BÀN THỜ GIÁO XỨ & HÀI CỐT BA THÁNH TỬ ĐẠO VN

Thứ ba - 17/01/2023 08:47
Qua việc gợi ý tìm hiểu của bà con Giáo dân trong Giáo xứ về Hài cốt của Ba Vị Thánh Tử đạo VN được đặt vào Bàn thờ được cung hiến. Thấm thoát đã 27 năm, BBT xin gửi đến Quý Bạn đọc những tâm tình Bài Dẫn THÁNH LỄ TẠ ƠN KỶ NIỆM 40 NĂM THÀNH LẬP GIÁO XỨ CHÂU SƠN – 25 NĂM XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG & LỄ CUNG HIẾN BÀN THỜ, do Đức cố Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực chủ tế, đã được tổ chức vào lúc 08 giờ 30 sáng Thứ Ba ngày 31 tháng 12 năm 1996.
BÀN THỜ GIÁO XỨ & HÀI CỐT BA THÁNH TỬ ĐẠO VN
BÀN THỜ GIÁO XỨ & HÀI CỐT BA THÁNH TỬ ĐẠO VN

NHỚ VỀ NHỮNG KỶ NIỆM XƯA

*DẪN LỄ

Bàn thờ là nơi hiện diện hoá Hy tế Thánh giá dưới các dấu Bí tích – Là Bàn tiệc của Chúa mà Dân Chúa được mời gọi đến tham dự Thành Lễ và là trung tâm việc tạ ơn được kiện toàn nhờ Lễ tế Tạ ơn.
Giờ đây. Chính ngay trên Bàn thờ mới sắp được ĐGM.GP cử hành Nghi lễ cung hiến, Thánh lễ đồng tế long trọng đầu tiên được cử hành để tạ ơn Thiên Chúa về những sự kiện trọng đại của Giáo xứ. Những chặng đường đầy ắp kỷ niệm ngọt ngào pha lẫn đắng cay, niềm hoan lạc và ngay cả nỗi khổ đau.
Thánh đường Mẹ Maria Vô nhiễm hân hoan chào đón ngày hội tụ của mọi thành phần Dân Chúa gần xa.
Chắc hẳn trên cõi đời nầy, nào ai tự ý chọn riêng cho mình một ngày sinh tháng để, lựa chọn bố mẹ để cưu mang hoặc kiếm tìm môi trường thuận lợi để đầu thai. Tất cả hồng ân mà CĐGX. Chúng con được thừa hưởng hôm nay đều đến từ tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
Xin ngợi khen, tri ân và cảm tạ Thiên Chúa.
40 năm ngày thành lập Giáo xứ và 25 năm xây dựng Thánh đường nầy.

A01

 

*HIỆP LỄ

Nhìn lại chặng đường 40 năm phát triển và trưởng thành của Giáo xứ. Ánh sáng và bóng tối. Bình minh và hoàng hôn. Hoan lạc và khổ đau. Đường đời dẫu có lắm hoa tươi nhưng cũng không ít những giọt mồ hôi trên đôi vai gầy guộc của cha, trên môi khô của mẹ. Và ngay cả những giọt máu đã đổ xuống trên mảnh đất yêu dấu nầy.
Trân trọng biết bao những tâm hồn và tấm gương đã xả thân quên mình phục vụ và dấn thân hy sinh vì ngày hội Hoa đăng nầy.
40 năm. Xin tri ân và cảm tạ. Trên mảnh đất nầy. Đã có nhiều ngôi sao lạ như 2000 năm xưa vào đêm Sinh nhật. Dẫu đơn giản chỉ là một vệt sáng mờ nhạt trên thinh không bao la, đứng chung và hoà lẫn giữa muôn ngàn sao khác, nhưng nó lại âm thầm mở ra cả một hướng đi, cho ta một tín hiệu, tập hợp và đồng hành dẫn đưa bao người tìm gặp được Chúa.
40 năm. Xin tri ân và cảm tạ. Trên mảnh đất nầy. Đã đóng góp nhiều tinh thần phục vụ như chú lừa con gầy guộc thuở nào đã từng chở Mẹ Maria đến hang Bêlem, chở Thánh gia trốn sang Ai cập, về Nazareth, chở Chúa Yêsu vào thành thánh Yêrusalem. Chú lừa con vốn chẳng chút gì thông minh nhưng lại âm thầm nhẫn nại, chịu khó và dẻo dai. Nó rất đỗi đời thường nhưng với tinh thần phục vụ không bao giờ đòi hỏi.
40 năm. Xin tri ân và cảm tạ. Trên mảnh đất nầy. Đâu thiếu những tinh thần phục vụ như chiếc khăn mà Chúa Kitô đã dùng để lau chân các môn đệ trong chiều Tiệc Ly. Nó chịu ướt hôm qua để cho những bàn chân hôm nay được khô. Nó chịu dơ để cho những bàn chân khác được sạch. Biết bao tâm hồn quảng đại, khiêm tốn vị tha, đã sẵn sàng lau lòng người bớt đi những mệt mỏi, lo  âu, muộn phiền và thất vọng …
40 năm. Xin tri ân và cảm tạ. Như loài cây Mắm ở đồng bằng vùng Nam bộ. Xem ra nó vô tích sự chẳng dùng để làm được việc gì ngay cả làm củi đun. Nhưng nếu không có những thân mắm, chân lấm trong bùn, thì làm sao đất phù sa năm xưa có thể biến thành đất thịt màu mỡ hôm nay. Đời cây Mắm tuy vô ích nhưng quả không uổng công chút nào … Những đóng góp dẫu lớn nhỏ, cũng chỉ để làm cho cây đời mãi mãi xanh tươi.
Ngày 26 tháng 8 năm 1956. Đánh dấu những bước chân khai phá đầu tiên đến định cư tại đây. Bước đầu chỉ có 180 nhân danh và chưa đầy 800 nhân khẩu. Trên dòng chảy sôi nổi hôm nay, Giáo xứ không ngừng phát triển với 875 hộ và 4418 khẩu.
Chín đời Linh mục Quản xứ và hai Phó xứ, đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trên con đường phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và nhất là đời sống tâm linh. Một con én không thể làm nổi mùa xuân nhưng ít ra trên đôi cánh đơn thân cũng đang báo hiệu mùa xuân sắp trở về. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho mọi nỗ lực, thiện chí, hy sinh của các ngài và mọi ân nhân trong Giáo xứ vì những thành quả tốt đẹp và lớn lao mà CĐGX chúng con đang gặt hái hôm nay.
Nguyện xin Thiên Chúa thương đến quý Cha Cựu Quản xứ :

Gioan Baotixita Nguyễn Đăng Khoa.
Gioan Baotixita Nguyễn Trí Thức.
Grêgoriô Đỗ Trúc Đường.
Phêrô Lê Hùng Tâm.
Gioan Baotixita Nguyễn Quang Diệu.
Và mọi ân nhân trong Giáo xứ chúng con đã qua đời.
Xin cho các ngài và mọi người hưởng phúc trường sinh bên Chúa.

“ Từ thuở nào, con người vẫn ích kỷ nhỏ nhen. Nhưng chiều về, khi tiếng chuông Nhà thờ đổ hồi trên thôn xóm, trên ruộng đồng nương rẫy và núi rừng, người người dừng lại ngẩng nhìn và ra khỏi cuộc sống thấp hèn của họ. Cha ông chúng ta đã dể lại phần cao quý nhất của các ngài. Mãi mãi tâm tình của các ngài vẫn còn ghi khắc trong những viên đá nầy ”.
Văn hào Nga Solzenicyn đã viết những dòng trên để ca tụng ngôi thánh đường.
Vâng. Thánh đường vẫn luôn là biểu tượng của sự sống. Là nhà của con người : chính nơi đây, con người nhận lấy sự sống mới và cũng chính nơi đây, con người được yên nghỉ sau cuộc lữ hành trần gian. Thánh đường cũng là nơi chứng kiến bao buồn vui của kiếp người. Thánh đường còn là nơi gặp gỡ : gặp gỡ giữa trời cao và đất thấp, gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả : Thánh đường là nơi gặp gỡ giữa người với người. Gặp gỡ nhau trong lời kinh nguyênh. Gặp gỡ nhau trong chia sẻ. Gặp gỡ nhau trong lời chào bình an, trong bắt tay của tha thứ, của hoà giải. Gặp gỡ nhau để nối kết vòng tay với người khác. Gặp gỡ nhau để trở lại cuộc sống đời thường hăng say hơn và nhiệt thành hơn. Thánh đường không thể tách biệt ra khỏi cuộc sống. Bao lâu Thánh đường còn đó, bấy lâu Kytô hữuvẫn còn được mời gọi để nói kết đức tin và thể hiện đức tin ấy nơi từng giây phút sống mỗi ngày.
CĐ. thân mến, mừng Ngân khánh xây dựng Thánh đường Mẹ Vô nhiễm là họp mừng tinh thần nối kết yêu thương. Tiếc thay, vị đại ân nhân gắn chặt với ngôi Thánh đường nầy, nay đã không còn nữa. Một câu khẩu hiệu mang đầy hoài bão và ước nguyện của Cha Cố Phêrô Lê Hùng Tâm : Lòng nhiệt thành với Nhà Chúa thiêu đốt tâm can tôi. Ngậm ngùi ngài đã ra đi khi ngôi thánh đường mới nầy vừa tròn bốn tuổi.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho mọi ân nhân đã một thgời lao nhọc, khổ công xây dựng ngôi Thành đường nầy trong suốt 420 ngày, quy tụ trên dưới 25.000 công.
Vâng. Mãi mãi tâm tình của các ngài vẫn còn ghi khắc trong những viên đã nầy.

*SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA BA THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
CÓ HÀI CÓT ĐƯỢC ĐẶT TẠI BÀN THỜ CUNG HIẾN.

A02THÁNH PHÊRÔ KHANH, LINH MỤC (17801842). Ngày kính 12/7.

Một người đổ mồ hôi gieo giống trên nương đồng, đến ngày thu hoạch thì vui ca, tay ôm bó lúa chín vàng lựng hương – TV.125.
Cuộc đời Thánh Phêrô Khanh gợi lên cho chúng ta hình ảnh một mùa gặt phong phú. Vì - ngay giữa những ngày bị bách hại đen tối – Cha Khanh đã đào tạo được 40 Chủng sinh mà trong số đó thành đạt được 08 Linh mục.
Cậu Phêrô Khanh chào đời khoảng Năm 1780 tại làng Nguyên Kiệt, xã Hoa Duệ, tỉnh Nghệ An. Năm 25 tuổi, Thầy Khanh được Bề Trên cho học thêm để trở thành Linh mục. Suốt 14 Năm, Thầy kiên trì tự học và tìm các Linh mục để trau dồi thêm. Năm 1819 – khi đã 39 tuổi – Thầy thụ phong Linh mục. Nhìn thấy cánh đồng Truyền giáo VN còn bát ngát bao la mà lại thiếu nhiều Thợ gặt – tuy bận rộn với việc mục vụ – Cha đem hết khả năng đầu tư cho việc đào tạo Linh mục tương lai. Cha đã từng phục vụ tại Họ Trại Lê – Họ Quỳnh Lưu,r ồi đến Xứ Thọ Kỳ – Thọ Ninh – Long Trương và Ngân Sáu. Nhưng, dù ở bất cứ Nhiệm sở nào, Nhà xứ Cha cũng là một Tiểu Chủng viện thu hẹp.
Năm 1841, Vua Minh Mạng băng hà, tình hình Giáo Hội có vẻ tự do hơn, nên Cha càng an tâm hăng say với Sứ vụ Tông đồ.Nào ngờ – cuối Tháng 01.1842 – khi tháp tùng Cha Masson, Phụ tá Giám quản, đi công tác ở Hà Tĩnh, Cha bị chận lại khám xét và bắt giam.
Thời gian trong tù, Cha đã chữa lành bệnh cho cô tình nhân của viên Cai ngục ở Hà Tĩnh và trở thành một Thầy lang nổi tiếng.
Nhờ tiếng tăm chữa bệnh tài tình của Cha, nhiều người đến xin học Đạo, trong đó có Song thân của Quan án. Vì mến phục tài năng, các Quan Tỉnh tìm cách cứu Cha khỏi chết bằng cách khuyên Cha nên che giấu chức vụ Linh mục và trước sau cứ khai nghề Thầy lang thì sẽ được ân xá. Nhưng Cha Khanh hoàn toàn không chấp nhận.
Ngày 11.7.1842, Vua Thiệu Trị phê duyệt bản án và kết tội Cha là “ một kẻ điên rồ ” mù quáng và dốt nát. Sáng hôm sau, Cha bị quân lính chém đầu, chấm dứt 5 Tháng rưỡi ngục tù và 62 Năm sống trên dương thế của vị Anh hùng Chứng nhân Đức Tin. Thi thể Cha được đưa về Kẻ Gòn và được cử hành Tang lễ trọng thể.
Ngày 02.5.1909, Đức Piô X suy tôn Cha Phêrô Khanh lên Bậc Chân phước.

A03THÁNH PHÊRÔ VŨ ĐĂNG KHOA, LINH MỤC (17901838 ).
Lễ kính ngày 24 tháng 11.

Cậu Phêrô Vũ Đăng Khoa sinh năm 1790 tại làng Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Là con Thứ Ba trong Bảy người con của Ông Phaolô Vũ Đình Tân và Bà Maria Nguyễn Thị Hoan. Nhờ có trí thông minh và tính tình hiền lành, cậu được các Cha gửi vào Chủng viện Vĩnh Trị ( Nam Định ). Năm 1820, Thầy Khoa bước lên Bàn Thánh dâng Của lễ đầu mùa. Với nhiệt tình của tuổi 30, Cha được bổ nhiệm làm phụ tá Cha Nguyễn Thế Điểm, coi sóc Hai Xứ Lu Đăng và Vĩnh Phước thuộc Hạt Bố Chính. Năm 1829, Đức cha Havard Du bổ nhiệm Cha về coi sóc Giáo xứ Cồn Dừa. Ngày 06.01.1833, Vua Minh Mạng ra Chiếu chỉ lùng bắt các Giáo sĩ nước ngoài cũng như bản xứ, kể cả Giáo dân, triệt hạ các Thánh đường và Cơ sở Tôn giáo. Vì thế, Cha Khoa phải liên tục thay đổi chỗ ở trong Hai năm liền (1836 – 1838 ). Và con đường khổ nạn đang chờ Cha. Đêm 02.7.1838, Cha đang trú ẩn ở Làng Lê Sơn, Hạt Bố Chính thì bị Tú Khiết, một văn nhân, đột nhập vào nhà bắt trói cùng với Hai Thầy giảng Đức và Khang.
Ngày 10.7.1838, Tú Khiết tra gông vào cổ và giải các ngài lên Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình. Trong tù, Cha bị quan tra vấn nhiều lần nhưng Cha một mực không chịu khai chỗ ở của Hai Cha Thừa sai Cao và Điểm. Ngày 31.7.1838, vì sự nhẹ dạ khai báo của Thầy Khang, hai vị nầy cũng bị bắt giam chung với Cha Khoa. Dù trải qua nhiều mưu kế, khổ hình nhưng các Cha Khoa, Cao và Điểm vẫn cương quyết đi trọn đường khổ nạn của Chúa Kytô. Và trong những ngày tù tội nầy, Cha Borie Dumoulin Cao nhận được Văn thư Tòa thánh gửi tới bổ nhiệm Ngài làm Giám mục hiệu tòa Acanthe và làm Đại diện Tông tòa coi sóc Địa phận Tây Đàng Ngoài, thay thế Đức cha Havard Du.
Ngày 24.11.1838, quân lính áp giải Cha Khoa, Đức cha Cao và Cha Điểm đến pháp trường ngoài thành Đồng Hới. Tấm thẻ ghi án của Cha Khoa viết : “ Đạo trưởng Vũ Đăng Khoa, bất khẳng quá khóa, phải xử giảo ” nghĩa là “ Linh mục Vũ Đăng Khoa, không chịu bước qua Thánh giá, lệnh xử phải thắt cổ ”. Lý hình cầm hai đầu dây xiết mạnh cổ Cha cho đến khi ngạt thở và lịm dần. Cha mất vào năm 48 tuổi với 18 năm Linh mục. Đức Léo XIII, suy tôn Cha Phêrô Vũ Đăng Khoa lên bậc Chân phước ngày 27.5.1900.

A04THÁNH TÔMA TOÁN, THẦY GIẢNG DÒNG BA ĐAMINH ( 17641840 ).  Lễ kính ngày 27.6.

Thầy Tôma Toán sinh năm 1764 tại Làng Cần Phán, Tỉnh Thái Bình. Thầy vừa là Hội viên Dòng Ba Đa Minh, vừa là Thầy giảng có uy tín ở Làng Trung Linh. Thầy làm quản lý Nhà Chung tại đây và là cánh tay đắc lực của Cha Già Tuyên trong việc Tông đồ.
Ngày 16.12.1839, vì bị một ông lang ham tiền thưởng tố cáo với quan phủ Xuân Trường, quân lính đến càn quét lục soát Làng nầy.  Cha Già Tuyên may mắn trốn thoát. Thầy Toán không kịp lẩn tránh, bị điệu ra trình diện. Về sau, chúng biết Thầy không phải là Linh mục nhưng vì tội không chịu xuất giáo nên bắt giam Thầy.
Cuộc tử đạo của Thầy Toán được ghi dấu bằng hai lần chối Đạo :
Lần thứ nhất : Ngày 19.01.1840, sau một tháng tra khảo, Thầy đã nhát sợ bước qua Thánh giá.
Lần thứ hai : Ngày 18.4.1840, vì muốn cứu hai người đã xuất giáo khỏi tội chết, Thầy Toán lại một lần nữa bước qua Thánh giá. Thấy mình dại dột mắc mưu kế của quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh, Thầy thống hối khóc lóc. 15 ngày sau, Cha Đa Minh Trạch bị bắt và giam chung ngục với Thầy, Cha an ủi và giải tội cho Thầy. Từ đây, Thầy mới thực sự trở thành một con người mới có nghị lực phi thường đương đầu trước những thử thách nặng nề hơn.
Ngày 09.5.1840, Cha Yuse Hiển và Thầy Toán bị giải ra tòa. Cả hai vị cương quyết không đạp lên Thập giá. Cha Yuse bị điệu ra pháp trường xử chém, còn Thầy Già Toán bị đưa về ngục.
Quân lính lột hết áo quần, trói Thầy ngoài sân phơi nắng phơi sương, 13 ngày liền không cho ăn uống. Trịnh Quang Khanh âm mưu cho dọn một mâm cơm rượu thịt thơm ngon và nói : “ Ăn đi rồi bước qua Thập tự ”. Nhưng vị Anh hùng 76 tuổi cương quyết trả lời : “ Nếu ăn mà phải xuất giáo, tôi không bao giờ ăn ! ”. Quan tức mình tống giam, bắt Thầy nhịn đói thêm năm ngày nữa. Với tuổi già sức yếu, Thầy đã ngã gục và tắt thở trong tù ngày 27.6.1840. Bảy Tháng sau, xác Thầy được cải táng tại Lục Thủy cùng với nhiều vị tử đạo khác. Đức Léo XIII suy tôn Thầy Tôma Toán lên bậc Chân phước ngày 27.5.1900.

A05

 

Tác giả bài viết: BBT-Trang Tin GXCS

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây