Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 12, 13-21)
Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".
Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Ðoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi". Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy".
Suy niệm
Mỗi người sinh ra trong đời này đều cần có cái ăn, cái mặc và các nhu cầu khác, để có được những thứ đó, cần có công ăn việc làm để có tiền, bởi đầu tiên là tiền đâu. Đi tới đâu cũng không tránh được câu điệp khúc đó, ngay cả trong bệnh viện và trường học. Thế thì bước vào nhà thờ, bước vào ngôi nhà của Thiên Chúa, có cần đến tiền bạc như là lộ phí không, chắc chắn là không rồi, nhưng sống trong một xã hội mà những thói quen bất thường đó trở thành bình thường, người tín hữu phần nào cũng ảnh hưởng cơ cấu thực dụng và sự mạnh mẽ của đồng tiền, của vật chất. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 18 thường niên, nhắc nhở cho người tín hữu, đừng để những phương tiện hàng ngày trở thành những thần linh, những ngẫu tượng trong đời sống tinh thần của mình.
Để có được những kinh nghiệm sống, con người nhiều lúc phải chấp nhận thất bại, có chấp nhận sự thật đó, mỗi người mới hiểu được những lời dạy của các bậc tiền nhân. Tác giả sách Giảng viên đã ghi lại những kinh nghiệm sống của bao thế hệ, bao con người đã đối diện với đau khổ, với thất bại và cả những hy sinh, họ đã mạnh dạn chia sẻ những kinh nghiệm đó cho hậu sinh, để phần nào bớt đau khổ và thất bại về vật chất và tiền bạc: “Giảng Viên đã dạy rằng: Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không. Vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không, thì thật là hư không và tai hại lớn lao”. Tranh giành buôn bán, luồn lách để có nhiều lợi lộc có thể kéo dài sự sống, kéo dài cuộc đời được chăng, tất cả chỉ là hư vô, chỉ là phù vân thôi. Biết bao người giàu hôm nay đang phải khóc từng ngày, từng đêm trong ngục tù, cũng chỉ bởi những đồng tiền dơ bẩn, tất cả được coi như thần tượng của cuộc đời, là cứu cánh của mọi người. Một sai lầm lớn lao đã chôn vùi bao cuộc đời trong đau khổ và thất vọng.
Trước những giằng co trong tâm hồn về vật chất, tiền của và hạnh phúc Nước Trời, sẽ chọn bên nào, sẽ giữ niềm tin thế nào, các tín hữu thành Colose cứ mãi băn khoăn, do đó, thánh Phaolo đã lên tiếng chỉ dạy và khuyên bảo họ hãy hướng về mầu nhiệm cứu độ mà Đức Giesu đã thực hiện, Ngài đưa họ từ vũng sâu của tội lỗi trở về ngôi nhà hạnh phúc của Thiên Chúa bằng giá máu của Ngài, vì thế, tham lam và tôn thờ ngẫu tượng vô tình là một thái độ phản bội tình yêu của Thiên Chúa: “Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang. Vậy còn sống trên địa cầu, anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng”. Thiên Chúa đã chăm sóc con người không chỉ đơn thuần là phần hồn, nhưng Ngài còn chăm sóc cả phần xác, bằng cách cho con người nhiều phương tiện trong cuộc sống, những phương tiện đó dù con người sáng tạo bằng khối óc và đôi tay, nhưng đó là sản phẩm của một sinh vật mang họa ảnh Thiên Chúa, vì thế, chúng chỉ là phương tiện phục vụ con người, còn khi con người biến chúng thành cứu cánh, thành thần tượng trong cuộc đời, chúng sẽ lôi kéo con người xa dần Thiên Chúa, Đấng chủ tể cuộc đời con người. Đó là tội con người phản bội Đấng được gọi là Thiên Chúa tình yêu.
Đọc lại bài tin mừng theo thánh Luca, ẩn hiện đâu đó sức mạnh của tiền bạc, của cải, bởi chúng đã phá đổ tình gia đình, tình cộng đoàn và xa hơn là tình hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. Sức mạnh của tiền bạc ghê gớm, bởi khi chúng được đặt lên bàn thờ, chúng sẽ điều khiển cuộc đời con người, làm bại hoại phẩm giá của con người trong cuộc sống và trước mặt Thiên Chúa nữa: “Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu". Lời nhắc của Đức Giesu gởi đến cho các Tông đồ, các môn đệ ngày xưa và hôm nay, đừng tham lam để rồi dẫn đến tình trạng thờ ngẫu tượng. Khi con người chúi đầu vào việc tìm kiếm của cải, tiền bạc cách quá đáng, thì dù người đó là môn đệ của Đức Giesu, là một tín hữu Công giáo, thì hình ảnh của Thiên Chúa không tồn tại trong tâm trí và trái tim của họ nữa, tất cả bị chi phối, bị điều khiển do tiền bạc và của cải. vô tình lúc đó tiền bạc, của cải trở thành Chúa của họ.
Thiên Chúa tạo dựng con người theo họa ảnh của Ngài, để con người được thông chia sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Tiếc rằng, trái tim con người quá vô biên, dù chỉ là một tạo vật, nhưng con người muốn ngang bằng Thiên Chúa, muốn có trong tay quyền bính như Ngài, thế là họ nghe lời con rắn. Tội lỗi đã lôi kéo họ đi vào hố sâu của tử thần. Tất cả đến từ một quả táo, tượng trưng cho cái ăn cái mặc hàng ngày của con người. Lòng tham của con người chưa dừng lại ở đó, chúng còn muốn thay thế Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên họ, bằng những thần linh khác như là của cải, tiền bạc. Tất cả những phương tiện cuộc sống chỉ dừng lại là vô tri vô giác, nhưng con người đã phong thần, phong thánh cho chúng, biến chúng thành thần linh, thành ông chủ trong cuộc đời, để rồi con người quỳ xuống thờ lạy nó, biến cuộc đời mình trở thành đồ đệ của ngẫu tượng. Tự con người đã đánh mất mối hiệp thông giữa Thiên Chúa và bản thân họ, bởi có được gọi là Kito hữu, có được gọi là môn đệ của Thiên Chúa, nhưng trong trái tim họ, trong tâm hồn họ, Thiên Chúa đã chết từ lâu, Thiên Chúa đã bị loại trừ khỏi cuộc đời.
Trở lại với việc sống đạo của người tín hữu Kito. Đức Giesu đã giới thiệu cho con người hai giới răn quan trọng nhất là thờ phượng một Thiên Chúa, hết lòng, hết sức, hết trí khôn và hết sức lực, đồng thời yêu thương anh em như chính mình. Thế nhưng, khi bước vào cuộc sống, trái tim và tâm hồn người tín hữu không còn chỗ cho Thiên Chúa hiện diện và ở lại, thì lấy đâu ra tình yêu thương để quan tâm, để chăm sóc và để chia sẻ với anh chị em, đặc biệt là người nghèo khổ, bệnh tật và bất hạnh. Tiền bạc của cải đã phá vỡ hạnh phúc gia đình, tình vợ chồng bị rạn nứt cũng chỉ vì tiền bạc, tình cha mẹ - con cái cũng bị phá đổ nghiêm trọng chỉ vì chia chác của cải không công bằng, con cái bất hiếu với cha mẹ cũng vì tiền, anh em loại trừ nhau cũng vì tiền bạc, bao nhiêu câu chuyện thương tâm đã và đang xảy ra trong gia đình của Thiên Chúa, tất cả cũng vì tiền bạc, của cải. Tình làng nghĩa xóm, tình hiệp thông xứ đạo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi của cải tiền bạc được coi là thần linh, đang dần thế chỗ Thiên Chúa giữa xứ đạo, giữa gia đình Thiên Chúa. Tiền bạc của cải còn tục hóa những giá trị thánh thiêng từ đời sống phụng vụ của Giáo hội, tất cả hầu như đang khoác lên chiếc áo của chủ nghĩa hưởng thụ và tiêu thụ theo phong cách thực dụng của thế gian.
Hạnh phúc của người tín hữu là luôn được Thiên Chúa nhắc nhở, chỉ dạy và sửa trị khi có lầm lỗi, nhưng đáng lưu tâm hơn đó là sự tôn trọng quyền tự do của con người. Thiên Chúa muốn cứu độ con người, Ngài đã hỏi ý kiến mỗi người. dù biết là thế, nhưng con người vẫn luôn tìm cho mình một cuộc sống thật sung túc, đầy đủ tiện nghi và được bao bọc an toàn bởi sức mạnh của tiền bạc, của cải. Với tính tham lam như thế, một cách vô tình, con người đang làm một phép so sánh nhỏ, sự quan tâm đến từ tình yêu của Thiên Chúa có hiệu quả bằng sức mạnh vô biên và vỏ bọc của tiền bạc không ? trong thái độ sống ẩn hiện tính so sánh như thế, nên hành trình đức tin của người tín hữu, có những lúc rơi vào tình trạng dùng tiền bạc của cải để mua lấy đời sau, hoặc dùng sức mạnh của nó để tác động lên những sinh hoạt của Giáo hội. Hiện đang xuất hiện những chiếc áo quyền lực đến từ tiền bạc, những chiếc áo đó đang làm thay đổi dung mạo của Giáo hội, làm đảo lộn những giá trị thánh thiêng của đời phục vụ và tinh thần truyền giáo. Nên chăng tinh thần hướng đến một Giáo hội hiệp hành, sẽ bắt đầu loại bỏ sức mạnh vô hình của tiền bạc đang tác động đến Giáo hội, để Giáo hội mãi là tinh tuyền, không vết nhơ, không nhăn nheo vì tinh thần thế tục và do hệ quả của sức mạnh vật chất.
Lạy Chúa Giesu, hiểu được tính yếu đuối của con người, Ngài đã nhắc nhở, căn dặn đừng tham lam của cải vật chất, sẽ vô tình thờ ngẫu tượng trong cuộc đời, như thế là đuổi Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, xin giúp chúng con luôn biết chọn Chúa là gia nghiệp duy nhất cho cuộc đời, luôn biết phân biệt đâu là giá trị vĩnh cửu, đâu là giá trị ảo tưởng, để niềm tin của mình không bị tục hóa và mai một. Chúa đã dành chỗ nhất trong trái tim, trong tâm hồn của mình cho Thiên Chúa Cha, xin hướng dẫn chúng con biết cách làm mới trái tim của mình, đừng để cho của cải vật chất lấp đầy chỗ ở của Chúa trong tâm hồn và trong cuộc đời của mình. Amen.
Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn