Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 17, 1-9)
Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: "Các con hãy đứng dậy, đừng sợ". Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: "Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại"
Suy niệm
Sám hối và đổi thay cuộc đời là lời mời được gởi tới cho mỗi tín hữu trong suốt thời gian mùa chay, sự cố gắng để đổi thay tinh thần và thái độ sống, sự âm thầm trong chay tịnh và nguyện cầu, tất cả hòa quyện trong màu tím của hy vọng chứ không là thất vọng hay buồn chán. Phụng vụ Lời Chúa tuần thứ hai mùa chay khơi lên ngọn lửa của niềm hy vọng và sức sống mới, cho những ai cố gắng đổi thay cuộc đời và hướng tâm tình sống của bản thân tới niềm hạnh phúc của vinh quang Nước Trời. Thiên Chúa luôn mở rộng cánh cửa tương lai cho con người, để mỗi ngày sống sẽ là một hạt giống hy vọng và niềm vui, gieo vào thế giới, gieo vào lòng người.
Đáp lại lời mời của Giave, tổ phụ Abraham từ bỏ tất cả, ra đi trong niềm phó thác. Ông còn được Giave hứa ban cho một dòng dõi đông như sao trên trời, như cát ngoài biển, thế nhưng, ở tuổi bát tuần, làm sao có con đàn cháu đống, để có một dòng dõi lớn được. Trước những nghịch lý cuộc đời là vậy, ông vẫn tin tưởng vào Thiên Chúa. Câu chuyện trong bài đọc 1 kể lại lời Thiên Chúa hứa ban cho ông một tương lai sáng lạn, một vị cha của một dân tộc lớn, khi trong gia đình chưa có một đứa con nào: “Khi ấy, Chúa phán cùng Abram rằng: "Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn, Ta sẽ ban phúc cho ngươi, cùng làm vinh danh ngươi, ngươi sẽ được diễm phúc”. Một xứ sở lớn, một dân tộc lớn, một cuộc đời hạnh phúc, tất cả như là ảo tưởng đối với một con người bình thường ở tuổi của ông, thế nhưng, đến hôm nay cũng như mọi thời, người ta luôn nhắc đến ông với danh xưng là tổ phụ một dân của Thiên Chúa, là cha của những kẻ tin. Kế hoạch của Thiên Chúa, làm sao con người có thể hiểu tường tận và thấu rõ mọi sự.
Thánh Phaolo, khi đứng trước những thách đố của sứ mạng, ngài luôn có một cách nhìn tích cực, đó là hướng về tương lai trong niềm tin và hy vọng. Bởi có một cách nhìn như thế, mọi công việc, mỗi bước đi trong hành trình truyền giáo, luôn có những động lực, giúp cho người môn đệ tự tin sống và thực hành những giá trị của tin mừng. Lời động viên của thánh nhân dành cho người học trò là Ti-mô-thê, cho chúng ta thấy tâm tình sống của thánh Phaolo thật tích cực và đầy hy vọng: “Con thân mến, con hãy đồng lao cộng tác với Cha vì Tin Mừng, nhờ quyền lực của Thiên Chúa, Đấng giải thoát và kêu mời chúng ta bằng ơn thiên triệu thánh của Người, không phải do công việc chúng ta làm, mà là do sự dự định và ân sủng đã ban cho chúng ta từ trước muôn đời trong Đức Giêsu Kitô, nhưng bây giờ mới tỏ bày bằng sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta”. Cộng tác với Thiên Chúa là một niềm vui và hạnh phúc cho con người, thánh nhân luôn tâm niệm điều đó để rồi chính cuộc đời của ngài, cũng như các học trò sau này, luôn phục vụ trong tinh thần hy vọng và mừng vui của một người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, được chủ nhân yêu thương và tin tưởng.
"Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia", quả thực đúng như thế, nếu được ở lại trên đỉnh núi chìm ngập trong vinh quang và hạnh phúc của Thiên Chúa như vậy, còn ai mong trở lại trần gian làm gì cho mệt mỏi, cho sân si nữa. Tâm trạng các môn đệ ngày xưa cũng là tâm trạng của người tín hữu hôm nay, thế nhưng, bước vào mùa chay là thời gian được mời sám hối, được mời ăn chay, lấy đâu ra vinh quang và hạnh phúc, lấy đâu ra hy vọng và mừng vui cho cuộc đời. Sau khi chứng kiến vinh quang và hạnh phúc đích thực đến từ Thầy mình, các ông còn phải trở lại với sứ mạng, với cuộc sống đời thường, còn phải vật lộn với bao thách đố giữa cuộc đời nữa, chứ đâu được ở lại trong những túp lều của niềm vui và hy vọng trên núi đâu.
Dù được hứa ban cho một dòng dõi đông như sao trên trời, trong lúc chưa có một đứa con nào, tổ phụ dân riêng của Thiên Chúa vẫn hy vọng, bởi ông đã chọn con đường từ bỏ tất cả để đi theo Thiên Chúa chỉ dẫn. Dù có một đứa con duy nhất vào lúc bát tuần cuộc đời, ông còn thực hiện lời đề nghị là hiến tế đứa con cho Thiên Chúa, ông sẵn sàng lên đường, vậy thì tương lai có được như lời Ngài đã hứa không ? cuộc đời của tổ phụ Abraham cho chúng ta thấy đau khổ và vinh quang là hai mặt của một vấn đề, để trở thành tổ phụ một dân tộc lớn, ông phải từ bỏ tất cả trong đau khổ, để trở thành cha của những người tin, ông phải hiến tế người con trai duy nhất của mình, để trở thành người tôi trung của Thiên Chúa, ông từ bỏ tất cả, kể cả sự sống của bản thân. Một cuộc đời đầy vinh quang hôm nay, nhưng hôm qua phải trả những cái giá đắt đỏ trong đau khổ, thất vọng và buồn thảm.
Con Thiên Chúa làm người với một sứ mạng là cứu độ con người, theo chương trình của Thiên Chúa Cha, dù là Thiên Chúa làm người, nhưng phải sinh ra trong một hoàn cảnh bi đát, và trong một gia đình vô cùng khó khăn, trong một đất nước nghèo nàn. Dù vinh quang đến mức các môn đệ kinh hoàng khi chứng kiến, nhưng Con Thiên Chúa phải chấp nhận sự chống đối của các vị lãnh đạo tôn giáo, chấp nhận bị gán ghép là kẻ phạm thượng, coi thường lề luật và tôn giáo, hơn thế nữa, Ngài còn phải chấp nhận một bản án bất công và một cái chết nhục nhã, trần trụi trên thập tự, thế thì vinh quang của Ngài ở đâu rồi, vinh quang mà các học trò chứng kiến trên núi Tabor cùng với những lời Chúa Cha xác nhận, chỉ là những ảo tưởng sao, chỉ là một màn kịch thôi sao ? tất cả xem ra là nghịch lý, là thất vọng cho những ai đang đặt tất cả niềm tin vào Ngài. Vậy hôm nay tôi tin vào một Thiên Chúa có những nghịch lý như thế, làm sao tương lai của tôi có thể hạnh phúc và đầy hy vọng được ?
Sự khôn ngoan của thế gian là sự điên dại đối với Thiên Chúa, sự khôn ngoan của Thiên Chúa làm sao con người có thể hiểu và chấp nhận ngay được, bởi trong kế hoạch cứu độ con người, Thiên Chúa đã mạc khải tình yêu của Ngài qua từng biến cố, qua từng cuộc đời của những con người được cộng tác với Ngài. Đau khổ và vinh quang luông song hành với nhau, luôn tồn tại như là hai mặt của một câu chuyện, để con người có thể thấy được chiều sâu của mầu nhiệm tự hủy, của tình yêu tự hiến, chiều sâu đó không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt, nhưng dùng chính cuộc đời và sự sống, để làm hiển lộ tất cả. Nếu không có mầu nhiệm tử nạn, làm sao có được vinh quang của mầu nhiệm phục sinh, nếu không có những ngày khổ luyện, làm sao có được những thành công nhất định, những huy chương lấp lánh vàng. Tất cả đến từ sự cố gắng của bản thân, sự hy sinh trong chọn lựa và sự từ bỏ trong tự do. Thiên Chúa mời con người bước vào mùa chay để thể hiện giá trị của một tạo vật mang hình ảnh và hơi thở của Thiên Chúa, họ được tự do để dấn thân theo Ngài, họ được chọn lựa để hướng tới vinh quang hay ở lại trong hố sâu của tội lỗi, có như thế, mỗi ngày sống con người có thể thấy được phần nào sự trân quý Thiên Chúa dành cho con người lớn lao thế nào.
Lạy Chúa, để chấp nhận được những khổ đau, những thách đố trong cuộc đời, đòi hỏi con người phải từ bỏ mỗi ngày và thay đổi nhận thức về cuộc đời, xin Chúa giúp chúng con biết tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, biết hướng về tương lai của sự sống đời đời, bởi đó là động lực sống, là niềm hy vọng cho cuộc đời. Chúa đã đi qua mầu nhiệm thập giá mới đi vào vinh quang của mầu nhiệm phục sinh, xin cho chúng con được đồng hành với Chúa, để đóng đinh cái tôi và sự ích kỷ của mình, hầu trở nên con người mới ngập tràn niềm vui của mầu nhiệm phục sinh vinh quang. Amen.
Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn