FIFA WOMEN‘S. WORLD CUP AU - NZ 2023
CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI ĐẸP CHÂN DÀI CHƠI BÓNG ĐÁ.
. Francis Assisi Lê Đình Bảng.
Khi tôi viết những dòng chữ này, thưa bạn đọc, tình hình thế giới, đặc biệt ở các lò thuốc súng có vẻ đang hạ nhiệt, dịu hẳn đi. Rõ rệt hơn, là cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraina chỉ là tái diễn một trò chơi gặm nhấm cũ mòn, đơn điệu. Một điệp khúc nhì nhằng đến nhàm chán, chẳng mấy ai buồn nghĩ tới. Còn cái lưỡi bò đảo điên, diêm dúa của Tàu ở biển Đông nước ta thì cũng chỉ dớ dẩn, già nắn rắn buông, ấm ớ hội tề, có ra tấm,ra món gì đâu? Hẳn là họ chẳng gác kiếm, hưu chiến, để nằm nhà đọc sách đâu. Nhưng hình như, cánh mày râu - dù đông hay Tây - cũng muốn tỏ ra ta đây là đấng trượng phu, có thừa lịch sự và hào huê, đặc biệt trước phụ nữ. Thôi thì cứ nghĩ tươi, nghĩ sống, tỉnh bơ như vậy, cho nó thoáng! Lady first mà. Biết đâu đấy, ngạc nhiên chưa, người ta đã, đang và sẽ còn tiếp tục thức trắng một con trăng(từ 20.7 đến 20.8.2023) kia kìa.
Để ăn bóng đá, cà phê bóng đá, uống bia bọt bóng đá và luận về đá bóng thay cho thời sự chính trị, kinh tế, xã hội; tạm thời quên đi chuyện thị trường chứng khoán, cơm áo gạo tiền và xin lỗi cả tình yêu, buồn ơi, chào mi. Bởi vì trái bóng, lúc này, đâu còn là trái cấm mà Adam đã”…mở hé tình yêu, là trái thơm…. ghé răng cắn vào, miếng môi ngọt đắng”? Nhưng trái bóng đó đã được chuyền sang phía bên phần đất của Eva, trở thành câu chuyện chung của cả hai, với tỷ số 1-1 cân bằng, không phân biệt nam, nữ, chẳng ai phiền trách được ai. Rõ ràng, trái đất chúng ta đang sống là một thế giới phẳng. Trong đó, đàn bà, đàn ông, con rắn và cơn cám dỗ cuối cùng vẫn tồn tại rất ngọt ngào, vẫn bắt buộc phải là những nút thắt tất yếu, kết thành câu truyện - love story - không có, không được. Có nghĩa là, đã hình thành một sân chơi bình đẳng giữa những bậc thang giá trị, dù là “homo fabens”(lao động), là “homo sapiens”(thông thái), dù là “homo ludens”(chơi đùa), theo suy nghĩ đã đổ bê tông của triết học cổ đại Hy Lạp. Mới hay, đã đến lúc, điều không thể, lại có thể xảy ra, chẳng ai ngờ. Cứ tưởng,trái banh, quả bóng vô danh kia, cùng những tính toán chiến lược theo trận đồ cổ điển WM hay hiện đại, 4-2-4, 5-3-2, 4-3-3, 4- 5-1 mãi mãi là trò chơi điên rồ, vô bổ của cánh mày râu, vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu?
Thế mà nay, giời ạ, ngày nay, hậu duệ của Eva đã rủ nhau vào cuộc, vào thật sâu. Không những tranh cãi, phản biện, dấn thân rất đỗi “sinh nghề tử nghiệp”, “long tranh hổ đấu”, một mất một còn. Mà họ còn thể hiện bản lĩnh cầm cân nảy mực như những vị quan toà đầy quyền lực trên các sân cỏ đầy ắp tín đồ của 736 cô gái xinh đẹp, được góp mặt trong đội tuyển của 32 quốc gia. “Đội quân tóc dài” và” nữ binh mùa Thu”. Cho phép tôi tạm gọi như thế để cho vui cửa vui nhà; ngoại trừ các nàng Việt và Tàu lại “à la mode” húi cua. Xin lỗi, nom hệt những Chí Phèo và Thị Nở trong tiểu thuyết của Nam Cao, như những” người Tàu xấu xí”. Họ đại diện cho 46,6% phụ nữ, một nửa kia của tổng số 7.8 tỷ người trên hành tinh này đấy, chứ không dỡn chơi đâu. Họ đang khiến trái đất này nghiêng đi. Nói như một nhà văn kia thì”phụ nữ đã đưa đàn ông về nhà”.
Vâng. Toàn cảnh khắp 4 sân cỏ của đất nước Kiwi (Eden Park,Dunedine, Waikato và Wellington) và 6 của Australia(Australia, Brisbane, Sydney, Melbourne, Pert và Hindrash) ở những ngày tháng chớm đông giá rét này, vẫn cứ là một Festival, một Carnival rực rỡ. Không khác gì những cuộc “diễn hành văn hoá “ hằng năm tại thủ đô Hiệp Chủng quốc của xứ sở Cờ Hoa và như “4 Daagse Nijmegen - The Walk Of The World - Netherlands” - cuộc đi bộ 4 ngày đang diễn ra sôi nổi, hào hứng của hàng nghìn vận động viên ưu tú từ hơn 70 nước trên lộ trình gần 50 km của vương quốc hoa Tulip… Trời như cũng muốn chiều lòng những tín đồ cuồng nhiệt của” môn thể thao vua - túc cầu giáo” từ mọi vùng miền đổ về ngày hội của hành tinh này, nên nhiệt độ đang băng giá của Australia và New Zealand như được hâm nóng lên, chỉ còn vừa 50-60 độ F, quá lý tưởng cho những trận quần hùng bóng đá của những nàng thục nữ thuyền quyên. Thành thử ra, ai nấy tha hồ nhìn cho sướng con mắt và nghe cho đã cái lỗ tai, với những nụ cười, tiếng reo hò cổ vũ, xen lẫn cờ quạt, banner, khăn choàng, biểu ngữ, kèn trống, đủ mọi màu da, phong tục tập quán, ngôn ngữ, của 6 Liên Đoàn Bóng Đá: UEFA(châu Âu); CONMEBOL(Nam Mỹ); CAF(châu Phi); AFC(châu Á); CONCACAF(Trung Mỹ và Caribe) và OFC(châu Đại Dương), chia ra thành 8 Nhóm, với 64 trận đấu liên tiếp, từ vòng 1, vòng 2, vòng 16, vòng tứ kết(8 đội còn lại); vòng bán kết(4 đội) và chung kết.
- Nhóm A gồm : New Zealand( chủ nhà 1); Norway, Philippines, Switzerland.
- Nhóm B gồm: Australia( chủ nhà 2); Canada,Nigeria,Republic of Ireland.
- Nhóm C gồm: Costa Rica; Japan, Spain, Zambia.
- Nhóm D gồm: China; Denmark, England, Haiti.
- Nhóm E gồm: Netherlands; Portugal, United States, Vietnam.
- Nhóm F gồm: Brazil; France, Jamaica, Panama.
- Nhóm G gồm: Argentina; Italy, South Africa, Sweden.
- Nhóm H gồm: Colombia; Germany, South Korea, Morocco.
Vâng. Chưa bao giờ, mặt đất này đông vui, sầm uất và đặc biệt, rực rỡ cờ hoa, duyên dáng, điệu đàng đến thế? Và rất hiếm khi nào, ta có cơ hội được ngắm nghía, trầm trồ cái đẹp, cái duyên và cả cái hấp dẫn rất tươi mát của các nàng phơi bày ra dưới ánh sáng mặt trời. Họ chạy nhảy. Họ nhận bóng, đi bóng, chuyền bóng. Họ giành giật, tranh chấp quyết liệt. Họ sút bóng, bắt bóng. Họ đỏ mặt, tía tai. Họ gọi nhau í ới. Họ cãi cọ, xô đẩy, níu kéo, thậm chí, vật lộn, nằm đè lên nhau. Và họ cũng đã bắt tay nhau, làm lành, vuốt mớ tóc loà xoà, sửa lại cái băng đô trên đầu, cười tình, ôm hôn nhau thắm thiết. Tôi thấy “có cái gì dịu dàng, hoà hoãn rất nữ tính giữa họ với nhau” , hơn những xô xát chém đinh chặt sắt, ăn thua đủ của cánh đàn ông, con trai. Thì ra, chỉ có ở những đấu trường đông nghịt, chộn rộn, hừng hực khí thế này, người ta mới nhận ra thế nào là tổ quốc, ai là đồng bào, dân tộc mình. Chỉ khi ta nhất tề đứng dậy, đặt tay lên trái tim mình và mở miệng hát vang bài quốc ca, ngước trông lên lá cờ của nước mình bay bay trong nắng gió; hoặc nghe tiếng reo hò chiến thắng tở mở, mới nghiệm ra tình yêu dành cho đất nước mình thiêng liêng và vĩ đại dường nào!
Đã nhiều, rất nhiều lần, trước 1975, chìm lỉm trong biển người”ngồi đồng” ở sân Tao Đàn, Lam Sơn hoặc vận động trường Cộng Hoà của Sài gòn, bạn bè tôi cùng tôi, không ai bảo ai, chúng tôi đã hát khan cả cổ “…Ra khơi, thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới…đất liền Âu Á…thấy hoàn cầu mơ khúc đại tình ca…”. Là khi đội tuyển túc cầu Việt Nam thi đấu ngang tài, cân sức với cả Israel, Thuỵ Điển, với Hertha Berlin của Đức, với Chelsea của Anh, những trung tâm bóng đá lẫy lừng của châu Âu. Bóng đá Á châu ở thời điểm ấy, như tôi sống và biết thì cả Nhật, Hàn hãy còn tụt hậu ở phía sau, kể gì, những Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur, Yangon…Túc cầu Việt Nam ta thuở ấy đúng là thời vàng son, với các thế hệ những ngôi sao lừng lẫy khắp Á, Âu: Rạng, Hiếu, Thanh, Myo, Nhung, Thách, Mỹ, Tam Lang, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Văn Ngôn, Lâm Hồng Châu.
Những năm tháng huy hoàng ấy, còn có một sự kiện không thể nào quên. Đó là sự kiện” Huyền Vũ”! Nói tới Ông là nói tới một” huyền thoại” không có gì sai ngoa! Ai đã từng mê bóng đá một thuở một thời, thập niên 1956…1968…1970, khi chưa có kỹ thuật trực tiếp truyền hình, hẳn còn nhớ như in. Một Huyền Vũ tường thuật tại chỗ, qua làn sóng truyền thanh của đài Pháp Á hoặc Sài gòn các trận cầu quốc tế, bằng tất cả trí tuệ rất uyên bác, bằng trái tim bừng bừng yêu nước và một chất giọng khoẻ khoắn, phương cương, đặc sệt Nam bộ - Sài gòn, có pha lẫn chút muối mặn của biển Phan Thiết, quê ông. Sống động, mà nồng nàn cảm xúc. Dứt khoát, mà dẫn dụ, mời mọc, truyền cảm, khiến hàng triệu người nghe qua radio chết mê chết mệt. Ngồi xem bóng đá trên sân, vẫn phải áp cái radio transistor chỉ bằng bao thuốc lá vào tai, để vừa xem, vừa nghe Huyền Vũ đang tung tẩy, thao thao bất tuyệt trên sân cỏ. Rõ là một thiên tài. Bằng trí nhớ và óc sáng tạo siêu đẳng, thú thật, tôi chưa thấy ai có thể ngồi cùng chiếu được với ông. Huyền Vũ nhớ từng tên tuổi, từng điệu bộ, từng thói tật, từng cách hãm bóng, nhận bóng, giữ bóng, sút bóng của mỗi cầu thủ. Cái món nghề riêng tài hoa ấy, còn là cái óc phán đoán như thần của Huyền Vũ, khi ông”tiên tri” cầu thủ ấy sẽ làm gì, trái bóng sẽ đi về đâu? Là là mặt cỏ, cắt ngang mặt thành, chỉ trong gang tấc, căng như sợi dây đờn, thẳng tuột như kẻ chỉ hay nhẹ nhàng, nghiêng chao như một chiếc lá vàng rơi…. Lại có những khoảnh khắc bốc đồng, ông la toáng lên: “ dzô, dzô….đã xé toang màn…trinh bạch” của đối phương? Cầu trường nổ tung, vỡ oà ngây ngất. Huyền Vũ, có lúc, lại hiền khô như một nhà văn, nhà thơ của trường phái trữ tình, lãng mạn, là khi nhịp độ trận đấu bỗng dưng chùng hẳn xuống. Tôi nghĩ, Ông có cả một kho tàng chữ nghĩa, rất giàu hình tượng, để”miêu tả” hoặc” tường thuật” và”bình luận” về trái bóng, về người cầu thủ và về diễn tiến các trận mạc trên đấu trường quốc tế hay trong nước, không bỏ sót một chi tiết nào. Không lạ gì, Huyền Vũ đã được mời với tư cách là ký giả túc cầu quốc tế, đi dự Olympic Tokyo (1964), Mexico (1970,1986, chưa kể các kỳ Đại hội Thể Thao Seap Games ở Miến Điện, Thái Lan, Indonesia, Malaysia….Chính Huyền Vũ, chứ không phải ai khác, là tác giả đã đặt tên cho các ngôi sao đình đám của làng túc cầu Việt Nam những cái biệt danh đã đi vào sử sách, như: mũi tên vàng (Nguyễn Văn Tư); lưỡng thủ vạn năng/ con nhện trời (thủ môn Phạm Văn Rạng); Phù thủy(Vinh đầu hói); lá chắn thép(trung vệ Tam Lang); con thần mã (hữu biên Dương Văn Thà); con lăng quăng bất trị (tả biên Nguyễn Văn Ngôn); chân sút sấm sét (trung phong Võ Thành Sơn); cặp chân tiền trái phá (trung phong Trần Tiết Anh), người không có phổi(tiền đạo Lê Văn Tâm, thân phụ của vua phá lưới Lê Huỳnh Đức), chàng nghệ sĩ lãng tử(tiền đạo Quang Đức Vĩnh)v.v.Từ đấy, báo chí viết về bóng đá đã có những ngôn từ của Huyền Vũ, coi như quyển từ điển giáo khoa.
Lịch sử Túc Cầu thế giới bắt đầu từ thập niên 1930 của thế kỷ trước, tại châu Mỹ, châu Âu.
Giải vô địch bóng đá nữ thế giới (FIFA Women’s World Cup Championship) chính thức khởi đầu vào năm 1991, tại Trung Quốc, cứ 4 năm một lần, ngay sau World Cup của nam.
Đến nay, đã đi qua một chặng đường dài hơn 30 năm, với 8 lần tổ chức tại những quốc gia khác nhau: Trung Quốc (1991,2007); Bắc Mỹ (1999,2003/ Canada 2015);Thuỵ Điển (1995); Đức (2011); Pháp (2019). Giải đấu lần thứ 9 năm 2023 ở Australia và New Zealand.
Giải vô địch bóng đá nữ thế giới (Fifa Women’s World Cup) ghi nhận: Mỹ là đội không có đối thủ, với bảng thành tích:
-4 lần vô địch: 1991,1999,2015 và 2019; 1 lần á quân, 3 lần xếp hạng 3; chưa từng bị đứng ngoài top 3 tại các kỳ World Cup.
- Đức chịu đứng sau, với 2 lần vô địch và Nhật Bản, Na Uy mỗi đội 1 lần đăng quang.
Chuyện Bóng Đá Nữ ở Việt Nam ra sao?
Không phải bây giờ, phụ nữ Annam ta mới có bóng đá, mới chơi đá bóng. Nó đã có một lịch sử khá lâu rồi, ở miền đất Nam Kỳ lục tỉnh.
Bản tin sớm nhất về Bóng Đá Nữ, người ta đọc thấy trên tờ: Lục Tỉnh Tân Văn (1907-1944) viết về”trận đấu bóng đá giữa hai đội Phú Mỹ và Chợ Đũi diễn ra ngày 20 tháng Juillet năm 1908 ở Sài gòn”. Ngày 2 Juillet năm 1933, tờ Công Giáo Đồng Thinh (La Voix Commune des Missions Catholiques, Saigon 1927- 1934) và trên tờ tuần báo Nam Kỳ Địa Phận (Semaine Religieuse de Saigon, 1908-1945) đều đăng” trận đấu bóng đá nữ Cái Vồn và Xóm Chay ở Cần Thơ”…
Như vậy, xét về lịch sử, Việt Nam đi tiên phuông, trước cả châu Á. Và Vĩnh Long là địa phương có đội bóng đá nữ đầu tiên ở Việt Nam. Gốc gác đầu đuôi, ngọn nguồn, nghe kể rằng, năm 1933, Cụ Phan Khắc Sửu (1893-1970), một kỹ sư nông học, quê gốc Trà Ôn (một trong những huyện của tỉnh Vĩnh Long) mới từ Pháp về, đệ đơn xin thành lập đội bóng đá nữ mang tên Cái Vồn (nay là Phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long), với ý tưởng nâng cao đời sống của chị em phụ nữ, để nam nữ bình quyền. Theo lời kể của lớp người trọng tuổi còn sống thì cuộc vận động phụ nữ tham gia đội bóng lúc ấy thật là thiên nan, vạn nan, bởi khó mà thoát khỏi quan niệm đạo đức phong kiến đã bám rễ sâu trong não trạng các tầng lớp dân chúng. Hơn nữa, về mặt kinh tế đời sống, người nông dân làng quê Nam bộ hãy còn nghèo khổ, làm ăn, cấy cày lam lũ thì chuyện thể dục thể thao, đặc biệt, bóng đá chỉ là một thứ trò chơi xa xỉ, khó mà chấp nhận được.
Kiên trì với lý tưởng của mình, Cụ Phan Khắc Sửu, từng bước, đã thuyết phục được hơn 30 nữ thanh niên có vóc dáng cao ráo, khoẻ mạnh (dĩ nhiên, chân dài), tuổi từ 18 đến 30, còn độc thân (các cô gái ở nhà quê lấy chồng sớm) sẵn sàng tham gia vào đội bóng và đi thi đấu. Phụ trách huấn luyện, là các ông: Ba Sung, Sáu Sung và Bảy Bá, mỗi người lo một món: thủ môn, phòng vệ, tấn công, đánh đầu, rê dắt, chuyền bóng, sút bóng…. Mấy tháng rèn cặp, đã thấy nổi lên một số cầu thủ tỏ rõ năng khiếu và có nhiệt tình với quả bóng, như: Mười Kén, Hai Tỉnh, Ba Triệu, Năm Tơ, Út Lẹo, Út Thôi; trong đó, xuất sắc nhất, là một em nữ sinh người Pháp 18 tuổi, tên là Margueritte ở vị trí trung phong, có sức càn lướt, làm bàn tốt, được chọn làm đội trưởng. Càng ngày, đội càng được nhiều mạnh thường quân trong vùng hỗ trợ, khuyến khích. Trận ra quân đầu tiên, thi đấu giao hữu với đội bóng nam làng Mỹ Thuận, huyện Bình Minh, Vĩnh Long trên sân đấu chỉ là một thửa ruộng, không còn một chỗ trống. Ngài Quận Trưởng Trà Ôn cũng thân chinh đến xem và tặng cho đội 24 bộ đồng phục thi đấu, cùng 2000 đồng tiền Đông Dương, tương đương 200 tấn lúa tươi làm phần thưởng.
Sau trận ra quân, đội được nhiều đội bóng đá nam cấp huyện, cấp tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long mời thi đấu. Có lần, sang Cần Thơ, đấu với đội Xóm Chay và có lần mang quân lên tận Sài gòn - Chợ Lớn, trổ tài cao thấp với đội Chợ Đũi, với đội Tân Định.Trận này, đội được Tổng Cục Thể Dục Thể Thao Nam Kỳ trao tặng cúp kỷ niệm và số tiền thưởng lên đến 5000 đồng tiền Đông Dương. Sau đó, đội đi thi đấu khắp các tỉnh: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Sa Đéc, đá đâu thắng đó, danh trấn một thời lừng lẫy. Thực ra, khán giả dư sức biết, các đội nam “chơi điệu”, chẳng nỡ đá hết mình hoặc chẳng nỡ để các nàng bị thương, bị thua, bẽ mặt. Hơn nữa, các chàng trai cũng đã được cấp trên dặn dò phải nương ghé, nhẹ nhàng, để nuôi dưỡng và phát triển phong trào phụ nữ. Thế rồi, việc đến, phải đến. Các cô gái đội bóng đá Cái Vồn…theo nhau, “theo chồng, bỏ cuộc chơi”….Đến năm 1938, đất nước bắt đầu bị cuốn vào chiến tranh. Cái Vồn cũng như bao sự kiện khác, chìm trong khói lửa, tan hàng. Cũng theo lời kể của Ông Phan Văn Bình (sanh năm 1927), là em bà con của kỹ sư Phan Khắc Sửu, thì Ông Sửu kêu làm chuyện gì, dân cũng nghe, được vô đội banh là một vinh dự lớn. Trai làng, không ai dám bén mảng, chọc ghẹo gì!”
Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn