Tùy bút
KHI NGƯỜI BAN LỆNH CẤT LỜI CA
Khổng Thành Ngọc
một
Nơi tôi ở đang là mùa đông. Mùa đông trên núi cao, dài và buồn. Tôi cũng ở miền núi, nên đồng điệu với Tô Hoài trong câu văn này.
Mùa đông cũng chỉ ba tháng, không hơn không kém, vậy mà thấy đằng đẵng. Bởi, ngày rất ngắn, còn đêm dài lê thê. Hơn bảy giờ sáng, mặt trời mới mọc, rồi bốn giờ chiều đã hoàng hôn. Khoảng sáng ngắn và hẹp. Ngắn, vì chỉ thấy rõ mặt người độ năm, sáu tiếng một ngày. Hẹp, bởi sương mù và mây choán hết lối đường ánh sáng.
Vì vậy, rất nhớ nhà, nhớ quê, nhớ bạn.
Và những kỷ niệm tràn ngập ánh sáng ùa về, bù đắp cho không gian mùa đông, ánh sáng ngắn và hẹp.
Chao ôi, kỷ niệm!
Biết bao kỷ niệm dọc suốt hành trình cuộc đời, nối nhau như những toa tàu, chạy lướt trong màn sương ngày càng dày của thời gian.
Tôi nhớ hai toa tàu kỷ niệm. Trần Ngọc Hoan và Trần Huy Huề. Hai linh mục tu sĩ Xi-tô. Hai anh em ruột. Hai người bạn đã đến thăm tôi vào một mùa đông trên núi cao, dài và buồn.
hai
Ngày ấy, bỗng dưng nhớ nhà, nhớ quê. Một nỗi nhớ bất chợt, vô cớ, dài và buồn như mùa đông trên núi cao của Tô Hoài.
Rồi cũng rất bất chợt, Hoan và Huề đến thăm. Lúc ấy, tôi đang vu vơ hát bài “Lạy Nữ Vương” của Trần Ngọc Hoan, tức linh mục-nhạc sĩ Ân Đức.
Kính chào Nữ Vương – Mẹ là Mẹ nhân ái – Mẹ là nguồn sức sống, là nguồn an vui, là hy vọng của chúng con…
Và dòng nhạc kết thúc bằng một giai điệu mênh mang như chính ca từ của kinh Lạy Nữ Vương
Ôi khoan thay – Ôi nhân thay – Ôi êm thay – Thánh Maria trọn đời đồng trinh.
Những lúc lòng trĩu nặng, tôi vẫn hát bài này. Ngờ đâu, khi gặp tác giả nơi đất khách, quê người, là lúc ca khúc này tròn 40 năm (1977-2017).
Bài hát đã an ủi tôi, còn tác giả thì nâng đỡ. Độ dài tác động an ủi, nâng đỡ cũng ngang tuổi của bài hát. Ngần ấy năm tháng tôi đọc kinh Lạy Nữ Vương bằng ca khúc của Ân Đức. Kính chào Nữ Vương – Mẹ là Mẹ nhân ái – Mẹ là nguồn sức sống…
Chẳng riêng tôi, có lẽ còn nhiều người, nhiều gia đình, cộng đoàn… cũng được nhạc Ân Đức nâng đỡ.
Hình (thứ hai và thứ ba từ trái qua):
Cha Trần Huy Huề và Cha Trần Ngọc Hoan (Ân Đức)
sau Thánh lễ kỷ niệm Ngân khánh linh mục
của Cha Trần Ngọc Hoan
ba
Đầu năm 1994, một người bạn tôi qua đời vì tai nạn giao thông trên quốc lộ 51, địa bàn Long Thành.
Anh là một linh mục, mới chịu chức được hai năm.
Cái chết đến thật bất ngờ và thảm khốc. Trên đường trở về giáo xứ, sau cuộc họp mặt với giáo xứ cũ, nơi anh đã phục vụ trong thời gian chờ được chịu chức, kỷ niệm hai năm linh mục, thì tai nạn ập đến.
Anh chịu chức ngày 14-01-1992 và qua đời ngày 22-01-1994, lúc vừa tròn 40 tuổi và hai năm linh mục. Anh là linh mục Giuse Trần Công Thưởng.
Tang lễ được cử hành trong nước mắt thương tiếc của gia đình, của giáo dân nhà thờ Hiền Hòa, Long Thành (giáo phận Xuân Lộc) và toàn giáo phận.
Tôi cùng bạn bè Sài Gòn đến viếng anh và dự Thánh lễ an táng.
Nhà thờ Hiền Hòa tràn ngập nước mắt. Câu hát của Ân Đức bất chợt đến trong tâm trí: “Chúng con ở nơi khóc lóc, than thở bi ai…”, như một gợi nhắc lúc lần cuối nhìn bạn tôi, một người vốn sùng kính Đức Mẹ cách riêng, hồi còn ở đại chủng viện, từng đôi lần rủ tôi lần hạt Mân Côi trước giờ kinh tối, nhờ vậy, sau này, khi anh đi giúp các cộng đoàn mới thành lập ở vùng kinh tế mới, tôi vẫn được nghe kể về sự dấn thân phục vụ của anh trong một môi trường khó khăn trăm bề, một “nơi khóc lóc” và bi ai.
Thánh lễ an táng diễn ra trong khung cảnh mùa xuân ở Hiền Hòa. Nhà thờ ở giữa vườn cây xanh mát. Lại vào lúc sắp tết. Chỉ còn mấy ngày nữa là 23 tháng Chạp, chuẩn bị tiễn năm Quý Dậu, bước vào Giáp Tuất. Mùa này, buổi sáng thật êm ả, bởi thế, tiếng kèn lâm khốc như xé toạc không gian miền quê tĩnh lặng, nghe càng thêm não nuột.
Sau Thánh lễ, cả giáo xứ xếp hàng tề chỉnh, đưa anh đến mộ phần. Đoàn người đưa tiễn dài dằng dặc. Chợt ca đoàn cất lên một bài hát lạ.
Lệnh triệu đã ban rồi, tôi ra đi, xin chào mọi người…
Ca từ không phải lời người đưa tiễn, mà của người được tiễn đưa.
Nhiều người bật khóc. Có lẽ vì cảm thấy lời bài hát là lời của người đang bước đến phần mộ. Cha chính xứ Giuse thân yêu của mình. Cha đang ngỏ Lời Từ Biệt với mọi người.
Vâng, đó là bài Lời Từ Biệt của linh mục Ân Đức (lúc đó còn là Thầy dòng Xitô, chưa lãnh chức linh mục).
Lệnh triệu đã ban rồi, tôi ra đi, xin chào mọi người. Đường trần gian đã hết, mấy mươi năm có là chi, mấy mươi năm có là chi. Tôi ra đi âm thầm, trong cô đơn thinh lặng, đến với Chúa mà tôi tin, đến với Đấng đã cho tôi làm người trong cuộc sống.
Tôi ra đi gặp Người, cuộc hò hẹn tôi vẫn chờ mong. Tôi ra đi gặp Người, cuộc đời tôi đi vào thiên thu.
Lần đầu tiên tôi nghe bài này của Cha Ân Đức. Giữa một khung cảnh thật buồn: tiễn biệt một người bạn quý.
Nhưng thật lạ, bài ca không chất thêm trong lòng tôi một nỗi niềm thê lương vốn đã tràn ngập trong tiếng kèn lâm khốc, tiếng trống con, tiếng trắc điểm nhịp đưa đám, mà lại đưa vào một giai điệu hy vọng. Giai điệu của nhạc và của lòng tin:
Tôi ra đi gặp Người, cuộc hò hẹn tôi vẫn chờ mong…
Vâng, Lời Từ Biệt, không từ phía người đưa tiễn, mà của người được tiễn đưa. Không khép lại trong biệt ly, mà mở ra cuộc hò hẹn tôi vẫn chờ mong.
Lần đầu tiên tôi nghe một khúc ca tràn đầy hy vọng, trong một giai điệu vững tin, xác tín. Một giai điệu làm nên phong cách Ân Đức. Luôn mở ra. Bát ngát. Thênh thang.
bốn
Ân Đức là vậy đó. Thênh thang và bát ngát khi khép lại một bài ca.
Những khúc ca luôn mở ra, dù giọng hát đã ngưng và tiếng đàn đã im bặt. Mở ra để tiếp tục ngẫm nghĩ và cầu nguyện, hướng đến một thực tại đang ở phía trước, mời gọi, thúc đẩy “lao mình về phía trước” (Pl 3:13).
Ba năm trước khi được nghe Lời Từ Biệt trong đám tang của Cha Thưởng, lần đầu tiên tôi biết đến Ân Đức với Lời Tôi Ca, tập ca khúc được ghi băng cassette.
Đó là mùa xuân năm 1991, những ngày giáp tết, tôi đến giáo xứ Long Kiên (Bà Rịa), thăm bạn tôi là linh mục Đa Minh Bùi Văn Án, chính xứ.
Cha Án là người thích nghe nhạc và kén chọn nhạc để nghe.
Đêm nghỉ lại Long Kiên, cơm nước xong, cha xứ hỏi: “Ông biết Ân Đức không?” Tôi đáp: “Chưa gặp và chưa bao giờ nghe tên vị này”. “Nhạc sĩ đấy. Bây giờ nghe thử Lời Tôi Ca mình mới sưu tầm được.”
Rồi cha vào phòng, lấy băng cassette, cho vào máy, bật play.
Ngay từ nhỏ, cha Án nổi tiếng dân sành điệu có hạng của lớp tôi. Các loại máy móc, từ đồng hồ, máy ảnh đến dàn máy nghe nhạc, thôi thì đủ thứ. Tôi thuộc loại kém cỏi, chỉ dám đứng xa nhìn và trầm trồ khen ngợi.
Lời Tôi Ca phát ra từ cặp loa Bose nghe thật sướng. Lại lúc vào xuân, buổi tối nhà vườn vùng ven Bà Rịa thật êm ả, dịu dàng.
Khi Người ban lệnh cất lời ca, tim tôi ngập tràn vui sướng. Ngước nhìn mặt Người, mắt tôi ứa lệ. Những gì trong tôi lỗi điệu đục khàn. Đã biến thành hòa khúc dịu êm.
Như chim vui nao nức bay qua biển cả. Lòng tôi đê mê dang cánh bay xa. Tôi biết lời tôi ca làm Người vui thích. Và tôi biết chỉ khi khoác áo ca công. Tôi mới đến trước mặt Người
Lời tôi ca vươn cánh rộng dài bay đến nhẹ vuốt chân Người. Bàn chân trước kia nào ai dám ước mơ chạm tới. Say nhừ vì nguồn vui ca hát, tôi bẵng quên thân mình. Tôi gọi Người là Bạn: Thượng Đế của lòng tôi.
Chao ôi, Ân Đức!
Chao ôi, Tagore[1]!
Tôi sững sờ khi nghe ca khúc mở đầu Lời Tôi Ca.
Khi Người ban lệnh cất lời ca, tim tôi ngập tràn vui sướng…
Giai điệu của Ân Đức vui tươi, nhẹ bổng, thanh thoát như chính Lời Dâng của Tagore.
Vâng, Tagore. Một Tagore, qua Lời Dâng (Gitanjali) đã giúp Tây và Đông xích lại gần nhau, mọi người thuộc các dân tộc, khắp nơi trên thế giới, cảm thấy tự tin và hy vọng hơn lên khi khát khao vươn đến trường cửu vô biên, ngay trong cuộc sống hữu hạn, bất toàn:
Lời tôi ca vươn cánh rộng dài bay đến nhẹ vuốt chân Người. Bàn chân trước kia nào ai dám ước mơ chạm tới.
Cha Án dường như nhận ra ao ước thầm kín của tôi. Nỗi ao ước thầm kín khi nghe Lời Tôi Ca của Ân Đức. Sáng hôm sau, nhâm nhi cà phê trong chiếc chòi lá hóng mát ở vườn nhà xứ, cha đặt băng cassette trước mặt tôi, bảo: “Của ông đấy. Quà tết!” – “Trời ạ, lấy gì để cha nghe Ân Đức!” – “Băng mới sang cho ông!”
Tôi nghe nhạc Ân Đức từ đó. Qua một người bạn rất giỏi kỹ thuật, máy móc. Cũng thêm lòng yêu mến Tagore. Từ một cha xứ không bận tâm chuyện văn chương chữ nghĩa…
Hình: Tập thơ Gitanjali (Lời Dâng) của R. Tagore, ấn bản đầu tiên bằng tiếng Anh, năm 1912, tại London (Anh). Nguồn: bl.uk
năm
Tôi mang quà tết của cha Án về nhà. Ngày nào cũng nghe Lời Tôi Ca.
Tagore, qua Ân Đức, là cả một thế giới. Một thế giới của mơ mộng và hiện thực. Tôi ngạc nhiên thấy mình vô tình biết bao khi sở hữu cả một “trời mới, đất mới” (tên một bài hát của Ân Đức, cảm hứng từ Kh 21:1-4) ngay trong cuộc sống hiện thực, lại ít lưu tâm, để ý. Ân Đức đã đọc Tagore qua Kitô giáo, nguồn ánh sáng chiếu vào mọi thực tại nhân sinh, soi tỏ mọi ngóc ngách, bí ẩn, mầu nhiệm.
Tình yêu, đau khổ và sự chết là những thực tại nhiệm màu và bí ẩn bậc nhất. Tagore suy tư những mầu nhiệm ấy. Qua thơ. Bằng thơ. Những thi ảnh trong Lời Dâng thật giản dị mà sâu sắc lạ lùng. Gần gũi mà cao vút. Thơ Tagore quan sát những hiện thực bình dị trong đời thường: hoa nở, người hành khất bên vệ đường, người nông dân chân lấm tay bùn, đôi tình nhân, tiếng sáo đồng quê, tiếng nhạc trong bữa đại tiệc của hàng quyền quý… Mọi điều trông thấy, nghe, chạm vào được trong cõi nhân sinh này đều gợi lên và hướng đến brahma/đại ngã. Cuộc sống con người là hành trình tiến về đại ngã. Mọi con người, tức các atman/tiểu ngã, sẽ được giải thoát khi rũ bỏ mọi ngăn cản phàm hèn, những “thèm muốn khát vọng hư vô”, để thanh thoát tiến tới đại ngã, hòa linh hồn mình trong đại ngã
Suy ngẫm của Tagore về cái chết là một tiêu biểu. Bài 91 trong tập Lời Dâng:
Ôi! Thần chết, ngươi làm cuộc đời tràn đầy lần cuối, Thần chết của ta, hãy lại và thì thầm cùng ta chứ!
Ngày lại ngày ta canh chừng ngóng đợi, vì ngươi ta đeo đẳng buồn vui, buồn vui của cuộc đời.
Những gì ta là, những gì ta có, những gì ta hoài mong, những gì ta yêu thương - tất cả vẫn sâu xa bí mật trôi chảy về ngươi. Chỉ một ánh nhìn từ mắt ngươi lần cuối là đời ta vĩnh viễn thuộc về ngươi.
Hoa đã kết thành tràng, sẵn sàng chờ đợi tân lang. Sau tiệc cưới, giai nhân sẽ rời nhà, một mình ra đi gặp tân lang trong đêm tối quạnh hiu.
(Bản dịch của Đỗ Khánh Hoan)
và Ân Đức viết thành ca khúc Bài Ca Thần Chết. Năm 1987, lúc ở Nông trường trúc, lô 6, Ân Đức đưa vào tập Lời Tôi Ca. Sau này, cha đưa vào tập Dạ Khúc Nguyện Cầu (2017), như một suy niệm bằng âm nhạc, dành cho những người đang chuẩn bị cho “giờ” ấy đang đến gần.
Tagore, bằng kinh nghiệm tâm linh và niềm xác tín của một người bà-la-môn, đã không viết về sự chết bằng suy tư triết lý mà qua rung động trữ tình thi ca. Nhà thơ nói với cái chết. Nói với một kẻ sớm muộn cũng sẽ đến gặp mỗi người, để thực hiện công việc “làm tràn đầy cuộc đời lần cuối”. Nhân vật này chưa xuất hiện, cuộc sống vẫn chưa thể “tràn đầy”, hành trình cuộc đời còn dang dở, tiểu ngã vẫn hoài mong đại ngã, atman ngưỡng vọng brahma.
Ân Đức dùng Lời Dâng số 91 của Tagore làm bài suy gẫm về “giờ” sẽ đến, quả là bất ngờ và táo bạo.
Nhưng hề gì. Đã có Gióp và Phaolô.
Chính Gióp và Phaolô mời Tagore kiện toàn trực giác thi ca của mình về “thần chết”, về giây phút “rời nhà, một mình ra đi gặp tân lang trong đêm tối quạnh hiu”. bằng niềm “hy vọng hằng sống” (tên một bài hát của Ân Đức, trong tập Niềm Hy Vọng Hằng Sống).
Lời của bài Niềm Hy Vọng Hằng Sống được nhạc sĩ cảm hứng từ Gióp 19:21-25:
“Tôi tin rằng: Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống, và ngày tận thế tôi sẽ từ bụi đất sống lại, và trong thân thể này, tôi sẽ được chiêm ngưỡng Đấng Cứu Chuộc tôi”.
Thánh Phaolô sẽ hoàn chỉnh niềm xác tín sơ khởi của Gióp:
“Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3:20)
và:
“Chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta xuất hiện vinh quang” (Tt 2:13).
Quả thật, linh mục-nhạc sĩ Ân Đức đọc và cảm Tagore, rồi chuyển thành âm thanh và nhịp điệu của nhạc. Cảm hứng thơ Tagore trong ca khúc Ân Đức, vừa là sự đồng điệu, vừa là hành trình khám phá những khắc khoải của một tâm hồn thi sĩ, hướng đến brahma, nhưng đang bàng bạc nhận ra đại ngã/brahma như một ngôi vị, một Đấng, một đối tác trong cuộc trò chuyện tâm hồn.
Bài 32 trong Lời Dâng, Tagore cảm thấy sự sống trường cửu, nguyên lý mọi sự sống, không còn là brahma trừu tượng, vô hình-vô ảnh-vô ngôn-vô hành, mà là Người/Ngài, một ngôi vị:
Bằng đủ cách, những người yêu tôi trên thế gian này đã cố giữ cho tôi bình yên. Nhưng thực ra chính bằng tình yêu của người, lớn lao hơn tình yêu của họ, người đã giữ cho tôi tự do.
Những sợ tôi lãng quên, chẳng bao giờ họ dám để tôi ở một mình. Nhưng ngày lại ngày nào thấy bóng người đâu.
Dù trong lời nguyện cầu, tôi không gọi tên người; dù trong tim riêng, tôi không giữ hình người, nhưng tình yêu người dành cho tôi vẫn chờ đợi tình tôi.
(Bản dịch của Đỗ Khánh Hoan)
Ân Đức viết thành ca khúc Tình Người Chờ Tôi (tập Lời Tôi Ca, ấn bản 2017):
Dầu trong tim riêng tôi đây chưa giữ bóng hình Người. Dầu trên đôi môi tôi đây chưa thốt nên lời cầu. Dầu khi tôi chưa gọi tên Người, dầu khi tôi chưa cảm biết Người, thì tình Người yêu tôi luôn tha thiết vẫn còn chờ đợi tình tôi.
1. Những người yêu tôi trên thế gian này, bằng mọi cách muốn cho tôi bình yên. Nhưng tình yêu Người còn lớn hơn gấp mấy, đã cho tôi tự do.
2. Xin để tim tôi nhắc nhở không ngừng, lời cầu xin cõi thâm cung còn vang: Tôi chỉ thiếu Người chỉ thiếu Người thôi đó, giữa cơn mê trần gian.
3. Cho dầu phong ba giông tố trong đời, và nhiều lắm những đam mê Người ơi! Tôi chỉ thiếu Người chỉ thiếu Người thôi đó, vẫn đang mong chờ tôi.
Ân Đức tìm thấy trong Tagore cách diễn đạt đầy rung động về tình yêu của Thiên Chúa đi bước trước, vô điều kiện, lớn lao hơn “tình tôi”.
sáu
Tôi đã đem cảm nghiệm ấy vào lớp.
Gần bốn mươi năm dạy Văn, hầu như năm nào tôi cũng dạy Bài thơ số 28, tập Người Làm Vườn/Tâm Tình Hiến Dâng[2] của Tagore. Từ ngày nghe Lời Tôi Ca, tôi cảm thấy rung động thi ca của Tagore trong Bài thơ số 28 không dừng lại ở tình yêu lứa đôi, nam nữ:
Đôi mắt băn khoăn của em buồn, đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng anh như trăng kia muốn vào sâu biển cả.
Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em, anh không giấu em một điều gì. Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh.
Nếu đời anh chỉ là viên ngọc, anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh và xâu thành một chuỗi quàng vào cổ em.
Nếu đời anh chỉ là một đoá hoa tròn trịa dịu dàng và bé bỏng, anh sẽ hái nó ra để đặt lên mái tóc em.
Nhưng em ơi! Đời anh là một trái tim. Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó.
Em là nữ hoàng của vương quốc đó, ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu.
Nếu trái tim anh chỉ là những phút giây lạc thú, nó sẽ nở ra thành nụ cười nhẹ nhõm, và em thấu suốt rất nhanh.
Nếu trái tim anh chỉ là khổ đau, nó sẽ tan ra thành lệ trong, và lặng im phản chiếu nỗi niềm u uẩn.
Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu.
Nỗi vui sướng, khổ đau của nó là vô biên, những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu.
Trái tim anh ở gần em như chính đời em vậy, nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.
(Bản dịch của Đào Xuân Quý)
Bài thơ tình tuyệt đẹp. Học sinh đọc và cảm nhận ý nghĩa tác phẩm dễ dàng. Nhưng phân tích cái hay và vẻ đẹp của bài thơ thì không dễ. Giáo viên giảng bài cũng vậy. Phạm vi một tiết học, với mục đích “đọc thêm”, thầy cô khó lòng diễn giải ý nghĩa sâu xa của tác phẩm.
Nghe những ca khúc trong Lời Tôi Ca của Ân Đức bỗng gợi cho tôi ý nghĩ tổ chức hình thức “ngoại khóa” về Tagore.
Năm học 1992-1993, nhân kỷ niệm 80 năm Tagore, người châu Á đầu tiên được trao giải Nobel văn chương, cùng với trào lưu “đổi mới văn học-nghệ thuật” đang lúc cao trào, tôi tổ chức cho học sinh khối lớp 11 thực hiện buổi “Ngoại khóa Tagore”. Các em sân khấu hóa Bài thơ số 28, thuyết trình và hỏi-đáp về cuộc đời, tư tưởng và tác phẩm Tagore.
Buổi ngoại khóa đạt kết quả không ngờ: học sinh nhận thấy Bài thơ số 28 không chỉ là bài thơ tình đôi lứa, mà còn mở ra và hướng đến một tình yêu lý tưởng, cao vời và siêu việt: lời mời gọi hướng đến một tình yêu vị tha, quên mình, đón nhận và bao dung.
Tôi thầm cám ơn cha Ân Đức.
Chính Lời Tôi Ca, tập ca khúc không thuộc loại thánh ca, lại giúp người đời khi cất lên tiếng hát về những trầm tư và thao thức của Tagore, lại khắc khoải về thánh, về siêu việt, phi thường và trường cửu.
bảy
Mùa hè 2019, tôi đưa gia đình xuống Trà Vinh thăm Cha Trần Huy Huề, đan sĩ Xitô, ở Đan viện Phước Vĩnh.
Cả nhà tản ra đi thăm vườn tược của nhà dòng, còn tôi trò chuyện với Cha Huề.
Tôi kể lại kỷ niệm Lời Tôi Ca, từ lúc nhận băng cassette của Cha Án tặng, đến buổi ngoại khóa về Bài thơ số 28. Vậy mà cũng đã gần 30 năm rồi.
Cha Huề bảo viết Lời Tôi Ca, Cha Ân Đức đã thực hiện một “bước nhảy theo nhịp điệu của Chúa”. Những khoảnh khắc hứng khởi sáng tác của Ân Đức, phải chăng ngài đang cảm được “nhịp điệu” của Thiên Chúa trong thơ Tagore?
Gần đây, tháng Tám 2022, Cha Huề kỷ niệm ngân khánh khấn dòng, cũng đã nhắc lại hình ảnh đó cho mình. Cha dấn thân bước theo ơn gọi đan sĩ Xitô từ lời khuyên của Viện phụ Duy Ân: “Các con hãy cứ nhảy theo nhịp điệu của Chúa”.
Nhịp điệu của Thiên Chúa không hẳn dễ nhận ra.
Tôi nhớ đã từng chọn chữ “dừng chân” của Tagore trong Thơ Dâng, bài số 79, để đặt tên cho một mục thường kỳ trên báo. Mục viết này nhằm chia sẻ với bạn đọc về mọi chuyện đời thường đang diễn ra, trong gia đình, ngoài xã hội. Dừng chân để ngắm nhìn. Ngắm nhìn và ngẫm nghĩ. Cùng độc giả ngẫm nghĩ, và nói như Viện phụ Duy Ân và Cha Huề, cứ nhảy theo nhịp điệu của Chúa.
Nhưng khó lòng nhận ra nhịp điệu của Chúa.
Bài Thì Xin Cho Tôi của Ân Đức, cảm hứng từ Bài thơ số 79, Thơ Dâng của Tagore, là một gợi ý về nhịp điệu của Thiên Chúa:
1. Nếu số phận tôi không gặp được Người trong cõi đời này thì xin cho tôi luôn luôn cảm thấy thiếu vắng bóng Người.
(Điệp khúc) Đừng để tôi quên dù quên trong giây lát. Nhưng cho buồn này hằng ray rứt lòng tôi. Nhưng cho buồn này hằng thao thức Người ơi.
2. Suốt ngày bon chen trong đám chợ đời buôn bán làm lời thì xin cho tôi luôn luôn cảm thấy chưa kiếm được gì.
3. Khi tôi dừng chân bên những vệ đường say giấc dặm trường thì xin cho tôi luôn luôn cảm thấy đường đi vẫn dài.
4. Khi căn phòng tôi hoa nến ngập tràn ca hát rộn ràng thì xin cho tôi luôn luôn cảm thấy chưa tiếp được Người.
Tìm kiếm nhịp điệu của Thiên Chúa trong thinh lặng, để mình ra không, cảm nhận mình luôn “thiếu vắng bóng Người”, và chỉ mong Chúa lấp đầy sự trống vắng, nghèo khốn.
tám
Từ ngày biết Ân Đức qua Lời Tôi Ca, tôi vẫn để tâm học hỏi con người nội tâm nơi vị đan sĩ-nhạc sĩ này.
Thú thật, tôi vốn ngưỡng mộ đời sống chiêm niệm của các đan sĩ.
Hè 1974, đang kỳ nghỉ, tôi được gọi giúp lễ trong Thánh lễ an táng một nữ đan sĩ Cát Minh (dòng Kín, đường Cường Để, Sài Gòn). Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình dâng lễ.
Phận sự giúp lễ cho tôi được có mặt trong đoàn đưa thi hài đến phần mộ ở nghĩa trang trong khuôn viên đan viện. Đoàn đưa tiễn người quá cố gồm Đức Tổng chủ tế, hai đại chủng sinh giúp lễ và các nữ tu trong đan viện. Lần đầu tiên và có lẽ duy nhất trong đời, tôi được tận mắt nhìn khung cảnh nữ đan viện sau “lũy cấm”. Tĩnh lặng và thanh thoát.
Dường như khung cảnh tĩnh lặng và thanh thoát ấy nói lên đặc điểm của đời sống chiêm niệm của các nữ đan sĩ Dòng Kín.
Sau này, đọc thi ca Thánh Têrêsa Avila (1515-1582), qua bản dịch của nhà thơ Trăng Thập Tự (tức linh mục Võ Tá Khánh, giáo phận Quy Nhơn), mới hay: bên dưới vẻ tĩnh lặng là cuộc sống say đắm tình yêu với Thiên Chúa. Say đắm sống với tình yêu, và đắm say đến chết vì tình yêu.
Bài thơ Tình Khúc của Thánh Têrêsa Avila giúp tôi hiểu (có lẽ chưa trọn vẹn, chỉ một phần nào) linh đạo đan tu:
Tôi đã hiến, đã dâng tất cả
Cuộc đổi trao ấy đã xong rồi.
Người yêu tôi thuộc về tôi,
Và tôi cũng thuộc về người tôi yêu.
Đấng săn bắt đuổi theo hiền dịu,
Mũi tên Ngài xuyên thấu tim tôi.
Ôi thôi tôi kiệt sức rồi,
Hồn tôi rơi xuống tay người mến thương.
Khi thức dậy trên đường sống mới,
Cuộc đổi trao diệu vợi nữa rồi,
Người yêu tôi thuộc về tôi,
Và tôi cũng thuộc về người tôi yêu.
Mũi tên ấy bắn vào bất chợt,
Quyện hương yêu, đẫm ướt bùa yêu.
Hồn tôi giờ đã chiều theo,
Trao thân gửi phận kết giao với Ngài.
Hồn giờ chẳng yêu ai khác nữa,
Chút tình này dâng Chúa mà thôi,
Người yêu tôi thuộc về tôi,
Và tôi cũng thuộc về người tôi yêu.
(Trăng Thập Tự dịch thơ)
Nhạc sĩ Ân Đức đã dệt nhạc cho thi phẩm này:
“Lạy Đấng Tình Quân con tôn thờ, con nay thuộc về Chúa, Chúa nay thuộc về con. Mũi tên nào say đắm, bắn trúng con tim nồng (bài Tình Khúc, trong tập Tình Khúc[3])”.
Hình: Thủ bút “Một mình Chúa thôi là đủ rồi”,
ký tên Têrêsa Giêsu.
Nguồn: catholiccompany.com
Cũng trong tập Tình Khúc, Ân Đức đưa vào bài Con Là Của Chúa, với ghi chú: “dựa ý thi ca của Thánh Têrêsa Avila”.
Thi phẩm này của thánh nhân đã được linh mục Trăng Thập Tự chuyển dịch:
Con là của Chúa, Chúa à,
Vì Ngài con đã sinh ra trong đời.
Con là của Chúa, Chúa ơi!
Cứ dành ý Chúa cho đời con đi.
Chúa là Chúa Cả uy nghi,
Khôn ngoan muôn lượng, từ bi muôn trùng.
Thánh vô tận, Thiện vô cùng,
Chúa là duy nhất, thủy chung vẫn Ngài.
Chúa thương chút phận vô loài,
Thì đây con hát lên bài tình ca.
“Còn trời, còn nước, còn non,
Thì còn để Chúa dùng con cho Ngài.”
Con là của Chúa, Chúa ơi!
Bởi Ngài đã dệt nên đời con đây,
Đã thương chuộc lấy thân này,
Đã thương vất vả đêm ngày vì con.
Con là của Chúa chí tôn,
Bởi Ngài đã muốn gọi con theo Ngài.
Đã thương chờ đợi hôm mai,
Đã thương giữ mãi gìn hoài thân con.
Còn trời, còn nước, còn non,
Thì còn hỏi Chúa muốn con làm gì?
Lòng con Chúa chiếm lấy đi,
Xác hồn, cuộc sống tiếc gì nữa đâu.
Thân con trọn cả gót đầu,
Xin dâng Cứu Chúa, xin hầu Tình Quân,
Xin dâng về Chúa toàn thân,
Để tùy Chúa muốn, Chúa cần, Chúa ơi!
Có lẽ Ân Đức đã gửi vào ca khúc này lời thổ lộ vì sao đã chọn sống đời đan sĩ và viết nhạc: “Loài hoa nhỏ bé và đơn sơ thầm dâng câu hát tình ca” (phiên khúc 1).
Vâng, chiêm niệm và âm nhạc, đối với Ân Đức, là vì Tình Yêu:
“Chúa thương chút phận vô loài
Thì đây con hát lên bài tình ca”.
* * *
Tôi viết bài này trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê, và nhớ bạn.
Hai người bạn, hai anh em ruột, hai linh mục cùng kỷ niệm ngân khánh. Cha Huề ngân khánh khấn dòng. Cha Ân Đức ngân khánh linh mục.
Tôi ở xa, không về dự lễ được, nhưng tin mình vẫn cảm được niềm vui của hai đan sĩ. Niềm vui được hòa theo nhịp điệu của Thiên Chúa. Còn vị đan sĩ kia, vui vì được “Người ban lệnh cất lời ca”.■
Lễ Các Thánh 2022
Khổng Thành Ngọc
(Nguồn: Hợp tuyển Alpha&Omega, số 4, 2022)
[1] Rabindranath Tagore (1861-1941), thi hào Ấn Độ, Nobel Văn chương 1913, tác giả của những tập thơ nổi tiếng khắp thế giới: Lời Dâng (Gitanjali); Người Làm Vườn/Tâm Tình Hiến Dâng; Những Con Chim Lạc; Người Thoáng Hiện…
[2] Tập thơ của Tagore, gồm 85 bài, xuất bản năm 1913, sau tập Thơ Dâng (1912). Tình yêu là chủ đề chính của tập thơ này. Cái chết của bà Mrinalini Devi, vợ của nhà thơ, năm 1902, đã khiến ông suy tư về tình yêu với những cảm xúc và suy tư thiên về triết lý.
[3] Gồm 13 ca khúc của Linh mục Ân Đức, với sự cộng tác của Linh mục Trăng Thập Tự, ấn hành năm 2015, nhân kỷ niệm 500 năm sinh nhật Thánh Têrêsa Avila (1515-2015).
Tác giả bài viết: Khổng Thành Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn