Bài viết “Người đàn ông muốn gì trong hôn nhân”đã gây được nhiều chú ý, đặc biệt, về phía nữ giới. Nhiều câu hỏi được đặt ra từ phía các chị em là, còn phần chúng tôi thì sao? Chúng tôi muốn gì trong hôn nhân? Ðể “có đi, có lại” cho toại lòng nhau, bài viết này nhằm phản ảnh một số những điều mong ước từ phía phụ nữ đối với người chồng của mình.
Nhân loại đang sống trong những năm đầu thế kỷ 21, thế kỷ của những tiến bộ vượt bực về mọi phương diện. Nhờ đó, vai trò người phụ nữ càng trở nên có giá trị và được biết đến. Tại nhiều quốc gia tiên tiến, phụ nữ đang chen vai, sát cánh với nam giới trong mọi lãnh vực, văn hóa, xã hội, chính trị và tôn giáo. Quan niệm trọng nam khinh nữ, do đó, đang từ từ bị loại bỏ khỏi những nền văn hóa của các nước này. Ðời sống gia đình vì thế cần phải đặt lại vai trò của người phụ nữ; nhất là phải quan tâm đến những nhu cầu và quyền lợi của họ. Vậy, phụ nữ ngày nay đang mong muốn gì ở người chồng của mình?
Qua kinh nghiệm nghề nghiệp, và qua những khảo cứu đó đây, ta có thể tóm gọn một số ước muốn mà người phụ nữ muốn có ở chồng mình:
+ Biết lắng nghe.
+ Biết tôn trọng.
+ Biết săn sóc và bảo vệ.
+ Có trách nhiệm.
+ Có đức tính chung thủy.
+ Có tư cách đáng nể.
Trong đời sống hôn nhân, BA ĐIỀU MÀ NGƯỜI PHỤ NỮ MUỐN CHỒNG MÌNH PHẢI “BIẾT”: Ðó là biết lắng nghe vợ, biết tôn trọng vợ, và biết săn sóc và bao bọc vợ.
Song song với ba điều cần biết đó, người phụ nữ cũng muốn chồng họ “có” được những điều sau: Có tinh thần trách nhiệm, có đức tính chung thủy, và có được tư cách đáng nể như lúc ban đầu.
BA “BIẾT” CỦA CHỒNG:
Ðời sống hôn nhân là một hành trình đi tìm hạnh phúc. Ngày cưới mới chỉ là bước khởi đầu. Nếu người chồng không “biết” vợ mình muốn gì thì rất khó để cùng đồng hành với nhau trên hành trình này.
BIẾT số 1 : LẮNG NGHE VỢ
Ðây là điều mà đa số phụ nữ thường phàn nàn về đàn ông, đặc biệt là các bà vợ phàn nàn về chồng của mình. Họ cho rằng đàn ông thường hay lơ là, không lắng nghe, và nhiều khi còn coi những câu chuyện vợ kể là nhỏ mọn không đáng quan tâm.
Trong những trao đổi hàng ngày, người đàn ông còn thêm một khuyết điểm rất lớn, đó là hay cắt ngang câu truyện bằng những lời cộc cằn, và ngang bướng theo kiểu “cả vú lấp miệng em”. Họ quên rằng nói là nghề của nàng, còn hay hỏi lại là nghề của chàng. Một bên muốn có người nghe, còn một bên muốn có người trả lời những câu hỏi, và vì thế, nhiều lần trong những câu truyện giữa hai vợ chồng tưởng chừng như cãi lộn. Sự thiếu chú ý và lắng nghe không chỉ là điều làm cho các bà vợ bực mình, mà nó còn là một lỗi lầm đáng trách của phía đàn ông, nhất là lúc họ đang để tâm suy nghĩ một việc gì.
Theo tâm lý phụ nữ, nói là một cách diễn đạt những ước muốn của mình. Nói còn là một hình thức làm vơi bớt những bực dọc, tức tối trong người. Chúng ta vẫn thường nghe các bà, các cô nói: “Tôi mà không nói ra được, thì ấm ức trong lòng không ăn ngon, ngủ yên được.”
Có hai hình thức diễn tả điều mình muốn, hoặc giao tiếp, đó là thứ ngôn ngữ “thầm lặng” (body language) và ngôn ngữ tiếng nói ngoài miệng. Ngôn ngữ thầm lặng được diễn tả bằng ánh mắt, làn môi, nụ cười, hoặc nét mặt. Ðây là thứ ngôn ngữ mà hiểu được sẽ làm cho người nói cảm thấy hạnh phúc và sung sướng. Nó khác với ngôn ngữ bình thường mà ta vẫn hằng nghe ngoài miệng. Trong tình yêu, ngôn ngữ thầm lặng mang tính lãng mạn và hấp dẫn hơn ngôn ngữ tiếng nói ngoài miệng. Thí dụ, khi hai người yêu ngồi bên nhau thì một nụ cười, một ánh mắt, một cử chỉ vuốt ve chiều chuộng đã đủ nói lên nhiều thay cho những tiếng “anh yêu em”, hoặc “em yêu anh”. Nhưng nếu ngôn ngữ không thành tiếng ấy người chồng không nghe, hoặc không hiểu được, thì ít nhất ngôn ngữ tiếng nói là ngôn ngữ người chồng nên và phải lắng nghe. Do đó, nhu cầu nói cần phải có nhu cầu nghe. Và nghe chính là một hình thức làm vui vợ mình, khiến nàng tin tưởng và chia sẻ hơn với mình.
BIẾT số 2 : TÔN TRỌNG VỢ
Không phải chỉ trong các quốc gia có những nền văn hóa coi nhẹ phụ nữ, mà ngay tại các quốc gia tiên tiến như Hoa Kỳ, thái độ coi thường vợ cũng vẫn thường xảy ra trong nhiều gia đình. Ðặc biệt những trường hợp người chồng vì một lý do nào đó thua kém vợ trong những khả năng chuyên môn, học vấn, nghề nghiệp, địa vị, và tài chánh.
Thái độ thiếu tôn trọng thường được biểu lộ bằng những lời lẽ và hành vi như tự ty, mặc cảm, và ghen tị. Không khen vợ, không khuyến khích vợ, ngược lại hay phê bình, chỉ trích, hoặc hờn dỗi. Nếu thái độ thiếu tôn trọng này trở thành trầm trọng lúc đó sẽ dẫn đến bạo hành trong gia đình. Những hình thức bạo hành thường thấy xảy ra gồm: xúc phạm, hành hạ thể xác. Xúc phạm, hành hạ tâm lý. Xúc phạm, hành hạ tâm linh.
Những hình thức xúc phạm, hành hạ thể xác bao gồm thiếu tôn trọng thể xác của vợ, coi thường đánh đập. Riêng về mặt thể xác còn thêm sự thiếu tôn trọng, xúc phạm tiết hạnh của vợ, dùng vợ như phương tiện giải quyết nhu cầu sinh lý, hoặc thỏa mãn dục vọng. Về mặt tâm lý gồm những hình thức mạ lỵ, mạt sát, chửi bới, khinh bỉ. Và về tâm linh là coi thường hoặc chỉ trích, phê bình niềm tin, tôn giáo của vợ.
Người vợ cũng như người chồng, tất cả đều là con người. Ðều có những nhân cách, phẩm giá, và giá trị cần được tôn trọng. Ðặc biệt, hành động tôn trọng còn nói lên cái ý nghĩa cao đẹp của việc săn tìm, chinh phục mà người chồng đã có khi chọn lựa và yêu nàng.
Người vợ trong hôn nhân là một món quà đặc biệt và vô giá mà Thiên Chúa đã ban cho người chồng. Chính họ đã tìm kiếm và yêu thích món quà này ngay từ lần đầu gặp gỡ. Do đó, không chỉ người vợ có quyền mong mỏi sự tôn trọng ấy, mà ngay cả người chồng cũng thấy mình có bổn phận phải tôn trọng. Vì tôn trọng vợ cũng là tôn trọng mình. Tôn trọng sự lựa chọn của mình. Và tôn trọng món quà mà Thiên Chúa đã ban cho mình.
BIẾT số 3 : BAO BỌC VÀ CHE CHỞ VỢ
Khi ta có được một vật gì đẹp, quí, và hiếm ta thường có tâm lý bao bọc, che chở, cất dấu và chỉ để một mình thưởng thức. Tuy việc làm này có chút ích kỷ, nhưng là điều cần thiết phải làm vì nếu không sẽ bị tính ích kỷ và tham lam của người khác chiếm đoạt mất.
Việc người chồng bao bọc và che chở cho vợ còn là một trong những đòi hỏi của tình yêu phát xuất từ thái độ tôn trọng lẫn nhau. Nó cũng nói lên đặc tính thủ lãnh, trách nhiệm của người chồng, người làm đầu trong gia đình.
Bảo vệ, che chở là việc làm vừa có tính cách hiện tại vừa tiên đoán. Hiện tại là những biến cố đang xảy ra trước mặt, đòi người chồng phải giải quyết. Thí dụ, vợ vừa gặp tai nạn lưu thông trên đường, hành động trước tiên của người chồng lúc đó là lo cho sự an toàn và sức khỏe của vợ. Tiếp đến là giúp vợ liên lạc với các văn phòng bác sĩ, luật sư, bảo hiểm...
Tiên đoán là dự phòng trước những gì có thể xảy ra trong tương lai. Thí dụ, trong những ngày gần đây sức khỏe vợ yếu kém vì sự căng thẳng của công ăn việc làm, của nghề nghiệp. Trong trường hợp này, ngoài việc an ủi, chia sẻ những vất vả trong gia đình, người chồng nếu có thể giúp vợ tìm kiếm những việc làm mới thích hợp với sức khỏe và hoàn cảnh của vợ.
Trong hôn nhân, người chồng nên dùng hành động bảo vệ và che chở để diễn tả quyền hạn và vai trò của mình hơn bằng những cử chỉ, lời nói, và hành động mang tính vũ phu, hoặc cưỡng bức. Những cử chỉ, lời nói, và hành động tiêu cực chỉ tạo sự cay đắng và coi thường, hơn là được sự kính trọng và thương mến của vợ.
Là người chồng để tâm săn sóc và lo lắng cho vợ, bạn còn tiếp tục để ý làm vui lòng vợ bằng những cử chỉ đẹp, âu yếm và lãng mạn không? Ðây cũng là những gì bạn đang mong muốn vợ bạn làm cho bạn. Thí dụ, ngày sinh nhật của vợ, kỷ niệm ngày hai đứa mới quen nhau, hoặc kỷ niệm ngày cưới là những kỷ niệm mà một người chồng yêu thương vợ không bao giờ được phép quên sót. Không cần phải quà cáp, tặng vật đắt tiền, nhưng chỉ cần một nụ hôn, một bông hoa, một bữa tối giữa hai vợ chồng tại một nhà hàng quen thuộc cũng đủ để người vợ cảm thấy mình được quan tâm và nghĩ tới trong những dịp đặc biệt như thế.
BA “CÓ” CỦA CHỒNG:
Ngoài những mong ước có tính cách cá nhân, người vợ còn muốn nhìn thấy những gì chồng mình phải “có” liên quan đến trách nhiệm làm chồng:
CÓ số 1 : TRÁCH NHIỆM
Trách nhiệm chính của chồng là yêu thương, bao bọc, che chở và lo lắng cho hạnh phúc của vợ. Nhiều người chồng vẫn hiểu một cách quá đơn sơ và cho rằng mình đi kiếm tiền về nuôi vợ, nuôi con là xong trách nhiệm. Ðó là hình ảnh mà tôi thường gặp trong lãnh vực nghề nghiệp. Nhiều người chồng còn tệ hơn, không những không lo được cơm áo cho vợ mà còn trở thành gánh nặng của vợ. Không chỉ vợ, mà cả con cái cũng nheo nhóc, khổ sở với thái độ và lối sống vô trách nhiệm ấy. Ðó là những người chồng bê tha rượu chè, nghiện hút, cờ bạc, và trai gái...
Một người chồng bỏ bê không lo tìm việc làm, nhưng sống bám vào đồng lương của vợ là người chồng vô trách nhiệm.
Một người chồng không quan tâm đến sự an nguy của vợ con, không biết chia sẻ những trách nhiệm giáo dục con cái với vợ là người chồng, người cha vô trách nhiệm.
Một người chồng không lo lắng cho vợ con, tối ngày chỉ lăng xăng chuyện ngoài đường với lý do bác ái, tông đồ, hoặc xã hội là một người chồng đặt sai trách nhiệm.
Và nhiều, nhiều hình thức vô trách nhiệm mà trong môi trường sống thường ngày chúng ta vẫn hằng phải đối diện.
Tóm lại, để làm đầu, làm cột trụ trong gia đình, và nhất là để làm người chồng có trách nhiệm, thì trách nhiệm đầu tiên, gần gũi nhất là những bổn phận cần phải có đối với vợ, với con và gia đình: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
CÓ số 2 : CHUNG THỦY
Hiện tượng ly dị, ly thân ngày nay đang là một cơn bệnh dịch hiểm nghèo của thời đại. Nó hoành hành mọi nơi và đang phá đổ hạnh phúc gia đình của rất nhiều người.
Mặc dù thống kê cho biết, thông thường người vợ là người có ý định và có hành động ly dị trước, nhưng lý do ly dị lại phần lớn là do người chồng gây ra. Gian dối, vụng trộm tình cảm là những lý do khiến người chồng mang tội phản bội, và cũng là một trong những lý do chính đưa đến ly dị.
Bản năng chinh phục và thích chinh phục. Nhu cầu sinh lý và những thỏa mãn sinh lý. Cộng thêm sự thiếu tế nhị, ngọt ngào của vợ là những yếu tố khiến người chồng dễ đi đến vụng trộm. Tuy nhiên, đó cũng là những cám dỗ cực kỳ khó tránh mà một người chồng chung thủy cần phải ý thức và thắng vượt.
Trong thực tế, nhiều ông chồng mắc phải những lỗi lầm đáng trách trên, nhưng người vợ ở nhà vẫn nhẫn nại, chịu đựng và sẵn sàng tha thứ. Một mặt vì không muốn con cái phải khổ. Mặt khác vì sợ rằng một mình không cáng đáng nổi gia đình.
Nhưng theo tâm lý, người phụ nữ một khi đã ngoại tình thì cũng là lúc tình yêu họ lịm chết. Và đó là lời cảnh báo cho những người chồng không chung thủy. Không một phụ nữ nào muốn chia sẻ tình yêu của mình cho một phụ nữ khác.
CÓ số 3 : TƯ CÁCH ĐÁNG NỂ
Nếu sắc đẹp của phụ nữ làm mê mẩn nam giới, thì dáng dấp hào hùng, hành động tự tin, quả quyết, pha chút lãng mạn cũng là những gì hấp dẫn giới phụ nữ. Ðiều này được chứng minh qua những mối tình mà mới nghe qua tưởng như vô nghĩa. Ðó là những cuộc tình, những hôn nhân giữa một phụ nữ với một tội phạm bị giam trong tù. Hoặc những trẻ gái vị thành niên bỏ học, bỏ nhà đi theo những chàng trai băng đảng. Một chút ngang tàng, một chút bướng bỉnh, lỳ lợm, và “bụi” một chút là những sức mạnh tâm lý của phái nam có sức thu hút phái nữ.
Rộng lượng, quảng đại, và bình tĩnh. Ðây là những đức tính mà người vợ muốn có nơi chồng mình. Một người chồng hẹp hòi, tính toán với vợ: “Ðo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Một người chồng kiêm quản gia phát tiền chợ cho vợ là người chồng hẹp hòi, bủn xỉn.
Không đòi hỏi chồng mình phải là những thánh nhân, đức độ, nhưng trong thực tế người vợ nào cũng thán phục những đức tính hòa nhã, bình tĩnh khi phải ứng xử với những khó khăn của cuộc sống nơi chồng mình. Một người chồng lúc nào cũng đôi co, tranh cãi hơn thua với vợ, nóng nẩy và lỗ mãng là một người chồng hết xài.
Ðàn ông không cần nói nhiều, nhưng làm nhiều. Ðàn ông cần cương quyết, mạnh dạn nhưng không nóng nảy, hấp tấp. Hành động nóng nảy, hấp tấp của chồng thường chỉ làm cho vợ thêm hốt hoảng và lo lắng. Những lúc gặp khó khăn, nàng cần được dựa vào người chồng bình tĩnh, nhưng quả quyết.
“Good in bed”. Sau cùng khả năng tình dục cũng giữ một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống vợ chồng. Nó tạo tự tin cho người chồng, và đem lại hạnh phúc cho vợ. Một người chồng tốt không chỉ ở tư cách, đạo đức, khả năng mà còn phải tốt cả ở “trên giường” nữa.
Tóm lại, người vợ dù là ai, nắm giữ bất cứ trách vụ nào ngoài xã hội hay trong giáo hội, ở nhà họ vẫn luôn luôn muốn nhìn lên chồng mình bằng ánh mắt nể phục.
KẾT LUẬN : Trong đời sống hôn nhân, liên hệ vợ chồng được xây dựng trên tình yêu, chung thủy, và lòng đạo hạnh. Tuy nhiên, bằng một cái nhìn tự nhiên, và qua những tâm lý khác biệt giữa nam nữ, người vợ lúc nào cũng muốn chồng mình là người dễ thương, dễ mến, và dễ yêu. Một người chồng biết lắng nghe, tôn trọng, và săn sóc che chở cho vợ. Một người chồng có trách nhiệm, chung thủy, và không bao giờ đánh mất vẻ đẹp thần tượng của mình.
Tác giả bài viết: Trần Mỹ Duyệt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn