NIỀM VUI GIÁNG SINH LÀ NIỀM VUI NÀO?

Thứ hai - 23/12/2024 20:44
Niềm Vui Giáng Sinh đích thực là Niềm Vui Ơn Cứu Độ.
NIỀM VUI GIÁNG SINH LÀ NIỀM VUI NÀO?

NIỀM VUI GIÁNG SINH LÀ NIỀM VUI NÀO?

 

Các bản văn Phụng Vụ của Chúa Nhật Tuần 4 Mùa Vọng Năm C sẽ cho chúng ta thấy: Niềm Vui Giáng Sinh mà chúng ta đang hướng tới là niềm vui nào. Chắc hẳn, Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 4 Mùa Vọng sẽ làm chúng ta ngạc nhiên: đang cận kề ngày Lễ Giáng Sinh, ấy thế mà, các nhà Phụng Vụ lại hướng chúng ta về Mầu Nhiệm Thập Giá: Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Đức Kitô, Con Chúa, đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin…

 

Thật ra, khi suy niệm Năm Sự Vui, ở Mầu Nhiệm Thứ Tư, chúng ta đã thấy Mầu Nhiệm Thập Giá hé lộ rồi: Thứ tư, Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh, ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy. Khi Đức Giêsu được dâng trong Đền Thờ, cụ già Simêon đã bồng ẵm Hài Nhi, và ông đã tiên báo: Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ.

 

Chúa đã chọn con đường tự hủy để cứu độ chúng ta, vì thế, Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Thập Giá không thể tách rời nhau. Chúa đã chọn những gì nhỏ bé, yếu ớt để hạ nhục những gì to lớn, hùng mạnh. Các bản văn Phụng Vụ Chúa Nhật Tuần 4 Mùa Vọng Năm C cho thấy điều đó: Bài đọc một trích sách ngôn sứ Mikha: Hỡi Bêlem, người nhỏ nhất trong thị tộc Giuđa, nhưng từ nơi ngươi, sẽ xuất hiện Đấng lãnh đạo Ítraen; Bài đọc hai trích thư gửi tín hữu Hípri: Chúa tạo cho con một thân thể, có gì yếu đuối hơn xác đất vật hèn, bị bủa vây bởi muôn ngàn nỗi sợ: sợ đói, sợ bệnh, sợ nghèo, sợ chết… Bài Tin Mừng cho thấy sự khiêm nhường bé nhỏ của bà Êlisabét qua lời bà nói: Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi, bà tự nhận mình hèn kém, bé nhỏ, bà đại diện cho cả một dân tộc bé nhỏ được Chúa thương chọn làm Dân Riêng, và nay, để đáp lại niềm mong đợi mà Vịnh Gia đã diễn tả trong Bài Đáp Ca xin Chúa đến thăm nom vườn nho cũ, Chúa đã thương tình đến thăm Dân Người, phục hồi và tỏa tình thương cứu độ cho mọi người.

 

 Nếu xưa kia bà Evà kiêu ngạo bất tuân đã mang trái cây sự chết đến cho nhân loại, thì nay, Đức Maria khiêm nhường vâng lời đã mang trái cây sự sống đến viếng thăm bà Êlisabét khiến vị tiền hô đã nhảy lên trong bụng mẹ. Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Thập Giá là Mầu Nhiệm Vâng Lời, Đức Maria đã khiêm hạ vâng lời, để cưu mang Đấng Vâng Lời, đến thực thi thánh ý Chúa Cha, mà thánh ý Chúa Cha là muốn Đức Kitô cứu độ hết tất cả mọi người. Vì thế, Người đã sống trọn kiếp người, đi đến rốt cùng của một kiếp người, để cứu độ cả những con người bé mọn, hèn kém nhất. Qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, không ai nghèo khó, hèn yếu bằng Chúa; Qua Mầu Nhiệm Thập Giá, không ai đau khổ, tủi nhục bằng Chúa. Chúa đã đi đến tận đáy của một kiếp người, để ôm lấy tất cả nhân loại.

 

Niềm Vui Giáng Sinh đích thực là Niềm Vui Ơn Cứu Độ. Niềm vui của những kẻ đang trên đoạn đầu đài, đã đến giờ hành quyết, bỗng nhiên, nhận được chiếu chỉ của nhà vua: được tha bổng, được trắng án, được sống. Chiếu chỉ của nhà vua được viết bằng mực trên vải, trên giấy, ấy thế mà, mọi người đều phải quỳ phục xuống để đón nhận. Đức Maria cũng mang trong mình một “thánh chỉ”, không phải được viết bằng giọt mực, nhưng bằng, chính giọt máu của Đấng Cứu Độ mà Mẹ đang cưu mang, giấy xá tội được viết bằng chính cây thập giá, bằng chính Máu của Đấng Cứu Độ, đổ ra để cho toàn thể nhân loại được sống.

 

Sắp bị tử hình, mà lại được tha bổng, thì có niềm vui nào lớn lao hơn niềm vui này? Niềm Vui Ơn Cứu Độ được trả bằng Giá Máu của Đấng Cứu Độ. Ước gì chúng ta cũng biết đón mừng Niềm Vui Giáng Sinh trong tâm tình khiêm nhường và vâng phục, để Ơn Cứu Độ được thành toàn nơi chúng ta và nơi những người xung quanh. Ước gì được như thế!

Tác giả bài viết: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây