59 NĂM TRÊN HÀNH TRÌNH HẠT LÚA
GIÁO HỌ GIUSE : 1959–2018
59 năm: Một chặng đường đã đi qua.
Với biết bao đổi thay của kiếp người.
Những người con Đức Thọ, trôi dạt theo dòng người cũng vì kế sinh nhai
Nhưng cho dẫu ở đâu, và cuộc sống thế nào!
Họ cũng nối lai bên nhau trong tình đồng hương để cùng nhau chia sẻ nỗi buồn vui
Về đây xin kết lại, nơi Xứ Châu Núi Ngọc
Chọn Giuse Thánh Bổn mạng Quan thầy
Thật hạnh phúc bên nhau, trong tình người tình Chúa.
Đời sống khác nào tấm thảm, mà những mối liên hệ yêu thương là những sợi tơ chằng chịt. Mỗi gắn bó thân quen là những đường chỉ đan dệt với những người chung quanh. Từ đó mỗi người có một sứ mệnh phải vuông tròn. Đó là sứ mệnh yêu thương, yêu thương tha nhân và chính là phục vụ tình người. Sứ mệnh yêu thương này sẽ trải dài trong suốt cuộc đời mỗi người chúng ta. Từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc vĩnh biệt tất cả để bước vào thế giới bên kia. Sinh ký Tử quy.
"Thế gian đâu phải quê nhà, Thiên đường vĩnh cửu mới là quê hương" – Pl.3,20.
Vâng. "Quê hương là chùm khế ngọt Cho con trèo hái mỗi ngày... "
Cho dẫu bôn ba ở chân trời góc bể và cuộc sống vất vả bon chen nào, người tín hữu Thọ Ninh cũng đang tạm trú cùng đất thấp. Bởi, như loài sâu ngủ đông dưới đất, chỉ khi xé kén bước ra, cánh bướm mới có thể bay lên hội ngộ với Trời Cao!
Và để chuẩn bị chu tất cho giây phút tiễn đưa thành viên về sum họp với Tổ tiên nơi Quê Mẹ, HỘI TƯƠNG TRỢ TỐNG TÁNG THỌ NINH đã hình thành cách đây 59 năm: 1959–2018.
I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN
Sau Hiệp định Genève ngày 20.07.1954, một số giáo dân xứ Thọ Ninh, Giáo phận Vinh đã rời quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, từ biệt quê Mẹ để vào Nam đi tìm miền đất mới. Sau một thời gian tạm trú ở một vài địa điểm, một số bà con nghe ngóng và tìm hiểu một vài nơi để chuẩn bị cho hướng định cư lâu dài. Vùng Banmêthuột được chọn và giới thiệu, vì đây là vùng đất màu mỡ và phì nhiêu.
Thế là điểm đến dừng chân, kẻ trước người sau đã đưa một số gia đình quyết định chọn xứ Núi Ngọc Châu Sơn làm nơi định cư. Khi đời sống vật chất của mỗi gia đình đang đi dần vào ổn định, sau cơm áo gạo tiền, cũng là lúc giáo dân đầu tư nhiều hơn vào đời sống tâm linh. Ý thức mình là thân phận lữ hành dưới đất thấp, người Kitô hữu luôn ngước mắt nhìn về Trời cao. Số phận tựa bông hoa sớm nở chiều tàn, cũng đến lúc con người đối diện với vòng "Sinh hữu hạn, Tử vô kỳ", mà từ giã cõi nhân sinh. Từ cảm thức sâu xa về thân phận mình, hầu chia sẻ nỗi sầu buồn và giúp đỡ tận tình để tiễn đưa linh cữu người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng. Lúc này, bổn phận của người đang sống là lo việc tống táng và xây dựng phần mộ cho người đã ra đi sao cho phải lẽ.
Trong tâm tình đó, để kế thừa và phát huy truyền thống Hiếu sự vốn tốt đẹp từ bao đời nơi xứ Mẹ, với tinh thần đầy nhiệt huyết, các cố Trùm Chức*, cố Hiển và cố Đông đã khởi xướng thành lập nên Hội Tương Trợ Tống Táng Thọ Ninh.
Cùng với năm tháng, thời gian bào mòn, làm lão hóa bao khối óc. Trong tâm tưởng của nhiều vị cao niên, thật khó mà nhớ được chính xác ngày khai sinh của Hội. Cho nên, Đại hội Hội viên đã thống nhất chọn ngày truyền thống thành lập Hội vào ngày 19 tháng 03 năm 1959, Lễ Thánh Giuse, Quan thầy của Hội, dưới thời Cha cố Quản xứ Gioan Nguyễn Trí Thức (Ngài mất ngày 23.05.1977).
II. QUÁ TRÌNH SINH HOẠT
Cụ Phaolô Cao Đình Thông là người đầu tiên đứng ra điều hành Hội. Thuần túy Hội chỉ lo việc chôn xác kẻ chết. Đối với cộng đoàn, đây là một nghĩa cử của bác ái yêu thương mà Tin Mừng luôn mời gọi và thôi thúc.
Từ năm 1959–1961, đây là thời kỳ phôi thai. Một lần chôn cất bà con trong Hội lại làm nhà hoa, bằng kết lá, hoa và cọc, để tiễn đưa người quá cố. Đến khoảng năm 1962–1963, nhận thấy việc làm nhà hoa vừa bất tiện, không đồng nhất, không có tính lâu bền, với sự khéo tay của cố Trùm Chức, một mẫu nhà rồng được phác họa. Thế rồi, cộng thêm sự nhiệt tình của các cố Cựu Uy, cố Đông, cố Hiển, cố Khoa, người cưa kẻ đục, đã làm cho Hội một nhà rồng đầu tiên để gánh rất đẹp trong xứ.
Khoảng năm 1970, dưới thời Ban Điều Hành là cụ cố Gioan Baotixita Phạm Quang Thúy và cụ cố Antôn Trần Thảo. Để các phần việc chôn cất được thích nghi, với sự cộng tác của cố Phanxicô Xaviê Trần Văn Công, Hội đã chuyển đổi và chỉnh tu nhà tang gánh thành xe tang đẩy.
Từ năm 1979, dưới thời Cha Quản xứ Gioan Baotixita Nguyễn Thanh Tâm. Hội Tống Táng Thọ Ninh được đổi tên là Họ hiếu với danh xưng: Họ hiếu Giuse. Từ đây Ban Trị sự được tổ chức rõ nét hơn gồm 4 thành viên: Trưởng ban, Phó ban, Thư ký và Thủ quỹ. Ngoài việc Hiếu sự, Giáo họ cũng hỗ trợ với Ban Thường vụ HĐGX trong công việc chung Giáo xứ, cụ thể như: chịu trách nhiệm canh tác đất ruộng xứ do HĐGX phân công.
Từ năm 1986, khi Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ về làm Chánh xứ, ngài đã quan tâm đến vai trò Giáo họ trong Giáo xứ. Đặc biệt, ngài ủy nhiệm thêm cho Ban Trị sự phải đảm trách, chủ trì cử hành Nghi thức Nhập liệm cho người quá cố trong Họ khi qua đời.
Ngày nay, ngoài chức năng chính về Hiếu sự, Giáo họ còn là đơn vị luôn tham gia, hỗ trợ, cộng tác với HĐGX trong mọi công việc chung.
MỤC ĐÍCH SINH HOẠT: Hội là một tổ chức nhằm sắp xếp các phần việc để tống táng người trong Hội mới qua đời - Hội được đặt dưới sự lãnh đạo tinh thần và hướng dẫn của quý Cha Quản xứ - hỗ trợ, cộng tác với Ban Thường vụ HĐGX trong việc quản trị và than gia công tác Phụng vụ của Giáo xứ - Ban Trị sự tổ chức, thực hiện các phần việc liên quan đến Giáo họ - Liên đới với mọi thành phần Dân Chúa trong việc hiệp thông và xây dựng Giáo hội, Giáo phận và Giáo xứ - Đồng thời cổ vũ tinh thần tương trợ và bác ái nơi toàn thể hội viên.
DANH XƯNG : Từ lúc thành lập cho đến năm 1979, Hội mang tên: Hội Tương Trợ Tống Táng Thọ Ninh - Từ năm 1979, Hội Tương Trợ Tống Táng Thọ Ninh được đổi thành tên Giáo họ, với danh xưng là Họ hiếu Giuse. Họ hiếu nhận Thánh Cả Giuse làm Bổn mạng, mừng kính vào ngày 19 tháng 3 hằng năm.
III. CÁC NHIỆM KỲ BAN TRỊ SỰ GIÁO HỌ
01. Nhiệm kỳ 1959–1968 : cố Phaolô Cao Đình Thông.
02. Nhiệm kỳ từ khoảng 1968–1970 : cố GB Phạm Quang Thúy.
03. Nhiệm kỳ 1970–1974 : cố GB Phạm Quang Thúy và cố Antôn Trần Thảo.
04. Nhiệm kỳ 1974–1979 : cố Antôn Trần Thảo và cố Giuse Trần Đức Lương.
05. Nhiệm kỳ 1979–1983 : Trưởng ban cố PX Trần Văn Công, cố Giuse Hoàng Thế Minh, cố GB Trần Kim Trọng, ông Phêrô GB Nguyễn Trọng Đức.
06. Nhiệm kỳ 1983–1987 : Trưởng ban cố Giuse Hoàng Thế Minh, cố GB Trần Kim Trọng.
07. Nhiệm kỳ 1987–1991 : Trưởng ban ông Đaminh Nguyễn Tiến Nho, ông Phêrô Trần Đình Bát, ông cố Giuse Trần Xuân Nhơn và ông Giuse Vương Đình Phong.
08. Nhiệm kỳ 1991–1995 : Trưởng ban cố PX Nguyễn Xuân Lộc, ông Phaolô Trần Đức Tịnh, ông cố Giuse Cao Thế và ông Giuse Vương Đình Phong.
09. Nhiệm kỳ 1995–1999 : Trưởng ban cố Giuse Hoàng Văn Công, ông Giuse Trần Đức Thiện, ông Phêrô Trần Đình Bát và ông Phaolô Trần Đức Tịnh.
10 Nhiệm kỳ 1999–2003 : Trưởng ban ông cố Giuse trần Đình Ban, ông Giuse Trần Đức Thiện, ông Phêrô Trần Đình Bát và ông Phaolô Trần Minh Sơn.
11. Nhiệm kỳ 2003–2007 : Trưởng ban ông cố Giuse Trần Đình Ban, Phó ban Phụng vụ kiêm thư ký ông Giuse Hoàng Thế Phượng, Phó ban Kế hoạch kiêm thủ quỹ ông Giuse Trần Duy Khánh, Ủy viên Hiếu sự ông Martinô Trần Di.
12. Nhiệm kỳ 2007–2011 : Trưởng ban ông Giuse Trần Duy Khánh, Phó ban Phụng vụ ông Giuse Hoàng Thế Phượng, Ủy viên Kế hoạch kiêm thủ quỹ ông Giuse Hoàng Văn Lịch, Ủy viên Hiếu sự ông Martinô Trần Di và Ủy viên thư ký ông GB Trần Thanh Hiệp,
13. Nhiệm kỳ 2011–2015 : Trưởng ban ông Giuse Hoàng Văn Lịch, Phó ban Phụng vụ ông Giuse Hoàng Thế Phượng, Ủy viên Hiếu sự ông Phaolô Võ Thanh Trinh, Ủy viên Kế khoạch kiêm thủ quỹ ông Antôn Trần Anh Văn, Ủy viên thư ký ông GB Trần Thanh Hiệp.
14. Nhiệm kỳ 2015–2019 : Trường ban ông Phaolô Võ Thanh Trinh, Phó ban Kế hoạch ông Phêrô Trần Anh Kim, Phó ban Phụng vụ ông Antôn Trần Anh Văn, Thư ký kiêm ủy viên Phụng vụ ông Giuse Lê Thanh Hải, Thủ quỹ kiêm ủy viên Kế hoạch ông Giuse Trần Văn Minh.
BAN NHÓM : Giáo họ được chia làm 18 nhóm theo khu vực cụm dân cư hoặc khu xóm, để tiện việc quản lý, sinh hoạt và cắt cử phần việc.
Nhóm 01 : Giuse Trần Anh Dũng, Simon Hòa Ngô Tồn Thần.
Nhóm 02 : Giuse Trần Thế Hùng, Phaolô Trần Tiến Thịnh.
Nhóm 03 : GB Trần Quang Hải, Gioan Trần Hữu Phước.
Nhóm 04 : GB Cao Đình Toàn, Phêrô Trần Ngọc Hải.
Nhóm 05 : Giuse Nguyễn Xuân Hùng, Giuse Trần Quốc Toản.
Nhóm 06 : Đaminh Trần Đình Đạm, Phêrô Trần Công Hiếu.
Nhóm 07 : Luy G Trần Xuân Thu, Phan Huy Ngô Hoàng Thao.
Nhóm 08 : PX Cao Chí Định, Giuse Lưu Vĩnh Thụy.
Nhóm 09 : Giuse Trần Thanh Toàn, PX Trần Văn Ngọc.
Nhóm 10 : Phaolô Nguyễn Đình Tâm, GB Trần Duy Thời.
Nhóm 11 : GB Trần Thái Phong, Antôn Nguyễn Song Hào.
Nhóm 12 : Antôn Trần Ngọc Tuấn, Giuse Đặng Quốc Thăng.
Nhóm 13 : Giuse Dương Thắng, Antôn Trần Đức Thọ.
Nhóm 14 : Giuse Nguyễn Trọng Pháp, Gioan Vianey Trần Giang Phú.
Nhóm 15 : Gioan Vương Tiền Đạo, GB Trần Đình Triển.
Nhóm 16 : PX Phạm Văn Thăng, GB Lưu Thế Trần.
Nhóm 17 : Giuse Hoàng Thế Trung, Antôn Nguyễn Văn Nhung.
Nhóm 18 : Giuse Cao Thanh Kỳ, GB Trần Đình Minh Triết.
IV. HỆ THỐNG TỔ CHỨC GIÁO HỌ
Ban Trị sự được cơ cấu 5 nhân sự.
Trưởng ban : điều hành và chịu trách nhiệm tổng quát.
Phó ban I : phụ trách Kế hoạch và Hiếu sự.
Phó ban II: phụ trách Phụng vụ.
Thư ký: phụ trách sổ sách, giấy tờ kiêm ủy viên Phụng vụ.
Thủ quỹ: quản lý bảo quản tài sản Giáo họ và Hiếu sự.
Ban nhóm: gồm hai người, cộng tác với Ban Trị sự, nhằm hỗ trợ và giúp Ban Trị sự trong việc điều hành chung và chịu trách nhiệm về Nhóm trước Giáo họ.
Đại diện cho các hội viên trong địa bàn sinh hoạt nhằm phản ánh tâm tư, nguyện vọng lên BTS, tham dự và bàn bạc, thảo luận và biểu quyết trong các kỳ Đại hội đại biểu.
SINH HOẠT GIÁO HỌ : Giáo họ Giuse sinh hoạt thường kỳ mỗi năm ít nhất 2 lần để giải quyết các công việc thường xuyên của Họ. Trừ triệu tập bất thường để quyết định các công việc quan trọng liên quan đến toàn Họ. Hằng năm, vào tháng 3 tháng Kính Thánh Giuse Giáo họ tổ chức các buổi đọc kinh tại Tượng đài Giáo họ, các giờ kinh khác như ngày 1 tháng 5 Kính Thánh Giuse Thợ, ngày Lễ Gia Thất và Tạ ơn cuối năm. Mừng và xin lễ cho toàn thể hội viên còn sống và đã qua đời, trong các dịp: Lễ Bổn mạng của Họ ngày 19 tháng 3, mừng Kính Thánh Cả Giuse; Lễ cầu bình an vào dịp tết Nguyên đán; Lễ cầu cho các Linh hồn ngày 02 tháng 11; Lễ cầu cho hội viên mới qua đời trong Giáo họ.
CÁC ĐÓNG GÓP : Hỗ trợ và tham gia các công tác Phụng vụ của Giáo xứ như: Dẫn lễ, nguyện ngắm, phụ trách kinh nguyện và Phụng vụ thánh lễ tại Nghĩa trang. Thể hiện tinh thần truyền giáo bằng sự kết nghĩa với Giáo họ Phanxicô Xaviê, thuộc Giáo điểm thôn 8. Thời kỳ làm ruộng: canh tác đất ruộng xứ. Thời kỳ xây dưng: Nhà xứ và nhà trẻ. công tác thực hiện đắp nền Nhà xứ và nhà trẻ. Nhân dịp chuẩn bị chào mừng Kim khánh thành lập Giáo xứ (1956–2006), cùng với những tấm lòng hảo tâm và sự đóng góp tài lực của mọi thành phần trong Họ. Giáo họ đã khởi công xây dựng Công trình cổng chính khu vực Thánh đường Giáo xứ vào ngày 29.08.2005. Sau hơn 3 tháng thi công, công trình được khánh thành ngày 23.01.2006. Những năm gần đây Giáo họ đảm nhận thu tiền nghĩa vụ giúp cho Giáo xứ.
CA ĐOÀN TRONG GIÁO HỌ : Số ca viên thường xuyên tham gia trên 50 người, Nhạc trưởng: anh Trần Đức Huyên, Nhạc công: anh Trần Khánh Điệp. Ca đoàn Giáo họ giúp hát lễ trong những ngày trọng đại của Giáo họ và những buổi đọc kinh trọng thể tại tượng đài.
V. TỔNG KẾT HOA TRÁI TINH THẦN CỦA GIÁO HỌ
Thành quả của Giáo họ Giuse thu hoạch hôm nay không phải bỗng dưng mà có, mà là Quà tặng của Trời Cao: Hồng ân từ bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Thánh Cả Giuse, cùng với sự đồng tâm hiệp lực của mọi thành phần, qua bao thế hệ cho đến hôm nay.
1956, ngày đầu lập xứ: 90 gia đình và 400 giáo dân.
1956, cho đến nay: 802 gia đình và 3030 giáo dân
ƠN GỌI PHỤC VỤ GIÁO HỘI : 18 linh mục (Trong đó, Cha cố Phêrô Trần Đức Sâm, sinh 1930, TPLM 1966, RIP 1975), 8 thầy (3 qua đời); 31 nữ tu, 8 khấn sinh, 5 tập sinh; 7 tìm hiểu ơn gọi : 2 nam và 5 nữ.
GÓP HƯƠNG SẮC CHO XÃ HỘI : 01 cao học, 03 thạc sĩ; 01 bác sĩ, 167 cử nhân; 42 cao đẳng, 79 sinh viên và 715 trung học ( Theo Thống kê năm 2017).
59 năm khép lại một chặng đường mà mỗi chúng ta cùng Giáo xứ đã đi qua.
Mỗi bước chân đi, ít nhiều để lại những dấu ấn.
Đây chính là cơ hội để nhìn lại, để nhận ra và để định hướng cho bước đi tiếp.
Hãy gói những sai sót thành kinh nghiệm làm hành trang tiến bước.
Lấy Đức tin làm la bàn định hướng, bỏ qua đi những thành kiến, bất đồng, vì chỉ có Tình yêu mới giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn.
Và siết chặt tay nhau trong tình liên đới cộng đồng.
Để mỗi ngày, sống tròn ý nghĩa cuộc đời là một Kitô hữu, chu toàn bổn phận và trách nhiệm trong những mối tương quan.
Để những tháng ngày Chúa trao ban: thật đẹp, thật tươi, thật hạnh phúc.
Để những cố gắng của chúng ta hôm nay, bồi đắp cho thế hệ mai sau một Mùa Xuân Hy Vọng.
Tác giả bài viết: Ban Trị sự Giáo họ Giuse
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn