CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 18/02/2023 05:46
Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ bảy thường niên, mời gọi các tín hữu hãy sống giới luật của tình yêu, hãy thực hành giới luật đó để trở nên giống Đấng đã sống và chết cho tình yêu.
CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 5, 38-48)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe bảo: 'Mắt đền mắt, răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.

"Các con cũng đã nghe dạy rằng: 'Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành".

 

Suy niệm

Bất cứ thời đại nào, dân tộc nào, tình yêu vẫn mãi là một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống. Có thể nói, tình yêu còn được coi là động lực giúp con người vượt qua mọi thử thách trong, chiến thắng mọi kẻ thù, thực hiện những kế hoạch có phần hoang tưởng. Với người tín hữu Kito, tình yêu giúp họ tìm gặp Đấng họ tin tưởng, gặp Đấng đã chết cho họ, Đấng ấy đã dạy họ hãy yêu để được nên giống Đấng ấy, vì thế, hãy yêu đi, hãy sống cho tình yêu, hãy thay đổi cái nhìn của mình về Thiên Chúa, về tha nhân, để yêu, để sống và để phục vụ. Chính khi yêu bằng một tình yêu đích thực, sẽ là một động lực giúp con người vượt qua giới hạn của sự thù ghét, vượt qua giới hạn của những luật lệ thế gian, giúp con người sống với nhau bằng một mối tương quan mới theo lề luật của tình yêu. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ bảy thường niên, mời gọi các tín hữu hãy sống giới luật của tình yêu, hãy thực hành giới luật đó để trở nên giống Đấng đã sống và chết cho tình yêu.

 

Sau khi được Môi-sen dẫn ra khỏi đất Ai cập, qua từng biến cố, từng chặng đường, người Do thái phần nào nhận ra sự hiện diện của Giave là một sự hiện diện gần gũi, đầy yêu thương, thế nhưng, vì sự yếu đuối của phận người, không thiếu những lần họ đã phản bội tình yêu đó. Môi-sen đã hơn một lần cầu xin lòng nhân từ của Giave, xin tha thứ cho họ, đồng thời, ông cũng hướng dẫn con cái Israel hãy biết sống theo những gì Giave dạy dỗ: “Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy nói cho toàn thể cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Ðấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi. Ðừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Ðừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương”. Thiên Chúa mong muốn con người nên thánh khi họ được gọi là một dân riêng của Thiên Chúa, là Đấng Thánh, vì thế, trong mọi lề luật, Thiên Chúa đều hướng dẫn họ sống trọn lành, sống thánh thiện. Ngài không muốn họ phải hư đi, không muốn họ bị đồng hóa với những dân ngoại bang, nhưng phải thay đổi đời sống hàng ngày trong sự cố gắng của bản thân.

 

Cộng đoàn dân Chúa tại thành Corintho là những người ngoại giáo trở lại, họ còn để cho những tập tục, những sinh hoạt tinh thần của dân ngoại chen lẫn vào trong đời sống phụng tự của Kito giáo, vì thế, thánh Phaolo đã khuyên bảo mọi người đừng để bản thân trở nên một con người hai mặt, lúc thế này, lúc thế kia, hãy biết chuyên tâm rèn luyện để trở thành con cái của Thiên Chúa: “Ðừng có ai lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy hãy nên điên dại để được khôn ngoan: vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại đối với Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: "Chính Người bắt chợt những người khôn ngoan ngay trong xảo kế của họ". sự khôn ngoan của thế gian sao sánh được sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa là Đấng Thánh, thế nhưng, các cộng đoàn giáo hội sơ khai đến từ dân ngoại, phần vì còn ngại ngùng, phần vì bị dụ dỗ, họ đã để cho những lề luật cũng như truyền thống tâm linh ảnh hưởng nhiều đến niềm tin, đến tâm tình thờ phượng Thiên Chúa. Vì thế, dù con người có dùng kế hoạch nào cũng không bao giờ qua được đôi mắt của Thiên Chúa, Đấng Thánh đang hiện diện trong thế giới này.

 

Sống trong một đất nước luôn đề cao truyền thống và đặc biệt là lề luật tôn giáo, người Do thái luôn coi lề luật là khuôn vàng thước ngọc, coi giá trị của lề luật là cứu cánh, vì thế, khi Đức Giesu xuất hiện, Ngài lên tiếng về sứ vụ của Ngài là kiện toàn lề luật, đưa lề luật lên một tầm cao mới. Khởi đi từ luật công bằng, con người cần tôn trọng phẩm giá cũng như công sức lao động của nhau, có sống với nhau bằng sự công bằng đích thực, con người mới vươn lên một tầm cao mới, đó là những gì Đức Giesu đã dạy bảo trong bài tin mừng hôm nay: “Các con cũng đã nghe dạy rằng: 'Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Đây là giới luật của tình yêu. Nhắc đến tình yêu là nhắc đến một khái niệm xem ra khó hiểu, khó thấy, người ta chỉ thấy những việc làm của tình yêu, những câu chuyện hy sinh vì tình yêu, ngay cả sự sống bản thân. Để thực hành giới luật của tình yêu, cần có một sự thay đổi toàn diện, từ cái nhìn, đến nhận thức, từ quan niệm đến thái độ sống hàng ngày của bản thân.

 

Bước vào thế giới của tình yêu, con người cảm thấy mình nhỏ bé, nhưng cũng không kém phần thú vị, bởi tình yêu làm cho sức sống nội lực luôn tăng đột biến trước một công việc hay một con người mình yêu. Tình yêu còn là sức mạnh giúp con người vượt mọi trở ngại và thách đố, để có thể được gần gũi, được chiếm đoạt và được cận kề bên nhau. Cảm nghiệm được vị ngọt của tình yêu, khởi đầu cần một sự thay đổi tích cực từ bản thân, suy nghĩ, nhận thức của con người bấy lâu nay chỉ tạm dừng ở vạch công bằng. Sống công bằng phần nào giúp con người nhận ra mình và nhận ra nhau rồi, bước thêm một nấc thang nữa, con người như chạm được vào tình yêu, họ không còn quan tâm đến sự công bằng, chỉ mong sao chạm được người mình yêu, công việc mình yêu.

 

Đức Giesu, Con Thiên Chúa làm người, Ngài cũng là Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn có tên gọi là Đấng Tình yêu. Chúa Cha đã yêu con người đến nỗi hy sinh cả đứa con duy nhất của mình cho con người. Có tình yêu nào lớn cho bằng tình yêu đó. Đức Giesu, sứ giả của tình yêu Thiên Chúa, đi vào thế giới đã thể hiện bản chất của Thiên Chúa là tình yêu. Ngài không nỡ dập tắt tim đèn còn khói, Ngài không nỡ kết án một nạn nhân của tội lỗi, Ngài không nỡ dập tắt hy vọng của những con người tội nghiệp khi mang trên mình những căn bệnh nghiệt ngã, để rồi chữa lành cho họ, dù có vi phạm lề luật công bằng. Như một vở kịch của tình yêu, Ngài đã hiến dâng sự sống của mình, để giải thoát con người khỏi thân phận nô lệ tội lỗi và sự chết, dẫu chết trong đau khổ và oan ức, không một lời than trách, trái lại còn cầu xin sự tha thứ cho những kẻ giết mình.

 

Thế giới hôm nay đang lạnh cóng tình người, chiến tranh và thiên tai đã và đang cướp đi bao nhiêu sinh mạng, nếu con người trong xã hội tiến bộ này, biết sống theo những giới luật của tình yêu, chắc chắn chiến tranh sẽ chấm dứt, thiên tai có đến cũng vơi bớt những xót xa. Con người vẫn cố gắng thay đổi cách nhìn và nhận thức của mình, nhưng họ chỉ thực hiện giới luật của tình yêu với những ai mang đến cho họ lợi ích cách này cách khác, còn những người khác, họ chỉ thi hành luật tình yêu như là bố thí, để rồi người nhận phải mang ơn suốt đời. Giới luật của tình yêu là phục vụ không tính toán, phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ, nhưng làm sao để những tâm tình đó thẩm thấu vào mọi sinh hoạt của con người, khi họ đang sống trong một thế giới thực dụng, đề cao vật chất, giảm nhẹ những giá trị tinh thần, những giá trị tôn giáo.

 

Lạy Chúa, Chúa đến trong ngôi nhà của nhân loại, chứng kiến bao cảnh tang thương vì sự ích kỷ của con người, thấy rõ những toan tính rất hẹp hòi của nhân loại, ngay cả những người môn đệ của Chúa, những người được coi là lãnh đạo tôn giáo, xin cho chúng con hiểu rằng, cái chết của Chúa là đỉnh cao của tình yêu, nhờ đó chúng con mới được sống và được gọi là con cái Thiên Chúa. Cuộc sống con người ngày càng tiến bộ, nhưng các giá trị tinh thần, trong đó những giá trị nhân văn ít được quan tâm, ít được trân trọng, xin hướng dẫn chúng con, khởi đi từ những việc làm nhỏ bé trong tinh thần phục vụ, chúng con bước vào thế giới của tình yêu, nơi đó, sức mạnh của tình yêu sẽ biến đổi chúng con trở thành lời chứng sống động của mầu nhiệm thập giá và phục sinh, một mầu nhiệm đậm nét giới luật tình yêu. Amen.

 

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây