“HÃY ĐẾN VÀ XEM” : CHỦ ĐỀ NGÀY TGTTXH LẦN THỨ 55

Thứ tư - 27/01/2021 09:18
Ngày 23.01, trước ngày lễ kính nhớ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng các nhà báo, Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Chủ đề “Hãy đến và xem” (Ga 1,46), cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 55, sẽ được cử hành vào tháng 5.2021. Truyền thông bằng cách gặp gỡ con người như họ là và ở nơi họ sống. Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo về nguy cơ các tin tức của các tờ báo, tivi hay radio, sao chép nhau; ngài mời gọi đi vào thực tế để thông tin bằng chính kinh nghiệm gặp gỡ của mình.
ĐTC CÔNG BỐ CHỦ ĐỀ NGÀY TGTTXH LẦN THỨ 55
ĐTC CÔNG BỐ CHỦ ĐỀ NGÀY TGTTXH LẦN THỨ 55
A1


“HÃY ĐẾN VÀ XEM”, những lời của thánh tông đồ Phi-líp-phê là những lời trung tâm của Tin Mừng, vì lời loan báo về Chúa Ki-tô, trước khi là những lời nói, nó được hình thành từ những cái nhìn, chứng tá, kinh nghiệm, gặp gỡ, sự gần gũi.
Những lời này, trích từ Tin Mừng thánh Gioan (1,43-46), đã được Đức Thánh Cha chọn làm chủ đề cho Sứ điệp của mình. Phụ đề của Sứ điệp là: “Truyền thông bằng cách gặp gỡ con người như họ là và ở nơi họ sống.”
Toàn đoạn Tin Mừng: “Hôm sau, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói: Anh hãy theo tôi.” Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô. Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến và xem!”

Thông báo của Tòa Thánh giải thích : Chúng ta đang sống trong sự thay đổi của thời đại, trong thời điểm buộc chúng ta phải giãn cách xã hội do đại dịch, truyền thông có thể tạo ra sự gần gũi cần thiết để nhận ra điều gì là cần thiết và thực sự hiểu ý nghĩa của sự việc.
Chúng ta không biết sự thật nếu chúng ta không trải nghiệm nó, nếu chúng ta không gặp gỡ mọi người, nếu chúng ta không tham dự vào niềm vui và nỗi đau của họ. Câu nói cổ xưa: “Thiên Chúa gặp bạn ở nơi bạn đang ở” có thể là một hướng dẫn cho những người tham gia vào công việc truyền thông hoặc cho việc truyền thông trong Giáo hội. Trong lời kêu gọi các môn đệ đầu tiên, cùng với Chúa Giêsu, Đấng đi gặp họ và mời họ theo Người, chúng ta cũng thấy lời mời gọi sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông, dưới mọi hình thức, để tiếp cận mọi người như họ là và ở nơi họ đang sống. (CSR_7016_2020)
Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 55, có chủ đề “Hãy đến và xem” (Ga 1,46). Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người như họ là và ở nơi họ sống”, được công bố ngày 23/1, trước ngày lễ kính nhớ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng các nhà báo, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo về nguy cơ các tin tức của các tờ báo, tivi hay radio, sao chép nhau; ngài mời gọi đi vào thực tế để thông tin bằng chính kinh nghiệm gặp gỡ của mình.

Hãy đến và xem, theo Đức Thánh Cha, đây chính là phương pháp truyền thông đích thực của con người, để có được sự truyền thông rõ ràng và trung thực. Đây cũng chính là cách mà đức tin Ki-tô giáo được thông truyền.”

Không đi đến và gặp gỡ
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cảnh báo nguy cơ các tin tức không còn được tường thuật như kinh nghiệm gặp gỡ với con người và sự việc; các nhà báo không còn đi đến nơi, “không bị mòn đế giày”. Từ đó, báo chí “không còn khả năng nắm bắt những hiện tượng xã hội nghiêm trọng nhất hoặc những năng lượng tích cực từ nền tảng của xã hội.” Ngài cảnh báo: “Nếu chúng ta không gặp gỡ, chúng ta vẫn là những khán giả bên ngoài dù cho những đổi mới công nghệ có khả năng đưa chúng ta đến với một thực tại được phóng đại và chúng ta dường như đang đắm chìm trong đó.”

Cảm ơn sự can đảm của các nhà báo
Tiếp đến, Đức Thánh Cha cảm ơn sự can đảm của nhiều người chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyền thông, những người với sự tò mò, cởi mở, niềm đam mê, chấp nhận rủi ro, ra đi và mong muốn được nhìn thấy. Nhờ họ mà chúng ta tiếp cận được với bao nhiêu thông tin bị lãng quên. Đức Thánh Cha nói: “Sẽ là một tổn thất không chỉ cho ngành truyền thông, mà cho toàn xã hội và cho nền dân chủ nếu những tiếng nói này mất đi: một sự bần cùng hóa đối với nhân loại chúng ta.”

Cơ hội và nguy hiểm của internet
Internet với các mạng xã hội mang lại các cơ hội nhưng cũng chứa nhiều cạm bẫy. Nó gia tăng khả năng truyền thông, trực tiếp và kịp thời, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp. Nhưng internet cũng có những nguy hiểm của truyền thông xã hội thiếu kiểm chứng, các thông tin và hình ảnh trên web dễ bị thao túng. Từ đó, Đức Thánh Cha kêu gọi sự trưởng thành và trách nhiệm khi đăng tải cũng như thu nhận nội dung từ trang web. “Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành nhân chứng của sự thật: đi đến nơi, nhìn thấy và chia sẻ.”

Không gì có thể thay thế cho sự nhìn thấy của mỗi cá nhân
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “không có gì có thể thay thế cho sự nhìn thấy của chính cá nhân”, vì người ta không chỉ giao tiếp bằng lời nói nhưng bằng ánh mắt, bằng tiếng nói, bằng cử chỉ. “Lời nói hiệu quả chỉ khi người ta ‘nhìn thấy’, chỉ khi bạn tham dự vào một kinh nghiệm, một cuộc đối thoại. Tin Mừng được lan truyền qua những cuộc gặp gỡ cá nhân, như được thấy trong kinh nghiệm của những người đã gặp Chúa Giêsu, hoặc những người đã nghe sứ điệp của Thánh Phaolô. Thánh Phaolô chính là nhà truyền thông vĩ đại, với đức tin, niềm hy vọng, lòng bác ái của ngài đã gây ấn tượng cho những người đương thời.”

Nguồn tin: Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây