NHỮNG MÙA CÀ XƯA CŨ

Thứ năm - 03/12/2020 10:49
Gởi tình yêu vào đất. Được hoa trái đầy cành. Gởi lên trời cao rộng. Sẽ được ngọn sao xanh... (ca dao)
nhung-mua-ca-xua-cu
nhung-mua-ca-xua-cu

Những mùa cà xưa cũ

 

Miền cao nguyên trung phần đất đỏ thân yêu nơi chúng ta đang sống, cứ vào độ cuối tháng 11, đầu những ngày tháng 12 hằng năm là mùa cà phê đỏ chín. Khắp các đồi nương, thung lũng hay đồn điền, xóm rẫy là những vườn cây cà phê trĩu quả đủ màu đỏ xanh hay rực vàng xen lẫn trong tán lá xanh um tùm. Trong từng vườn cây đây đó là tiếng chim hót ca ríu rít xen lẫn những âm thanh ồn ã rộn ràng của người nông dân đang mải mê thu hái quả. Với những người trồng cà phê, đây là mùa cơ cực nhất nhưng cũng là mùa vui nhất trong năm, vui vì họ được thu về thành quả sau một năm với biết bao nhọc nhằn vất vả, vun trồng chăm bón.

Làng quê Châu sơn chúng ta cũng vậy, khi những cơn mưa cuối mùa ngừng rơi kèm theo tiết trời se se lạnh, đó cũng là lúc cả làng bước vào mùa thu hoạch. Những tháng này, không gian nhộn nhịp ở cả hai thôn, nhộn nhịp mừng vui hòa chung cùng với khắp các vùng miền tây nguyên đất đỏ bazan mù sương đầy nắng gió này. Tinh sương, khi tiếng gà rừng đã gáy vọng vang khắp các nương đồi triền núi, khắp các ngả đường trong làng, ngoài xóm, tiếng máy nổ động cơ xe càng , xe độ đã rền vang, người dân lũ lượt mang bao bạt, thức ăn, nước uống tiến thẳng đến các rẫy cà phê chín rực để tranh thủ thu hái, rẫy nào cũng có những tiếng cười rôm rả, tiếng chuyện trò tíu tít, râm ran hòa với tiếng rào rào bứt trái, từng trái từng trái cà phê rơi lộp độp trên các tấm bạt trải dưới gốc cây, nghe vui tai tí tách,niềm vui bé nhỏ của ngày mùa nơi nương rẫy ở chốn xa thành thị phố phường.

 

1
hình ảnh minh họa

Mỗi vụ cà phê chín xưa kia, cũng là dịp để người lao động các nơi kéo nhau lên Tây Nguyên phụ nhà vườn hái cà phê thuê. Người lao động từ , Bình Định, Phú Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh..., cùng nhau bắt xe xuôi về các vùng trồng cà phê trên miền đất đại ngàn đầy nắng gió này. Đa số họ đều là người dân đang rảnh rỗi nông nhàn khi chưa vào mùa gặt hái, họ chỉ tranh thủ lúc này đi xa để kiếm thêm chút thu nhập, hết vụ mùa họ lại trở về quê. Những hình ảnh ấy tạo nên một bức tranh thật rộn ràng, sống động rất riêng của mùa cà phê chín. Vì thế mà tình cảm của người dân Tây Nguyên nơi đây rất thân thiết với bà con các tỉnh Miền Trung cũng như các tỉnh bạn kề bên. Ai đã từng ngược xuôi mải miết qua những rẫy cà phê từ các miền Đức Minh, rồi đến Hà lan, Cư bao Cư Né, Châu Sơn, Ebar vào mùa cà phê chín đỏ này, sẽ được tận hưởng cảm giác rộn ràng tất bật, trong các khu vườn rậm mát xanh um là từng hàng người thấp thoáng người đội mũ lưỡi trai, người đội nón, họ đi theo từng tốp, mỗi tốp cả chục người; từng tốp người ấy lại chia ra thành nhóm, cứ 2- 3 người một nhóm mỗi bạt, hái xong rồi gom lá, đóng bao ì ạch bưng vác. Thu cà phê không phải hái từng quả mà họ trải bạt trên mặt đất rồi mang bao tay tuốt trái trên cành. Mỗi người nếu làm đạt thì mỗi ngày có thể hái được 4 đến 7 bao cà phê tươi, với mức giá nhận khoán khoảng 900 đến 1200 đồng/kg cà tươi như hiện nay thì công việc này cũng mang lại cho những người làm công thu nhập kha khá.
 

3
hình ảnh minh họa

Cũng nhờ những vụ mùa này, nhiều cặp đôi đã nên duyên chồng vợ, các anh trai tráng làng ta đang độ tuổi yêu đương thấy các em xinh xắn dễ thương chân chất nét quê hiền lành nên thầm thương nhớ trộm, cũng vậy, nhiều cô gái đến vùng đất châu sơn trù phú này, thấy trai làng Châu đẹp trai, vừa chăm làm chịu khó, lại nghe nói những tiếng lạ như mô, tê, răng, rứa, nỏ mô.. nghe hay hay nên đem lòng cảm mến yêu thương, dần dà quen hơi rồi tự nhiên "ưng cái Bụng", rứa là cùng thề thốt, chàng thầm thì hứa hẹn, mai mốt mùa xong bạc tiền rủng rỉnh anh sẽ rước nàng về dinh !!, mấy nàng nghe xong, mặt giả bộ ngập ngừng nhưng lòng thì mừng khấp khởi.

Cách đây hơn hai lăm năm, thủa còn khó khăn thiếu thốn, mùa cà phê cũng là dịp các anh em bà con từ các vùng Nghệ an, Hà Tĩnh bắt xe Nam tiến, đa số họ đều có bà con đã rời quê cha đất tổ vào đây sinh sống trước, sau hiệp định Giơneve lịch sử, bởi vậy đây cũng là dịp để anh em, con cháu họ hàng gặp gỡ nhau sau bao năm trời xa cách, nhắc nhở nhau với biết bao nỗi niềm yêu thương nhung nhớ những người còn ở lại quê xa...

Mỗi vị khách uống cà phê, vào những buổi sáng mai, bên ly cà phê thơm phức nồng nàn, chuyện trò ngắm cảnh thưởng thức cái vị đắng, vị ngọt, vị béo thơm dìu dịu của từng giọt cafe dưới mưa phùn cuối vụ đang chầm chậm rơi tí tách những ngày này, có khi nào bất chợt mông lung lơ đãng nhớ đến ngoài kia, nơi những người nông dân đang vất vả tất bật hái thu trong nhọc nhằn mưa nắng, hối hả thu về những quả ngọt cho cuộc đời này thêm hương vị, có cảm thấy thương những người nông dân vẫn còn đang lam lũ phơi phóng, xay bưng giữa lúc đã tối trời trong giá buốt chớm đông?.
 

2
hình ảnh minh họa

Còn người nông dân chúng ta, xen lẫn trong niềm vui ngày mùa này, chúng ta vẫn còn một điều nữa phải ngóng chờ, trông đợi trong thấp thỏm lo âu hy vọng, đó là nghe ngóng trông xem giá cả thế nào, thị trường cà phê mỗi ngày biến động ra sao? bởi vì với những người nông dân chân chất, niềm vui của vụ mùa chỉ thực sự trọn vẹn khi cà phê được mùa và giá tốt. Những vụ mùa bận bịu thu hái phơi phong cứ thế trải dài năm này qua năm khác, nhưng rồi do giá cả trồi sụt thất thường, kèm theo dịch bệnh nên sản lượng kém, trong khi giá cả phân bón ngày mỗi một tăng, cây cà phê ở Châu sơn cứ vì thế dần dần ít hẳn, nhường chỗ cho thanh long, hồ tiêu, bưởi chanh cam quýt xen canh vẩn vơ bầu bí lạc dưa, bởi vậy bóng dáng những người phương xa đổ về nghìn nghịt như bao vụ mùa xưa cũ không còn nữa, bởi thế không khí của mùa vụ mỗi năm càng chùng xuống, không còn được tưng bừng tấp nập, vui mừng rộn rã như thuở xưa.

Thuở đó, mặc cho những ngày mùa với biết bao mệt mỏi, vất vả phơi phong xay xát bận rộn, nhưng cả làng, từ già trẻ, gái trai, ai cũng vui vẻ rạng ngời, tươi cười hớn hở, vì mùa thu hoạch xong cũng là mùa Chầu lượt và giáng sinh cũng sắp đến... những mùa vụ xa xăm rộn ràng ấy giờ đã vụt trôi xa, dần dần mất hút nơi cõi miền tít tắp trong trí tâm ảo mờ cũ kỹ, giờ chỉ biết ngẫm lại thôi mà cảm thấy nhớ, thấy tiếc quá về những mùa vụ cũ xưa no ấm của làng tôi....
 

4
hình ảnh minh họa

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Khải

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây