THÁNG CẦU HỒN, MÙA BIẾT ƠN

Thứ ba - 10/11/2020 04:59
Đạo Phật dành ngày rằm tháng 07 âm lịch và Mùa Vu Lan báo hiếu để nói lên lòng biết ơn Tam Bảo và hiếu nghĩa với mẹ cha. Còn đạo Công Giáo thì dành riêng tháng 11 hàng năm để mời gọi con cái mình kính nhớ và cầu nguyện đặc biệt cho các vị tiền nhân, ông bà, cha mẹ… đã qua đời.
THÁNG CẦU HỒN, MÙA BIẾT ƠN
THÁNG CẦU HỒN, MÙA BIẾT ƠN

Đạo Phật dành ngày rằm tháng 07 âm lịch và Mùa Vu Lan báo hiếu để nói lên lòng biết ơn Tam Bảo và hiếu nghĩa với mẹ cha. Còn đạo Công Giáo thì dành riêng tháng 11 hàng năm để mời gọi con cái mình kính nhớ và cầu nguyện đặc biệt cho các vị tiền nhân, ông bà, cha mẹ… đã qua đời.

Tháng 11 thật đẹp vì trời hãy còn thu, không khí chuyển lạnh, thiên nhiên biến đổi, cây cối thay lá,… Tháng 11 còn đẹp vì người người, nhà nhà được nhắc nhở cầu nguyện và nhường các ơn xá cho các linh hồn nên tháng 11 nở rộ Hoa Linh Hồn, những linh hồn được nhập đoàn chư Thánh nơi Thiên quốc. Tháng 11 cũng là lúc bước gần cuối năm, một năm sắp kết thúc gợi nhớ thời điểm chấm dứt đời người, nhắc nhở tôi về cuộc hành hương của “người lữ khách trần gian” hướng về quê hương vĩnh cửu.

Mỗi khi tham dự Thánh lễ tại nghĩa địa, tôi thường đi sớm và lặng lẽ ngắm dòng người. Có người về từ thành thị, có người đi làm ăn xa ở một miền khác, có người từ nước ngoài… họ trở về từ những nơi khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là hiệp dâng Thánh lễ, cầu nguyện và thắp nén nhang cho những người thân yêu của mình đang an nghỉ nơi đất thánh giáo xứ. Khắp nghĩa địa là cả một làn khói trắng bao trùm, tựa như sương mai của buổi bình minh, dẫu đó là một buổi chiều tà đầu tháng 11. Tan lễ, người sống đến bên phần mộ những người thân yêu đã qua đời, lời kinh hòa với khói hương nghi ngút, như một sự tiếc nuối trước lúc về, để rồi sau đó nghĩa địa sẽ lại vắng lặng giữa khoảng trời đêm. Cầu nguyện cho linh hồn người thân cũng chính là cầu nguyện cho chính mình. Nhắc nhớ đến người thân yêu đã qua đời cũng là nhắc nhở chính mình về bổn phận với người còn sống. 

Mỗi khi đứng trước phần mộ của những người thân, tôi luôn tự bảo mình: nhanh quá. Nhiều năm trước, chỉ có duy nhất ngôi mộ của ông ngoại nhưng đến vài năm sau, mọc thêm phần mộ của bố tôi, và có thể năm tới sẽ thêm những nấm mộ mới nữa. Dẫu biết rằng những người thân yêu rồi cũng sẽ lần lượt ra đi như lá rụng mùa thu, nhưng mỗi lần “lá rụng,” người vẫn rụng rời. Có khi là sự bàng hoàng và ngỡ ngàng vì một ai đó đang khỏe mạnh, trẻ trung lại đột ngột nằm xuống khi tương lai còn đầy hứa hẹn. Có khi là sự đau buồn xót xa vì sự vắng bóng người cha người mẹ sau nhiều năm lao nhọc để nuôi dưỡng con cái. Mất một cây bút hay tiền bạc, người ta có thể dễ dàng kiếm lại được nhưng khi mất đi một người thân, tôi sẽ mất mãi mãi, sẽ chẳng bao giờ “tìm” lại được. Đó là lý do vì sao mà dù đã nhiều năm qua đi, nhưng hình ảnh và cảm xúc của những mất mát ấy vẫn là một phần rất mạnh mẽ trong tôi. Giờ lặng ngắm phần mộ của những người thân, là lúc để tôi nhớ đến công đức sinh thành, những hy sinh và lao nhọc, những gương sáng và tình nghĩa của các ngài. 

Và mỗi khi gặp hay tham dự một đám tang nào đó, tôi tự nhắc mình rằng thời gian đang đến và một ngày nào đó tôi cũng sẽ phải chết như họ. Mỗi ngày là một bước tôi đi dần về sự chết. Bình minh mọc lên, nhắc nhở cho tôi bước cận kề. Đấy cũng là dịp tôi nghĩ đến thân phận mong manh của kiếp người và bổn phận cầu nguyện cho các linh hồn. Ngay hôm nay, tôi cần chuẩn bị cho mình hành trang về với Chúa qua những tay nải đầy những hy sinh, việc lành phúc đức,… vì thánh Gioan Thánh Giá nói: “Vào buổi xế chiều của đời sống, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu.” “Đời sống của người khác tiếp tục tuôn đổ trên tôi trong ý nghĩ, lời nói, việc làm và thành đạt. Và ngược lại, đời tôi tuôn đổ trên những người khác: dù tốt hay xấu. Do đó, lời cầu nguyện tôi dâng cho người khác không phải là một cái gì ngoại tại với người ấy, dù cả sau cái chết…” (ĐGH Bênêđíctô XVI, Thông điệp Spe Salvi, số 48).

Lạy Chúa, mỗi khi chúng con đi qua nghĩa địa hay đứng trước phần mộ của người thân, xin cho chúng con thêm ý thức rằng cuộc đời ai cũng phải chết vì thân phận mỏng dòn yếu đuối, nên phải sống sẵn sàng và tỉnh thức sao cho cuộc ra đi của mình có ý nghĩa. Xin Chúa cũng đoái thương các linh hồn đang còn ở chốn luyện ngục, chúng con xin đồng thanh kêu xin: “Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ đời đời chẳng cùng. Amen.”

Gió Biển

Tác giả bài viết: Gió Biển; https://dongten.net/

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây