàn toàn không tin vào những chuyện “vớ vẩn”: van xin Thiên Chúa ra tay chữa lành. Với họ, tôn giáo và khoa học, hay y khoa hoàn toàn tách biệt! Tiếc rằng các nhà khoa học luôn bị thách đố bởi nhiều dịch bệnh mới. Nó như con quái vật, chặt đầu này nó mọc ra đầu khác, ngày càng hung dữ hơn. Vi trùng và virus luôn có những biến tướng. Nhiều thứ vi trùng, virus đã kháng thuốc, phải tìm thuốc mới. Khoa học vẫn không toàn năng!

Là người tín hữu, chúng ta có cái nhìn khang khác mỗi khi dịch bệnh xảy ra. Người quá khích cho đó là quả báo của những người tàn ác, chống lại Thiên Chúa. Người đạo đức cho rằng đó là dấu chỉ để mời gọi họ trở về với Thiên Chúa. Không ít người van xin Thiên Chúa soi sáng cho các nhà nghiên cứu tìm ra phương thuốc chữa trị. Trên hết, chúng ta tin rằng dù có khổ đau, bệnh tật, Thiên Chúa không bỏ con người. Ngài hằng ở với và đồng cam cộng khổ với con người. Từ đó, chúng ta được cứu độ và giải thoát.

Trước dịch virus corona, Đức Giáo Hoàng Phanxicô rơi lệ cầu nguyện cho các nạn nhân. Ngài nói thêm:
“Tôi mong ước gần gũi và cầu nguyện cho những bệnh nhân gây bởi virus đang lan rộng khắp Trung Quốc. Xin Thiên Chúa đón nhận những người đã qua đời trong bình an của Ngài, an ủi gia đình của họ và nâng đỡ sự dấn thân lớn của cộng đồng Trung Hoa.”

Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ


[1] Tác giả Kinh Thánh mượn yếu tố tự nhiên để làm nổi bật uy quyền toàn năng của Thiên Chúa.

[2] Xem sách Lêvi chương 13: mụn, lác, đốm; ung nhọt; phỏng; chốc; mày đay; sói đầu.

[3] Chữa người phong hủi (Mc 1, 40-42); Người chữa lành hai người mù (Mt 20, 29-34; Mc 10, 46-52); Người làm cho người câm nói được (Lc 11, 14); chữa người phụ nữ băng huyết (Mt 9, 20-22; Mc 5, 25-34); và Người làm cho một bé gái sống lại (Mt 9, 18. 23-25; Mc 5, 35-42).

[4] Xem thêm: https://thsedessapientiae.net/cac-phep-la-trong-sach-cong-vu-tong-do/

Tác giả bài viết: Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây