Thánh Giá Chiều Nào
Thánh Giá mang chiều kích nhân loại được thể hiện trong chiều kích dọc và ngang. Chiều dọc mang tính biểu hiện con người hướng tới trời cao, chiều kích ngang mang tính biểu hiện tình yêu nối kết.
Hai chiều kích biểu thị một khát vọng duy nhất, con người được tham dự vào đời sống thần linh, biểu hiện chiều dọc và ngang được cắm vào trong trái đất hướng lên trời cao.
Chiều kích ngang:
Biểu thị cho tình yêu nối kết nhưng cũng là một tình yêu bị xâu xé và giằng co nhất của biểu hiện chiều ngang bị đóng đinh vào trong đó. Trong nối kết bị đinh đóng vào, bao giờ cũng thấy sự phân rẽ giữa những nỗ lực nối kết và phân tán.
Sự phân tán này có nhiều ý nghĩa:
Đóng đinh và tính hy sinh:
Tình yêu đưa đến hiệp thông không phải là một tình yêu dễ dàng đạt được. Đó là kết quả của một tình yêu chịu hiến tế vì anh chị em của mình. Hy sinh bao giờ cũng là mặt ẩn của tình yêu được tỏ lộ. Không có hy sinh tình yêu chỉ là ngoài môi miệng. Để đạt được tình yêu đích thực, con đường duy nhất đó là con đường thập giá. Con đường này đi qua trong cuộc sống mỗi ngày. Từ những đêm thức trắng của bà mẹ chăm sóc giữ gìn giấc ngủ ngon của đứa con đến những hy sinh đau khổ và có khi cả máu của những con người canh giấc bình yên cho một dân tộc. Những hy sinh đời thường nhất đến những hy sinh cao cả nhất đều có chung một biểu lộ tình yêu cao thượng vượt trên chính bản thân. Chính vì chịu đóng đinh nên tình yêu phải đổ máu, phải hy sinh và sự hy sinh đó chỉ có thể hòan thành khi chịu đóng đinh cho tới cùng.
Đóng đinh và tính đối chiều:
Tình yêu bao giờ cũng có một đối lực của bất công, thù hận. Càng treo lên cao tính đối lực lại càng mạnh thế. Bất công thù hận bao giờ cũng mạnh thế hơn tình yêu về mặt bạo lực. Hai con đường khác nhau và trái chiều nhau. Bạo lực luôn có sẵn một câu kết, có những khí giới, có những dụng cụ thi hành bạo lực; tình yêu cũng luôn có hiệp thông, chịu đựng, nhẫn nại, và tha thứ. Thi hành của bạo lực là hành xử bất công, thi hành cua tình yêu là bao dung tha thứ. Một con đường bạo lực luôn manh động mang chiều kích tấn công và một con đường của tình yêu mang tính thầm lặng và nhân từ. Tính biểu hiện rõ nét được trình bày rõ ràng và cụ thể nhất là nơi đỉnh cao của con đường thập giá. Con đường về phía phải và về phía trái được minh bạch rõ ràng, không còn mập mờ giữa hai phía. Sự chọn lựa lối phải hay lối trái cũng mang tính quyết định sống còn của người lựa chọn. Sự kiện này được thấy từ hai phía người trộm lành và người trộm dữ. Kết quả của tính đối chiều trên thập giá đã cho thấy, không có một sức mạnh khí giới nào thắng được sức mạnh của tình yêu trong khí cụ tha thứ.
Đóng đinh mang tính ràng buộc:
Cam kết là một lối đường của hy sinh. Cam kết trong sự thiện hay cam kết trong sự dữ đều qua con đường của hy sinh. Không thể tránh né vấn đề của những con người đi trong cam kết với sự dữ, bởi vì sự dữ, cái xấu, cái ác đều mang lại một phần thưởng vật chất cụ thể nào đó trước mắt cho những người cam kết với nó. Tính nguyên nhân và hậu quả lại luôn đúng với mọi trường hợp cam kết. Cam kết với sự dữ, hậu quả của sự dữ là sự chết, cái chết không đến ở trong lúc cuối cùng trong cuộc đời mà đến từng giây phút trong cuộc sống. Cái chết luôn xuất hiện khi một sự ác được thực hiện: cái chết của lương tri, cái chết của tình người, cái chết của nhân tính, cái chết của lòng tự trọng… Và cũng vì bị chết quá nhiều về mọi mặt và mọi khía cạnh của con người cam kết với sự dữ cho nên con người lại phải có một bình phong che đậy: áo giáp, vũ khí, lạnh lùng, trong thời hiện đại, áo giáp bình phong: Nhà cửa, vật chất xa hoa, quyền thế… Càng có bình phong xa hoa, vật chất sang trọng lại càng chứng tỏ con người nghèo về nhân cách, run sợ trước cái chết. Đấy là cái giá của sự ràng buộc với sự dữ.
Cam kết với sự thiện luôn mang tính hiệu quả của việc cam kết, đó là sự sống. Sự dữ chỉ có thể trói buộc cánh tay của hành động chứ không bao giời trói buộc được tình yêu. Gandhi nói trong sứ mạng của mình. “Đem tình yêu tưới vào chân lý”. Không thể nào trói được tình yêu và hoa trái của tình yêu mang lại đầy vẻ huy hòang của sự sống. Viên sĩ quan tháo mũ quỳ trước con người bị đóng đính vừa tử tội. Kết quả của sự thiện đạt tới mức cao độ khi không cần phải có những vật chất xa hoa, quyền lực làm bình phong. Con người ở mức độ đem tình yêu tưới vào chân lý cao nhất là con người trần trụi, bị treo giữa trời mà vẫn còn nói lên chân lý cuối cùng của tình yêu: “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Hãy đi trên con đường sự thiện vì con đường sự thiện luôn mở ra những con đường sống.
Đóng đinh biểu hiện một chắc chắn thành công của sự thiện: Sự dữ chỉ đe dọa đến mức cuối cùng là lấy đi mạng sống của một người hay một nhóm người chứ không thể xóa bỏ hết được mọi người theo sự thiện. Lịch sử đã nhiều làn chứng minh điều ấy, sự dữ leo thang thì chân lý lại càng rạng ngời. Chân lý sự thiện chỉ có một, những nẻo đường sự thiện thì có nhiều, chân lý sự thiện đã chiến thắng sự chết thì mọi con đường sự thiện dõi theo cũng chiến thắng. Thập giá vì thế vừa mang tính đe dọa của sự dữ nhưng đồng thời cũng biểu hiện rạng ngời của chân lý. Người ta không thể đóng đinh chân lý vào cây gỗ đời của công lý bị bẻ cong bởi sức nặng của sự dữ. Đỉnh cao của thành công của thập giá là con đường đau khổ dẫn tới vinh quang. Không có con đường vinh quang của chân lý mà không qua con đường đau khổ bởi chân lý; bởi thế, tính thành công của chân lý vẫn luôn cuốn hút nhiều người dám chết cho chân lý hiển trị, biểu thị bằng đôi tay giang ngang giữa trời ôm lấy tòan thể với hết lòng yêu mến trái đất. Khi nào con người mới đạt được tới mức yêu thương tất cả đó là khi con người chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả, tha thứ tất cả.
Chiều kích dọc:
Hướng về trời trong khi chân cột vẫn chôn chặt dưới đất. Loại hình chiều dọc này mang nhiều suy tư:
Chiều dọc và tính nối kết: Thánh Vịnh 85, 12, nói lên tính cách biểu lộ tuyệt vời của tình nối kết: “Ân nghĩa, tín thành cùng nhau hội ngộ, công chính bình an áp má hôn nhau, từ đất tín nghĩa nảy mầm, từ trời công chính đoái lại”. Kết quả của kết nối được phát sinh từ tín nghĩa ân tình của nhân thế. Chiều dọc của thập giá là một chiều dọc mang tính cố định, nghĩa là xác định của sự nối kết. Xưa kia, con người vác thập giá chỉ mang theo thanh ngang buộc chặt trên đôi vai người tử tội. Hình ảnh này xác định một biểu lộ nhân cách của con người tín nghĩa, tín nghĩa trong con đường thập giá của mình, tín nghĩa giữa những roi đòn, phỉ báng của sự dữ. Tín nghĩa còn là thái độ đón nhận với tất cả của lòng yêu mến. Thập giá không còn là gánh nặng của sự dữ mà trở nên việc gánh vác mọi buồn vui cuộc đời bằng tình yêu. Với tình yêu, Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy mang lấy ách của Ta và gánh Ta nhẹ nhàng”. Tình yêu mới là sức mạnh của tín nghĩa mà mỗi người mang lấy trên đôi vai của mình. Hãy mang vác cuộc đời này bằng tình yêu, để ráp nối với chiều dọc của cuộc hội ngô giao duyên. Kết quả công chính chiếu tỏa từ trời cao và bình an thực hiện dưới thế. Ai đang mang vác những gánh nặng của sự dữ cuộc đời, hãy mang vác bằng tình yêu với Chúa sẽ chinh phục được trái đất, xóa bỏ được những bất công và thấy hòa bình được thực hiện.
Chiều dọc mang tính kéo lên: “Khi các ngươi treo Ta lên mới biết Ta Là”. Chân lý chỉ được tỏ bày hòan hảo khi Con Người được treo lên. Dấu hiệu báo trước cho những thành công của chân lý là sự dữ đã đi đến chỗ tột cùng. Nghĩa là ở đỉnh điểm của con người bị treo lên chân lý được tỏ hiện. Không có cái chết của sự thiện nào trở thành vô nghĩa bởi vì nó còn tác động lên chính con người thi hành án xử bất công. Tại Thánh Giá treo thân hình Chúa giêsu, chúng ta gặp được ở đó biết bao sự an ủi khívch lệ của lời mời gọi: Hãy đến với Ta, hỡi những ai gánh nặng và mệt mỏi. Chúa Giêsu chân lý biểu lộ tòan vẹn đã làm một tác động kéo lên một cách dứt khóat của mọi thực tại trần thế: Sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian.
Suy tôn Thánh Giá, con người chúng ta suy tôn Chúa Giêsu mạc khải của Chúa Cha trên Thánh Giá, chúng ta suy tôn chân lý trọn vẹn đã được thực hiện, chúng ta suy tôn Tình Yêu đã nói lên tất cả sự sống chiến thắng sự chết. Xin muôn ngàn đời chúc tụng suy tôn Thánh Giá của Chúa đã biểu lộ nơi con người chúng con.
L.m Giuse Hòang Kim Toan
Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn