BÁO CHÍ CÔNG GIÁO VIỆT NAM
MỘT THOÁNG LỊCH SỬ
●Francis Assisi Lê Đình Bảng
Từ xa xưa – trong bối cảnh lịch triều phong kiến với nề nếp xã hội nông nghiệp thủ công và ảnh hưởng nặng nề văn hoá Trung Hoa – Việt Nam chưa có, nếu không muốn nói là không có BÁO, hiểu theo nội hàm của một thuật ngữ văn học ngày nay. Nhưng ta lại có CHÍ, nghĩa là việc ghi chép những sự kiện theo ngày tháng năm bằng sử sách1 hoặc chuyển tải thông tin nóng qua một số phương tiện mang tính dân gian truyền khẩu2. Bởi thế, Bố cáo, Cáo thị, Anh Mõ trong thôn làng, tổng huyện và người Lính trạm (phu trạm) trên quan lộ3 vẫn cứ là những hình ảnh sống động tồn tại mãi trong ký ức đời sống văn hoá khép mở của những cộng đồng người Việt. Lãng mạn và hiện thực biết bao!
Sử sách cho hay, các triều đại từ nhà Lý thế kỷ XI đến nhà Nguyễn thế kỷ XIX đều lo mở mang và tu sửa con đường thiên lý huyết mạch chạy dài theo đất nước. Nó là tiền thân của quốc lộ 1 xuyên Việt ngày nay4. Đó là con đường từ kinh đô đến các địa đầu của đất nước, đi qua các trọng tâm chính trị và kinh tế. Hằng ngày, có các phu trạm chạy bộ hoặc cưỡi ngựa đem tấu sớ, công văn từ các tỉnh về triều; cũng có những đoàn phu chuyên chở lúa gạo, cống phẩm về kinh và những đoàn thương lái mang sản vật địa phương này sang các vùng miền khác5. Cho đến khi người Pháp nổ súng thần công vào cửa khẩu Đà Nẵng (1858), khởi đầu cuộc viễn chinh kéo dài hàng trăm năm, dẫn đến nhiễu nhương và vong quốc (1862, 1867, 1884). Suốt chiều dài dằng dặc của lịch sử ấy, về mặt văn bản phản ánh đời sống, người ta thấy rõ phong cách hoàn toàn khác nhau của hai miền đất nước. Nếu Hà Thành – Bắc bộ vẫn bình chân như vại để ung dung ngâm nga văn chương thi phú, thì Sài Gòn – Nam Kỳ Lục Tỉnh lại hồ hởi nhập cuộc với Báo Chí cùng với những phương tiện kỹ thuật, giao thông du nhập từ phương Tây, nối kết những vùng miền trên cả nước. Có thể ghi nhận một số sự kiện:
- Nghị định 82 (06-4-1868) qui định kể từ 01-01-1882 văn kiện công bố bằng chữ Quốc ngữ.
Một thoáng lịch sử, nhưng diễn ra thật nhiều sự kiện. Trong đó, nhiều sự kiện đã trở thành những biến cố gần xa tác động dọn đường cho sự khai sinh của báo chí Việt Nam. Từ súng đạn đến chữ nghĩa. Từ chiến trường đến quan trường. Từ áp đảo đến chinh phục. Từ thuộc địa đến bảo hộ. Và từ khống chế đến thoả hiệp, đề huề chấp nhận bị động. Báo chí Việt Nam vừa nằm trong kế đồ khai hoá của Pháp, đồng thời cũng có cơ hội để tiếp thu khai sinh và lớn lên trong ý thức tự chủ tự cường, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước, bằng con đường văn hoá, mà chính những người cưu mang, sinh thành cũng không thể lường trước được hậu quả và kết quả của nó về mọi lĩnh vực trong đời sống.
Trong chuỗi những sự kiện lịch sử có liên quan gần xa ấy, ngày 15-4-1865, Gia Định Báo ra đời. Một tờ báo tiếng Việt (Quốc ngữ viết theo mẫu tự La Tinh) đầu tiên xuất hiện. Lịch sử Báo Chí Việt Nam mở màn. Một hiện tượng hoàn toàn mới, tác động rất sâu xa đến mọi sinh hoạt, thay đổi mọi lĩnh vực trong đời sống văn hoá Việt Nam, từ tư tưởng, học thuật, văn học nghệ thuật đến kinh tế, xã hội. Nho học từng bước suy tàn. Tây học và quốc ngữ thừa thắng. Kỹ thuật, tổ chức, cơ sở, nghề nghiệp (in ấn, phát hành, nghề báo) cũng theo đó mà ồ ạt du nhập.
Cái học nhà nho đã hỏng rồi
Mười người đi học, chín người thôi,
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khoá tư lương nhấp nhổm ngồi.
(Tú Xương)
Sĩ phu ta bừng tỉnh, vứt bút lông đi, cầm bút sắt, lao vào mặt trận mới. Nhà văn và nhà báo, hai trong một. Dụng ý của chính phủ thuộc địa Pháp trong việc hình thành tờ Gia Định báo là “nhằm phổ biến trong giới dân bản xứ tất cả những tin tức đáng cho họ lưu ý và cho họ có một kiến thức về những vấn đề mới… Tờ báo đã được dân chúng ủng hộ nhiệt liệt và ở nhiều địa phương, những em bé biết đọc chữ quốc ngữ đã đọc báo cho cha mẹ chúng nghe… Nó sẽ góp phần vào việc thay thế chữ của chúng ta (Pháp) và chữ Hán, một thứ chữ mà chỉ có một thiểu số quan lại hiểu biết mà thôi”6. Nhưng kể từ khi ông Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) đảm nhiệm giám đốc (1869) thay ông Ernest Potteaux, cùng với chủ bút Huình Tịnh Paulus Của (1834-1907) thì Gia Định báo đã chuyển sang một bước ngoặt “cổ động cho tân học, phát triển chữ quốc ngữ rộng rãi trong quần chúng”, mở ra những chặng đường phát triển mạnh mẽ trong lịch sử báo chí Việt Nam. Nhận định sau đây cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh: “Với sự xuất hiện của báo chí, sự mở mang của ấn loát, việc viết lách, việc sáng tác văn học hướng tới trở thành một ngành hoạt động của quốc gia nhằm cống hiến cho công chúng những sản phẩm văn học coi như một thức ăn tinh thần… Toà soạn, nhà xuất bản, tiệm sách là chỗ xuất phát những ấn phẩm có khả năng khích động những tư trào lôi cuốn xã hội vào những biến đổi sôi nổi… Xưa kia, Việt Nam chỉ có chí (Sử ký, Địa dư) mà không có báo. Chỉ khi người Pháp đến, họ mới đặt ra một vài tờ, để trước hết làm công cụ truyền đạt mệnh lệnh chính phủ và thông báo tin tức cần thiết. Về sau, người mình theo gương viết báo, ra báo. Nhờ đạt tới một công chúng rộng rãi, nên báo chí đã giúp đắc lực vào việc xây dựng nền văn học mới, văn học chữ quốc ngữ. Báo chí buổi ấy, trước hết để truyền bá chữ quốc ngữ. Những tờ báo đầu tiên như Gia Định báo, Đại Nam Đăng Cổ đều có trang mục dạy và học chữ quốc ngữ. Người chưa biết chữ, có phương tiện học để học được. Sự ham coi báo càng khiến cho thứ chữ mới này truyền rộng. Sau là, báo chí đóng vai truyền bá học thuật. Tờ báo đóng vai một quyển sách tập đọc, một giảng khoá quốc văn và người viết báo được coi như ông thầy giáo đem những lời nghị luận giảng giải, khai tâm mở trí cho người đọc và với những bài dịch thuật văn, truyện đã dẫn độc giả vào văn học mới. Sau hết, tờ báo còn là chỗ tập hợp và tuyển chọn những người cầm bút, chỗ để họ luyện văn và giới thiệu tác phẩm mới, hình thành những bút nhóm, văn đoàn: Gia Định, Đông Dương, Nam Phong…”7.
Tóm lại, ai cũng biết, báo chí đóng một vai trò đặc biệt và quan trọng ở Việt Nam, vì không phải nó chỉ nhằm phục vụ mục tiêu chính như ở các nước khác, mục tiêu thông tin. Ở Việt Nam ta, báo chí còn là phương tiện giáo dục, là lợi khí đấu tranh chính trị và là diễn đàn văn học. Nghĩa là, báo chí phục vụ tất cả những mục tiêu: Thông tin, nghị luận, giáo dục, văn hoá, xã hội.
Công lao to lớn và sự nghiệp đồ sộ của Petrus Ký trong lĩnh vực học thuật thì đã rõ mười mươi, không ai dám phủ nhận. Ở đây, chúng tôi chỉ xin dẫn chứng một trong những nhận định có giá trị về mặt văn học sử.
“Trương Vĩnh Ký thì thật là một nhà bác học. Ông không những là một nhà văn, một nhà viết sử, một nhà dịch thuật, mà lại còn là một người rất giỏi về khoa ngôn ngữ. Ông lại hơn người ở chỗ làm việc rất mải miết, rất đều đặn, nên sự nghiệp văn chương của ông thật lớn lao, những sách của ông thuộc đủ các loại và phong phú vô cùng. Ông thật xứng đáng làm tiêu biểu cho tất cả những người sốt sắng với quốc văn lúc đầu ở Nam Kỳ; sự nghiệp của ông, chúng ta không thể nào không biết đến được”
(Vũ Ngọc Phan. Nhà văn hiện đại, tập I, NXB Khoa Học Xã Hội 1989, tr. 20-21).
Còn Trương Vĩnh Ký với báo chí thì sao? Đúc kết uy tín sau đây của TS. Huỳnh Văn Tòng – qua giáo trình giảng dạy khoa Báo chí – Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, tr. 34-35 đã là một trả lời thoả đáng nhất: “… Những tác phẩm của Trương Vĩnh Ký hay của Huình Tịnh Của chẳng hạn, được đăng trên Gia Định Báo đã ảnh hưởng rất nhiều đến nền văn học nước nhà trong giai đoạn đầu này. Bởi vậy, chúng ta không thể nào phủ nhận vai trò đóng góp tích cực của báo chí trong nền văn học đó… Những nhà văn đầu tiên như Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Của cũng chính là những nhà báo. Và chính lối viết văn xuôi đăng trên báo này đã bắt đầu phát triển và lần lần giữ một vai trò trọng yếu trong nền văn học Cận đại Việt Nam. Việc ấn hành báo chí trong giai đoạn này quả là một phát minh hết sức mới mẻ. Điều này đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phổ biến nền văn hoá mới, cho nên mỗi nhà làm báo quả là một chiến sĩ tiên phong trong việc xây dựng và canh tân xứ sở… Như vậy, chúng ta có thể nói rằng miền Nam là nơi đầu tiên đã nảy sinh ra báo chí quốc ngữ, nói một cách khác là nảy sinh nền văn học cận đại”.
Cùng một quan điểm, tờ Nhà Báo và Công Luận – Cơ quan Trung ương của Hội Nhà Báo Việt Nam, số ra từ 16 đến 22-6-1997, có bài viết như sau: “Nhà báo Việt Nam đầu tiên là Trương Vĩnh Ký, thường gọi là Petrus Ký. Ông là một học giả lớn. Bằng trí tuệ uyên bác, năng lực cảm nhận và sáng tạo cao, cường độ làm vịêc nhanh, ông đã tạo ra một dung lượng tác phẩm rất đồ sộ gồm nhiều thể loại, về nhiều ngành khoa học, đáng làm chúng ta kinh ngạc. Là nhà ngôn ngữ học đầu tiên của Việt Nam, Trương Vĩnh Ký rất coi trọng, tin tưởng và phấn đấu cho tiếng Việt, đưa nó thành một ngôn ngữ văn hoá phổ biến, mang đậm bản sắc dân tộc. Nhưng đáng nói nhất là công lao to lớn, vai trò quan trọng của ông trong lịch sử báo chí nước nhà. Ông thành lập và làm Tổng biên tập những tờ báo quốc ngữ đầu tiên; đồng thời là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác. Ông đã đặt nền móng và dốc sức phát triển báo chí Việt Nam theo hướng toàn diện, phong phú về thể loại, rộng lớn về quy mô, chặt chẽ về kết cấu, đa dạng về phong cách và thuận tiện, gần gũi, hoà đồng về phương thức tiếp cận bạn đọc”.
Về tờ Gia Định báo, trong Kỷ Yếu Báo Chí Việt Nam Trứơc Cách Mạng Tháng Tám, xuất bản 1985, trang 5, Hội Nhà Báo Việt Nam đánh giá: “Gia Định Báo là tờ báo tiếng Việt đầu tiên… Những tờ báo đầu tiên ra đời ở Sài Gòn-Gia Định đồng thời là những tờ báo đầu tiên xuất bản ở nước ta… Về văn học thì những tin và bài đăng trên các báo ấy không những hình thành thể loại văn học báo chí đầu tiên ở nước ta mà đồng thời cũng có thể nói là hình thành thể loại văn xuôi tiếng Việt đầu tiên trên giấy trắng mực đen in rõ ràng và đều đặn”8.
Thì ra, trên con đường viễn chinh và khai hoá, bên cạnh những hệ lụy về mặt lịch sử, chính trị, người Pháp đã để lại hoặc gầy dựng ở đất nước này khá nhiều di sản văn hoá đáng trân trọng. Từ giao thông (đường xá, cầu cống, xe lửa, hàng không, bến cảng, hàng hải) đến cảnh quan, kiến trúc (Đà Lạt, Nha Trang, Sapa, Đồ Sơn, Vũng Tàu, Viện Bảo tàng, Toà Thị chính, Bưu Điện, Nhà hát lớn, v.v…) và cả đến những sinh hoạt văn hoá, văn học nghệ thuật nữa9. Đáng kể là trong đó có việc khai sinh Báo chí, nghề báo, làng báo. Đến nay, dù đã một trăm năm dư, nhân dịp nhận Huân chương Văn Học Nghệ Thuật từ ngài đại sứ Cộng hoà Pháp Hervé Bolot tại Sứ quán Hà Nội (16-01- 2009), nhà dịch thuật Dương Tường vẫn còn dạt dào cảm xúc trong lời phát biểu: “Cả đời tôi được nuôi dưỡng bằng nền văn hoá Pháp… Ngay từ buổi thiếu thời, chính những tư tưởng tự do và dân chủ được J. J Rousseau tuyên ngôn đã đưa tôi đến với cuộc cách mạng Tháng 8… Vâng, vinh dự này cho tôi phần lớn là nhờ các nhà tư tưởng lỗi lạc của Pháp. Cho tôi được gởi đến các vị đó, đến nền văn hoá Pháp, tấm lòng biết ơn sâu xa của tôi10. Không chỉ một mình ông Dương Tường. Còn nhiều, tôi nghĩ, còn rất nhiều những ánh hồi quang từ vang bóng ấy, từ một thời chưa xa ấy mà mãi sau này còn được nhắc nhở với nỗi niềm khôn nguôi.
Thử vòng quanh một tour du khảo dựa trên lịch sử của Sài Gòn, để thấy còn nhiều dấu vết văn hoá khó phai mờ về một miền đất mà “cụ Trương Vĩnh Ký có viết một bài khảo cứu Pháp văn Souvenirs Historiques sur Saigon et ses environs… Nay tôi dựa theo bài ấy làm nòng cốt mà kể tiếp… Cũng nghĩ nếu mãi sụt sè, đến ngày xuống lỗ, chắc gì ông theo được?”11. Mỗi niên đại, một sự kiện, một chứng từ của Sài Gòn mở cửa, hào hiệp: Cảng Sài Gòn (1860), Bệnh viện Grall (1867), Dinh Norodom (Độc Lập-Thống Nhất, 1867), Toà Thị Chính (Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố, 1873), Bót Cảnh Sát Catinat (Sở Văn Hoá- Thông Tin-Du Lịch) (1881), Dinh Thống Đốc (Bảo Tàng Cách Mạng, 1885), Khách sạn Continental (1885), Toà Bưu Chính (Bưu điện Sài Gòn) (1886), Nhà thờ Đức Bà (1887), Nhà Hát Lớn (1900), Chợ Bến Thành (1911), và Sở Thú (1928) nay là Thảo Cầm Viên…12 Đúng là một thời chưa xa của “Hòn Ngọc Viễn Đông”, điểm gặp gỡ giao lưu, đi dễ, khó về của đất lành chim đậu:
…Lớp thời xuống bến Nam Vang
Lớp qua Khánh Hội, lớp sang Nhà Rồng
Lớp xe về lối ngoài trong
Lớp đi theo dõi mấy ông dọn nhà
Nhà in, nhà thuốc, nhà Chà
Nhà hàng ăn ngủ, với nhà lạc-xoong…
Cho ăn, cho ngủ đều ngon
Thong thả lại còn uống rượu, đánh lăng
Phong lưu, cách điệu ai bằng
Đường đi trơn láng, đèn giăng sáng loà
Thứ Năm, thứ Bảy, thứ Ba
Với đêm Chúa nhựt hát nhà hát Tây
Nước nào tục ấy cũng hay
Tiếng đờn tiếng hát nghe say tánh tình…
Lang-sa, Quốc ngữ nhựt trình
Mỗi tuần in bán sự tình lăng xăng
Gia Định báo là công văn
Phát ra các hạt, lệ hằng không sai
Dọc ngang biết mấy lâu đài
Sở kia, sở nọ kể hoài xiết đâu.13
Ta có thể nghiệm ra ý nghĩa rất sinh động mà Claude Bourrin, một người Pháp từng sống tại Việt Nam đầu thế kỷ trước đã nói rằng khi đặt chân đến một miền đất mới, trong khi người Tây Ban Nha xây tu viện, người Italia xây thánh đường và người Anh xây ngân hàng thì người Pháp xây nhà hát, mở các quán cà phê để gặp gỡ. Đôi khi chỉ là những mẩu tin tầm phào. Chẳng hạn cái ký ức của những đám dân tụ bạ nơi quán xá lề đường mà người Sài Gòn quen gọi là “Radio Catinat”. Từ nơi chốn lô xô ấy, đủ thứ chuyện trên trời dưới đất được nhanh chóng loan truyền ra, tạm gọi là “thông tấn xã vỉa hè” pha trộn ít nhiều màu sắc bình dân và châm biếm...
Chú thích:
Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn