THỨ TƯ LỄ TRO – LINH MỤC ĐÔNG HƠN GIÁO DÂN

Thứ hai - 12/02/2024 08:47
THỨ TƯ LỄ TRO – LINH MỤC ĐÔNG HƠN GIÁO DÂN


THỨ TƯ LỄ TRO – LINH MỤC ĐÔNG HƠN GIÁO DÂN

Nghe có vẻ kì nhưng thực là như vậy. Hai linh mục, một giáo dân trong ngày thứ tư lễ tro. Đã vậy lại toàn là người nước ngoài. Cha xứ người Ecuador và bác Romano, người Ý. Trước đây bác là một trong những tình nguyện viên đến Bolivia để giúp đỡ các cha người Ý trong thời gian các cha còn phục vụ tại Arque. Rồi phải lòng một cô và bén duyên từ ấy. Sau khi nghỉ hưu, bác chuyển hẳn sang Bolivia để sống, rồi bốn năm trước trở về Arque để an hưởng tuổi già. Thánh lễ nào bác cũng có mặt.

Nhưng nghe thì có vẻ sai sai khi ba người nước ngoài, rời bỏ quê hương đến Bolivia để ‘truyền giáo’ cho nhau?

Thế còn người dân bản địa?

Thật ra mà nói, bình thường ít người đi lễ lắm. Sở dĩ mấy thánh lễ trước đông hơn là vì có mấy đứa nhỏ. Tụi nó đi lễ là vì được cha xứ phát kẹo. Có hôm, mấy nhóc nói chuyện nhiều quá, sau thánh lễ không được kẹo thế nào một đứa réo lên: Cha mà không cho thì lần sau không thèm đi lễ nữa.  

Thứ tư này tụi nhỏ bận đi chơi. Chiều hôm đó bên chính quyền tổ chức lễ ch’alla, một phong tục cầu may mắn, tiền tài, sức khỏe cho cả năm. Thường thì lễ ch’alla được tổ chức vào ngày thứ hai hoặc thứ ba trước thứ tư lễ tro, nhưng năm nay ông thị trưởng mới (không có lắm thiện cảm với đạo công giáo) tổ chức ngay vào ngày thứ tư. Nguyên cả buổi chiều họ mở nhạc ầm ĩ, rồi mở tiệc mời gọi mọi người trong làng đến tham dự, lấy lí do là “mừng thứ tư lễ tro.” Lắm người đến tham dự, quên cả việc ăn chay dẫu là người công giáo.

Lễ Ch'alla - nguồn từ https://www.bolivia.com/


Giáo xứ không có người kéo chuông nên trước khi cử hành thánh lễ một tiếng thì mấy cha tự ra kéo. Hôm đó mình dâng lễ. Khi kéo chuông, cũng cố ý kéo mạnh và dài để tiếng chuông vang và ngân lâu hơn so với bình thường, ngụ ý là sắp đến giờ lễ rồi. Nhưng dường như chẳng ai thèm để ý đến cái ‘ngu’ ý này vì ai cũng ‘bận’ cả. Phát chuông thứ hai, đâu lại vào đó. Tới hồi chuông thứ ba, tức là chuẩn bị bắt đầu thánh lễ, tiếng nhạc vẫn vang lên ầm ầm xen lẫn với tiếng cười đùa. Bữa tiệc được tổ chức ngay trước cổng nhà thờ vì tòa thị chính nằm sát bên nên nghe rõ mồn một. Đến nước này đành phải ra nói chuyện với ông thị trưởng. Thường thì mặc áo lễ nghiêm chỉnh rồi mới kéo chuông lần ba, nên khi vừa bước ra cổng, nhiều người trố mắt nhìn. Lúc này ông thị trưởng cũng “chân nam đá chân chiêu” rồi nên vào ngay câu chuyện

-Chúng tôi chuẩn bị dâng lễ, nhờ các ông giảm âm thanh dùm?

-Rồi cha, ông thị trưởng đưa ngón tay cái lên, ra dấu OK. Rồi chỉ lên ban âm thanh, nói như hét: Được chưa cha?

Chắc là có giảm tí xíu, mình cũng hét: chưa được, còn ồn lắm.

Ông cười khà khà, nói: lễ ch’alla mà cha. Rồi đưa tay xoay một vòng như bảo: bao nhiêu người đang vui mà cha.

Vâng, nhưng chúng tôi chuẩn bị dâng thánh lễ. Hơn nữa hôm nay là thứ tư lễ tro, mình nhấn mạnh.

Mấy người đứng kế bên cũng nói xen vào. Xem chừng anh DJ biết ý nên giảm nhạc xuống. Mình cảm ơn rồi bước về phía nhà thờ. Một anh thanh niên, xem chừng khá say, chạy lại nói: mời cha uống Cocacola.
 


Mấy ngày nay câu hỏi: “mình đang làm gì ở đây vậy?” cứ quanh quẩn trong đầu. Mục đích của truyền giáo là gì? Dẫu biết rằng truyền giáo thời nay không xem trọng việc rửa tội được bao nhiêu người hay xây được bao nhiêu nhà thờ. Truyền giáo thời nay nhấn mạnh đến đối thoại liên tôn, chia sẻ văn hóa, bảo vệ công lý, xây dựng hòa bình, và sống chứng tá tin Mừng. Nhưng những khoảnh khắc như ngày thứ tư lễ tro vừa rồi vẫn đủ để lập lại câu hỏi: Truyền giáo là gì và mình đến đây để làm gì?

Có lẽ đó là ý Chúa cho mùa chay thánh này. Mùa của suy niệm, mùa của xét mình để biết được thánh ý Ngài. Xin thêm lời cầu nguyện cho nhau.

5/2022
Lm Pet. Cao Thiên Triệu SVD

Tác giả bài viết: lmLm Pet. Cao Thiên Triệu SVD

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây