CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Thứ bảy - 20/03/2021 19:53
Chúa nhật tuần thứ năm là chúa nhật cuối cùng Mẹ Giáo hội mời con cái mình hãy thẩm định lại niềm tin, tình yêu và lòng mến dành cho Thiên Chúa, để cùng với người Con Thiên Chúa, tiến vào con đường khổ nạn và hướng về sự vinh quang của niềm vui phục sinh.
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 12, 20-33)

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: "Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu". Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: "Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha". Lúc đó có tiếng từ trời phán: "Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa". Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: "Một thiên thần nói với Ngài". Chúa Giêsu đáp: "Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta". Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

 

Suy niệm

Khi những ngày cuối của mùa chay đang gần kề, cũng là lúc hình ảnh của cây thập giá càng rõ nét hơn trên đỉnh đồi Can-vê, và cũng là lúc người tín hữu Kito được mời gọi cách quyết liệt hơn, để can đảm dấn thân theo Thầy Chí Thánh bước vào con đường khổ nạn, được mời cùng vác thập giá với Thầy, được mời cùng lên núi Sọ và cùng đóng đinh với Thầy. Cái chết của Thầy Chí Thánh, đưa người môn đệ đi vào một hành trình mới, hành trình của hạt lúa đã chấp nhận mục nát, để rồi sinh ra nhiều bông hạt mới. Để có thể chấp nhận được mầu nhiệm đau khổ này, cần có một tình yêu đủ lớn, đủ mạnh và đủ rộng lượng, mới có thể theo Thầy đến cùng. Chúa nhật tuần thứ năm là chúa nhật cuối cùng Mẹ Giáo hội mời con cái mình hãy thẩm định lại niềm tin, tình yêu và lòng mến dành cho Thiên Chúa, để cùng với người Con Thiên Chúa, tiến vào con đường khổ nạn và hướng về sự vinh quang của niềm vui phục sinh.

Để đổi mới hương vị của tình yêu, Thiên Chúa đã nhắc lại lời cam kết của Ngài dành cho dân riêng và cho họ một chổ đứng đặc biệt trong trái tim của Ngài. Lời nhắc này rất long trọng và để lại dấu ấn trong trái tim con người cũng như trái tim Thiên Chúa: “Chúa phán: "Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ của chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập; giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng". Chúa phán: "Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta". Lề luật của Thiên Chúa được đặt trong tâm hồn, trong suy nghĩ và ý thức của họ, để nhắc nhở con người thực thi mọi huấn lệnh của Thiên Chúa. Lề luật đó tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người. Mỗi bước đi của con người sẽ không còn bóng dáng của tội lỗi, của sợ hãi bởi luôn có sự đồng hành của Thiên Chúa, bóng dáng Ngài sẽ che phủ cuộc đời nếu họ biết tin tưởng: “Ngươi hãy nhìn biết Chúa", vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng". Có dân tộc nào dưới bầu trời này hạnh phúc và sung sướng cho bằng dân tộc được Thiên Chúa chọn làm dân riêng này. Sự trung tín sẽ là lời đáp trả cho giao ước tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.

Trải qua những ngày đen tối của chặng đường khổ nạn, bao nhiêu người mới thực sự nhận ra sự hiện diện của Con Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, từ một người lính xa lạ với Thiên Chúa, cho đến những người được gọi là thầy dạy tinh thần, họ đã phải thốt lên lời tuyên xưng của mình. Còn Đức Giesu, mỗi ngày sống, mỗi công việc, Ngài đều mong đợi con người nhận ra sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Trong phận người, Đức Giesu luôn cầu nguyện cho con người, để họ không phải hư mất đời đời, nhưng được Chúa Cha tha thứ và cứu độ: “Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời”. lời cầu nguyện chân thành của Đức Giesu làm người đã được Chúa Cha đón nhận. Tâm tình này được tác giả thư gởi cộng đoàn dân Do thái nhắc lại, để mọi thế hệ chân nhận một giá trị thiêng liêng của người tín hữu, con người được cứu độ là do tình yêu đến từ Chúa Cha, đến từ lời cầu nguyện của Đức Giesu và sự hy sinh của Ngài. Công trạng và hy sinh của con người chẳng làm nên kỳ tích lớn lao đó, tất cả đến từ Thiên Chúa tình yêu, qua sự hiện diện của người Con duy nhất là Đức Giesu trong dòng lịch sử của con người.

Bước vào lịch sử nhân loại trong phận làm con nơi gia đình Na-za-reth, Đức Giesu mặc lấy những cảm xúc của con người như bao người. Do đó, khi tới gần ngày hiến dâng cho con người qua mầu nhiệm tử nạn, bóng dáng cây thập giá càng rõ nét trước mặt Ngài, vì thế nỗi sợ hãi đã xuất hiện trong suy nghĩ và trong mọi bước chân của Ngài: “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha". Lúc đó có tiếng từ trời phán: "Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa". Nỗi xao xuyến trong tâm hồn của Đức Giesu cũng chỉ là điều tự nhiên của con người khi đối diện với những thử thách, những đau khổ trong phận làm người. Ngài đã để cho cuộc đời trôi tự do vậy, hay Ngài đã gượng đứng lên, để cầu xin Cha đừng để Ngài đơn côi, đừng để Ngài tuyệt vọng cùng cực. Ngài đã thưa chuyện với Cha mình tất cả mọi cảm xúc đang ập đến khi bước chân đưa Ngài gần tới thành Gie-ru-sa-lem. Điểm dừng chân cùng với lời cầu nguyện này hướng chúng ta đến tình yêu của Thiên Chúa và sự gắn bó với Thiên Chúa từ con người, sẽ là động lực, giúp con người biết chấp nhận tất cả, đau khổ, bệnh tật, đói nghèo và cả cái chết bí ẩn. Chính lúc chấp nhận như thế, cuộc đời người môn đệ giống như hạt lúa rơi xuống đất, có mục nát đi, có tan biến đi mới sinh ra nhiều bông hạt mới, đem lại nhiều niềm vui cho bao người chung quanh: “Quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”. Sức mạnh của tình yêu là chấp nhận tất cả, chấp nhận tất cả là chấp nhận đi vào mầu nhiệm tự hiến, để từ đây ơn cứu độ được trải dài tới mọi tâm hồn, được chảy mãi trong dòng chảy của lịch sử nhân loại, hầu có thể đến với mọi người qua muôn thế hệ.

Là con người, ai cũng đã trải qua những phút giây sợ hãi và muốn trốn chạy trước những đau khổ. Người tín hữu Công Giáo được mời gọi bước vào thế giới này, một thế giới đầy khổ đau, với sự tự tin và can đảm, dù có đối diện với muôn vàn nỗi sợ hãi hãy vững tin, hãy mạnh mẽ, bởi người tín hữu được Con Thiên Chúa hướng dẫn hãy cầu nguyện với Chúa Cha trong những phút giây sợ hãi đó, Ngài sẽ hiện diện, đồng hành với con người chấp nhận mọi khổ đau. Người tín hữu không được tránh xa mọi khổ đau như chạy trốn, nhưng khi đã chọn hành trình đức tin của mình theo chân Thầy Chí Thánh là Đức Giesu, hãy đón nhận trong sự gắn bó với Thiên Chúa tình yêu. Sức mạnh của tình yêu sẽ là động lực đưa dẫn người tín hữu đón nhận thập giá cuộc đời trong niềm tin và phó thác. Hãy đến với Ta hỡi những ai mang gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi.

Chúa Cha không bỏ rơi người Con của Ngài dù người Con đó có đối diện với nỗi sợ hãi trước cái chết, trước cả khổ giá trên đỉnh đồi, người Con đó cũng không bỏ rơi bất cứ người môn đệ nào chọn Ngài là lẽ sống, là gia nghiệp cuộc đời. Người Con đó luôn bên cạnh và nâng đỡ cho con người trước mọi nỗi khổ đau của phận người mong manh. Con người hôm nay trong hành trình đức tin của mình, có tin đủ, có yêu đủ và có mến đủ, để chấp nhận một chân lý như thế không, hay chuyện yêu đương của Thiên Chúa đối với con người, chỉ dừng lại nơi lý thuyết, nơi những lời đường mật, như bao chuyện hão huyền của thế gian sao ? chắc chắn Thiên Chúa không có những tính toán như con người, không có những suy nghĩ như con người, Ngài chỉ biết yêu, biết cho đi, biết sống và chết cho người mình yêu mà thôi. Con người hãy tạm dừng bên lề cuộc sống ồn ào, để thấy mình đang cần gì, đang mong gì trong hành trinh đức tin, để được đong đầy bằng sự khiêm tốn đức tin và lòng mến.

 

Lạy Chúa Giesu, sợ hãi và lắng lo là những cảm xúc rất tự nhiên của con người mà Chúa đã trải qua trong phận người như chúng con, Chúa đã vượt thắng mọi cảm xúc đó nhờ gắn bó với Cha trong lời cầu nguyện và trong sức mạnh của tình yêu, xin hướng dẫn chúng con biết cầu nguyện trước mọi thử thách trong cuộc đời, cả những lúc đối diện với đau khổ, đối diện với những thập giá cuộc đời. Chúa đã chấp nhận tan biến đi như hạt lúa để đem lại ơn cứu độ và sự sống mới cho con người, xin hướng dẫn chúng con biết chấp nhận những hy sinh hiện tại, gạt bỏ những trào lưu hiện tại của một xã hội vật chất, để hướng về niềm vui và hạnh phúc trong Nước Trời mai sau. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây