Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 2, 13-25)
Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán". Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".
Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.
Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.
Suy niệm
Mùa chay ngoài việc sám hối, cầu nguyện và hy sinh để thay đổi cuộc đời, người tín hữu còn phải cố gắng thanh tẩy bản thân, thanh tẩy niềm tin, thanh tẩy mọi tương quan giữa bản thân với Thiên Chúa cũng như mọi tương quan với tha nhân. Chúa nhật thứ ba mùa chay với những lời nhắc đến từ phụng vụ Lời Chúa, mỗi người hãy thanh tẩy bản thân trong tương quan với tha nhân, thanh tẩy niềm tin trong tương quan với Thiên Chúa và thanh tẩy tâm tình sống đạo của mình, từ đây, người tín hữu mạnh dạn hơn đi sâu vào con đường khổ nạn với Thầy Chí Thánh, nơi đó, mầu nhiệm đau khổ, mầu nhiệm thập giá sẽ được đón nhận và thanh luyện người tín hữu trưởng thành, hầu ngày mai, họ trở thành những chứng nhân của tin mừng phục sinh, chứng nhân của mầu nhiệm sống lại trong vinh quang của Nước Thiên Chúa.
Hành trình về đất hứa của dân Do thái xưa là một hành trình đầy những thách đố và biến động, cả về xã hội lẫn tôn giáo. Mọi thử thách đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến giao ước Thiên Chúa đã ký kết với họ, đến niềm tin mong manh được gieo vào tâm hồn về một Thiên Chúa đã chọn họ làm dân riêng. Trước những thử thách đó, Thiên Chúa đã cúi xuống, trò chuyện, khuyên bảo, đồng thời cũng nhắc lại lời cam kết của Ngài với dân riêng: “Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Ðừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến Ta và tuân giữ các giới răn Ta”. Thiên Chúa là vậy, một người cha luôn chăm sóc con cái trên mọi nẻo đường, luôn bảo vệ con cái khỏi những cám dỗ, khỏi những cạm bẩy của sự xấu. Trước một tình yêu lớn lao như thế, thái độ của dân riêng Ngài thay vì vâng phục, đã không ít lần phản đối và bất trung. Niềm tin đó, dù còn mong manh, nhưng cũng rất cần phải thanh tẩy, để cộng đoàn thực sự là một dân riêng của Thiên Chúa, là Đấng Thánh.
Dù ban đầu còn nhiều hoài nghi trong niềm tin, thế nhưng, các Tông đồ đã lên đường dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các ngài đã rao giảng về một Đức Kito chịu chết và đã sống lại để đưa con người ra khỏi tình trạng hỗn loạn của tội lỗi. Dẫu biết rằng đó là điều bất thường với thế gian, nhưng với cứu cánh cuộc đời con người, thì đó là niềm vui cứu độ, vì thế, các Tông đồ đã mạnh dạn làm chứng và hướng dẫn các cộng đoàn sống niềm tin đó ngày một trưởng thành: “Anh em thân mến, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Ðức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người”. Để có một niềm tin kiên định, cần có những khoảng lặng để thanh luyện, để đổi mới thái độ về niềm tin, cần có những quyết tâm để chăm sóc cho niềm tin đó đơm bông kết trái. Các chứng nhân của tin mừng đã chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống, để hoa trái của niềm tin được nảy sinh dồi dào qua mọi thời và mọi nơi.
Đọc lại cuộc đối thoại giữa Đức Giesu với các nhà lãnh đạo tôn giáo khi nói về đền thờ, có thể thấy được vấn đề sạch – dơ của đền thờ được cả hai phía quan tâm, tiếc thay, Đức Giesu quan tâm đến đền thờ là con người, là tâm hồn, là niềm tin của các tín hữu, còn bên kia thì chú tâm vào đền thờ gỗ đá, đền thờ theo nghĩa đen. Đức Giesu đã làm một cuộc cách mạng về quan điểm sạch – dơ đó, để hướng tâm hồn cộng đoàn tới sự thánh thiện đến từ Thiên Chúa: “Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán". Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi". Dựa vào những lề luật riêng của đền thờ, các tư tế đã đáp ứng mọi nhu cầu tế lễ của cộng đoàn bằng việc buôn bán súc vật làm của lễ, đổi tiền đền thờ cho họ mua bán trong những dịp đại lễ. Khi những tính toán về vật chất liên quan đến đền thờ, các thầy tư tế vô tình thay thế vị trí thứ nhất trong đền thờ là Thiên Chúa bằng những thần linh khác là lợi nhuận, là tiền bạc. Ngày nối tiếp ngày, họ đánh đồng Thiên Chúa ngang hàng với vật chất, đi xa hơn của vấn đề là Thiên Chúa chỉ còn là một dịch vụ đáp ứng mọi nhu cầu cho con người. Với cái nhìn thiêng liêng đó, Đức Giesu đã ngăn cản mọi hoạt động buôn bán đó, để nhắc họ rằng, đền thờ chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa mà thôi.
Từ câu chuyện thanh tẩy đền thờ gỗ đá, Đức Giesu hướng con người đến đền thờ thiêng liêng là thân thể mỗi người, bởi đó là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Giesu, là ngôi nhà của Chúa Thánh Thần. Con người không thể đánh đồng thân thể mình với những giá trị của các món hàng hay biến thân xác mình như một món hàng để trao đổi, mua bán. Trước vấn đề tục hóa trong mọi sinh hoạt tôn giáo, mỗi người cần thanh tẩy tâm hồn, thanh tẩy con người của mình, để xứng đáng với ơn cứu độ của Con Thiên Chúa, để xứng đáng với tình yêu thương của Chúa Cha dành cho con người.
Cũng từ đền thờ tâm hồn, Mẹ Giáo hội mời gọi con cái hãy hướng về Giáo hội, ngôi nhà của Ba Ngôi Thiên Chúa. Giáo hội là một cộng đoàn thánh bởi Giáo hội là của Thiên Chúa, là Đấng Thánh Thiện tốt lành, thế nhưng, Giáo hội cũng đã để lại những vết thương lớn trong lịch sử với những cuộc chia ly, với những cuộc tranh giành địa vị, với những quan điểm chưa mạch lạc với chân lý tin mừng, chỉ vì lợi ích cá nhân, chỉ vì địa vị và quyền bính. Thế thì Giáo hội cũng cần phải thanh tẩy, cần phải nhìn nhận sự thật dù trong quá khứ hay ngay hôm nay, để thực sự là gia đình của Thiên Chúa, là dân riêng của Ngài. Bên cạnh đó, Giáo hội còn là một cộng đoàn bao gồm những con người yếu đuối, mong manh, rất cần được thanh tẩy, rất cần được giúp đỡ để ngày một lớn lên trong sự thánh thiện của Thiên Chúa.
Giáo hội cũng như các tín hữu Kito đang sống trong một thế giới có nhiều xu hướng tục hóa các giá trị tinh thần, có những lúc đe dọa trực tiếp đến sự thánh thiện của tôn giáo. Con người có những lúc vô tình không còn đặt Thiên Chúa vào chỗ nhất trong cuộc đời, trước mọi giá trị để họ chọn lựa nữa, bên cạnh đó mọi sinh hoạt của Giáo hội cũng không ít lần bị tục hóa, bị cám dỗ theo những xu hướng xã hội, lấy yếu tố vật chất để quyết định và gây ảnh hưởng lớn. Do đó, việc thanh tẩy con người, thanh tẩy tâm hồn và ý thức hệ của người tín hữu hôm nay là một việc làm rất khẩn thiết, nhưng tất cả phải đặt dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Mỗi người con trong gia đình Giáo hội, hãy cầu nguyện cho người Mẹ của mình, luôn giữ được những giá trị thiêng liêng đến từ Thiên Chúa, biết bảo vệ đoàn con trong sự thánh thiện của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, hãy luôn can đảm nói không với những giá trị thế tục đang ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của bản thân cũng như cộng đoàn. Lời cầu nguyện và những hy sinh trong mùa chay sẽ là phương thế hữu hiệu để xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ và bảo vệ Giáo hội, ngôi nhà của Thiên Chúa. Đó là bổn phận và cũng là trọng trách lớn lao của mỗi tín hữu Kito.
Lạy Chúa, Chúa đã thiết lập Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa để giúp con người được nên thánh như Cha trên trời, xin giúp chúng con biết thanh lọc những gì tác động đến niềm tin nhỏ bé, biết can đảm chống lại những giá trị thế gian đang len lỏi vào mọi sinh hoạt của niềm tin mong manh đó. Chúa đã cho con người cộng tác để xây dựng Giáo hội là một gia đình của Chúa, xin giúp người Mẹ chúng con luôn biết giữ gìn sự thánh thiện của Thiên Chúa đang hiện diện trong lòng Giáo hội, xin hướng dẫn chúng con xây dựng Giáo hội là một gia đình yêu thương, một gia đình thánh thiện và một gia đình biết chăm sóc và biết bảo vệ sự sống con người. Amen.
Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn