GIÁ TRỊ CỦA BỮA ĂN GIA ĐÌNH*

Thứ hai - 26/02/2018 10:00
Một gia đình mà hiếm khi mọi người ngồi ăn chung với nhau, hoặc giả có cùng ngồi quanh bàn ăn thì chẳng ai mở miệng trò chuyện với ai, bởi lẽ họ còn đang bận dán mắt vào màn ảnh truyền hình, hoặc đang mê mải với điện thoại thông minh, thế thì gia đình đó không còn đúng nghĩa là một gia đình nữa.
ĐTC dùng cơm với các nhân viên Tòa Thánh
ĐTC dùng cơm với các nhân viên Tòa Thánh

ĐỪNG HỦY HOẠI BỮA ĂN GIA ĐÌNH CHÚNG TA!

Chia sẻ, biết cách chia sẻ, là một đức tính quý báu! Biểu tượng, hình tượng của nó là bàn ăn gia đình. Vì vậy, không phải chỉ là thức ăn, mà còn là cảm xúc, các mẩu chuyện, và tin tức. Cử chỉ chia sẻ bữa ăn là một trải nghiệm chủ yếu. Khi có một buổi lễ, sinh nhật, kỷ niệm hàng năm, thì gia đình quây quần quanh bàn ăn. Trong một số nền văn hóa, người ta có tập tục như vậy những lúc gặp đau thương, để gần gũi với ai đó vừa mất đi một người thân yêu.

1. Cách nay không lâu, trong buổi tiếp kiến chung ngày 11.11.2015 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã giảng về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình quanh bàn ăn. Ngài bảo:
Hôm nay, chúng ta sẽ suy tư về một phẩm chất tiêu biểu của đời sống gia đình và chúng ta học phẩm chất đó ngay từ những giai đoạn đầu đời. Nói cách khác, ăn uống vui vẻ với nhau là thái độ chia sẻ những gì chúng ta có trong cuộc sống, và chúng ta hạnh phúc khi làm như thế.
Chia sẻ, biết cách chia sẻ, là một đức tính quý báu! Biểu tượng, hình tượng của nó là bàn ăn gia đình. Vì vậy, không phải chỉ là thức ăn, mà còn là cảm xúc, các mẩu chuyện, và tin tức. Cử chỉ chia sẻ bữa ăn là một trải nghiệm chủ yếu. Khi có một buổi lễ, sinh nhật, kỷ niệm hàng năm, thì gia đình quây quần quanh bàn ăn. Trong một số nền văn hóa, người ta có tập tục như vậy những lúc gặp đau thương, để gần gũi với ai đó vừa mất đi một người thân yêu.
Ăn uống vui vẻ với nhau là một nhiệt kế chính xác đo lường mức độ lành mạnh của các mối quan hệ. Nếu gặp vấn đề gì khó khăn, nếu đang giấu kín một vết thương lòng, thì chúng ta có thể thổ lộ tất tần tật trong bữa ăn gia đình.
Một gia đình mà hiếm khi mọi người ngồi ăn chung với nhau, hoặc giả có cùng ngồi quanh bàn ăn thì chẳng ai mở miệng trò chuyện với ai, bởi lẽ họ còn đang bận dán mắt vào màn ảnh truyền hình, hoặc đang mê mải với điện thoại thông minh, thế thì gia đình đó không còn đúng nghĩa là một gia đình nữa. Khi ngồi tại bàn ăn mà con cái cứ dán mắt vào máy tính hay điện thoại thông minh và không lắng nghe người khác, thì đó không phải là gia đình nữa, mà là một nhà hưu dưỡng”.

2. Đối với Kitô hữu, bữa ăn gia đình không chỉ là dịp cùng ngồi ăn chung với nhau; do đó, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới Bí tích Thánh Thể:
“Kitô giáo có một ơn gọi đặc biệt cho bữa ăn uống vui vẻ, và mọi người đều biết điều này. Chúa Giêsu luôn luôn để lời dạy dỗ các tông đồ trong lúc thầy trò đang cùng ăn với nhau. Lắm khi Chúa mô tả Nước Trời như một đại yến hoan hỷ. Chúa Giêsu cũng chọn thời gian đang dùng bữa để truyền trao cho các tông đồ những chứng từ tâm linh. Chúa đã làm như thế trong bữa ăn tối sau cùng, và bữa tiệc ly ấy nhắc nhở chúng ta nhớ mãi đức hy sinh của Chúa: Thịt và máu của Chúa là quà tặng cho chúng ta để làm thức ăn thức uống cứu độ chúng ta, dưỡng nuôi tình yêu thương chân thật và bất diệt.
Chúng ta quả thật có thể nói rằng mọi người trong gia đình có mặt ở nhà khi nào họ có mặt bên bàn ăn. Trong thời đại mà con người quá chú ý đến bản thân mình và có quá nhiều bức tường ngăn cách, thì bữa ăn vui vẻ với nhau hãy bắt đầu từ trong gia đình và phát triển trong Bí tích Thánh Thể, đó là điều cốt yếu.
Bí tích Thánh Thể và các gia đình được dưỡng nuôi bằng bí tích Thánh Thể có thể chiến thắng thái độ khép kín và bắc những nhịp cầu thân thiện, bác ái. Bí tích Thánh Thể của Giáo hội của các gia đình (Kitô hữu) là một trường học dung chứa con người và nó không sợ đối thoại. Không một ai nhỏ bé, yếu đuối, thiếu chở che, bị thương tích, đang thất vọng, tuyệt vọng, và bị từ bỏ mà lại không được dưỡng nuôi, che chở và tiếp đón trong các bữa ăn vui vẻ mang ý nghĩa bí tích Thánh Thể của các gia đình (Kitô hữu)”.

3. Làm sao bảo vệ bữa ăn gia đình, không đánh mất ý nghĩa thiêng liêng của nó? Đức Phanxicô giảng giải :
“Nhiều bối cảnh xã hội ngày nay đặt để những chướng ngại không cho những người cùng gia đình được ngồi ăn vui vẻ bên nhau. Quả thật, mọi chuyện thời nay chẳng dễ dàng gì. Chúng ta phải tìm ra phương cách để phục hồi bữa ăn gia đình. Khi ngồi tại bàn ăn, chúng ta trò chuyện, lắng nghe, và đừng im lời lặng tiếng, bởi nó không phải là sự thinh lặng của người tu, mà là sự thinh lặng ích kỷ, gây ra do điện thoại thông minh và truyền hình. Bữa ăn vui vẻ bên nhau cần được phục hồi, dẫu vẫn phải thích nghi với thời đại”.
Đức Phanxicô không quên “điểm danh” một nền kinh tế thương mại thúc đẩy con người tiêu dùng bất hợp lý:
“Bữa ăn vui vẻ dường như đã trở thành một thứ có thể mua và bán, nhưng không phải thế. Thức ăn không phải lúc nào cũng là biểu tượng cho sự phân phối hàng hóa công bằng, có thể cung cấp cho những người không có miếng ăn và không có cả tình yêu thương. Các nước giàu có xu hướng tiêu dùng thực phẩm quá mức mà còn tô son trát phấn cho sự thái quá đó. Chuyện vô lý này khiến cho chúng ta không chú ý tới cơn đói khát thật sự của thân xác và linh hồn. Khi thiếu vắng bữa ăn vui vẻ với nhau, thì sự ích kỷ ngẩng cao đầu, mỗi cá nhân chỉ nghĩ về chính mình”.

 4. Trớ trêu là người có điều kiện vật chất không thể ngồi ăn chung với nhau trong lúc rất nhiều người phải chịu đói khát. Đức Phanxicô nói: “Các quảng cáo thương mại đã thu gọn bữa ăn lại chỉ còn là những thức ăn nhanh vô bổ và những món ngọt ham thích. Trong khi đó, quá nhiều anh chị em chúng ta không được ngồi vào bàn ăn. Thật đáng xấu hổ!”.
Kết thúc bài giảng, Đức Phanxicô nói:
“Trong bối cảnh đó, sự liên kết sâu sắc và tích cực của các gia đình Kitô hữu nâng đỡ và bao dung những nỗi khó khăn cũng như những niềm hoan hỷ trong đời sống hàng ngày thông qua tính năng động của lòng hiếu khách,(1) đồng hành với ơn sủng của Bí tích Thánh Thể vốn có thể tạo nên một sự hiệp thông luôn luôn mới mẻ, bao gồm sức mạnh và đem lại ơn cứu độ.
Đây là cách mà gia đình Kitô hữu có thể cho thấy các triển vọng thực sự của gia đình mình, những triển vọng của Mẹ Giáo hội, của tất cả nhân loại, của tất cả những người bị bỏ rơi, bị loại trừ và tất cả mọi dân tộc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho bữa ăn gia đình vui vẻ này được tăng trưởng trong thời gian đầy ơn phước của Năm Thánh Lòng Thương Xót đang đến gần” (2).

 * Tựa do BBT đặt
(1) Hiếu khách tức là vui vẻ mời người khác ăn uống. Mới vừa trước đó, Đức Phanxicô nhắc tới “quá nhiều anh chị em chúng ta không được ngồi vào bàn ăn”. Phải chăng ngài nhắn nhủ lời Chúa (Mt 25:35): “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước”? Như vậy, từ bữa ăn gia đình san sẻ tình thương với người thân thích, phải chăng còn cần biết mở rộng thành bữa ăn bác ái với những số phận hẩm hiu?
(2) Bài giảng được chuyển ngữ từ bản tiếng Anh do Vatican Insider công bố tại: http://vaticaninsider.lastampa.it/en/the-vatican/detail/articolo/francesco-francisco-francis-famiglia-family-familia-44599/

Tác giả bài viết: Huệ Khải

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây