NỢ TRĂM NĂM BAO GIỜ TRẢ ĐƯỢC ?

Thứ sáu - 18/02/2022 02:44
Chúng tôi muốn nói đến trường hợp của Alexandre de Rhodes (1591-1660). Vâng, Alexandre de Rhodes, trước hết là một nhà truyền giáo đến từ phương Tây - có cái tên rất đỗi Việt Nam là Đắc Lộ - người mà xưa nay vẫn được vinh danh là “ông tổ khai sinh ra chữ Quốc ngữ”.
NỢ TRĂM NĂM BAO GIỜ TRẢ ĐƯỢC ?

NỢ TRĂM NĂM BAO GIỜ TRẢ ĐƯỢC ?

● Francis Assisi Lê Đình Bảng .

 

1.Khi bài viết nhỏ này đến tay bạn thì tờ lịch mang những con số 15.3.2022 hẳn chẳng còn xa lạ, ngẫu nhiên, vô tình và vô cảm nữa. Phải chăng, chúng có bàng bạc và gửi gắm điều gì, như muốn nhắc ta nhớ đến những sinh tử, mất còn, dù có rớt rơi, nhạt nhoà của một ai đó trong số những con người và sự kiện đã để lại dấu ấn không dễ bị lãng quên, phai tàn. Chúng tôi muốn nói đến trường hợp của Alexandre de Rhodes (1591-1660). Vâng, Alexandre de Rhodes, trước hết là một nhà truyền giáo đến từ phương Tây - có cái tên rất đỗi Việt Nam là Đắc Lộ - người mà xưa nay vẫn được vinh danh làông tổ khai sinh ra chữ Quốc ngữ”. Nhưng, bên cạnh hào quang ấy, vẫn là kẻ hàm oan, vì chính ông đã bị một bộ phận nào đó trong dư luận không đồng tình, gắt gao kết án là kẻ đi dưới bóng cờ thực dân của đoàn quân viễn chinh? Như thế, khác gì bảo, Quốc ngữ - đứa con tinh thần ông đã cưu mang và sinh thành - chỉ là công cụ của một ý đồ thực dân, xâm lược, không hơn không kém? Cứ lấy năm chào đời 1591 của Đắc Lộ làm dấu mốc thì đúng hôm nay, 15.3.2022, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 431 của ông. Thời gian đằng đẵng ấy, như đã lùi xa dặm dài mấy trăm năm, còn hơn cả nỗi lo xa bất tri tam bách dư niên hậu.... của tác giả Truyện Kiều! Vâng, đúng thế, sao không để cho gió cuốn đi cho nó thoáng? Nghĩ lại, chạnh xót xa ngẫm ngợi, nếu biết ơn là thước đo phẩm hạnh của một con người tử tế, của một dân tộc có truyền thống hiếu đạo, thuỷ chung và văn minh thì không lý gì chúng ta lại hẹp lòng không hái được một bông hồng, thơm thảo làm quà tặng riêng ông, tạm coi như là chút gì để nhớ, để thương? Đâu cần phải đợi đến thời điểm quá muộn mằn này của thế kỷ 21, câu chuyện chẳng đặng đừng trên mới được khơi gợi, gọi là đốt điếu thuốc để chiêu hồn quá khứ. Bởi, ngay từ năm 1961 - nhân kỷ niệm 310 năm ra đời của Từ điển Việt Bồ La, quyển từ điển tiếng Việt đầu tiên, do Đắc Lộ biên tập và Bộ Truyền giáo Roma ấn hành năm 1651, Nguyệt san Missi(1) đã dành trọn số phát hành tháng 5 viết về chủ đề tưởng niệm Alexandre de Rhodes. Theo quan điểm của tờ báo, giáo sĩ Đắc Lộ là người mở đường về mặt ngôn ngữ cho người Việt mình: “Với sáng kiến sử dụng các mẫu tự La Tinh để ghi ký phát âm và tiếng nói của người Việt,tức là Đắc Lộ đã làm công việc giải phóng ngôn ngữ,đưa ngôn ngữ Việt Nam đi trước những quốc gia trong vùng đến 3 thế kỷ.”(2)
 

273757043 652007562888089 3381329972379658493 n


Vẫn biết rằng không phải chỉ một mình Đắc Lộ có công khởi xướng như trên. Mà đó là cả một quá trình, có góp công góp sức của nhiều người, nhiều thời. Trong đó, phần chủ lực thuộc về giáo sĩ Đắc Lộ cùng tập thể các nhà truyền giáo Dòng Tên - không ngoại trừ của cả một số cộng tác viên là nho sĩ, trí thức, thầy giảng và chức việc trong cộng đồng lương giáo bản địa - đã toàn tâm toàn ý, sống và chết ở vùng đất thân yêu này. Cụ thể, là: Francisco de Pina (1585-1625) tác giả Ngữ Pháp Tiếng Việt - Manductio ad Linguam Tunckinenseum; Gaspar d’Amaral (1592-1640) với Tự Điển Việt Bồ -Dictionarium Annamiticum -Lusitanum; Antonio Barbosa với Tự Điển Bồ Việt - Dictionarium Lusitanum - Annamiticum; Christoforo Bori (1583-1632) với Relatio della Nuova Missione Cocincina; Pedro Marques (1577-1657); Fillipo Marini (1608-1664); Girolamo Majorica (1591-1656)... Vâng,tất cả họ đều là những người có công trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc đặt nền móng và điển chế hoá rất căn cơ cho Quốc ngữ của chúng ta từ buổi hừng đông lịch sử ấy, mở đường cho tiếng nói và chữ viết Việt Nam thoát khỏi vòng lệ thuộc văn hoá nghìn năm của chữ Hán, của Hán văn, của Trung Hoa, tạo sức mạnh về bản lĩnh tinh thần cho hàng trăm triệu con dân dòng giống người Việt chúng ta, dù ở nước trong lẫn nước ngoài, có quyền ngẩng cao đầu, sánh vai cùng năm châu bốn biển đến tận hôm nay và mãi mãi về sau. Công ơn khai sáng trời biển ấy - ở một tầm mức khoa học, lịch sử và ngôn ngữ - trộm nghĩ - không hề thua kém gì, nếu không muốn nói là sáng tạo độc đáo, ngang tầm với chữ Nôm của Hàn Thuyên, đời Trần ở thế kỷ 13?


tải xuống


Đặc biệt với Đắc Lộ,người đã tự chọn cho mình một cái tên cúng cơm đầy ý nghĩa và đặc sệt âm điệu Việt Nam - Đắc Lộ - hiểu như là kẻ đi tìm đường và đã gặp,đã thấy đường đi. Như thế, rõ ràng chẳng phải ngẫu nhiên hay đơm đặt. Cũng chẳng phải chuyện trời ơi đất hỡi từ đẩu đâu, hay là vẽ vời , hư cấu, dàn dựng, gán ghép, khiên cưỡng cho vui chuyện. Mà đã là một sự kiện mang tính phát nguyện, một thành tâm; hơn thế, một định mệnh, một duyên nợ, một ơn gọi truyền giáo và văn hoá đối với đất nước, dân tộc mình rồi còn gì? Thử nêu ra một câu hỏi rất vô tư rằng, tại sao bến bờ ấy không phải là đất nước mặt trời mọc và tại sao sợi dây vô hình ấy lại không phải là se kết với dân tộc Phù Tang, như dự kiến ban đầu của chuyến hải hành? Bởi vì sử sách còn ghi rành rành, những ngày lênh đênh vượt biển sang phương Đông, tàu thuyền của Đắc Lộ bỗng nhiên bị sóng gió đánh bạt, trôi dạt, phải chạy vào trú bão trong Cửa Bạng, Thanh Hoá, đúng vào ngày lễ kính thánh Giuse 19.3.1627. Để rồi sau đó, chẳng hẹn mà nên, nhận nơi đây làm quê hương ,ròng rã 20 năm lặn ngòi ngoi nước, cùng ăn, cùng ở, cùng sống chan hoà giữa cộng đồng người Việt, như người Việt. Từ ấy, kỳ diệu thay, Cửa Bạng còn mang thêm một tên gọi mới trong dân gian là Cửa biển Thánh Giuse và vô tình, đã mở ra một cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát về phía Đàng Ngoài.

Vậy mới có câu ca dao nhà đạo:

“Thứ nhất,đền thánh Phapha
Thứ nhì,Cửa Bạng,thứ ba Thần Phù”

Nghe rất đối xứng, nhịp nhàng với câu hát cửa miệng của người dân xứ Thanh :

“Lênh đênh qua Cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi,vụng tu thì chìm.”

... Và để rồi, năm lần bảy lượt bị săn đuổi, bị trục xuất, chạy cùng đường không khỏi nắng. Cuối cùng, ông bị vua quan nước Đại Việt tống khứ không thương tiếc, vĩnh viễn ra khỏi miền đất này. Đến nỗi, những tháng năm cuối đời bên vùng trời Iran ngút ngát, xa lạ, vẫn vời trông về xứ Nam, nơi đã đứt ruột ,chẳng đành đoạn chia biệt này. Không chỉ một mình Đắc Lộ cam chịu vác cây khổ giá nghiệt ngã, nặng nề ấy đâu. Còn, còn nữa, những người đồng hương, đồng hội đồng thuyền, những kẻ chìm xuồng, gửi thân xác trong dòng nước oan nghiệt ở Đàng Trong, Đàng Ngoài của đất nước bằn bặt trùng khơi và vời vợi sông ngòi này. Xin mời bạn cùng đọc lại và chung nỗi xót xa ngậm ngùi sau đây với một trong những chuyên gia về lịch sử, chữ quốc ngữ, dòng Tên và Đắc Lộ học.(3) Trong một khoảnh khắc cảm xúc, chính ta cũng không thể cầm lòng được, khi nghe những tần số bồi hồi của trái tim ấy rung lên “...Những người nước ngoài ấy, nếu bây giờ sống lại thì sẽ phải vô cùng bỡ ngỡ trước cái hiệu quả nó mang lại cho tất cả một dân tộc; điều mà có lẽ chẳng bao giờ các ông dám mơ tưởng. Các ông đã sống trong đất nước Con Rồng Cháu Tiên, tập ăn, tập nói, tập sống như người Việt, cũng nuôi tóc dài quá vai, cũng mặc áo chùng thâm, đi bộ, đi thuyền và ở nhà sàn như nhiều người Việt thời ấy ở xứ Yến Sào Trầm Hương, Đàng Trong. Nhưng xót xa thay, ông Pina bị chết đuối ở vùng biển Hội An lúc mới vừa 40 tuổi; ông Amaral cũng bị chết đuối nốt trong vịnh Bắc bộ khi được 54 tuổi. Còn ông Đắc Lộ tha thiết gắn bó với người Việt có tiếng nói nghe ríu rít như chim hót khi phải rời bỏ Đàng Trong năm 1645 mà lòng đau như cắt đã phải thốt lên: “Tôi từ giã xứ Nam bằng thể xác chứ không phải bằng lòng trí, cả đối với xứ Bắc cũng vậy. Thật sự, tâm hồn tôi để trọn ở hai nơi ấy và tin tưởng không bao giờ lòng trí tôi có thể rời khỏi đó.”(4)
 

274290329 702653151117473 1436078597494666314 n (1)


2.Chuyện duyên nợ của giáo sĩ Đắc Lộ với Quốc ngữ đúng là một thực tế lịch sử, khởi đi từ những trải nghiệm có thật mà ta có thể đọc thấy qua từng trang bút ký còn tươi nguyên hơi thở của tác giả: Histoire du Royaume de Tunkin, La ngữ,1651; Divers Voyages et Missions, 1653. Sau đây, chỉ là đôi ba dòng tự sự khi Đắc Lộ mở miệng ê a học bài học tiếng Việt, chữ Việt đầu đời: “...Năm 1625, tôi bắt đầu học tiếng Việt. Tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày, tôi chăm chỉ học tiếng Việt, y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma...Thầy dạy tiếng Việt cho tôi là một thiếu niên trạc 10-12 tuổi. Đây là cậu bé Raphael de Rhodes(1611-1687), tôi lấy tên tôi mà đặt. Cậu rất thông minh, chỉ trong vòng ba tuần lễ, đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt cà cách thức phát âm của từng chữ. Và bốn tháng sau, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau sáu tháng, tôi đã có thể giảng được bằng tiếng Việt.”(5) Trở lại với Đắc Lộ và Quốc ngữ. Chúng ta rất đồng tình với lập luận - cũng như Hán Nôm - Quốc ngữ là di sản văn hoá chung của nhiều người, nhiều thời. Và cũng không thể phủ nhận cái dụng ý ban đầu của các nhà truyền giáo rằng, Quốc ngữ đơn thuần, chỉ là một phương tiện để truyền giáo - kinh sách, lễ nhạc, phụng tự - trong nội bộ của cộng đồng người Công giáo Việt Nam thuở ấy. Còn nó sinh sôi nảy nở, có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ ra sao, tưởng như là chuyện muôn đời, tự nhiên của trời đất, chẳng ai tra tay vào được. Thật là chẳng ai ngờ? Mà xét cho cùng thì chẳng hề có một áp lực bên ngoài nào xui khiến, đẩy đưa, lèo lái, tác động cả. Trái lại, một phần xuất phát từ bản thân độc lập của một sự kiện văn hoá; phần khác, do nhu cầu phát sinh, đòi hòi tự nhiên của vận hành cuộc sống. Có nghĩa là, phải như thế nào thì Quốc ngữ mới được mau mắn chấp nhận, được sử dụng rộng rãi, phát triển và tồn tại bền vững trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội? Nói cách khác, Quốc ngữ đã bước ra khỏi cánh cửa nhà thờ, nhà chung, không còn là sở hữu riêng tư của Công giáo, cho Công giáo nữa. Nó đã hoá thân thành ngôn ngữ của đời sống, là tiếng nói và chữ viết của toàn dân, là nhịp cầu nối kết giữa mọi người. Rõ ràng là thực tế văn hoá có một không hai ấy đã trở thành một sự kiện lịch sử không thể chối cãi, khi Quốc ngữ xuất hiện đủ cả hình và bóng, xương và thịt, được in ấn trọn vẹn cả chữ lẫn nghĩa trên giấy trắng mực đen của quyển Từ Điển Việt Bồ La - Dictionarium Annamiticum Lusitanum; có in chung phần Văn Phạm Việt Ngữ( Linguae Annamiticae),do Bộ Truyền giáo xuất bản tại Roma năm 1651. images 1Để phần nào ghi nhớ công ơn ấy, năm 1941, một tấm bia đã được Hội Truyền bá Quốc ngữ dựng lên ở bên Hồ Gươm, ngay trước cửa đền Bà Triệu, Hà Nội. Nhưng chẳng hiểu sao, năm 1957, tấm bia ấy đã bị gỡ bỏ đâu mất tăm? Y hệt trường hợp xoá xổ tên đường Alexandre de Rhodes và Petrus Ký ở Sài gòn sau 1975? Cũng may, sau đó khá lâu (1995), danh xưng Alexandre de Rhodes lại được trở về nguyên si tình trạng ban đầu, như đã được quy hoạch rất sớm,rất giàu cảm xúc về văn hoá trên bản đồ Sài gòn năm 1956. Nghĩa là, Alexandre de Rhodes cùng rảo bước song đôi, nhịp nhàng với Hàn Thuyên. Người Sài gòn, bao năm nay, hiểu chuyện bảo, Nôm và Quốc ngữ, như hai dòng sông văn hoá - cùng với mạch chủ là đại lộ Thống Nhất ở chính giữa - cả ba đã hợp lưu, cuồn cuộn chảy về ngôi nhà chung Độc Lập.(6)
 

274124033 468249044761040 7722106351826607239 n


3.Cũng lại chuyện dài về Quốc ngữ và Đắc Lộ. Nhưng ở đây, về một tác phẩm khác, xem ra thuần mùi đạo của nhà thờ, nhà Chúa. Chuyện năm ấy là mảng ký ức sống động trong đám sinh viên các lớp Văn chương Việt Hán chúng tôi tại trường Đại học Văn Khoa và Đại học Sư Phạm Sài gòn. Các thầy Lê Ngọc Trụ, Nghiêm Toản, Nguyễn Văn Thích, Đông Hồ, Thanh Lãng, Lê Văn Lý, Nguyễn Văn Khôn, Bửu Cầm... đều khuyến khích chúng tôi có mặt đông đủ vào hôm ấy, như một buổi học ngoại khoá. Nếu tôi nhớ không nhầm, đó là năm 1961, cũng đã diễn ra một sự kiện văn hoá tương tự: Giáo sĩ Đắc Lộ và Tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên - Phép Giảng Tám Ngày , một công trình văn hoá đức tin đã được Ban Sử học của Tinh Việt Văn Đoàn trân trọng giới thiệu ra mắt báo chí và công chúng Sài gòn(7). Được biết, đây là quyển sách Giáo Lý Công giáo đầu tiên của người Công giáo Việt Nam, nguyên văn bằng tiếng La Tinh, do giáo sĩ Đắc Lộ biên soạn và cũng do Bộ Truyền giáo Roma xuất bản năm 1651. tải xuống 1Tính ra, phải đợi mất 310 năm sau, người Công giáo Việt Nam mới sở hữu ấn bản tiếng mẹ đẻ và có lẽ, cũng xuất xứ từ đây, các sách Giáo Lý được các thế hệ hữu trách biên soạn, phổ biến rộng đến cộng đồng giáo xứ, đoàn thể. Người làm công việc chuyển ngữ sang tiếng Việt này là nhạc sĩ - giáo sư - nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên. Không lạ gì, chính ông là người đầu tiên tiếp cận và triển khai đề tài chuyên biệt này; cụ thể là năm 1958 tại Đại học Gregoriana, Roma, Nguyễn Khắc Xuyên đã bảo vệ thành công cấp bằng Tiến sĩ với luận án mang tên Le Cathechisme du Pere Alexandre de Rhodes,1651.(8) Như vậy là, kinh qua một chặng đường dài 342 năm (1651-1961 và 1993), Phép Giảng Tám Ngày khởi đi từ Bộ Truyền giáo, Roma (1651); qua 2 ấn bản Pháp ngữ của Henri Chappoulie (1943) và của Andre Marillier (1955); đến bản Việt ngữ của Nguyễn Khắc Xuyên (1961) và cuối cùng ấn bản toàn tập của Tủ sách Đại Kết, Sài gòn (1993). Quốc ngữ, qua Phép Giảng Tám Ngày, một lần nữa, hiện ra đầy đủ hồn cốt ban đầu, còn dò dẫm, thô mộc; giúp đời sau và sau nữa nhìn lại bước đi chập chững của thời gian đã mất; đồng thời được chung mối đồng cảm sâu xa với những đoạn trường chìm nổi của những người đi trước, đã khổ công kiếm tìm, gầy dựng và vun đắp, để chúng ta có được,như ngày nay.

Nói như học giả Phạm Quỳnh, nợ văn hoá là món nợ chung thân. Và Nguyễn Văn Vĩnh thì bảo Quốc ngữ là chữ nước ta. Hỏi chứ, chúng ta đã nghĩ gì và làm gì để đền ơn đáp nghĩa ấy, sau mấy trăm năm?
 

273868046 3062863310695516 2979337572165676457 n
Nhà Ngiên cứu văn hóa Công giáo Việt Nam Lê Đình Bảng

 

Chú thích:

 

(1) Missi(Magazine d’Information Spirituel et de Solidarite Internationale) Nguyệt san chuyên đề của Dòng Tên, Hà Nội, số phát hành tháng 5.1961, tr.147.

(2) Có ý nói đến trường hợp một số quốc gia đồng văn - đồng chủng với Trung quốc, như Nhật bản và Triều Tiên, đến nay vẫn còn bị ràng buộc với thứ chữ tượng hình cố cựu, sau biết bao phen xoay vần, cải cách triệt để.

(3)(4) Linh mục Giuse Đỗ Quang Chính, Dòng Tên(1929-2012), tiến sĩ Sử học Sorbonne 1972. Giáo sư Sử học tại Đại học Đà Lạt, Huế, Minh Đức, Giáo Hoàng Học viện Pio X Đà Lạt; thành viên Uỷ Ban Ngôn Ngữ của Viện Khoa Học Xã hội Việt Nam; tác giả nhiều bộ sách chuyên sâu về lịch sử, quốc ngữ ,dòng Tên và riêng về Đắc Lộ, từ 1972 đến 2005: Lịch Sử Chữ Quốc ngữ (1620-1659), Ra Khơi, Sài gòn,1972; Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt, 1998; Hai Giám mục Đầu Tiên tại Việt Nam,2005; Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công giáo Việt Nam, 2005...

(5) Raphael de Rhodes - Raphael Đắc Lộ (1611-1687), nguyên quán Quảng Nam. Theo tự thuật của Đắc Lộ, Raphael rất nhiệt thành với công việc của một Thầy giảng; tỏ rõ mẫu gương của một trí thức thông thạo ngôn ngữ Hán, Nôm, Bồ, La, Hoà Lan, Xiêm, là một trong những cộng tác viên thân cận nhất của Đắc Lộ, vì thế được mang tên Đắc Lộ.

(6) Tham khảo bản đồ quy hoạch của Toà Đô chánh Sài gòn 1956 của tác giả Ngô Văn Phát,bút hiệu Thuần Phong, quê quán Bạc Liêu, sinh năm 1910 và mất năm 1983 tại Sài gòn. Ông là giáo sư Việt văn trường Petrus Ký, Trưởng phòng hoạ đồ thuộc Toà Đô chính Sài gòn. Theo ông,để đánh dấu việc dành độc lập từ tay người Pháp, Toà Đô chánh được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt, mà chính ông là tác giả.

(7) Tinh Việt văn Đoàn, tên của một nhóm nhà văn, do Phạm Đình Khiêm và Phạm Đình Tân sáng lập, chủ trương. Khởi đầu với nguyệt san Thanh Niên (1936-1943) tại Hà Nội. Từ năm 1954, tại Sài gòn,ra mắt tuần báo Văn Đàn (số 1, ngày 01.6.1960), cơ quan ngôn luận văn nghệ, giáo dục, xã hội, có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp văn hoá, giáo dục Công giáo.

(8) Giacôbê Nguyễn Khắc Xuyên (1923-2005), bút hiệu Hồng Nhuệ, nguyên quán Hà Nội, đồng sáng lập nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh tại Sở Kiện, Hà Nam (1947) cùng với nhạc sĩ Hùng Lân, Duy Tân, Trần Đình Nam... Nguyễn Khắc Xuyên là tác giả của khá nhiều công trình chuyên sâu về Văn hoá, Quốc ngữ và Đắc Lộ, xuyên suốt thời gian 1958-1999: Xung quanh vấn đề thành lập chữ Quốc ngữ ,Sài gòn, 1959; Giỗ 300 (1660-1960) năm vị sáng lập chữ Quốc ngữ: Giáo sĩ Đắc Lộ, Sài gòn, 1960; Giáo sĩ Đắc Lộ tác và Tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên: Phép Giảng Tám Ngày ( cùng với Phạm Đình Khiêm), Sài gòn, 1961; dịch sang Việt ngữ: Lịch Sử Vương quốc Đàng Ngoài (Histoire du Royaume de Tunkin,1651); Hành Trình và Truyền Giáo (Divers Voyages et Missions, 1653); Tự Vị Annam La Tinh (1772-1773) của Pigneau de Behaine, 1999...

Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây