Loài hoa thiêng liêng
Cẩm chướng thường được gọi với tên tiếng Anh là Carnation. Danh pháp của hoa là Dianthus Caryophyllus. Chính cái tên Latinh này lại ẩn chứa nhiều huyền thoại thú vị và mang nhiều tranh luận cho đến ngày nay. Dianthus được tạo nên Dios (Chúa) và Anthos (hoa), có nghĩa là hoa của Chúa hay một loài hoa thiêng liêng. Sở dĩ tên hoa được chiết tự như thế là khởi nguồn từ một truyền thuyết trong Kinh Thánh. Chuyện kể rằng, khi nhìn thấy chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập tự giá, đau đớn và xót thương, Đức Mẹ Maria đã không kìm được nước mắt. Từ chỗ nước mắt bà rơi xuống mọc lên những bông hoa màu hồng với vẻ đẹp kiêu hãnh, thanh tao nhưng cánh hoa lại mang dáng hình đau đớn, phảng phất một nỗi buồn như vừa bị một con dao cắt ngang. Đó chính là cẩm chướng - loài hoa tượng trưng cho tình mẹ bao la, vĩ đại.
Một trong những lý do nữa khiến cẩm chướng trở thành sắc hoa đại diện cho tình mẹ chính là cuộc hành trình bền bỉ theo chân cô con gái hiếu thảo Anna Jarvis.
Trong những năm nội chiến của Mỹ 1870, Julia Ward Howe - tác giả bài hát “Battle Hymn of the Republic” đã khởi xướng ý tưởng về Ngày của Mẹ. Trong thời gian đó, cô đã đề nghị lập ra một ngày lễ để tôn vinh các bà mẹ cũng như thúc đẩy hòa bình cho đất nước này. Thế nhưng, phong trào này bị dập tắt không lâu sau đó. Đến năm 1900, ý tưởng về Ngày của Mẹ của bà đã được Anna Jarvis ủng hộ và phát triển.
Anna Jarvis là con gái của bà Anna Marie Reeves Jarvis, người phụ nữ đã tận tụy và cống hiến cả đời với nghề giáo và các hoạt động xã hội ở West Virginia. Năm 1905, khi bà Javis qua đời, Anna đã hứa rằng sẽ thực hiện di nguyện của bà đó là chọn một ngày trong năm để tôn vinh tất cả những bà mẹ, dù còn sống hay đã mất. Cô bắt đầu viết thư cho các nghị sĩ nhờ họ ủng hộ cho một ngày kỷ niệm trên toàn nước Mỹ để trẻ em tôn vinh mẹ mình. Cô đã tranh đấu không ngừng đến năm 1908, Ngày của Mẹ đầu tiên đã được tổ chức. Hôm đó, Anna đã gởi tặng 500 bông hoa cẩm chướng - loài hoa mà mẹ cô yêu thích, cho nhà thờ Andrews ở Grafton, West Virginia. Theo Anna, loài hoa này vừa mang một vóc dáng thanh cao, mỏng manh nhưng lại có sức sống phi thường, ấp ủ bao nỗi niềm tựa như tình mẫu tử. Hơn thế, ngày còn sống, mẹ cô đã luôn tỉ mỉ chăm sóc những bông hoa cẩm chướng trong khu vườn nhỏ để gửi gắm những niềm vui, nỗi buồn của mình.
Mãi đến năm 1910, thống đốc bang West Virginia tuyên bố ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5 là Ngày của Mẹ và năm 1914 dự luật được thông qua tại Quốc hội. Tổng thống Woodrow Wilson đã ký vào bản dự thảo, tuyên bố Ngày của Mẹ là một kỳ nghỉ chính thức tại Hoa Kỳ. Tuyệt vời hơn, sau ngần ấy năm theo chân Anna, cuối cùng cẩm chướng đã chính thức trở thành loài hoa đại diện cho Ngày của Mẹ với sắc đỏ trân trọng người mẹ còn sống, sắc trắng tri ân người mẹ đã khuất và sắc hồng bày tỏ lòng biết ơn, sự hiếu hạnh của con cái đối với đấng sinh thành. (ST)
Nguồn tin: Sưu tầm trên Internet:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn