TỪ KINH CẦU ĐỨC BÀ ĐẾN THÁNH MẪU THI KINH

Thứ hai - 01/05/2023 22:13
Tháng Hoa dâng Mẹ đã về. giáo xứ Châu Sơn sẽ rực rỡ muôn hoa dâng Mẹ. Bài viết này, dù mang tính nghiên cứu chuyên sâu, nhưng gói trọn một niềm mến mộ Mẹ của chúng ta. Hy vọng, cộng đoàn giáo xứ sẽ thêm sốt sắng khi đến trước bàn thờ Mẹ, ở nhà thờ hoặc nơi mỗi gia đình.
TỪ  KINH  CẦU  ĐỨC  BÀ ĐẾN  THÁNH  MẪU  THI  KINH


TỪ KINH CẦU ĐỨC BÀ
ĐẾN THÁNH MẪU THI KINH


• Francis Assisi Lê Đình Bảng.

1.Không còn nghi ngờ gì nữa. Kinh sách, ca vãn, nguyện ngắm về Đức Mẹ Maria, trên thực tế, đã là một trong những kho tàng đức tin và văn hoá rất đỗi phong phú, đa dạng, cả về ý nghĩa, nội dung lẫn hình thức diễn đạt. Kho tàng vô giá ấy khởi đi từ ngọn nguồn rất sâu là thông điệp truyền tin của sứ thần Gabriel, từ lời chào chúc của bà chị Đức Mẹ là thánh nữ Elizabeth, dẫn đến kinh Kính Mừng Ave Maria ta đọc thường ngày. Rồi từ bài tụng ca Magnificat tuyệt vời của Trinh Nữ Maria với lờixin vâng”, mở ra một kỷ nguyên mới trong Tân Ước, cho đến toàn bộ những kinh nguyện sau này của Hội Thánh, như Sub Tuum Praesidium, Nativitae Mariae; Dormitione Mariae và kinh Mân Côi... Đặc biệt, Kinh Cầu Đức Bà - một triều thiên chói ngời những tinh tú của Đức Mẹ - đã được chuẩn nhận và phổ biến rất sớm từ năm 1587. Không kể hết bao nhiêu danh hiệu và tước vị cao quý mà các giáo phụ,các thánh nhân, các Công đồng, từ khắp nơi, trải qua dòng thời gian, đã không ngừng ngợi ca, dâng kính Mẹ. Không thể có một kinh nguyện nào có đủ khả năng đúc kết hoặc thâu tóm được đầy đủ những hào quang, những thánh tích cao vời của Mẹ, mặc dù đã cạn lời hết ý để tung hô “Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang đầy muôn ơn phước, ngời chói vạn hào quang, muôn vàn thần thánh không ai sánh bằng. Đức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ tinh tuyền,thánh thiện, sinh Đấng Cứu Độ muôn loài...”(1). Hằng chục, vài chục và xâu chuỗi lại,có thể là hằng trăm. Như đọc thấy đâu đó, trong một thống kê, nếu Kinh Cầu Thánh Giuse có 28 lời nguyện thì con số ấy đã lên đến 50 trong Kinh Cầu Đức Bà. Mỗi lời nguyện xin là một lần giãi bày tấm lòng mến yêu, chiêm bái, kính mừng ở nhiều góc độ khác nhau. Đấy, hẳn là chưa nói đến lòng sùng mộ cùng ngôn từ mang màu sắc khác nhau, đánh dấu mỗi một sự kiện, một biến cố,một phép lạ, một không gian, một thời gian về Đức Mẹ Maria: Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, Đức Mẹ Mông Triệu, Nữ Vương Hoà Bình, Đức Mẹ Mân Côi, Đức Mẹ ban ơn, Đức Mẹ chữa lành, Đức Mẹ sầu bi, Đức Mẹ khóc, Đức Mẹ xuống tuyết, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Medjugorje (Mễ Du), Đức Mẹ Guadeloupe, Đức Mẹ Missouri... Dường như, tôi có cảm tưởng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi cộng đoàn đều muốnsở hữu hoá Đức Maria, muốn dành lấy Đức Mẹ làm của riêng cho mình. Sự thật này, chính bản thân kẻ viết đây đã hơn một lần cứ đứng ngẩn trông vời giữa phòng trưng bày ảnh tượng Đức Mẹ của Hội Dòng Nữ kia, ở một thành phố cảng của tiểu bang quanh năm rét mướt New Jersey, thuộc miền Đông Bắc, Hoa Kỳ. Tôi đếm được, dễ đến trên dưới một trăm Đức Mẹ lớn nhỏ, cao thấp, đủ mọi kiểu dáng, sắc tộc, màu da, trang phục. Thế mới rõ, đã là Mẹ thì là Mẹ chung của con cái khắp bốn phương trời, mười phương đất. Mẹ chẳng của riêng ai. Mẹ ôm choàng lấy tất cả chúng sinh vào lòng. Còn ở Việt Nam, lại là một hiện tượng khác thường, nếu bước chân hành hương của chúng ta được cơ duyên đến mỗi nơi chốn thánh thiêng ấy. Chắc một điều, là sẽ gặp đươc Đức Mẹ ở mọi nơi,trên núi, dưới biển, nơi đồng đất chân quê hay phố thị phồn hoa, công nghiệp: Đức Mẹ La Vang, Trà Kiệu, Tà Pao, Bình Triệu, Măng Đen, An Bình, La Mã Bến Tre, Giang Sơn, Hòn Chông, Núi Cúi, Ngoạn Mục, Thác Mơ, Dambri, Đình Khao, Mẫu Sơn, Mê Kong... Nói như người xưa vẫn nói:Việt Nam là con riêng, con đỏ của Đức Mẹ đấy! Vâng, mỗi nơi chốn ấy, là một chuyện kể, một hạnh tích, một ơn thiêng, một phép lạ, một kỷ niệm, một lãng quên, một tình cờ gặp lại. Đức tin và cảm xúc dạt dào ở trong nhau. Không tin, mời bạn đến Fatima, Lộ Đức, La Vang, Missouri mà xem. Không còn biên giới nào, khác biệt nào. Bao nhiêu lần Đại hội hành hương ở Trung tâm Thánh Mẫu La Vang rồi. Trong biển người chập chùng ấy, có đủ quốc tịch, chủng tộc, ngôn ngữ, màu da, nhưng chỉ có chung một Mẹ, một tấm lòng, một lời nguyện cầu (uno ore,uno corde) dâng lên Mẹ:

Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời
Cũng là Thánh Mẫu loài người chúng con...
“Cúi xin xuống phước hải hà
Đoái thương con cái thiết tha van nài
(2)


 

z2466128351992 738536b15eb683d4bb48347a1e45610f


 

2. Trở lại với Kinh Cầu Đức Bà.(3)

 

Cứ gẫm từng chữ và đọc từng câu,ta lắng nghe vang động trong đáy hồn mình, ở những tầng bậc cùng nhịp độ khác nhau, từĐức Bà, Đức Mẹ” đếnThánh Nữ”: Rất Thánh Đức Bà Maria (Sancta Maria); Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời (Sancta Dei Genitrix); Rất Thánh Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh (Sancta Virgo Virginum); Đức Mẹ Chúa Ki tô (Mater Christi); Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa (Mater Divinae Gratiae)... Đức Mẹ sinh Chúa Tạo thiên lập địa (Mater Creatoris); Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế (Mater Salvatoris)... Rồi, tiếp theo là Đức Nữ... Đức Bà... Nữ Vương... một chuỗi nối kết các tín điều cùng các ân sủng và nhân đức khác vời của Mẹ cứ trùng điệp ngân reo.

 

Với trải nghiệm gần trọn đời của một người tín hữu, cùng với bước chân điền dã khắp ba miền đất nước, Bắc, Trung, Nam, lên mạn ngược, về miền xuôi, tôi vẫn đinh ninh gần như chắc chắn rằng, người Việt mình thường có cái hạnh phúc được đọc kinh, thậm chí, đọc to, đọc lớn tiếng nữa là đàng khác! Có ai cấm cản một cách thể hiện lòng đạo đức tin như vậy không? Chính mắt tôi đã từng chứng kiến cái khoảnh khắcnhư nhập đồng” của bà con Công giáo người dân tộc Jarai, Ê đê, Sedang, K’ho ở Kontum, Gia Lai, Di Linh hoặc người Chăm ở Qui Nhơn, Phan Rang, Phan Thiết. Vừa khi chủ tế cất cao lời kinh Lạy Cha thì cả nhà thờ ầm vang rộn rã hẳn lên, trong tiếng cồng chiêng và gió hú giữa đại ngàn. Chúa ôi,l úc ấy,t ôi đờ đẫn cả người, thầm thĩ lời kêu ngất trí của Hàn Mạc Tử:

Maria,linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến...

                                                            (Ave Maria)
Lẫn vào trong đời sống kinh kệ thường nhật có tính quần cư của nhà thờ - xứ đạo làng quê,tôi nghe được hơi thở của
đất lề quê thói” rất thật thà ấy,qua ngôn ngữ cửa miệng, mà tôi tạm gọi làvăn học dân gian Công giáo Việt Nam”:
“-Lễ nhiều cha là lễ trọng/ Rước có kèn trống là rước to.”
“-Lễ nhiều cha là lễ trọng/Rước không kèn trống là rước suông.
Sống dầu đèn,chết kèn trống”.
Tốt lễ thì đễ thưa”.
“-Cơm gạo nuôi phần xác/ Kinh hạt nuôi phần hồn.”(4).


z2466127629834 8c92f4ce96e8966212f247b0745576f8 (1)

Bởi thế, quá trình những năm tháng miệt mài tìm hiểuký ức văn hoá lễ hội Công giáo Việt Nam” vô tình đã cho tôi một nhận định, tuy có ít nhiều cảm tính. Rằng kinh, đối với người Việt mình, vừa để đọc, mà cũng là để ngâm ngợi, ca vãn, hát xướng, tụng niệm. Lúc ấy, Kinh đã thành Thơ. Kinh không còn tồn tại trong cái vỏ của ngôn từ, của câu chữ nữa, mà đã hoá thân vào tần số thánh thiêng của khải huyền, của chiêm niệm ngất ngây, của thị kiến. Nói khác đi, Kinh đã đượcthi ca hoá”, có bài bản, cung điệu, có xướng hoạ nhịp nhàng, để nguyện cầu theo mùa vụ, mang tính cộng đoàn.(5) Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói đến trường hợp “Thánh Mẫu Thi Kinh”, hay còn gọi là “Vãn Kinh Cầu Đức Bà”, một bản trường ca gồm 130 câu thơ lục bát do danh sĩ Phê rô Phạm Trạch Thiện cảm hứng và chuyển dịch rất tài tình từ nguyên bản La Tinh, từ những thập niên cuối thế kỷ XIX. Xin dẫn ra đây đôi hàng, để rộng đường dư luận; đồng thời để độc giả nhà đạo mình có dịp vừa ngâm vịnh, lại vừa có thể đối chiếu với nguyên bản La TinhLitaniae Lauretanae Beatae Mariae Virginis”, bản kinh đã có tuổi đời ngang bằng với lịch sử Tin Mừng đạo Chúa du nhập đất nước, dân tộc xa lắc xa lơ này. Xin đọc theo thứ tự chúng tôi đã sắp xếp, từ trái sang phải: Thánh Mẫu Thi Kinh< Kinh Cầu Đức Bà < Nguyên bản La Tinh.

“-Đức Bà là Mẹ Chúa Trời” <Rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời <Sancta Dei Genitrix.
“-Đức Bà là đấng đồng thân
Gồm trên các kẻ giữ phần đồng trinh”
<Rất thánh Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh <Sancta Virgo Virginum.
“-Nữ Vương sinh Chúa nhân lành
Chúa đà chọn để giáng sinh cứu đền”
<Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế < Mater Salvatoris.
“-Nữ Vương phúc đức thuần tuyền
< Đức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng<Mater inviolata.
“- Nữ Vương tuyết sáng,gương trong” <Đức Mẹ chẳng vướng bợn nhơ <Mater intemerata; Mater purissima...
“-Đáng cho thiên hạ mến yêu hết lòng” <Đức Mẹ rất đáng yêu mến < Mater amabilis.
Mater admirabilis.; Virgo veneranda; Virgo proedicanda; Virgo potens; Virgo clemens; Virgo fidelis; Mater speculum justitiae...
- “Nữ Vương khoan hậu,ung dung” < Đức Nữ cực khôn cực ngoan < Virgo prudentissima.
-“ Nữ Vương sinh Chúa cầm quyền” <Đức Mẹ sinh Chúa tạo thiên lập địa <Mater Creatoris...
-Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành<Mater boni consilii.
“-Đức Bà như thể hoa thơm/Lạ lùng mọi vẻ dịu thơm mọi loài” < Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm vậy < Mater,Rosa mystica.
“-Đức Bà như thể lầu đài/ Vua Đa vít thuở trị đời lập ra
<Đức Bà như lầu đài Đa vít vậy <Mater,turris Davidica.
“-Đức Bà như thể tháp ngà/Rất là châu báu,
rất là cao sang”<Đức Bà như tháp ngà báu vậy<,turris eburnea.
“-Đức Bà như thể đền vàng/ Vững vàng,
chói lọi vẻ vang mọi bề”<Đức Bà như đền vàng vậy <Mater,domus aurea.
“-Đức Bà là cửa thiên đường”<Mater,janua coeli.
-“Đức Bà như thể sao mai/Mở đàng cho sáng,mặt trời dâng cao” <Đức Bà như sao mai sáng vậy <Mater,stella matutina.
-“Đức Bà cứu kẻ liệt lào/ Giúp thương kẻ phải hiểm nghèo,
gian truân”< Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn <Mater,salus infirmorum.
“-Những người sầu não,
lo phiền/Đức Bà yên ủi lòng liền được vui”<Đức Bà yên ủi kẻ âu lo<Mater,consolatrix afflictorum.
“- Những người phạm tội,quên ơn/Đức Bà bầu cử,giúp phần rỗi liên”<Đức Bà bầu chữa kẻ có tội<Mater,refugium peccatorum.
“-Các người giữ đạo Chúa Trời/Đức Bà phù hộ,
xuống đầy mọi ơn”<Đức Bà phù hộ các giáo hữu<Mater,auxilium Christianorum...

 

Sau đây, chúng tôi dẫn thêm một trích đoạn Thánh Mẫu Thi Kinh,những mong có chung một mối đồng cảm về nghệ thuật diễn dịch giàu sáng tạo của tác giả:
Chúng con còn chốn long đong
Như người vượt biển mênh mông giữa vời
Mẹ như sao ngự giữa trời
Chính bên phương Bắc,các ngôi sao chầu
Xin soi dẫn,để con theo
Kẻo con lạc lối,sa vào trầm luân
Đến sau,qua khỏi cõi trần
Con trông cậy Mẹ rộng phần lòng thương
Liền đem vào cửa thiên đường
Được xem thấy Chúa cực sang,cực lành
Cùng xem thấy Mẹ Đồng Trinh
Hưởng muôn muôn phúc thần hình thảnh thơi
Gồm đầy mọi sự tốt tươi
Chẳng cùng,chẳng hết,đời đời.Amen.

          (Thánh Mẫu Thi Kinh. Câu 116-130).

z2466126629009 e10518bd93dd3e2618d93f851198227c

 

Đã nhiều lần, cả nước trong (từ 1965 đến 2015), trên báo chí nhà đạo, như Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Trái Tim Đức Mẹ, Thẳng Tiến, Đức Mẹ La Vang, Sống Đạo, Lửa Mến, Legio Mariae, Xây Dựng, Công Giáo và Dân Tộc, Hiệp Thông, Bài Giảng Chúa Nhật, Hát Lên Mừng Chúa, Hương Trầm, Đồng Hành, Mục Đồng... lẫn nước ngoài, như Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Trái Tim Đức Mẹ, Diễn Đàn Giáo Dân (từ 2013 đến nay)... Chúng tôi, trong điều kiện hạn hẹp và tự xoay xở để vượt khó của mình, cứ mãi trăn trở khi đề cập tới trường hợp đặc thù của dòng văn học Công giáo Việt Nam: làm thế nào để “đưa ra ánh sáng,đặt thành vấn đềvề thân thế cùng sự nghiệp đáng kể của một số tài năng cầm bút Công giáo đã bị quên lãng trong chính cộng đoàn nhà đạo mình. Cụ thể là cho đến nay, họ vẫn vật vờ, trôi nổi ở những bến bờ nào xa lạ, chẳng ai đoái hoài gì? Riêng ở đây, trước mắt, là trường hợp của danh sĩ Phê rô Phạm Trạch Thiện cùng với những tác phẩm:
-Kinh Cao Sang:
Trường Ca Nguyện Giỗ, 90 câu thơ lục bát,cảm hứng và chuyển thể từ “Cảm Tạ Niệm Từ” nguyên văn chữ Hán của Thầy giảng Phan chi cô, năm 1640.
-Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chươn
g (Vãn Dâng Hoa Đức Bà) với 112 câu thơ lục bát và song thất lục bát.
-Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca
(Vãn Đức Bà Mân Côi) với 252 câu thơ song thất lục bát và phức hợp.
-Thánh Mẫu Thi Kinh
(Vãn Kinh Cầu Đức Bà) cảm hứng và chuyển thể từ nguyên bản La Tinh Kinh Cầu Đức Bà, 130 câu thơ lục bát.(6)

 

Tổng hợp các tác phẩm trên, sẽ có cả vài trăm, hằng ngàn câu thơ nguyện cầu Chúa và Đức Mẹ. Một sự nghiệp văn học nghệ thuật có tầm cỡ, nếu đem đặt cạnh những tác phẩm ở ngoài đời: Ngoạ Long Cương Vãn,Tư Dung Vãn, Chính Phụ Ngâm Khúc, Cung Oán Ngâm Khúc, Ai Tư Vãn, Tự Tình Khúc, Sơ Kính Tân Trang, Quan Âm Thị Kính, Hạnh Thục Ca, Hà Thành Chính Khí Ca, Nhị Thập Tứ Hiếu, Lục Vân Tiên, Kim Thạch Kỳ Duyên, Phạm Công Cúc Hoa, Bích Câu Kỳ Ngộ v.v... Đành rằng trong hoàn cảnh bị kỳ thị và cấm cách ngặt nghèo chung của đất nước buổi ấy, con đường sự nghiệp công danh cũng như bút lực văn chương thi phú của nhà nho Công giáo Phê rô Phạm Trạch Thiện không thể có được sự công bằng để phát huy và tạo được thế giá, nổi nang như người khác. Đấy là chuyện của thế gian, của vua quan, sĩ thứ ngoài đời. Còn trong nội bộ dân Chúa thì sao? Chẳng lẽ, tên tuổi cùng với những cống hiến mang ý nghĩahộ giáo” và giá trịvăn dĩ tải đạo” của Ông cũng bị lãng quên, mai một giữa nhũng người đồng đạo? Ngần ấy tác phẩm và cả một đời bị câu thúc, khuất chìm, quẩn quanh trong khung cảnh xứ đạo làng quê, tưởng đã là quá khốn khổ, tù túng, một thánh giá quá đỗi nặng nề rồi? Tự nhiên, trong nỗi cảm hoài xót xa, tôi chạnh nghĩ vềnhững người muôn năm cũ” cùng chung mối ngậm ngùi: Thầy giảng Phan-chi- cô (1640) với Cảm Tạ Niệm Từ; Thầy giảng Gioan Thanh Minh (1588-1663); Thầy giảng Raphael Đắc Lộ (1611-1687) với Tôbia Vãn; Thầy giảng Bento Thiện, Igessico Văn Tín (1659) với những ghi chép về lịch sử truyền giáo; Thầy cả Lữ -Y Đoan (1613-1678) với Sấm Truyền Ca; Thầy cả Lô-ren Huỳnh Lâu (1656-1712) với I-Nê Tử Đạo Vãn; Thầy cả Philiphe Bỉnh (1759-1853) với 27 công trình Quốc ngữ có giá trị lịch sử, ngôn ngữ, xã hội học; Thầy cả Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) với hàng ngàn câu thơ lục bát, song thất lục bát trong Việt Nam Giáo Sử Diễn Ca, Lâm Nạn Phụng Quốc Hành... Hỏi chứ, mấy ai còn nhớ? Đem những con người và tác phẩm ấy đặt lên mặt bằng chung, cùng với giá trị văn học Việt Nam ở cùng một thời điểm lịch sử của thế kỷ XVII, XVIII, XIX, chúng ta nghĩ gì?
Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở,nọ sông cát bồi?

 ( Vũ Hoàng Chương).

z2466127340707 6b8375a7fc3afc899c1a5b34c48b2311 (1)


 

CHÚ THÍCH:
 

(1), (2): Kinh Thánh Mẫu La Vang. Imprimatur, ngày 8.12.1997. Đức Tổng Giám mục Tê pha nô Nguyễn Như Thể. Xin tham khảoỞ Thượng Nguồn Thi Ca Công giáo Việt Nam - Miền Thơ Trong Kinh Nguyện. Sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu của Lê Đình Bảng. NXB Tôn Giáo, 2009.
(3):
Kinh Cầu Đức Bà/Litaniae Lauretaniae Beatae Mariae Virginis là một bản kinh cầu Đức Mẹ của giáo hội Công giáo Roma được Đức Giáo hoàng Xi-tô V chuẩn nhận vào năm 1587. Kinh Cầu này ở Loreto (Italia), tức Đền Đức Mẹ Loreto, nơi được cho là xuất xứ của lời kinh.Kinh này thường đọc vào tháng 5 Dâng Hoa và tháng 10 Mân Côi..
(4): Xin tham khảo
Vè Vãn Ca Ngâm Công Giáo Việt Nam”. Biên khảo của Lê Đình Bảng, NXB Đồng Nai, 2015.
(5):
Văn Học Công giáo Việt Nam - Những Chặng Đường. Biên khảo của Lê Đình Bảng, NXB Từ Điển và Bách Khoa, 2010.
(6):
Xin tham khảo tiểu sử tác giả trongỞ Thượng Nguồn Thi Ca Công giáo Việt Nam - Miền Thơ Trong Kinh Nguyện của Lê Đình Bảng, NXB Tôn Giáo, 2009.


 

 

Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây