Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 24, 46-53)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như đã ghi chép là Ðức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Ðấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống". Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen.
Suy niệm
Khi được chứng kiến vinh quang của Đức Giesu trên đỉnh núi Tabor, các Tông đồ như chìm ngập trong niềm hạnh phúc và vui sướng, thế nhưng, niềm vui và hạnh phúc đó chưa thể sánh bằng niềm vui và hạnh phúc khi các ông được chứng kiến Thầy mình được cất nhắc lên trời trong tiếng hát của các Thiên Thần. Niềm vui của ngày lễ Thăng Thiên nhắc cho chúng ta hôm nay hãy hướng về điểm đến cuối cùng của người tín hữu là niềm hạnh phúc và bình an trong Nước Trời, để từng ngày chúng ta cố gắng vượt qua những thăng trầm, những khó khăn trong hành trình theo Chúa, trong vai trò là một chứng nhân tin mừng phục sinh, một nhân chứng họa lại cuộc đời của Con Thiên Chúa làm người. Mừng lễ Chúa Giesu lên trời không đưa con người đến chỗ buồn tủi, hụt hẫng, nhưng là khởi đầu một niềm hy vọng khi Con Thiên Chúa, trong bản tính con người, nay được Thiên Chúa thưởng công trong vinh quang vĩnh cửu của Thiên Chúa, thì con người ngày sau cũng được bước vào chốn vinh quang đó nếu tin nhận một Thiên Chúa, nếu chấp nhận đi theo con đường thương khó của Đức Giesu, Đấng Cứu Độ trung gian duy nhất.
Với những quan niệm về thưởng phạt, về trời đất và địa ngục vào thời các tác giả viết Kinh thánh, chúng ta hôm nay dễ nhìn nhận biến cố Chúa lên trời như các Tông đồ, như các tín hữu thời sơ khai, họ nghĩ rằng Thầy Chí Thánh sau khi hoàn tất sứ vụ của mình, được Chúa Cha sai các Thiên Thần đến, đem về trời cao để sống, bởi đó là nơi ở của các thần linh, của Thiên Chúa. Cách suy nghĩ đó được tác giả sách Tông đồ Công vụ diễn tả trong bài đọc 1 như sau: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?" Người bảo họ rằng: "Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất". Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông”. Các Tông đồ cùng với các cộng đoàn phải đợi tới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, họ mới hiểu phần nào về niềm vui Nước Trời dành cho những ai biết chu toàn thánh ý Thiên Chúa, cũng như sống theo đường lối của Ngài.
Đức Giesu khi bước vào lịch sử nhân loại để thi hành thánh ý Chúa Cha, Ngài cũng chỉ như một tác viên của Thiên Chúa. Trong phận con người như bao người, Đức Giesu luôn tìm thánh ý Cha, luôn thực hiện ý Cha muốn, do đó, sau khi hoàn tất sứ mạng của mình, Đức Giesu được Chúa Cha trọng thưởng, đưa về chốn trời cao trong vinh quang vượt trội của Thiên Chúa, bởi nơi từ đó Ngài đã ra đi, Ngài luôn mong sao cho ý Cha được thành toàn, cho chương trình cứu độ của Cha được thực hiện. Thánh Phaolo, sau khi trở lại, ngài đã chiêm ngắm chiều kích của người tôi tớ trong con người Giesu lịch sử, thánh nhân tìm gặp một hình ảnh người đầy tớ trung tín, khôn ngoan, đã được ông chủ là Chúa Cha thưởng công bằng cách đặt mọi sự dưới chân của Người Con duy nhất đó: “Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau”. Phần thưởng lớn lao dành cho người trung tín, cho người có niềm tin dù nhỏ bé nhưng chân thành, là được ở bên hữu Thiên Chúa trong ngôi nhà tình yêu của Ngài.
Trước lúc được cất nhắc lên trời, Đức Giesu đã căn dặn các Tông đồ hãy cố gắng thực hiện sứ mạng của mình cách trọn vẹn, để mai sau các ông được vào nơi hạnh phúc mà người chủ dành cho các đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Phần thưởng lớn lao đó chỉ dành cho những người tin vào một Thiên Chúa, biết tìm đến ơn cứu độ của Ngài theo con đường Đức Giesu đã giới thiệu, đồng thời, sau khi được tái sinh trong nước và Thánh Thần, họ phải là những chứng nhân sống động và tích cực của tin mừng phục sinh: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như đã ghi chép là Ðức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy”. Biến cố Đức Giesu được cất nhắc lên trời không thể hiểu theo quan niệm của nhân loại, đó là một dấu chỉ hướng về ngày chung thẩm, ngày Thiên Chúa thưởng công cho những ai tin vào Ngài, dù có phải chấp nhận đau khổ, bắt bớ, nhưng vẫn một niềm tin yêu phó thác. Đức Giesu đi trước để dọn chỗ cho các môn đệ của Ngài như lời Ngài đã trăn trối cho các môn đệ ngày xưa và chúng ta hôm nay. Vậy chung cuộc của hành trình đức tin của các tín hữu là Nước Trời mai sau hay là những phần thưởng hôm nay theo kiểu thế gian ?
Vào thời các Tông đồ cũng như các tác giả viết Kinh thánh, quan niệm về trời là nơi các thần linh, nơi Thiên Chúa và các Thiên thần hiện diện, do đó, Đức Giesu xuống trần gian, tới mặt đất, nơi con người cư ngụ, để chiến đấu chống lại ma quỷ, chống lại sự dữ, sau khi hoàn tất sứ mạng trong chiến thắng, Ngài được các Thiên thần đem lên trời trở lại. Đó là cách nhìn biến cố lên trời vào thời điểm cách chúng ta hơn hai ngàn năm, thế thì hôm nay biến cố đó còn được nhìn dưới lăng kính hạn hẹp và mang tính trần thế như vậy nữa không. Chắc chắn là không, biến cố lên trời của Con Thiên Chúa được nhìn nhận là một sự chiến thắng của Con Thiên Chúa trong nhân tính của Ngài. Vâng lời Chúa Cha, Đức Giesu mặc lấy bản tính nhân loại, nhưng luôn thực hiện ý Cha mọi lúc mọi nơi, do đó, sau khi đã vượt qua cái chết trong sự phục sinh vinh quang, Đức Giesu, trong vai trò nhân tính, được Chúa Cha đem về trời để gợi nhắc cho các môn đệ của Ngài, bất cứ ai tin nhận vào Thiên Chúa, sống ơn gọi của mình cách trọn vẹn theo con đường Đức Giesu giới thiệu, thì ngày sau họ sẽ được hưởng niềm vui Nước Trời, đó là phần thưởng lớn lao cho người đầy tớ trung tín và khiêm nhường.
Sống trong một xã hội thực dụng, người tín hữu không khỏi bị lây nhiễm quan niệm là phải tận hưởng tất cả từ hôm nay, phải trải nghiệm vui buồn sướng khổ, thành công, thất bại trong cuộc đời này, đợi mai sau còn gì là niềm vui và hạnh phúc. Do đó, người tín hữu vô tình xa lạ với ý nghĩa của biến cố về trời của Thầy mình. Hơn nữa, người tín hữu Kito còn giới hạn phần thưởng hạnh phúc đó, cho là Thiên Chúa đã định đoạt cho ai, người ấy được hưởng. Ơn cứu độ và phần thưởng Nước Trời không dành cho riêng ai, mà là cho tất cả mọi người, mọi dân tộc và mọi thế hệ, bất cứ ai tin vào một Thiên Chúa duy nhất, sống và thực hiện những gì Ngài hướng dẫn, đặc biệt là tuân giữ các giới răn của Ngài, họ sẽ được cứu độ, họ sẽ được ngụp lặn trong niềm vui và hạnh phúc Nước Trời.
Để cảm nếm niềm vui Nước Trời mai sau, người tín hữu cần thay đổi suy nghĩ của mình trong niềm tin, cần thay đổi cách suy nghĩ về ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người, và cũng cần thay đổi quan niệm về trời của Đức Giesu trong suy nghĩ của mình. Đức Giesu là Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa, Ngài mặc lấy bản tính con người, để chia sẻ phận người hữu hạn với con người. Đồng thời, từ đây Ngài mở cho con người cánh cửa, để con người cố gắng sống tinh thần Nước Trời ngay từ hôm nay trong mỗi ơn gọi của mình, hầu mai sau họ được Thiên Chúa đón tiếp vào ngôi nhà của Ngài là Nước Trời. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Sống giữa thế gian, người tín hữu cần giữ hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn cách xác tín và thánh thiêng, đừng đánh đồng với những giá trị của thế gian, đừng đặt Thiên Chúa ngang hàng với các thần linh khác. Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Ngài để chia sẻ, để cảm thông chứ không phải để hòa tan, chứ không phải để vong thân.
Lạy Chúa Giesu, Chúa đã được Chúa Cha đón về trời trong tiếng hát của các Thiên Thần, đó là niềm vui của người tôi trung luôn thực hiện ý Cha, xin cho chúng con hôm nay trong bậc sống của mình, biết cố gắng chu toàn trọng trách của người tôi tớ bất tài, để mai sau được hưởng niềm vui Nước Trời. Chúa đã chấp nhận những đau khổ, những mất mát, những thiệt thòi trong phận con người, để rồi Chúa Cha đón Ngài về trời trong phận người như chúng con, xin giúp chúng con biết cố gắng từng ngày, biết chấp nhận để Chúa Thánh Thần mài dũa cuộc đời cho xứng đáng với ơn gọi làm con Thiên Chúa, để mai sau được ngụp lặn trong niềm hạnh phúc Nước Trời. Amen.
Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn